NSND Lan Hương: Sáp nhập nhà hát là đề án đẻ non

08:39 | 09/05/2012

1,753 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù dư luận râm ran từ cách đây vài năm, nhưng khi quyết định sáp nhập hai đơn vị nổi trội của sân khấu phía Bắc: Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ thành Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam chính thức được ban hành vẫn khiến những người trong cuộc, các nghệ sĩ choáng váng, sửng sốt.

Buồn, tiếc nuối, bối rối không chỉ vì cùng lúc, thương hiệu 60 năm của Nhà hát kịch Việt Nam và 36 năm của Nhà hát Tuổi trẻ bỗng dưng biến mất, mà còn bởi những người lập trình đề án sáp nhập chưa đưa ra được hướng đi cụ thể nào cho cái tên mới, để tiếp nối hành trình sân khấu.

Sốc vì bất ngờ bị sáp nhập, NSND Lan Hương – Trưởng đoàn kịch Hình thể và Thể nghiệm trực thuộc Nhà hát Tuổi trẻ còn chống chếnh hơn nữa trước thông tin đoàn kịch của chị sẽ được sung quân vào Nhà hát Nhi đồng (một trong 3 đơn vị biểu diễn theo Đề án thành lập Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam: Nhà hát kịch, Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát dành cho nhi đồng)… “Em bé Hà Nội” Lan Hương đã chọn cách thức rất khác với cá tính nghệ sĩ của chị: Liên tiếp gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng phản ứng đề xuất của NSND Lê Hùng (đồng Giám đốc hai Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam) khi dự định xóa phiên hiệu kịch hình thể – thể nghiệm, vì cho rằng loại hình sân khấu đương đại mà chị và các đồng nghiệp trẻ đeo đuổi hơn 10 năm qua không gần gũi nhiều đến tuổi thơ.

NSND Lan Hương bức xúc: Chuyện sáp nhập hoàn toàn thiếu khách quan vì các nghệ sĩ, những người trực tiếp chịu tác động từ quyết định hành chính này không hề biết gì, không được thông báo trước, không được hỏi ý kiến hay tìm hiểu tâm tư nguyện vọng. Chị thẳng thắn bày tỏ, đây là việc riêng của một nhóm người, cứ “thậm thà thậm thụt” với nhau bấy lâu nay.

NSND Lan Hương

Trước thái độ gay gắt của NSND Lan Hương, NSND Lê Hùng đã chuyển hướng, dự định đưa đoàn kịch của Lan Hương vào chung với các đoàn biểu diễn hiện có của NSƯT Anh Tú, NSƯT Chí Trung tức Đoàn kịch 1, Đoàn kịch 2 hiện thời của Nhà hát Tuổi trẻ để hợp thành một nhà hát biểu diễn (có thể) vẫn lấy tên Tuổi trẻ nhưng khác vì trực thuộc… Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam. Tóm lại, đến thời điểm này, khi quyết định sáp nhập đã ban hành mà Đề án thực hiện, chức năng nhiệm vụ và quan trọng nhất, mục đích của việc sáp nhập, con đường tương lai của Nhà hát Quốc gia vẫn rối bời, chưa ai trả lời được rành mạch, rõ ràng. Sáp nhập hai nhà hát vốn có truyền thống, phong cách riêng để làm gì, có lợi gì cho nền sân khấu kịch đang lâm cảnh chợ chiều hay đơn thuần chỉ là “a dua” theo trào lưu thích “tái cấu trúc” thích gắn với danh nghĩa “Quốc gia” cốt dễ bề xin những nguồn kinh phí khổng lồ của Nhà nước đang phổ biến trên mọi bình diện xã hội, nhất là ở các đơn vị công lập.

Ngày 2/5, Nhà hát Tuổi trẻ đã có phiên họp bất thường, lấy phiếu tín nhiệm cho các chức danh lãnh đạo để thay thế cho Ban Giám đốc đương nhiệm vừa được đôn lên trọng trách cao hơn. Chỉ khoảng hơn 40 nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên tới dự họp trong tâm trạng bất an, thấp thỏm. NSƯT Chí Trung đã giành được số phiếu tín nhiệm cao nhất cho chức danh Giám đốc, dù bản thân anh và những người bỏ phiếu vẫn chưa hình dung nổi, Nhà hát Tuổi trẻ mới có con dấu riêng, tài khoản riêng, tư cách pháp nhân riêng hay không?

Trở về từ cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, vẫn tâm trạng thất vọng, mệt mỏi nhưng còn đầy nhiệt huyết, chưa hề buông xuôi, NSND Lan Hương, người làm nóng dư luận vì hàng loạt lá đơn kiến nghị trong những ngày qua đã chia sẻ nỗi lòng.

PV: Thưa chị, không khí của Nhà hát Tuổi trẻ hiện giờ thế nào sau khi có quyết định sáp nhập?

NSND Lan Hương: Buồn, chán nản, tiếc nuối. Chả ai còn thiết làm gì nữa. Mọi hoạt động vẫn diễn ra nhưng thành rối ren. Vở “Kiều” của tôi đâm ra cũng không được xếp lịch diễn. Mấy hôm nay tôi vẫn đến nhà hát, nhưng tự dưng thấy xa lạ, lạc lõng quá, thấy mình như người bị bỏ rơi. Nhiều em diễn viên trẻ trong đoàn của tôi nản, bỏ về quê nghỉ ngơi. Tôi xót và thương các em, cảm thấy bất lực vì mình không làm được gì để bảo vệ họ. Tôi nhắn tin cho Lê Khanh (NSND Lê Khanh – PV): “Rồi đến lúc mọi người sẽ không biết Lê Khanh là ai, Lan Hương là ai. Kiếp phù du chấp nhận thôi, nhưng nó đến sớm quá”.

PV: Một chuyện lớn như sáp nhập hai nhà hát, lẽ ra phải có quá trình chuẩn bị dài hơi. Vậy sao có thể gây nên những bất ngờ lớn đến thế cho chị và đồng nghiệp của chị?

NSND Lan Hương: Chúng tôi không biết gì. Từ mấy năm trước đã nghe tin, nhưng ai cũng nghĩ đó là tin vỉa hè, có sáp nhập thì kiểu gì Bộ (Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cũng phải cho người xuống bàn bạc, trao đổi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của chúng tôi. Nhưng thực tế, không hề có chuyện đó. Mọi chuyện cứ thì thà thì thụt, chúng tôi không được tôn trọng, thậm chí rất bị coi thường.

PV: Có thể đây chỉ là tâm trạng dễ hiểu của việc bỏ đi cái cũ đã quen thuộc, gắn bó với mình để xây dựng nên cái mới với hy vọng tốt đẹp hơn?

NSND Lan Hương: Chuyện sáp nhập quan trọng lắm chứ. Đúng là xóa tên Tuổi trẻ chúng tôi nôn nao, nhưng thành lập cái mới cũng cần có sự đồng thuận. Ít ra chúng tôi cũng phải biết định hướng của nhà hát mới là gì, có ích lợi gì cho nghệ thuật, liệu phục vụ công chúng có tốt hơn không? Đây chỉ là một đề án, bị cưỡng ép đẻ non, không sâu sắc, không chính danh. Chuyện liên quan đến hàng trăm con người, có ảnh hưởng tới tương lai của sân khấu kịch nói mà sao chỉ được âm thầm quyết định bởi vài người.

NSND Lan Hương trong phim Trần Thủ Độ

PV: NSND Lê Hùng đã đưa ra rất nhiều hứa hẹn khả quan cho con đường trước mắt của Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam. Chị vẫn không yên tâm sao?

NSND Lan Hương: Tôi không thể yên tâm. Ai ở Nhà hát Tuổi trẻ đều biết, anh Hùng đã từng hứa rất nhiều. Nhưng nhiều năm làm Giám đốc anh ấy chưa thực hiện được những điều đã hứa. Anh Lê Hùng đảm nhận vai trò đứng đầu Nhà hát Tuổi trẻ, nhưng suốt ngày đi làm ăn, dàn dựng ở ngoài, chạy sô lễ hội rồi các đoàn khác, ít có mặt ở nhà hát. Rồi anh ấy kiêm thêm Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, chúng tôi cũng băn khoăn, ngạc nhiên: một nhà hát còn gánh không nổi, huống hồ… Bây giờ anh Hùng cũng hứa, “Bộ nói với tôi mỗi năm sẽ cho nhà hát 40 tỉ”. Nhưng đấy là lời anh Hùng, thực hư thế nào không ai chứng minh được.

PV: Nhiều năm qua, Nhà hát Tuổi trẻ đã có được một lớp đạo diễn mới. Anh Tú, Chí Trung, cả chị Lê Khanh và chị nữa, NSND Lan Hương. Vậy nhưng những dự án lớn của nhà hát được đầu tư xứng tầm hầu như đều không đến tay các chị?

NSND Lan Hương: Làm sao mà bọn tôi được dàn dựng những kịch mục lớn. Bằng đấy năm, tôi nghe chán cái câu của anh Lê Hùng: Cái này cứ phải anh thò tay vào mới được. Nói chung, nghệ sĩ chúng tôi cũng bị mất nhiều hứng thú để làm việc.

PV: NSND Lê Hùng cũng là thầy dạy đạo diễn của chị ở Trường Sân khấu Điện ảnh?

NSND Lan Hương: Đúng thế. Trong thâm tâm, tôi luôn nhớ ơn anh Hùng đã dạy dỗ mình, đào tạo nghề cho mình trong 4 năm học đạo diễn. Nhân đây tôi cũng xin được nói, không có chuyện anh Hùng làm hộ cho Lan Hương, dàn dựng để Lan Hương đứng tên. Lê Hùng nhiều khi còn không muốn cho Lan Hương làm chứ nói gì đến chuyện làm hộ, anh ấy lấy đâu ra thời gian. Tôi luôn tự nghiên cứu, mày mò, tự mình độc hành, tự làm, tự lo trang trải.

PV: Xem ra Đoàn kịch Hình thể và Thử nghiệm của chị như đứa con rơi trong Nhà hát Tuổi trẻ. Chị thực sự không được nhà hát hỗ trợ gì sao?

NSND Lan Hương: Có hỗ trợ nhưng không hồ hởi. Xin làm vở mà cứ phải lèo nhèo. Ví dụ mọi người hay nói cho rạp đấy, rồi cho lương đấy. Chúng tôi không có nhiều khán giả, vì đặc thù loại hình mới, có tính thử nghiệm, nhưng cũng đâu phải kẻ ăn bám. Chúng tôi vẫn đi diễn, bán vé, vẫn doanh thu, thậm chí vẫn đóng phần trăm cho nhà hát. Hơn 10 năm qua, may mắn là Đoàn kịch Hình thể và Thể nghiệm nhận được sự giúp đỡ rất sát thực, hiệu quả của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

PV: Suy tư thế này, tức là sáp nhập hai nhà hát không phải nguyện vọng của số đông các nghệ sĩ?

NSND Lan Hương: Trong buổi họp vừa rồi (ngày 2/5 – PV), anh Lê Hùng có nói rất nhiều, vẽ ra các viễn cảnh như là: “Việc sáp nhập đưa nhà hát lên tầm cao mới. Đã là Nhà hát kịch Quốc gia thì Chính phủ phải đầu tư, chứ không còn thuộc Bộ nữa. Nhà hát sẽ được coi trọng như Bảo tàng Quốc gia, Thư viện Quốc gia”. Ngay sau đó Anh Tú (NSƯT Anh Tú – PV) cũng đứng dậy nói luôn: “Đấy là quan điểm riêng của anh Lê Hùng chứ không phải của chúng tôi”. Hầu hết chúng tôi đều không cần sáp nhập, chỉ mong tiếp tục có sự hưng phấn để làm nghề, để đeo đẳng nốt cái kiếp phù du.

NSND Lan Hương và NSƯT Anh Tú trong vở "Bù nhìn rơm"

PV: Nhưng anh Lê Hùng cũng cho rằng, sáp nhập là để tránh cho hai nhà hát bị xã hội hóa, mất đi nguồn kinh phí hằng năm mà Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vẫn cấp?

NSND Lan Hương: Tất cả đều không rạch ròi, tất cả đều chỉ từ cá nhân anh Lê Hùng phát ngôn. Còn theo tôi, sáp nhập chỉ làm cho cơ cấu phình to hơn về ban bệ, tổ chức, vì phía trên các nhà hát con lại có một ban lãnh đạo với các phòng, ban riêng. Như thế không phải tiết giảm biên chế mà là tốn nhân lực, nhân công nhiều hơn.

PV: Vậy nguyện vọng lúc này của cá nhân chị là gì?

NSND Lan Hương: Tôi muốn chuyện sáp nhập phải có lộ trình, tránh bị gượng ép, chiểu theo tâm tư nguyện vọng của số đông và xu thế thời đại chứ không phải là ý thích hay suy nghĩ của chỉ một vài người. Các nghệ sĩ đều yêu mến ngôi nhà cũ, nhưng cần phải chuyển đến ngôi nhà mới, chúng tôi vẫn chấp hành. Chỉ có điều, chúng tôi cũng phải được tôn trọng, lắng nghe ý kiến từ các cấp lãnh đạo.

PV: Hiện tại, dư luận cũng đã lại lao xao về chuyện có ai đó sẽ về đảm trách cương vị Giám đốc Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam khi anh Lê Hùng nghỉ chế độ. Theo chị, các cấp lãnh đạo có cần trưng cầu ý kiến nghệ sĩ khi đưa người mới về?

NSND Lan Hương: Sao lại cứ phải đưa người ở nơi khác về chứ. Chả nhẽ các cán bộ ở nhà hát hiện thời lại không đủ năng lực sao. Chúng tôi lúc nào cũng mong có cơ hội để được bày tỏ chính kiến của mình, vì công việc chung, mục đích chung.

PV: Trân trọng cảm ơn chị…

Tiến hành sáp nhập Nhà hát theo quy trình… ngược

Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ theo Quyết định số 1153/ QĐ-BVHTTDL được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh ký ngày 27/3/2012.

Quyết định nêu rõ, Giám đốc Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam sẽ có trách nhiệm xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của nhà hát, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định. Vì vậy, thời điểm này, Giám đốc – NSND Lê Hùng mới bắt đầu giao cho lãnh đạo 2 nhà hát “bị” sáp nhập triển khai xây dựng phương án hoạt động, chức năng nhiệm vụ, đường hướng tương lai. Tức, vẫn chưa có một đề án hoàn chỉnh cho việc sáp nhập này. Điều này được các nghệ sĩ coi là “quy trình ngược”, dẫn đến việc triển khai thực hiện rất lúng túng, ngẫu hứng và thiếu các căn cứ pháp lý chặt chẽ.

NSND Lê Hùng cho rằng, Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam sẽ tương tự như một tổng công ty với mô hình công ty mẹ, công ty con và mục đích lớn nhất của việc chuyển đổi này chỉ là tiếp tục được hưởng “bầu sữa” từ nguồn kinh phí của Nhà nước. NSND Lê Hùng cũng thông báo, nhà hát đã được cấp mảnh đất chừng 7.000m2 có vị trí rất đẹp tại Mỹ Đình. Nhà hát đã có ý định xây dựng một khu chung cư cao cấp kết hợp với hai sân khấu biểu diễn hiện đại sức chứa 1.200 người nhưng chưa thành vì… không tìm được đối tác.

Ngô Hương Sen (thực hiện)

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...