PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Không thi lịch sử, ngoại ngữ là sai lầm

07:00 | 20/01/2014

1,026 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2014 và những năm tiếp theo, nhiều ý kiến của các nhà làm giáo dục cũng như các chuyên gia đã được nêu ra. Hai phương án thi tốt nghiệp mới được Bộ GD&ĐT đưa ra chỉ áp dụng đến khi chương trình - sách giáo khoa mới hoàn thành. Có thể coi đây là giải pháp tạm thời của ngành giáo dục, để giảm bớt gánh nặng thi cử cho học sinh trước khi chúng ta tiến hành đổi mới toàn diện nền giáo dục. Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ để có cái nhìn tổng quát về vấn đề này.

Năng lượng Mới số 292

Giảm áp lực thi cử

PV: Ông nhận xét gì về dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa công bố cách đây ít ngày?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Trước hết cần khẳng định, thi cử là một vấn đề quan trọng. Nếu chúng ta làm nghiêm túc, thi cử chính là động lực thúc đẩy việc học tập của học sinh, đồng thời cũng tạo điều kiện cho từng học sinh nhìn lại mình để xem được và chưa được ở điểm nào. Tuy nhiên, nếu ta đánh giá không đúng thì sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt cho cả nền giáo dục. Vì thế, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục có khẳng định, khâu đầu tiên chính là đổi mới thi cử và đánh giá. Tôi cho rằng đây là điều đúng đắn và cần thiết.

Tôi cũng đánh giá đây là một tín hiệu đáng mừng, đáng hoan nghênh khi Bộ GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến của xã hội. Tuy nhiên, dự thảo của Bộ GD&ĐT hiện chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, bởi hiện nay việc đổi mới này chưa thực chất. Theo tôi, việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT phải gắn liền với thi và tuyển sinh vào đại học chứ không thể tách rời nhau được. Hai kỳ thi này tổ chức quá sát nhau, mỗi kỳ thi tốn kém của Nhà nước cả nghìn tỉ đồng và còn nhiều tiêu cực, khiến dư luận xã hội lên án và yêu cầu phải đổi mới. Bây giờ cần phải thay đổi tận gốc, triệt để, đánh giá cả quá trình kết hợp với việc đánh giá thời điểm như hiện nay.

PV: Việc Bộ GD&ĐT dự kiến thi 2 môn bắt buộc gồm toán - ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử liệu có phù hợp với tình hình giáo dục hiện nay không? Có nên chỉ coi ngoại ngữ là môn thi để cộng điểm khuyến khích không?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Kỳ thi phổ thông chỉ nên 4 môn, tuy nhiên Bộ mới chỉ đưa 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn. Tôi hoàn toàn đồng tình với quyết định này của Bộ GD&ĐT, bởi toán là môn giúp chúng ta có tư duy, văn để viết về đất nước, cách hành văn, theo tinh thần làm bài thi dạng tự luận, không hỏi mà để cho học sinh tự phải nghĩ ra để viết. Tuy nhiên, nếu không đưa môn ngoại ngữ thành môn bắt buộc thì làm sao chúng ta có thể hội nhập được? Chúng ta đã hội nhập từ khá lâu, nhưng không biết tiếng Anh không giao tiếp được thì chúng ta hội nhập với ai?

Mặc dù Bộ GD&ĐT có giải thích là do sự thiếu đồng đều trong cách giảng dạy ngoại ngữ giữa các địa phương, nhưng tâm lý chung của học sinh vẫn là “môn nào không thi thì đều coi thường”. Cho nên mặc dù Bộ có khuyến khích, nhưng theo tôi, nên đưa ngoại ngữ thành môn bắt buộc. Còn tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương, Bộ có thể “châm chước” để lựa chọn một môn khác thay cho môn ngoại ngữ. Và chỉ trong một vài năm nữa, Bộ cần bắt buộc tất cả các địa phương đều phải thi ngoại ngữ.

Hơn thế nữa, việc Bộ GD&ĐT không cho phép dạy ngoại ngữ từ mầm non mà dạy từ lớp 3 là điều sai lầm. Giáo trình ngoại ngữ và các môn khác, chúng ta nên học tập của nước ngoài và Việt hóa nó cho phù hợp với học sinh của chúng ta. Tuy nhiên, có 3 môn mà chúng ta cần phải nghiên cứu viết sách giáo khoa cho nghiêm túc là ngữ văn, lịch sử và đạo đức. Đến lúc đó, có lẽ chúng ta sẽ không lãng phí đến 70.000 tỉ để dành cho việc soạn thảo cả bộ sách giáo khoa như hiện nay.

Bên cạnh đó, theo tôi còn một môn thi cần phải đưa thành môn bắt buộc, đó chính là môn lịch sử. “Dân ta phải biết sử ta”, chúng ta có lịch sử hào hùng như thế, học sinh của chúng ta phải học để biết được điều đó. Chúng ta phải hiểu biết, phải vững sử để tự hào về dân tộc.

Ngoài kết quả các môn thi cuối khóa trên, việc xét cấp bằng phải căn cứ vào kết quả học các môn ở bậc THPT. Việc này nếu chuẩn bị tích cực thì Bộ cũng có thể tiến hành thi tốt nghiệp phổ thông trong năm 2014-2015, Bộ có thể xem đây như là kỳ thi ba chung của Bộ hiện nay.

PV: Theo PGS, nếu chúng ta tổ chức thi bắt buộc 4 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ và lịch sử, vậy các môn học còn lại, chúng ta sẽ đánh giá thế nào?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Như tôi đã khẳng định, 4 môn đó chỉ sử dụng để đánh giá khâu cuối cùng, còn tất cả các môn chúng ta đã học thì đều phải có đánh giá. Nhưng cách chúng ta đánh giá chính là thông qua kết quả học tập 3 năm trong nhà trường. Chúng ta căn cứ vào kết quả của 3 năm học THPT, cho nó một tỷ lệ nhất định để xem xét kết quả tốt nghiệp.

Sự thật là, nếu chúng ta không đánh giá cả quá trình mà chỉ dựa vào 4 môn thi tốt nghiệp đó thì học sinh sẽ lơ là và chúng ta sẽ đánh giá không thực chất chất lượng của giáo dục nước nhà. Theo tôi, việc đánh giá quá trình học sẽ chiếm 40% (thay cho 50% như Bộ GD&ĐT công bố) là vừa đủ, còn 4 môn thi chiếm tỷ lệ khoảng 60% trong kết quả đánh giá. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ đảm bảo trong cả quá trình học không có ai lơ là. Còn  các môn tự chọn như vật lý, hóa học, sinh học, địa lý thì chúng ta sẽ để cho các trường đại học đánh giá. Ví dụ, khi một học sinh đăng ký vào Khoa Vật lý của Đại học Sư phạm, học sinh này sẽ tham dự kỳ thi vật lý do chính trường đại học tổ chức, thay vì thi vật lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Như vậy, có thể lấy điểm quá trình học tập của học sinh là 40% và điểm thi tốt nghiệp 60% rồi cộng lại. Tất nhiên, các môn khác giáo viên đánh giá vẫn đạt ở mức 40% thì vẫn có giá trị trong kỳ thi. Như vậy 3 năm học ở phổ thông học sinh phải học đều đặn các môn, nếu các em chỉ tập trung vào 4 môn thi tốt nghiệp cũng chỉ được 60%. Cách đánh giá như vậy phù hợp với đổi mới (vừa đánh giá theo quá trình, vừa đánh giá theo cuối kỳ mà ở thế giới cũng làm như vậy).

Ngoài ra, với 4 môn thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc chỉ tổ chức thi 1-2 ngày để giảm áp lực cũng như tốn kém tiền bạc của toàn xã hội. Như vậy, chúng ta cần xem xét lại cách ra đề, sao cho ngắn gọn mà vẫn đánh giá được năng lực của học sinh, tránh tình trạng học sinh “học gạo”, tạo áp lực thi cử cho học sinh.

Miễn thi tràn lan sẽ tạo kẽ hở cho tiêu cực

PV: Về con số 20% học sinh sẽ được miễn thi tốt nghiệp, trong đó có cả những học sinh có thành tích học tập tốt. Theo ông, điều này có nên không?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Trước đây, Bộ GD&ĐT cũng đã từng miễn thi tốt nghiệp THPT cho một số đối tượng học sinh. Năm đầu, tỷ lệ này chiếm 5%, nhưng các năm sau “ào ào” tăng lên. Theo tôi, với cách quản lý của chúng ta hiện nay, việc miễn thi là không nên tràn lan như vậy mà chỉ miễn thi cho một số đối tượng đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế và các kỳ thi quốc gia. Còn những học sinh giỏi, có thành tích học tập trong cấp THPT tốt thì không nhất thiết phải miễn thi, vì những học sinh này chắc chắn sẽ đỗ tốt nghiệp.

Mặc dù Bộ GD&ĐT tính toán, nếu miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh thì sẽ tiết kiệm được 20% chi phí cho phòng ốc, đội ngũ giáo viên ra đề, trông thi… nhưng lại không bù lại được những nguy cơ từ tiêu cực trong thi cử. Tôi nghĩ, không có trường hợp nào được miễn thi ở đây, đây là một kỳ thi đánh giá quốc gia thì tất cả mọi người phải tham gia đánh giá. Phải đánh giá quá trình như trước tôi nói, hai là đánh giá quốc gia. Miễn như vậy sẽ xảy ra tiêu cực trong việc chạy điểm, chạy lớp… đây là kỳ thi quốc gia, đề thi của Bộ. Đương nhiên, những học sinh giỏi thì kể cả thi cùng với bạn bè thì cũng sẽ đỗ, có thể đỗ cao. Sau này sử dụng điểm thi đó cho các trường có thể tuyển chọn hay xét tuyển.

Bộ GD&ĐT nên xem xét đưa Ngoại ngữ và Lịch sử vào các môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Việc miễn thi này không tạo được sự khuyến khích nào cho các em cả. Thà rằng sau một kỳ thi nghiêm túc, những em nào có điểm cao từ trên xuống, nếu Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thi 3 chung thì có thể tuyển thẳng vào đại học. Tuy nhiên, với điều kiện kỳ thi tốt nghiệp THPT phải thực sự nghiêm túc, thực chất, khi đó, Bộ GD&ĐT có thể miễn thi đại học cho 20%, thậm chí là 30% học sinh cũng là hợp lý.

Thêm vào đó, bằng tốt nghiệp THPT không chỉ có tính chất đánh giá trong một quốc gia mà còn có tính chất quốc tế. Vì thế, để cấp bằng tốt nghiệp THPT thì nhất định các học sinh phải trải qua kỳ thi sát hạch, đánh giá chất lượng.

PV: Chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay chưa đảm bảo mức tối thiểu, trong khi đó, kết quả thi tốt nghiệp hằng năm luôn đạt 80-90%, bây giờ lại thêm 20% học sinh được miễn thi. Theo ông, nghịch lý đó nói lên điều gì?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi, nếu việc miễn thi này được thực hiện, bên cạnh một kỳ thi tốt nghiệp THPT thiếu thực chất, thiếu nghiêm túc thì Bộ GD&ĐT đúng là đang dần “coi nhẹ” kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đó là một sự sai lầm! Bởi học sinh học 12 năm trời, chúng ta không đánh giá được họ học cái gì, học như thế nào; trong khi đó, hiện nay Bộ GD&ĐT đang coi trọng một kỳ thi vào đại học, mặc dù kỳ thi này chỉ có tính chất quốc gia và gây tốn kém.

Thi tốt nghiệp không nhất thiết phải đỗ 80-90%, mà ra đề thi để đánh giá đạt khoảng 60-70% là tốt, những người không đỗ thì cấp cho các em chứng chỉ học xong bậc phổ thông và nên cho giấy đó một giá trị trong việc đăng ký trung học nghề, nghề ngắn hạn.

Việc chúng ta cần làm hiện nay là tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp thật nghiêm túc, đến thời điểm đó, có thể chúng ta không cần tổ chức kỳ thi đại học nữa.

PV: Nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn việc áp dụng những thay đổi ngay trong năm 2014 sẽ gây ra nhiều xáo trộn trong việc dạy và học. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Như tôi đã nói, việc thi cử là việc rất hệ trọng, cần tổ chức một cách chu đáo và không được gấp gáp. Bên cạnh đó, việc thi 4 môn như dự thảo đưa ra cũng cần gắn liền với việc đánh giá cả quá trình học tập của học sinh. Cho nên, năm nay đưa ra áp dụng dự thảo này có lẽ hơi vội vàng.

Mặc dù đổi mới khâu thi cử, đánh giá được cho là yếu tố quan trọng, cần thay đổi đầu tiên để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; nhưng nếu chúng ta muốn áp dụng ngay trong năm nay thì bắt buộc phải dốc toàn lực. Nếu chúng ta có sự chuẩn bị kỹ càng hơn để sang năm 2015, chúng ta áp dụng kỳ thi này để dần thay thế cho 2 kỳ thi cũ thì tôi cho là tốt hơn.

Nếu để sang năm 2015, chúng ta cần phải đưa ra chủ trương 2 kỳ thi trong 1, nghĩa là gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng chung lại 1 kỳ thi. Thứ hai, cần chuẩn bị cho tất cả các trường phổ thông phải nghiêm túc đánh giá việc dạy và chất lượng học sinh trong quá trình học tập. Đến thời điểm này, khâu đánh giá ở trường phổ thông chưa tạo được độ tin cậy, hơn thế nữa, trong dự thảo điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT còn nhấn mạnh sẽ lấy điểm quá trình vào một phần kết quả thi tốt nghiệp THPT; vì thế chúng ta cần nghiêm túc chấn chỉnh lại việc đánh giá này, tránh tạo điều kiện cho tiêu cực xảy ra. Và cuối cùng, nếu đã thi và đánh giá theo kiểu mới thì đề thi không thể vẫn theo kiểu cũ mà phải có sự điều chỉnh tương ứng.

Vì thế, theo tôi, nếu Bộ GD&ĐT có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì nên để đến năm sau áp dụng cách thức thi mới này, chứ cũng không thể kéo dài quá lâu.

Không bỏ thi tốt nghiệp THPT mà đổi mới thực chất hơn

PV: Trong những năm gần đây, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Trong đó có nhiều ý kiến cho rằng, nên xem xét lại kỳ thi này; theo ông, có nên tiếp tục tổ chức kỳ thi này hay không?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Đúng là có nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì có quá nhiều tiêu cực và bất cập xung quanh nó. Nhưng theo tôi nghĩ, điều này là không đúng. Thay vào đó, việc các nhà quản lý giáo dục cần làm không phải là hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà cần đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi này sao cho thật sự nghiêm túc và xem xét bỏ kỳ thi đại học. Còn trong thời gian chưa thể bỏ được kỳ thi đại học, Bộ GD&ĐT nên tổ chức thi thật nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp từ khâu ra đề thi, tổ chức thi, chống gian lận thi cử…

Theo tôi, phải đổi mới cách đánh giá, đổi mới mà không tốn tiền lại có chất lượng. Trước kia chúng ta chỉ đánh giá học sinh vào một thời điểm, chọn một số môn vào thời điểm để đánh giá thì học sinh không cần học. Mười mấy môn học mà đánh giá có 6 môn qua kỳ thi tốt nghiệp, học mà không đánh giá thì học sinh rõ ràng cần gì phải học.

Vì vậy, điều chúng ta cần làm hiện nay, không phải là bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà phải tổ chức rất tốt, rất nghiêm túc và đánh giá thật sự đúng mực để làm cơ sở cho học sinh vào đại học và làm cơ sở cho việc tự chủ tuyển sinh đại học, đến thời điểm ấy, chúng ta hoàn toàn có thể bỏ được kỳ thi đại học. Bởi 2 kỳ thi này tổ chức quá sát nhau, chỉ trong vòng 1 tháng, trong đó kỳ thi trước và kỳ thi sau không đánh giá được hết chất lượng học sinh mà lại tốn kém tiền của cho xã hội.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng quá gần nhau, không có tác dụng bổ trợ cho nhau mà còn gây nhiều tốn kém. Ông có góp ý gì để nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT để kỳ thi này thực chất và phản ánh đúng chất lượng học sinh?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Chúng ta cần phải đánh giá nó thực chất và hạn chế tiêu cực trong thi cử. Tiêu cực là do tư duy học tập chúng ta xác định chưa đúng đắn. Hiện nay rất nhiều người đang tư duy “học để lấy bằng, học vì bằng cấp”, điều này là hoàn toàn sai trái và dẫn tới những gian dối, tiêu cực trong dạy và học tại các trường, các địa phương hiện nay.

Bộ GD&ĐT nên giao việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn cho địa phương, cho các Sở GD&ĐT và các trường THPT thực hiện. Cần giao toàn quyền và phải tin vào cơ sở để tự chủ tổ chức sát hạch tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, Bộ giao quyền cho các địa phương nhưng phải thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra để hạn chế đến mức tối đa những tiêu cực trong công tác tổ chức thi cử.

Chúng ta cần thay đổi tư duy giáo dục và tư duy học tập, nghĩa là phải hiểu được việc học để làm gì? Và điều này cần thay đổi ngay từ học sinh và các thầy, cô giáo, phải xóa bỏ tư duy bằng cấp và suy nghĩ học để báo cáo lấy thành tích mà phải học lấy thực chất, để tăng cường hiểu biết của từng học sinh.

Để thay đổi tư duy học tập thì cần thay đổi cách dạy và cách học trong nhà trường hiện nay. Các thầy, cô giáo cần bỏ cách dạy kiểu đọc - chép truyền thống mà cần gợi mở vấn đề cho học sinh tự nghiên cứu, tự phản biện, giáo viên chỉ có nhiệm vụ tổng hợp và giải đáp các vướng mắc trong bài học. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nên tăng cường dạy các kỹ năng, chứ không chỉ gói gọn trong việc dạy kiến thức, như kỹ năng làm việc nhóm, xử lý tình huống, lên kế hoạch, thuyết trình…

Trước đây, quan niệm học tập của chúng ta là “học một lần, sống cả đời”, vì thế nên chương trình học có nhiều môn rất nặng. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” do Bộ GD&ĐT trình lên, chúng ta cần phải thay đổi quan niệm này trở thành “học những điều cơ bản trong từng giai đoạn và phải học tập suốt đời”.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ, chúng ta nên thay đổi cách đánh giá học sinh, có thể ngay từ khi học hết cấp II, sẽ tổ chức một kỳ thi để phân loại học sinh khi lên cấp III, 40% học sinh có điểm cao sẽ học trường tiếp lên đại học, 30% học sinh điểm trung bình sẽ được đào tạo hệ THPT có nghề, sau khi học xong sẽ có nghề, với 30% học sinh yếu, kém thì đào tạo tay nghề luôn, làm khảo sát xã hội học để dạy những nghề xã hội thiếu và cần. Sau khi hết cấp III, các em phải trải qua kỳ thi với 4 môn cơ bản, rồi thi lên đại học, cao đẳng. Như vậy, học sinh muốn học đại học thì phải phấn đấu ngay từ đầu và là cả một quá trình, các trường đại học cũng có thể lựa chọn được những sinh viên tốt nhất mà không gây áp lực nhiều cho học sinh.

Về chương trình học, nên phân ban ngay từ đầu cấp III làm 2 ban: tự nhiên và xã hội, chương trình học giảm xuống chỉ còn 2 năm, giảm tải những chương trình không cần thiết vì chương trình học của chúng ta hiện nay còn khá nặng mà chưa thực sự hữu ích. Bớt được thời gian học 1 năm là chúng ta tăng được vài trăm triệu ngày công của xã hội, giảm kinh phí cho ngành giáo dục hàng chục nghìn tỉ đồng, số tiền tiết kiệm đó có thể sử dụng để nâng cao cơ sở vật chất và đời sống giáo viên.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vương Tâm (thực hiện)