Nữ dược sĩ được VTV vinh danh: Không nhận… hối lộ nên bị nghỉ việc

15:58 | 05/05/2013

1,892 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Nữ dược sĩ Phòng Giám định Y khoa tỉnh Bình Phước được VTV9 vinh danh do dám đấu tranh và tố cáo chống tiêu cực tham nhũng tại cơ quan này. Để bạn đọc hiểu hơn về vụ việc, Petrotimes khởi đăng loạt bài về hành trình đấu tranh và đương đầu chống tiêu cực của một nữ dược sĩ.

>> 'Gương điển hình chống tiêu cực' được VTV vinh danh bị buộc thôi việc?

>> 'Nữ dược sĩ chống tiêu cực' lại bị hành hung

Những “phi vụ” tiền… tươi!

Tháng 10/2008, dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh (SN 1983, ngụ tỉnh Bình Phước), được nhận vào làm việc tại bộ phận giám định y khoa (GĐYK) thuộc phòng GĐYK Sở Y tế tỉnh Bình Phước theo quyết định do bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Phó Giám đốc sở Y tế Bình Phước (hiện là Giám đốc).

Nữ dược sĩ Oanh bị nhân viên cơ quan đánh sau khi tố cáo sự việc.

Trong suốt quá trình làm việc dược sĩ Oanh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được bình bầu lao động tiên tiến, được cử đi học lớp nghiệp vụ y khoa tại Viện GĐYK trung ương với kết quả loại giỏi.

Thế nhưng, ngày 14/10/2011, dược sĩ Oanh bất ngờ nhận thông báo “Không tiếp tục sử dụng lao động” do bác sĩ Đoàn Đức Loát, trưởng phòng GĐYK ký tên. Lý do bác sĩ Loát đưa ra là xét nhu cầu về viên chức của phòng GĐYK không có nhu cầu nhiều chức danh chuyên môn là dược sĩ trung học.

Nguyên nhân bị trưởng phòng cho thôi việc, theo dược sĩ Oanh do chị chứng kiến y, bác sĩ phòng GĐYK nhiều lần nhận tiền “hối lộ” của những người tới khám giám định chất độc hóa học để hưởng chế độ; khám để xin nghỉ hưu non; công nhân ngành cao su muốn nghỉ hưu trước tuổi…

Sở dĩ người tới khám phải chung tiền cho nhân viên phòng GĐYK, theo chị Oanh nhằm đạt kết quả theo ý muốn. Nếu kết quả giám định không đạt 61% hoặc không đạt tỉ lệ bệnh tật thì phải chờ 6 tháng sau mới được giám định lại. Như vậy người muốn hưởng chế độ sẽ tốn công, tốn thời gian, đặc biệt không được hưởng khoản tiền chính sách của thời gian chờ giám định lại!

Không cùng “hội” nên phải khác… thuyền

Những người xin giám định nếu đưa từ 500 ngàn đồng trở lên sẽ được các y, bác sĩ phòng GĐYK “vạch đường, chỉ lối” từ khâu khai bệnh vào hồ sơ bệnh án, khai bệnh như thế nào khi giám định viên khám, trả lời ra sao khi ra phiên họp hội đồng y khoa! Còn những người không chịu đưa tiền sẽ bị gây khó dễ như hẹn khám nhiều lần, làm hồ sơ chậm lại…

Phòng Giám định Y khoa bị dược sĩ Oanh tố cáo xảy ra tiêu cực.

“Bất cứ nhân viên nào cũng có thể nhận tiền rồi nộp cho y sĩ Nguyễn Thị Bé để người này thống kê và chia “tiền tươi” vào mỗi buổi chiều. Bác sĩ Loát được hưởng 1/3 số tiền nhận của bệnh nhân, những nhân viên còn lại được chia khoảng hai triệu đồng/người/ngày, trừ ngày không làm việc”, dược sĩ Oanh viết trong đơn tố cáo.

Chính vì chứng kiến việc nhận tiền trái với y đức bác sĩ và nhiều lần cương quyết từ chối khoản tiền chia của phòng GĐYK, dược sĩ Oanh bị bác sĩ Loát đe: “Em không nhận thì thôi, nhưng người khác nhận thì kệ người ta. Em mà nói gì ai, anh không để em yên đâu, em nên nhớ em đang là nhân viên hợp đồng đấy”.

Và đến ngày 14/10/2011, dược sĩ Oanh nhận được thông báo cho thôi việc.

Sau khi bị trưởng phòng GĐYK cho thôi việc trái luật, dược sĩ Oanh khiếu nại. Ngày 22/11/2011, bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế Bình Phước ban hành công văn 755/SYT-TCCB gửi phòng GĐYK, nêu rõ: “Bà Trần Thị Kiều Oanh đến làm việc tại phòng GĐYK với hình thức hợp đồng lao động (HĐLĐ) do Giám đốc sở Y tế ký. Vì vậy việc chấm dứt HĐLĐ đối với bà Trần Thị Kiều Oanh phải do Giám đốc sở Y tế quyết định".

Phương Ngọc