Phải chăng chính sách đối ngoại của Mỹ đã thất bại?

09:52 | 04/10/2011

1,284 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Hỗ trợ cho Israel một cách thiển cận như “phải bùa” của Nhà nước Do Thái, luẩn quẩn trong cuộc chiến ở Afghanistan, chính sách đối ngoại của Barack Obama một lần nữa đang hứng chịu những lời chỉ trích, oán trách dữ dội từ phía công luận trong nước và quốc tế.

Ông Obama đang hỗ trợ cho Israel một cách thiển cận và luẩn quẩn trong cuộc chiến ở Afghanistan.

Sự đầu hàng khốn khổ của Obama trước Israel về vấn đề Palestine đã gây sốc cho nhiều người và phá hoại nghiêm trọng chỗ đứng của Mỹ trong thế giới Arab và Hồi giáo. Những lời lẽ hùng hồn cảm thông chia sẻ với nỗi đau của người Palestine trong bài diễn văn đọc tại Cairo (Ai Cập) ngày 4/6/2009 của vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ hóa ra cũng chỉ là những “lời nói gió bay” khi ông cần đến những lá phiếu của người Mỹ gốc Do Thái trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 hơn.

Nếu ông Obama quyết sử dụng quyền phủ quyết của Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn quyền được công nhận độc lập và trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc của Nhà nước Palestine, ông sẽ thất bại trước những người “bài Hồi giáo” mà ông từng hy vọng chế ngự được họ.

Chính sách của ông Obama ở Afghanistan cũng sai lầm không kém. Một mặt, ông chủ trương đối thoại với Taliban, muốn kéo Taliban vào các cuộc đàm phán. Nhưng mặt khác, một số người lãnh đạo quân đội và quan chức ngoại giao trong chính phủ của ông lại không ngần ngại tỏ rõ ý muốn diệt trừ Taliban trước tiên. Chính sự mâu thuẫn này đã làm khó cho việc “lôi” các phần tử nổi dậy Taliban vào bàn đàm phán.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Thời báo Phố Wall, Ryan Crocker, Đại sứ mới của Mỹ tại Kabul (Afghanistan) đã khẳng định rằng: xung đột sẽ vẫn còn tiếp diễn chừng nào Taliban chưa bị tiêu diệt.

Đến đây thì người ta không thể không tự hỏi: Ai mới là người phụ trách chính sách của Mỹ?

Trong một thông điệp nhân dịp lễ Eid -al-Fitr kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo, Mullah Muhammad Omar, lãnh đạo của lực lượng Taliban tại Afghanistan có vẻ đã gợi ý sẵn sàng cho một cuộc đàm phán toàn diện. “Tất cả các điều khoản hợp pháp có thể được xem xét để đạt được mục tiêu xây dựng một Nhà nước Hồi giáo độc lập ở Afghanistan”, ông nói. Đồng thời, ông này kêu gọi các cường quốc nước ngoài rút quân ngay lập tức “để đạt được giải pháp lâu dài cho vấn đề này”. Ám chỉ đến các lực lượng đối lập trong nước, thủ lĩnh Taliban đã nhấn mạnh rằng Taliban không muốn độc chiếm quyền lực và “xuôi xuôi” với một giải pháp một chế độ Hồi giáo của tất cả người dân và dân tộc đang sinh sống trên lãnh thổ Afghanistan.

Thế nhưng Mỹ và các đồng minh có phản ứng tích cực gì với thông điệp này?

Một hội nghị diễn ra tại Bonn vào tháng 12 tới sẽ bàn thảo về tình hình Afghanistan – nơi NATO đang tiến hành một cuộc chiến mà những cái Mất còn lớn hơn cái Được. Nhưng trước khi hội nghị này diễn ra thì đã có khoảng 25.000 binh sĩ Afghanistan đã đào ngũ trong 6 tháng đầu năm nay bởi họ không còn tin chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai sẽ bảo vệ được họ và gia đình của họ. Trong khi đó, liên quân sẽ rút về nước vào cuối năm 2014 và chuyển giao an ninh cho lực lượng Afghanistan chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Vấn đề trở nên càng ngày càng nghiêm trọng khi chiến lược chống Taliban của Mỹ đang phải đương đầu với những thách thức và rắc rối thực sự:

Trong tháng 7, em trai Tổng thống Karzai, ông Ahmad Wali Karzai đã bị bắn chết ở Kandahar.

Trong tháng 8, quân Taliban nổ súng tấn công Hội đồng Anh ở Kabul. Ngày 10/9, một chiếc xe tải chứa chất nổ bên trong đã lao vào một căn cứ của NATO ở tỉnh Wardak, phía Tây Nam thủ đô Kabul giết chết 5 người và làm 77 binh sĩ Mỹ bị thương. Ngày 13/9, quân nổi dậy lại tổ chức một cuộc tấn công quy mô kéo dài 20 giờ nhắm vào Đại sứ quán Mỹ và trụ sở ISAF tại trung tâm thủ đô Kabul – nơi được cho là vành đai bảo vệ an toàn nhất trên đất Afgahnistan.

Và vào ngày 20/9, Burhanuddin Rabbani, cựu Tổng thống Afghanistan và là người đứng đầu Hội đồng Hòa bình tối cao Afghanistan đã bị ám sát với những nghi ngờ đổ dồn lên mạng lưới khủng bố Haqqani do Pakistan hậu thuẫn.

Không có gì để nghi ngờ về việc Pakistan có lợi ích chiến lược sống còn ở Afghanistan và muốn đánh bật ảnh hưởng của Ấn Độ ra khỏi quốc gia này. Pakistan rất e ngại chính quyền của ông Karzai sẽ kết thân với Ấn Độ và chắc chắn sẽ thích một chính phủ Taliban ở Afghanistan hơn là một chính phủ do Mỹ hậu thuẫn của ông Karzai. Trong bất kỳ trường hợp nào, cái chết của Rabbani cũng sẽ cướp đi của ông Karzai một đồng minh quan trọng và khiến ông này phải thận trọng “nhìn trước, nhìn sau” trong quan hệ với Pakistan. Sự vụ này cũng có thể là một bước tiến đẩy Afghanistan vào một cuộc nội chiến nếu không nỗ lực giảng hòa với Taliban.

Bây giờ cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động ở Afghanistan đã bước vào năm thứ 11 và mỗi năm rút túi của người nộp thuế Mỹ khoảng 120 tỷ USD. Có thể nói, cuộc chiến Afghanistan đã rút cạn các nguồn lực của Mỹ, làm Pakistan suy yếu nghiêm trọng và đe dọa phá hủy mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hồi quốc.

Phát biểu tại Thượng viện Mỹ hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, Đô đốc Mike Mullen – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã cáo buộc quân đội Pakistan và lực lượng tình báo nước này (ISI) đã “đi đêm” với Haqqani. Ông Mullen cho rằng, bằng cách sử dụng “chủ nghĩa cực đoan bạo lực như một công cụ chính sách”, Pakistan đã phá hoại các nỗ lực quân sự của Mỹ và làm phương hại tới mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – Pakistan.

Phản ứng ngay tức thì, ngày 22/9, trên BBC, tướng Asad Durani, một cựu lãnh đạo ISI đã mô tả mối quan hệ Mỹ – Pakistan đang ở trong tình trạng “xung đột cường độ thấp” và rằng Pakistan nên hỗ trợ các địch thủ của Mỹ ở Afghanistan nếu quân đội Mỹ còn tiếp tục sử dụng máy bay không người lái không kích các mục tiêu trên đất Pakistan.

Trong khi đó, trong nỗ lực săn tìm Taliban và những người ủng hộ họ, các lực lượng đặc biệt của Mỹ đã thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công ban đêm ở Afghanistan, như vụ tấn công hôm 2/9 vừa qua vào nhà riêng của ông Sabar Lal, một người giàu có ở Afghanistan ở Jalamabad.

Theo báo chí đưa tin, quân Mỹ đã vượt tường rào đột nhập vào nhà Sabar Lal, còng tay, bịt mắt ông này và một số người đang có mặt trong nhà. Sau đó họ đưa Sabar Lal lên sân thượng và thủ tiêu. Chưa biết Sabar Lal có phải là một phần tử nổi dậy hay không nhưng người đàn ông đã chiến đấu với quân Liên Xô ở Afghanistan, trải qua 5 năm ở nhà tù Guantanamo không đủ để xoa dịu những nghi ngờ của liên quân xuyên Đại Tây Dương.

Trong tuyên bố của NATO sau đó, ông này được coi là một nhân vật chủ chốt của Taliban, người đã tổ chức các vụ tấn công tại tỉnh Kuna và cung cấp tài chính cho các chiến dịch của phe nổi dậy.

Còn theo Washington Post, chính quyền Obama đã sử dụng máy bay không người lái do CIA điều khiển thực hiện các cuộc tấn công al-Qaeda ở Afghanistan, Iraq, Libya, Pakistan, Somalia và Yemen. Đã có 2.000 sinh mạng của binh lính và dân thường đã bị cướp đi bởi các chương trình máy bay không người lái của Mỹ kể từ năm 2001.

Bạo lực chỉ đẻ thêm ra bạo lực. Chính chính sách đối ngoại của Mỹ đã và đang tạo ra nhiều kẻ khủng bố hơn số kẻ mà CIA được lệnh phải tiêu diệt. Thay vì sử dụng các lực lượng đặc biệt của mình để thực hiện sứ mệnh giữ gìn hòa bình, thúc đẩy cách mạng và tiến bộ xã hội ở những nơi khác, tốt hơn, Mỹ nên đơn giản tuyên bố thắng lợi ở Afghanistan, rút quân Mỹ ở các nơi về nước và chuyên tâm chăm sóc các vết thương ở chính trong xã hội đang bị tổn thương của mình.

Phương Anh (Theo Diplomat)