Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 30/10 - 4/11

15:33 | 04/11/2023

9,835 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chevron đang đàm phán để cung cấp LNG cho châu Âu với thời hạn lên tới 15 năm; xuất khẩu dầu của Venezuela giảm dù được Washington nới lỏng trừng phạt... là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng tuần qua.
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 30/10 - 4/11

1. Giám đốc điều hành của Chevron mới đây cho biết, tập đoàn này đang đàm phán để cung cấp LNG cho châu Âu với thời hạn lên tới 15 năm khi người mua châu Âu chuyển từ nguồn cung cấp giao ngay và ngắn hạn sang giao hàng dài hạn sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine.

Colin Parfitt, người đứng đầu các hoạt động giao dịch, vận chuyển và đường ống của Chevron, cho hay, các khách hàng châu Âu muốn có các giao dịch trung hạn trong khoảng thời gian lên tới 15 năm và ông lớn năng lượng nước Mỹ đang thực hiện một số giao dịch thương mại.

2. Trong bối cảnh sáu tháng nới lỏng các lệnh trừng phạt của Washington đối với dầu của Venezuela, nhưng xuất khẩu dầu của nước này lại giảm trong tháng 10 và các dấu hiệu can thiệp chính trị hiện đang đe dọa đảo ngược thỏa thuận trừng phạt.

Theo Reuters, xuất khẩu tháng 10 của Venezuela giảm 19% xuống dưới 700.000 thùng/ngày trong tháng 10, sau khi xuất khẩu hơn 8210.000 thùng/ngày trong tháng 9, dựa trên dữ liệu từ công ty dầu khí nhà nước PDVSA.

3. Nhập khẩu dầu thô Nga của Ấn Độ trong tháng 10 đã giảm 4% so với tháng trước, do quốc gia châu Á tăng lượng nhập khẩu từ Ả Rập Xê-út.

Theo IBC, trích dẫn dữ liệu hàng hóa của Vortexa, Ấn Độ đã nhập khẩu 1,55 triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày trong tháng 10, so với 1,62 triệu thùng/ngày trong tháng 9.

4. Theo dữ liệu mới được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm 31/10, sản lượng dầu thô của nước này đạt mức cao nhất mọi thời đại trong tháng 8, với sản lượng vượt qua mức trước đại dịch.

Dữ liệu mới của EIA cho thấy sản lượng dầu thô tại mỏ của Mỹ đạt 404,6 triệu thùng trong tháng 8, ở mức trung bình 13,05 triệu thùng mỗi ngày - phá vỡ kỷ lục trước đó của các hãng khoan dầu Mỹ thiết lập vào tháng 7 là 401,73 triệu thùng.

5. Huang Yongzhang, Chủ tịch tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ PetroChina, cho biết nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc có thể tăng 10% trong quý này so với cùng kỳ năm 2022 nhờ các chính sách kích thích kinh tế mới nhất.

Huang nói với các nhà đầu tư rằng, trong Quý IV, chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc sẽ mang lại nhiều kết quả hơn, tiêu dùng trong nước sẽ phục hồi hơn nữa... và nhu cầu về các sản phẩm công nghiệp sẽ được cải thiện.

6. Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu, dự kiến ​​sẽ chứng kiến ​​mức tiêu thụ dầu giảm đáng kể vào năm 2023 do các chỉ số kinh tế sụt giảm, làm giảm nhu cầu về nhiên liệu công nghiệp, Bloomberg đưa tin, trích dẫn một cuộc phỏng vấn với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Bloomberg dẫn lời nhà phân tích thị trường dầu mỏ của IEA Ciaran Healy cho biết, Đức có nguy cơ mất 90.000 thùng dầu tiêu thụ mỗi ngày.

Bình An