Nơi mở ra tương lai cho trẻ tự kỷ

06:48 | 30/06/2021

273 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau sự kiện Minh Khôi trở thành kỷ lục gia ở tuổi mười ba, với biệt tài cân bằng trên xe đạp một bánh lâu nhất (quá 7 phút) trong lúc đầu đội chai nước và tung hứng 8 quả bóng, nhiều báo chí đã viết bài về em. Hầu hết các báo đều tường thuật về quá trình chữa bệnh tự kỷ gian nan của Khôi suốt mười năm trước mà đều thất bại, cho đến khi Khôi gặp được người thầy của cuộc đời mình, thầy Tuệ Tâm, người đã cứu thoát em khỏi vòng luẩn quẩn của một bệnh nhân vô phương chạy chữa và dịch chuyển em trở thành một tài năng được bao người ngưỡng mộ.
Tiếng thét xé đêm
Ảnh minh họa

Liên tiếp sau đó, điện thoại của học viện Hoa Xuyến Chi liên hồi đổ chuông. Nhiều cha mẹ có con tự kỷ ở khắp đất nước khi đọc được thông tin về Khôi đã gọi điện tới học viện để xin cho con họ được theo học thầy Tuệ Tâm. Thầy không từ chối bất cứ ai, đều bảo họ hãy đưa con đến học viện sớm nhất có thể.

Khi các phụ huynh dẫn con mình đến học viện, thì điều đầu tiên mà thầy Tuệ Tâm nói với họ, đó là thầy không chữa bệnh tự kỷ cho các em, mà thầy sẽ huấn luyện các em tiến bộ trong hành vi, sinh hoạt thường ngày, và dần dà tìm ra năng lực riêng của từng em để phát triển. Điều quan trọng không kém sự huấn luyện kiên trì và với cường độ cao, là không khí yêu thương, đồng cảm giữa các em với nhau trong một cộng đồng trẻ tự kỷ.

Trong cộng đồng này, mà thầy Tuệ Tâm mới đặt tên là trường Hoa Xuyến Chi (trực thuộc học viện Hoa Xuyến Chi), các em không thấy mình bị người khác nhìn với con mắt kỳ thị hoặc thương cảm vì sự bất thường, mà các em tự tạo ra một thế giới đặc thù để cùng nhau phát triển theo cách riêng của mình. Đó là một sân chơi khác, với bộ quy tắc khác. Ví dụ, ở thế giới bên ngoài, người ta coi méo miệng là xấu và cả ngày lẫn đêm đều thấy xấu hổ tới mức phải đổ ra cả đống tiền để đi phẫu thuật thẩm mĩ kéo cái miệng lại cho cân bằng như hàng tỉ người trên hành tinh.

Còn ở trường Hoa Xuyến Chi của các em tự kỷ, thì méo miệng được coi là nét đẹp độc đáo. Mỗi khi bạn méo miệng cười, thì ai nấy đều tán thưởng và cười theo vui vẻ đến nỗi bạn ấy còn cố tình kéo cho cái miệng mình méo thêm nữa. Hoặc ở trường học ngoài kia, trong lớp học ai nấy đều phải ngậm chặt miệng giữ trật tự nếu chưa được thầy cô yêu cầu nói. Còn trong trường Hoa Xuyến Chi, nếu bỗng dưng có em nào đó hét lên “ngứa tay quá!” trong giờ học, thì lập tức vài bạn sẽ chạy lại gãi giùm và cô giáo sẽ tới gần xem xét cẩn thận chỗ ngứa ấy là do con gì cắn, nếu ngứa quá, cô sẽ dịu dàng bôi thuốc và xoa cho bạn ấy thật lâu mà chẳng sợ ảnh hưởng tới bài giảng.

Trong số các học trò mới tới trường Hoa Xuyến Chi, có một cậu bé chín tuổi tên Bình. Bình có mái tóc đỏ rất ngầu, đôi mắt lúc nào cũng lim dim như buồn ngủ. Mà buồn ngủ là đúng thôi vì cậu ta chẳng bao giờ ngủ về đêm. Hễ người lớn trông coi cậu lỡ ngủ quên là Bình lập tức trốn ra khỏi phòng, leo tót lên nóc nhà, ngọn cây, ngọn tháp nước, cột điện hay bất cứ chỗ nào cao nhất trong khu vực đó, và rồi đứng trên đỉnh cao chót vót ấy, Bình cất lên tiếng thét chói tai, tiếng thét có thể làm rạn cửa kính. Giá như trong thời chiến tranh, người ta có thể sử dụng cậu vào việc báo động khi máy bay địch tới.

Khi Bình tới trường Hoa Xuyến Chi, cậu được anh Hòa - một huấn luyện viên nhận làm con và chăm sóc ngày đêm. Khi hỏi cặn kẽ bố mẹ Bình về thói quen sinh hoạt của cậu, Hòa đoán rằng do ban ngày người trong gia đình đã để cậu bé ngủ nhiều quá, nên tất nhiên ban đêm sẽ thức. Thế là Hòa tìm cách lật ngược lại thói quen này. Anh không cho Bình ngủ ngày nữa. Khi Bình lẩn vào một xó tối ngồi ngủ gục, Hòa sẽ lôi cậu bé dậy.

Ban đầu, Bình "thét" phản ứng rất dữ, nó bám chặt hai cánh tay dài nghêu ngao như tay vượn vào song sắt cửa sổ và thét váng ra ngoài, đến nỗi những người sống ở các tòa nhà xung quanh đó cũng nghe thấy và chạy ra xem có chuyện gì. Thậm chí có anh cảnh sát khu vực còn vào tận trường hỏi thăm về tiếng thét quái dị thủng màng nhĩ đó. Thực ra, thét lên như vậy, Bình chỉ muốn người ta để yên cho nó ngủ.

Nhưng Hòa không bó tay. Biết Bình "thét" thích mật ong, anh dụ cậu bằng một thìa mật ong mỗi khi lôi cậu ra ngoài. Khi Bình "thét" tóp tép nuốt mật và liếm môi, lập tức Hòa nhấc cậu ta đặt lên chiếc xe đạp một bánh để luyện tập. Bình "thét" chỉ đạp lờ vờ vài vòng rồi lại ngã lăn ra. Hòa nâng cậu bé dậy ép chạy xe tiếp tục. Cứ như thế, cả ngày vất vả thầy trò vật lộn với nhau ở hành lang tầng bốn tòa nhà của trường thuê. Buổi trưa mệt nhoài, ăn trưa chưa xong bữa, Bình đã ngủ gục bên bát cơm. Hòa kiên quyết không cho cậu ngủ, dắt cậu ra ngoài. Cậu điên tiết hét váng cả hành lang.

Quả nhiên biện pháp luyện tập cật lực ban ngày đã hữu hiệu đối với Bình "thét". Các học trò trong trường Hoa Xuyến Chi dần dần không bị tiếng thét xé tai của Bình ban đêm thức tỉnh nữa. Ban ngày, bị vắt kiệt gần hết sức lực vào việc luyện tập, ban đêm, Bình "thét" lăn ra giường là ngủ một mạch đến sáng. Cũng có đôi khi, cậu tỉnh giấc ú ớ nói mớ một hồi, rồi xoay người lại và ngủ tiếp sau khi được anh Hòa vỗ về.

Bố mẹ Bình "thét" đều là công nhân, sống ở tận tỉnh Bạc Liêu, nên họ ít khi ra tận nơi thăm con, mà chỉ gọi video call cho huấn luyện viên Hòa để xem Bình ăn, tập, học và ngủ. Khi chưa đưa con đi học nội trú, mẹ Bình phải nghỉ việc trông con, kinh tế gia đình khó khăn, hai mẹ con đều gày rạc như con vạc vì ăn ngủ thất thường, tinh thần sa sút. Không những thế, Bình mấy lần phải đi cấp cứu vì lăn từ trên nóc nhà xuống, và một lần leo cột điện, bị điện giật.

Sau khi Bình "thét" được trường Hoa Xuyến Chi chấp nhận cho vào học nội trú, bố mẹ Bình mừng vui khôn xiết. Bởi ngoài niềm hy vọng con họ được rèn luyện trong môi trường giáo dục đặc thù và sẽ tiến bộ sớm thôi, thì mẹ Bình còn được giải phóng để đi làm trở lại, chung vai gánh vác kinh tế gia đình cùng chồng, và họ có thể nghĩ đến việc sinh đứa con thứ hai. Một tương lai mới không chỉ mở ra cho Bình "thét" trong thế giới riêng được chế tác dành cho cậu, mà một tương lai mới cũng vừa được mở ra cho chính bố mẹ cậu.

Kiều Bích Hậu