Nỗ lực của Luala

07:00 | 19/11/2012

679 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khi nhạc cổ điển vẫn được coi là kén khán giả và liệt vào danh sách “ế ẩm” so với những dòng nhạc đại chúng, thì hành động “xuống đường tìm khán giả” của Luala Concert được xem là một sự nỗ lực, nhằm kéo khán giả đến gần hơn với thể loại âm nhạc hàn lâm.

 Khi khán giả vẫn còn e ngại

Đối với các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là Châu Âu, dễ dàng nhìn thấy ở bất cứ nơi đâu từ: một toa xe điện ngầm, gầm cầu...hay bến xe, cũng dễ dàng bắt gặp một hình ảnh quen thuộc là những nghệ sỹ vác mandolin, accordion, violin... đứng biểu diễn. Bởi nhạc cổ điển là món ăn không thể thiếu ở những xứ sở này. Nhưng tại Việt Nam, xưa nay nhắc đến dòng nhạc cổ điển là công chúng nghĩ ngay đến một dòng nhạc xa hoa, hàn lâm và thực sự khó nhằn. Thứ âm nhạc chỉ diễn ra ở những sân khấu lớn và người biết thưởng thức ắt hẳn cũng không phải hạng xoàng. Như một lẽ tất yếu, nó không dành cho những khán giả thường thường bậc trung. Chính tâm lý này đã kéo công chúng xa rời với thể loại nhạc hàn lâm.

Mặt khác, ở Việt Nam đại bộ phận công chúng lại bị lấn sâu vào những dòng nhạc thị trường đang nhan nhản khắp phố phường và tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tâm lý dễ tiếp nhận rồi cũng dễ quên đã ăn sâu vào tiềm thức của những khán giả dễ dãi với “gu” âm nhạc tạp nham. Việc bỏ thời gian để tìm hiểu và đơn giản là thích một dòng nhạc nhất định cũng trở nên khó khăn. Hơn nữa, một thể loại âm nhạc bác học thì dường như lại là một điều không tưởng.

Sẽ là oan khi không nhắc tới những khán giả vẫn âm thầm “chiêm ngưỡng” vẻ “đài các” của thể loại âm nhạc này. Nhưng số lượng đó lại hết sức khiêm tốn. Nhà hát Lớn, nơi được xem là địa chỉ đỏ khá phù hợp với dòng âm nhạc hàn lâm, khi hội tụ đầy đủ những yếu tố về kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng... nhằm phục vụ một cách tốt cho một đêm diễn nhưng một thực tế đáng buồn là chẳng mấy khi khán giả đến đủ ghế ngồi.

Nỗ lực đưa âm nhạc hàn lâm đến gần với công chúng

Điều nữa, ngay cả những khán giả đã chạm được vào dòng nhạc này cũng phải thừa nhận, họ mới chỉ dừng ở mức “thẩm” nhưng chưa “thấu”. Bởi lẽ để thẩm thấu được thể loại âm nhạc hàn lâm này một cách thấu đáo đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài, chứ không thể là ngày một ngày hai.

Làm sao để dòng nhạc cổ điển bước ra khỏi chiếc “lồng kính” vô hình mà đến gần được với khán giả? Làm sao để khán giả cảm nhận được sự tinh tế của nền âm nhạc này một cách rõ nét? Vẫn đang là một đề tài đáng được quan tâm.

Những giải pháp gấp rút được đặt ra để khắc phục những khó khăn thực tại bởi ở Việt Nam số lượng khán giả chịu tiếp nhận dòng nhạc hàn lâm này quá ít. Và muốn tiếp nhận thì cũng thực sự khó khi mà sân khấu cho thể loại này không nhiều. Ở Hà Nội, nhiều thì cũng chỉ khoảng 3-4 địa chỉ thường xuyên biểu diễn như Nhà Hát Lớn, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, các Trung tâm văn hóa... Còn TP Hồ Chí Minh thì sân khấu cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các phương tiện thông tin đại chúng như Phát thanh - Truyền hình lại chưa đầu tư một cách thỏa đáng để đưa công chúng tiếp cận được với nhạc cổ điển.

Liều thuốc mang tên “Luala”

Mang âm nhạc hàn lâm đến gần với công chúng là ý tưởng mà Luala Concert đã và đang thực hiện. Còn nhớ, ngay từ những ngày đầu thai nghén, nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, cố vấn chuyên môn của Luala Concert bày tỏ mơ mộng: “Hy vọng chỉ cần vài giây thôi, thứ âm nhạc thiêng liêng kia lọt được vào tai người đi đường, để rồi sau đó có thể mở ra một sự bừng thức nào đó”. Niềm hy vọng khiêm tốn nhưng rất thực của người nghệ sỹ, bởi những người làm chương trình cũng định hướng  được rằng, để thành công sẽ là cả một quá trình phấn đấu lâu dài.

Trải qua hai mùa, công chúng đã ít nhiều biết đến Luala Concert. Bước vào mùa thứ 3, Luala Concert Thu Đông 2012 đã được nghiên cứu và đầu tư kỹ lưỡng hơn, phong phú hơn về thể loại cũng như đối tượng tham gia. Nắm bắt được tâm lý của công chúng, Luala Concert định hướng đưa đến những tác phẩm dễ hiểu và gần gũi với người nghe. Nghệ sỹ Châu Sơn - Trưởng khoa Dây, Học Viện âm nhạc Quốc gia chia sẻ: “Các bạn đừng nghĩ âm nhạc cổ điển nó là một điều gì quá cao siêu. Với Luala Concent Thu Đông 2012, chúng tôi chủ ý lựa chọn những tác phẩm nhẹ nhàng nhưng cũng trang nhã để người nghe dễ tiếp thu. Những bản hòa tấu như Mùa thu, Bốn Mùa... hay những Bản ca không lời là những tác phẩm dễ tiếp nhận và gần gũi với công chúng. Chủ ý của chúng tôi là để khán giả nắm bắt dần dần chứ không đưa đến những bản nhạc hàn lâm ngay. Như vậy, sẽ không tạo được hiệu ứng”.

NSUT Châu Sơn - Trưởng khoa Dây, Học viện Âm nhạc Quốc gia bày tỏ: “ Các bạn đừng nghĩ nhạc cổ điển là thứ âm nhạc quá cao siêu”

Hiệu ứng ra sao, chưa cần đề cập nhưng ý tưởng táo bạo này đã đủ để khẳng định tâm huyết của những nghệ sỹ với nghề. Cái hay của Luala là ở chỗ, biết xóa nhòa danh giới về điều kiện sân khấu, âm thanh, ánh sáng....Thay thế những ánh đèn xa hoa nơi sân khấu lớn bằng sân khấu quần chúng mộc mạc mà gần gũi. Làm được điều đó, tự thân Luala đã tỏa sáng. Sự kết hợp giữa hai đối cực, âm nhạc hàn lâm sang trọng và sân khấu đường phố, tưởng chừng như đối kháng nhưng lại tạo được hiệu ứng bất ngờ.

Không thể thành công một sớm một chiều, nhưng những cố gắng của Luala với tham vọng đưa âm nhạc hàn lâm đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ cũng đủ để những người quan tâm đến dòng nhạc này, đặt hy vọng vào tương lai của nền âm nhạc cổ điển. Với Luala Concert, những bản nhạc kinh điển của thế giới đã kinh qua những sân khấu lớn mà theo chân những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam ra đường phố biểu diễn, họ đến với thế giới bình dân để khơi gợi tình yêu âm nhạc từ mỗi người. Ông Đỗ Ngọc Minh, Tổng giám đốc DX Group chia sẻ: “Chính sự yêu mến của khán giả dành cho chương trình là động lực để Ban tổ chức và các nghệ sĩ cống hiến hết mình. Mục đích của Luala là đem âm nhạc hàn lâm lại gần với công chúng và tạo được những chương trình hòa nhạc cổ điển đường phố có chất lượng cao”.

Tham vọng và bày tỏ quan điểm, muốn tổ chức nhiều hơn nữa những sân khấu mộc như LuaLa để âm nhạc cổ điển không còn xa lạ với công chúng Việt. Các nghệ sỹ tin tưởng, những cố gắng mà Luala đã làm, sẽ góp phần thay đổi diện mạo của nền âm nhạc Việt. Lúc đó, khán giả Việt cũng sẽ không còn mặc cảm mà sẵn sàng đón nhận thể loại âm nhạc hàn lâm, bác học này.

Nằm trong kế hoạch tiếp nối thành quả của hai mùa LuaLa trước đây, Luala Concert Thu Đông 2012 diễn ra trong 5 tuần, mỗi tuần 3 buổi. Khai mạc vào chiều (10/11), Luala Concert Thu Đông 2012  quy tụ nhiều nghệ sỹ nổi tiếng, các Nhà xuất bản Âm nhạc hàng đầu Việt Nam.

Để tiện cho sự theo dõi của khán giả, một trong những đổi mới của LuaLa Concert lần này là chương trình được chia thành hai phần. Đó là những bản nhạc đã quen thuộc và những bản hoàn toàn mới. Với số lượng bài phong phú của nhóm kèn và thể hiện bởi các nghệ sĩ solist.

 

                                                                                 Huyền Anh