Níu chân người lao động: Cuộc ganh đua giữa các nhà băng

07:12 | 15/04/2012

657 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các ngân hàng trong những năm qua kéo theo cuộc cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cấp trung – nhân lực chất lượng cao giữa các ngân hàng. Nếu các nhân viên muốn chuyển việc phải trải qua những đợt tuyển dụng gắt gao thì những cán bộ đã có một vị trí nhất định trong công việc thường nhận được những lời mời chào về chuyển đổi môi trường làm việc, đặc biệt tại các ngân hàng mới nổi.

Nhân sự ngành ngân hàng luôn thay đổi

Nhân viên “đứng núi này trông núi nọ”

Đầu quân cho một ngân hàng TMCP có tiếng đã gần được hơn một năm nhưng Hải vẫn không yên vị với vị trí chuyên viên giám sát mà mình đang đảm trách tại đây. Hải tiết lộ: Cùng vị trí của mình, ở ngân hàng khác họ cũng trả bằng, thậm chí cao hơn nhưng thời gian làm việc không bị o ép. Ở ngân hàng này không ngày nào mình được về nhà trước 19 giờ và cường độ làm việc cũng rất căng thẳng. Chính vì điều này mà Hải vẫn tiếp tục săn việc từ những ngân hàng bạn với hy vọng sẽ có môi trường làm việc phù hợp, có cơ hội thăng tiến và mức lương được trả cũng sẽ hậu hĩnh hơn. Không riêng Hải, nhiều nhân viên làm việc tại một số ngân hàng cho biết họ đều đã từng trải qua tâm trạng của những người “đứng núi này trông núi nọ” và cũng đã phải nhiều lần lưỡng lự trước những sự lựa chọn thay đổi môi trường làm việc của mình.

Một nhân viên ViettinBank chia sẻ: Hơn 10 năm kể từ ngày tốt nghiệp đại học chị đã đã trải qua 4 ngân hàng và hiện tại đang “dừng chân” tại Viettinbank. Hỏi chị khi đã có một vị trí tương đối với mức lương khá cao chị còn có ý định thay đổi, chị cho biết hiện tại thì vẫn chưa thể nói trước được điều gì.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các ngân hàng trong những năm qua kéo theo cuộc cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cấp trung – nhân lực chất lượng cao giữa các ngân hàng. Nếu các nhân viên muốn chuyển việc phải trải qua những đợt tuyển dụng gắt gao thì những cán bộ đã có một vị trí nhất định trong công việc thường nhận được những lời mời chào về chuyển đổi môi trường làm việc, đặc biệt tại các ngân hàng mới nổi. Bởi nguồn nhân lực này chính là cầu nối giữa người lãnh đạo và nhân viên, là người truyền tải thông điệp của lãnh đạo với nhân viên… Giám đốc một chi nhánh Ngân hàng GPBank cho biết, ở cương vị hiện tại anh vẫn nhận được khá nhiều lời mời chào từ các ngân hàng bạn cùng với những hứa hẹn về chế độ đãi ngộ đặc biệt.

Chất xám và bài toán về cạnh tranh nguồn nhân lực

Sự chuyển đổi mô hình hoạt động từ ngân hàng nông thôn lên ngân hàng đô thị đã kéo theo cuộc đua mở rộng chi nhánh và khiến cuộc cạnh tranh nguồn nhân lực ngày càng trở nên gay gắt. Thêm nữa, việc ra đời của các ngân hàng mới kể cả ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chuyển dịch nhân lực ngày càng phổ biến giữa các nhà băng. Thực tế từ các đợt tuyển dụng ở các ngân hàng cho thấy nhu cầu về nhân lực chất lượng cao đặc biệt là đội ngũ cán bộ khung giữ vị trí lãnh đạo then chốt đã trở thành mối quan tâm đặc biệt trong quản trị nguồn nhân lực tại các ngân hàng.

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết: “Việc bổ sung đội ngũ nhân sự mới không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh doanh mà còn phần nào để bù đắp cho lượng nhân viên bị thiếu hụt do các ngân hàng khác kéo về mất”. “Cơn khát” nguồn nhân lực chất lượng cao đã vô tình đẩy các ngân hàng vào một cuộc cạnh tranh không kém phần quyết liệt. Có ngân hàng chào mức lương cả nghìn đôla mỗi tháng cùng quyền lợi về cổ phiếu cho chức giám đốc, phó giám đốc chi nhánh mới. Có ngân hàng sẵn sàng trao thưởng cho những ai giới thiệu được một nhân viên mới từ ngân hàng khác.

Nhân viên nhảy việc, nhân sự xê dịch hỗn loạn đã khiến nhiều ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Để “giữ người” các ngân hàng đều đưa ra những những chiến lược nhân sự riêng với những cam kết về môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, mức lương, mức thưởng cao. Với mục tiêu xây dựng một ngân hàng có thế mạnh về công nghệ và nguồn nhân lực LienVietbank đã tìm cách tạo “vùng trũng” trong mặt bằng ngành ngân hàng với các chế độ đãi ngộ cao để chiêu mộ nhân tài. Việt kiều, những người đang làm cho các ngân hàng nước ngoài, người thành danh ở các ngân hàng và sinh viên du học nước ngoài về chính là đối tượng mà LienVietBank nhắm đến để đảm nhiệm cho một số vị trí quan trọng.

Navibank tập trung định hình tính cách văn hóa và xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, công bằng và hợp tác nhằm tạo tâm lý ổn định và gắn bó lâu dài cho người lao động. VietABank cũng thực thi chính sách tiền lương cạnh tranh, đãi ngộ tương xứng với sự đóng góp cụ thể của từng cá nhân vào kết quả hoạt động kinh doanh nhằm động viên toàn thể nhân viên các cấp đáp ứng được yêu cầu của công việc và đóng góp vào sự thành công của ngân hàng. Tại OceanBank, nguồn nhân lực luôn được coi là yếu tố cốt lõi và là tài sản quý giá của ngân hàng. Và chính sách nhân sự của OceanBank cũng được xây dựng với mục đích biến nguồn nhân lực trở thành một ưu thế cạnh tranh hàng đầu, giữ vai trò quyết định để thực hiện thành công những mục tiêu chiến lược đề ra, luôn đồng hành với sự thỏa mãn về công việc và lợi ích của nhân viên.

Chìa khóa thành công

Theo các chuyên gia trong những năm tới ngành tài chính – ngân hàng vẫn luôn được xã hội quan tâm và là ngành thu hút nguồn lao động khá lớn. Việc thay đổi, bổ sung liên tục đội ngũ nhân sự mới cũng là một tất yếu khi nhu cầu mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được đòi hỏi cao hơn. Mặt khác người lao động mong muốn được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, năng động, có thu nhập xứng đáng và có cơ hội thăng tiến là hoàn toàn dễ hiểu. Chính vì vậy, áp lực thay đổi nhân sự là điều không thể tránh khỏi trong việc quản lý nhân sự tại các nhà băng. Dù hầu hết các ngân hàng đều đã chuẩn bị cho mình những “đường đi nước bước” trong lộ trình phát triển đặc biệt là chính sách về nhân sự tuy nhiên hiệu quả của những chính sách này không dễ dàng có thể minh chứng trong ngày một ngày hai.

Với OceanBank, ngân hàng luôn tự hào về môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động và thân thiện. Một nhân viên từng làm việc tại một ngân hàng quốc doanh và hiện tại đang “đầu quân” cho OceanBank chia sẻ: “Nhiều người thân và bạn bè của tôi đều tỏ ta ngạc nhiên khi tôi chuyển đổi công việc từ ngân hàng quốc doanh lớn sang ngân hàng TMCP, tuy nhiên hơn một năm trải nghiệm tại đây đã cho tôi vững tin hơn với quyết định của mình. Tôi nghĩ môi trường làm việc, cơ hội để khẳng định sức bật của mình luôn là điều mà các bạn trẻ trông đợi khi quyết định gắn kết với doanh nghiệp. Điều này chúng tôi có thể thực hiện tại OceanBank. Làm việc tại OceanBank, tôi cảm thấy mình như thành viên của một đại gia đình đầy ắp niềm tin và hy vọng, luôn được quan tâm, chia sẻ và cùng nhau cống hiến, phát huy những giá trị bản thân để xây dựng ngôi nhà chung ngày càng lớn mạnh”.

Có thể nói, sở hữu một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, năng động, nhiệt tình và gắn bó đã là một nửa của sự thành công của bất kể một doanh nghiệp nào. Với các nhà băng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đã khó nhưng duy trì và phát triển nguồn nhân lực mới lại là điều khó hơn. Theo Phó giám đốc Học viện Ngân hàng Tô Kim Ngọc thì: “Ngân hàng nên chọn đúng người, đúng việc và đãi ngộ tương xứng sẽ hạn chế được tình trạng nhảy việc. Nếu được tuyển dụng đúng người, đúng việc, ngân hàng có thêm lựa chọn về nhân sự, vừa tiết kiệm chi phí trả lương, lại không lo chảy máu chất xám…”.

Thực tế cũng cho thấy người lao động không chỉ mong đợi vào chính sách đãi ngộ và quyền lợi rõ ràng mà còn kỳ vọng có một môi trường làm việc thân thiện và gắn bó tại doanh nghiệp. Lương cao, thưởng lớn chưa hẳn đã là yếu tố chính để níu chân người lao động…

Đặng Thủy