Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 9/10 - 14/10

13:01 | 14/10/2023

7,159 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nga và Ả Rập Xê-út rất có thể sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng đến năm 2024; phí bảo hiểm chiến tranh quay trở lại thị trường dầu mỏ... là những sự kiện nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 9/10 - 14/10

1. Phát biểu tại một hội nghị năng lượng ở Moscow hôm 11/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay, Nga và Ả Rập Xê-út rất có thể sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng đến năm 2024 và cảnh báo rằng xung đột ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu với chi phí vận chuyển và bảo hiểm cao hơn.

"Tôi chắc chắn rằng sự phối hợp hành động của các thành viên OPEC+ sẽ tiếp tục. Điều này rất quan trọng đối với khả năng dự đoán của thị trường dầu mỏ", ông Putin cho hay.

2. Sản lượng dầu thô của OPEC tăng trong tháng 9 so với tháng 8, theo Báo cáo thị trường dầu hàng tháng (MOMR) mới nhất của nhóm công bố hôm 12/10.

Theo MOMR, sản lượng dầu thô của OPEC đã tăng lên 27,755 triệu thùng/ngày trong tháng 9 - tăng 273.000 thùng/ngày so với mức 27,482 triệu thùng/ngày mà nhóm khai thác trong tháng 8. Dựa trên các nguồn thứ cấp, sản lượng tăng lớn nhất là từ Nigeria, nơi tăng 141.000 thùng/ngày so với tháng trước. Ả Rập Xê-út cũng chứng kiến mức tăng 82.000 thùng/ngày.

3. Reuters trích dẫn dữ liệu theo dõi tàu chở dầu và các nhà phân tích cho biết, xuất khẩu dầu diesel của Ấn Độ sang châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 9 trong bối cảnh chênh lệch giá mở đối với các chuyến hàng đi hướng tây.

Tháng trước, các lô hàng diesel vận chuyển từ Ấn Độ đến châu Âu đạt trung bình từ 280.000 - 303.000 thùng/ngày - tương đương gần một nửa tổng số lô hàng diesel của Ấn Độ trong tháng 9, theo dữ liệu theo dõi tàu của LSEG, Vortexa và Kpler. Đồng thời, xuất khẩu dầu diesel của Ấn Độ sang Singapore giảm trong tháng 9.

4. Những người mua LNG ở Bắc Á đang tạm dừng kế hoạch mua thêm nhiên liệu cho mùa đông, sau khi xung đột giữa Israel và Hamas làm tăng thêm rủi ro về nguồn cung, đẩy giá toàn cầu tăng.

Các thương nhân cho biết, những người mua LNG ở châu Á đang chờ giá giảm trước khi họ đặt thêm lô hàng cho mùa đông, khi nhu cầu về nhiên liệu sưởi ấm lên đến đỉnh điểm, vì họ hiện đang có nhiều hàng tồn kho. Họ nói thêm, việc tăng giá phản ánh những lo ngại về nguồn cung và không phản ánh mức tăng vọt trong vấn đề mua hàng.

5. OPEC cảnh báo hành động về khí hậu nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 sẽ làm suy yếu đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ và gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng toàn cầu.

Tổng thư ký Haitham al-Ghais nhắm đến các nhà dự báo dự đoán nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm trong thập kỷ này, khi nhóm tham gia vào một cuộc khẩu chiến kéo dài với Cơ quan Năng lượng Quốc tế về đầu tư vào các dự án dầu khí.

6. Phí bảo hiểm chiến tranh đã quay trở lại thị trường dầu mỏ vào đầu tuần này sau cuộc tấn công cuối tuần của phong trào Hamas vào Israel, một lần nữa làm đảo lộn bối cảnh địa chính trị ở khu vực xuất khẩu dầu quan trọng nhất thế giới, Trung Đông, và chôn vùi hy vọng về mối quan hệ hữu nghị giữa Ả Rập Xê-út - Israel.

Cuộc tấn công của Hamas diễn ra đúng thời điểm một số quốc gia Trung Đông, bao gồm cả nhà khai thác dầu Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Israel.

7. Nhà điều hành đường ống Transneft của Nga đã nối lại việc xuất khẩu dầu diesel từ các cảng biển vào cuối tuần vừa qua sau khi Moscow cho phép tái xuất khẩu dầu diesel bằng đường biển.

Igor Demin, đại diện của Transneft nói với hãng tin TASS: "Dựa trên đơn đăng ký của các công ty dầu mỏ, được Bộ Năng lượng xác nhận và các tờ khai từ cơ quan hải quan, các lô hàng sản phẩm dầu mỏ đã bắt đầu tái xuất khẩu vào ngày 7/10".

Bình An