Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 13/11 - 18/11

17:52 | 18/11/2023

1,656 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Israel đến Ai Cập dự kiến ​​trở lại mức bình thường vào đầu tuần tới; Pháp không cho phép các quỹ đầu tư vào các công ty nhiên liệu hóa thạch sử dụng nhãn ESG... là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 13/11 - 18/11

1.Theo quy định mới, Pháp sẽ không cho phép các quỹ đầu tư vào các công ty nhiên liệu hóa thạch có kế hoạch phát triển mới sử dụng nhãn ESG (Môi trường - Xã hội - Doanh nghiệp) quốc gia, có thể dẫn đến việc buộc phải thoái vốn 7,6 tỷ USD (7 tỷ euro) tài sản dầu khí hiện do các quỹ này nắm giữ, một phân tích của Morningstar Inc cho thấy.

Các nhà quản lý quỹ sẽ không được gắn nhãn Đầu tư có trách nhiệm xã hội (SRI) ở Pháp nếu họ đầu tư vào các công ty nhiên liệu hóa thạch triển khai các dự án thăm dò, khai thác hoặc lọc dầu khí mới hay các công ty hoạt động trong lĩnh vực này.

2. Khi Liên minh châu Âu đang xem xét các biện pháp nhằm tăng cường thực thi lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Nga, Đan Mạch có thể được yêu cầu dừng và kiểm tra thủ tục giấy tờ đối với các tàu chở dầu thô của Nga đi qua eo biển nước này.

EU hiện đang cân nhắc các giải pháp nhằm thực thi biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với các chuyến hàng dầu thô của Nga, hầu hết trong số đó hiện đang giao dịch trên mức giá trần 60 USD/thùng do G7 và EU đặt ra vào cuối năm ngoái.

3. Trong một báo cáo mới đây, JP Morgan, một trong những nhà tài trợ nhiên liệu hóa thạch hàng đầu thế giới, nhận định việc giảm lượng khí thải metan và giải quyết rò rỉ khí metan trong hoạt động khai thác là những hành động tức thời mà cả doanh nghiệp và khí hậu sẽ được hưởng lợi.

Sách trắng "Cơ hội phát thải khí metan" của JP Morgan kêu gọi các công ty tăng cường nỗ lực cắt giảm lượng khí thải metan và nói rằng ngân hàng Phố Wall này công nhận việc giảm lượng khí thải metan là một cơ hội để hỗ trợ các nỗ lực tăng tốc của các khách hàng.

4. Hãng Reuters dẫn lời Amrita Sen, người đồng sáng lập Energy Aspects, mới đây cho biết Ả Rập Xê-út có thể gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện sang quý đầu tiên hoặc nửa đầu năm 2024, với lý do các yếu tố cơ bản cung - cầu vẫn còn quá mạnh.

Dự báo của Sen được đưa ra khi chuẩn dầu thô Brent chỉ ở mức dưới 82 USD vào lúc 11h01 sáng 15/11, trong khi giá dầu Mỹ WTI giao dịch ở mức khoảng 77,5 USD/thùng.

5. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã giảm 25 triệu USD xuống còn 18,34 tỷ USD trong tháng 10 trong bối cảnh giá dầu quốc tế thấp hơn.

Cơ quan này cho biết trong Báo cáo thị trường dầu mới nhất công bố ngày 14/11 rằng giá dầu thô chuẩn thấp hơn bù đắp cho mức chênh lệch giảm đối với các loại dầu thô của Nga so với North Sea Dated (các lô dầu thô ở Biển Bắc đã ấn định ngày giao).

6. Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Israel đến Ai Cập dự kiến ​​sẽ trở lại mức bình thường vào đầu tuần tới khi một mỏ khí đốt của Israel tiếp tục khai thác, sau khi bị đình chỉ từ sau vụ tấn công của Hamas vào đầu tháng 10, Bloomberg trích dẫn một nguồn hiểu biết về nhập khẩu khí đốt của Ai Cập.

Nguồn cung cấp khí đốt của Israel đến Ai Cập thấp cũng có nghĩa là xuất khẩu LNG của Ai Cập sang châu Âu thấp hoặc không có, vốn dựa vào số lượng hàng hóa ngày càng tăng để thay thế nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống từ Nga, phần lớn đã bị cắt vào năm ngoái sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine.

7. OPEC cho biết sản lượng dầu thô của khối này đã tăng 80.000 thùng/ngày trong tháng 10 so với tháng 9, nhưng sản lượng tại các quốc gia bị ràng buộc bởi hiệp ước OPEC+ tiếp tục thấp hơn nhiều so với mức đã thỏa thuận.

Tổng sản lượng từ tất cả 13 thành viên OPEC đạt trung bình 27,9 triệu thùng/ngày vào tháng 10/2023, tăng 80.000 thùng/ngày so với tháng trước, do sản lượng tăng ở Angola, Iran và Nigeria, theo các nguồn thứ cấp mà nhóm sử dụng để theo dõi mức khai thác.

Bình An