Oan cho xe máy!

11:09 | 28/09/2011

418 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
PGS.TS Bùi Xuân Cậy trưởng khoa công trình Đại học Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng để hạn chế, cấm xe máy thì phải có phương tiện giao thông công cộng (GTCC) phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.

Ông Cậy cho rằng: Dân cư các đô thị tăng lên không ngừng do dân số tăng và nhu cầu công việc là quy luật chung. Để giải quyết nhu cầu đi lại ở đô thị phải dựa vào phương tiện giao thông công cộng (GTCC) có sức chở lớn như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, tàu điện mặt đất, xe buýt nhanh hoặc loại có năng lực vừa phải như xe buýt. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng để tiến tới một thành phố văn minh thì về giao thông phải có 50% số người đi lại bằng phương tiện GTCC, 50% còn lại đi bằng phương tiện cá nhân hoặc đi bộ. Nhưng chúng ta hiện nay đến 90% người đi lại bằng phương tiện cá nhân.

Ông Bùi Xuân Cậy

Xe máy không gây ùn tắc

* Theo đề xuất của lãnh đạo TP Hà Nội và TP HCM cũng như chỉ đạo của Chính phủ, cần hạn chế xe máy để chống ùn tắc giao thông. Vậy xe máy có phải là nguyên nhân gây ùn tắc?

- Về chuyên môn thì trong sách giáo khoa ai cũng nói phương tiện giao thông cá nhân là nguyên nhân làm ùn tắc giao thông. Nhưng đối với các nước phát triển, phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu là ôtô con. Còn chúng ta chủ yếu là xe máy. Đây là phương tiện hợp túi tiền người dân các nước đang phát triển và là phương tiện năng động, chiếm chỗ trên đường ít, kể cả chỗ để.

Về mặt khoa học, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và thấy xe máy không phải là phương tiện gây ùn tắc giao thông khi so với xe buýt. Nếu một làn đường rộng 3,5m dành cho xe máy chạy thì mỗi giờ lưu thông được 3.000- 3.500 xe máy, nếu xe máy chở hai người thì có khi chở đến hơn 4.000 người. Trong khi đó nếu làn đường ấy cho xe buýt loại 50 ghế chạy với tần suất ba phút/chuyến thì một giờ có 20 xe chạy qua cũng chỉ chở được 1.000 người. Do vậy, việc lâu nay chúng ta kết luận xe máy là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông thì đó là nỗi oan cho xe máy. Lúc đầu các nhà khoa học châu Âu không tin nhưng qua nghiên cứu của chúng tôi, họ đánh giá là đúng.

* Vậy nếu tiến hành hạn chế xe máy trong tình hình hiện nay thì xe buýt – phương tiện GTCC chủ lực và duy nhất – ở các đô thị của chúng ta có đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân?

- Hiện GTCC ở Hà Nội và TP HCM rất yếu kém. Người ta nói một thành phố 1 triệu người trở lên phải có những phương tiện GTCC có sức chở lớn như tàu điện ngầm hoặc đường sắt trên cao. Nhưng TP HCM có đến 10 triệu dân, Hà Nội mở rộng đến 7 triệu dân vẫn chỉ có xe buýt thì không đảm đương được. Xe buýt ở Hà Nội hiện nay đến ngưỡng tới hạn, nếu tăng xe thì còn tắc đường nữa và cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu đi lại của người dân. Nếu tuyến đường Tôn Đức Thắng ở Hà Nội cấm xe máy và chuyển sang đi xe buýt thì chẳng có loại xe buýt nào chở hết lượng người đi lại thường xuyên trên đường này. Và có đủ xe để chở thì không đủ đường cho xe chạy.

* Có nghĩa là hạn chế, cấm xe máy ở thời điểm này là chưa phù hợp?

- Cấm xe máy phải nghĩ tới người dân đi bằng phương tiện gì mới cấm được. Vì nhu cầu thì người ta vẫn phải đi lại, anh cấm thì phải tạo phương tiện khác cho người ta đi. Muốn cấm thì phải có điều kiện là GTCC phát triển. Khi chúng ta có những phương tiện GTCC tốt như tàu điện ngầm năm phút/chuyến, mỗi chuyến chở được 1.000 người thì người ta thấy đi lại thuận lợi và sẽ tự bỏ xe cá nhân đi phương tiện công cộng.

* Liệu có thể thí điểm hạn chế xe máy ở vài tuyến đường trước khi nhân rộng?

- Ở một vài nơi có thể cấm được nhưng phải có đường sá phù hợp. Tôi nghĩ ý tưởng cấm xe máy trên đường Pháp Vân – Cầu Giẽ quá được vì có quốc lộ 1 cũ song song. Cấm để tăng an toàn và khả năng lưu thông trên đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là cần thiết. Đường cao tốc TP HCM – Trung Lương cấm xe máy cũng có quốc lộ 1 cũ song song là hợp lý. Còn trong đô thị, nhà người ta ở tuyến đường đó nếu cấm thì người ta đi lại sao được?

Đánh thuế cao để thu tiền đầu tư hạ tầng

* Thay vì hạn chế phương tiện cá nhân thì phải cải tạo, xây dựng hạ tầng giao thông để kéo giãn mật độ phương tiện. Nhưng lâu nay chỉ thấy các đô thị loay hoay các biện pháp bịt ngã tư, xén hè, tách làn trong nội ô hơn là các giải pháp căn cơ?

- Hà Nội và TP HCM khác các nước châu Âu là mật độ dân số trên 1km2 quá lớn. Các nước chỉ 5.000 người/km2 là lớn lắm rồi, còn Q.Hoàn Kiếm đến 30.000 người/km2. Nếu muốn giãn mật độ thì Hà Nội phải xây dựng các thành phố vệ tinh theo quy hoạch chung. Xây dựng hạ tầng giao thông, quyết liệt di dời các trường đại học, nhà máy, xí nghiệp ra vùng ven. Giảm mật độ người sẽ giảm ùn tắc.

Điều đó ai cũng biết nhưng cái khó nhất là tiền. Ví dụ Đại học GTVT muốn chuyển sang Hưng Yên cũng cần khoảng 2.000 tỉ đồng nhưng không biết lấy tiền ở đâu. Có những dự án tàu điện, đường sắt trên cao chuẩn bị rất lâu nhưng vẫn chưa ai cho vay tiền để làm.

Cách đây năm năm tôi có đề xuất với lãnh đạo Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội việc cải tạo các khu chung cư cũ, chuyển trường học, nhà máy là mục đích để giãn dân ra. Nhưng do Nhà nước không có tiền để cải tạo, di chuyển nên cho các nhà đầu tư làm. Họ muốn có lãi thì sẽ xây khu chung cư đang năm tầng thành 15 tầng để vừa có chỗ ở cho cư dân ở tòa nhà đó lại vừa có chỗ để bán thu hồi tiền đầu tư và có lãi. Tương tự, nhà máy chuyển đi lại xây trung tâm thương mại và chung cư cao tầng thì tăng ùn tắc hơn. Nghịch lý này cũng là bài toán kinh tế của nước nghèo.

* Các dự án GTCC đang triển khai cần nhiều năm mới hoàn thành. Nếu đưa lộ trình 5-10 năm để hạn chế xe cá nhân thì có ngắn không?

- Không nên cấm xe cá nhân làm gì. Có sản xuất và sử dụng xe cá nhân thì có kích thích kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm, Nhà nước mới thu được tiền thuế. Nếu cấm xe máy thì ví dụ có 10% người đang đi xe máy họ ráng lên một chút chuyển sang đi ôtô thì tình trạng ùn tắc còn cao hơn. Vì vậy, không phải cấm mà nên đánh thuế cao hơn để vừa hạn chế xe cá nhân vừa thu được tiền để đầu tư hạ tầng.

Về mặt xã hội, càng đầu tư phương tiện GTCC bao nhiêu thì Nhà nước càng phải bù lỗ bấy nhiêu, hầu như nước nào cũng phải bù lỗ. Còn người dân đi phương tiện cá nhân là tự bỏ tiền túi mua xăng dầu, Nhà nước không phải bù.

TS Nguyễn Quang Báu (viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và phát triển giao thông bền vững):

Nên hạn chế ôtô con, không phải xe máy

Chúng ta không nên hạn chế xe hai bánh mà nên hạn chế xe con, kể cả taxi. Bài học tắc đường ở Bangkok cũng do ôtô cá nhân tăng quá lớn. Lúc sang Thái Lan tôi hỏi cơ quan hoạch định chính sách của Bộ Giao thông Thái Lan, họ cho biết “chúng tôi không có chính sách hạn chế phương tiện và người dân quan niệm nhà nào có tiền mua nhiều ôtô là giàu nên ôtô tăng quá mức, từ đó dẫn đến kẹt xe”.

Nếu vẫn để mật độ dân cư đô thị đông đúc thì có xây dựng được vài tuyến tàu điện ngầm hay đường sắt trên cao cũng không giải quyết được vấn đề gì. Nhà nước có quyết tâm giảm ùn tắc thì phải làm mật độ giao thông giảm bằng cách đẩy các trường đại học, nhà máy, viện nghiên cứu ra khỏi nội ô… Giữ mật độ dân cư không tăng vì cơ sở hạ tầng không bao giờ tăng kịp với mật độ dân cư. Đồng thời phải đầu tư xây dựng hạ tầng ở ngoại ô để kéo giãn dân cư khỏi nội ô.

Với tình thế trước mắt cũng có thể mở rộng đường bằng cách thu hồi thêm đất hai bên đường đã mở để xây dựng tái định cư tại chỗ. Đây là giải pháp rẻ và không khó giải phóng mặt bằng.

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc