Những người lưu giữ tri thức của nhân loại

09:13 | 30/10/2017

4,971 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần đây tôi được một người bạn giới thiệu cho vài đầu sách để đọc thêm, tìm hiểu về một số tác giả nổi tiếng giữa thế kỷ XX của Việt Nam như Phan Khôi, Trần Dần…

Tôi dành cả mấy ngày nghỉ cuối tuần để lượn lờ và lục tung phố sách Đinh Lễ để tìm mua sách mà không được. Nghĩ cũng hơi nản, thế là đành lên Internet hỏi anh “Google” xem có địa chỉ nào bán sách tôi đang cần hay không, tuy nhiên gọi điện hỏi nơi nào cũng không có. Lần này thì đúng là hết cách, tôi đành gọi điện cho ông bạn thì được chỉ đường tới các hiệu sách cũ có khi may ra tìm được “hàng”.

Đi tìm sách cũ

Những người thích đọc sách, yêu sách chắc chắn không hề lạ lẫm với địa chỉ số 5 Bát Đàn của vợ chồng ông Phan Trác Cảnh, bởi nơi đây là cả một kho tàng tri thức cổ xưa về Việt Nam. Những người "nghiện" sách khoa học xã hội, đặc biệt là sách địa chí, lịch sử các dân tộc Việt Nam, đều đã không ít lần gõ cửa địa chỉ này.

Dừng chân trước một cánh cửa sắt, trên cổng có gắn biển hiệu với cái tên giản dị “Nhà sách cũ”, tôi bước vào trong nhà, điều đầu tiên nhận thấy là cả căn phòng phảng phất một mùi giấy cũ rất đặc trưng cùng hàng vạn quyển sách chất chứa xung quanh các bức vách, cầu thang lên xuống, lối đi...

nhung nguoi luu giu tri thuc cua nhan loai
Ông Phan Trác Cảnh

Qua tiếp xúc tôi nhận thấy ông Phan Trác Cảnh là người rất nho nhã, trầm tính và có phần hơi kiệm lời, có lẽ đây là đặc trưng của một người cả đời đắm chìm giữa biển sách của mình. Lân la hỏi chuyện, rồi được ông mời uống trà tôi mới biết, ông vốn là cán bộ nghiên cứu khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Hơn 30 năm trước, ông từng phải nhịn ăn, nhịn hút thuốc để có tiền mua sách. Đôi lúc bạn bè tưởng ông đã đổi nghề buôn ve chai khi thấy ông cứ lẽo đẽo theo những bà đồng nát để lùng sách quý trong mớ giấy vụn. Nhưng cũng chính vì thế mà ông đã cứu hàng vạn cuốn sách khỏi lò nấu giấy. Đến nay, sau gần cả cuộc đời đọc sách, những tác giả khiến ông yêu mến nhất là: Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giầu, Hoàng Xuân Nhị…

Rồi sau đó, khi nghỉ hưu vào năm 1983, vì yêu sách, quý sách ông quyết định mở hiệu sách cũ tại nhà riêng để chia sẻ những cuốn sách cũ với những người yêu sách. “Hình như sách cũ cũng có linh hồn, mình quý nó thì nó sẽ tìm mình. Lúc đầu mới mở hiệu sách cũng chật vật lắm, thế nhưng cũng chẳng hiểu sao lại có nhiều người tìm đến cửa để mua - bán, rồi trao đổi sách. Có cả những người từ miền Nam cũng liên lạc tới rồi cung cấp sách cũ cho bác”. Ông Cảnh nói.

Ông chủ hiệu sách cũ cho hay, công trình sưu tập sách cũ của ông hầu như chỉ tập trung vào một chủ đề lớn là: Việt Nam học. “Khoảng 20 năm nay, ngày nào bác cũng dành khoảng 10 tiếng để sưu tập những sách cũ từ nhiều nguồn khác nhau, độ gần 10 năm trở lại đây mạng Internet phát triển nên việc sưu tập cũng đỡ nhọc hơn hồi xưa. Thế nhưng cũng vẫn phải đến khi đêm khuya thanh vắng mới xong việc, nghỉ ngơi thì lại ngồi đọc sách mới sưu tập. Càng đọc lại càng thấy những gì mình biết chỉ như hạt cát giữa sa mạc mênh mông, càng đọc càng thấy mình chưa biết gì…” - ông chủ hiệu sách chia sẻ.

Trong thư phòng của mình, ông Phan Trác Cảnh đã đón nhiều học giả lớn như Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Phan Ngọc, Vương Hồng Sển đến thăm và xúc động khi thấy tác phẩm của mình được trân trọng.

Dạo một vòng quanh kho sách đồ sộ mà theo ông Cảnh nếu tính ra kilôgam cũng phải nặng gần 2 tấn, tôi thấy chủ yếu là những cuốn sách về văn học Việt Nam, từ bộ “Tinh tuyển văn học Việt Nam Dân gian”, “Hán nôm”... Đến những cuốn sách được in từ thế kỷ XIX cũng vẫn được ông lưu giữ như cuốn “Souvernirs de Hue” in bằng tiếng Pháp từ năm 1867 của tác giả Michel Duc Chaigneau viết kỷ niệm về Huế. Các quyển “Hán văn tân giáo khoa thư” xuất bản năm 1928 và “Ngũ thiên tự” năm 1929 cũng còn nguyên vẹn. Nhiều báo, tạp chí xuất bản từ đầu thế kỷ trước như Phong Hóa, Phụ Nữ Tân Văn, Gia Định Báo, Gió Mới, Văn Mới, Nông Cổ Mín Đàm, Nam Phong vẫn đang nằm trên kệ thách thức thời gian.

Ngồi uống trà nói chuyện phiếm với ông, tôi hỏi về việc kinh doanh sách cũ có kiếm đủ lãi để ông bà dưỡng già hay không, ông Cảnh cười xòa, nhấp ngụm trà rồi trả lời: “Nói thật với cháu, hai vợ chồng bác sống đủ bằng tiền lương hưu rồi, chứ còn việc bán sách cũ này mà đắt hàng đông khách thì người ta cũng đổ xô mà bán sách trên con phố này rồi. Tuy vậy khách đến thăm, mua sách không đông nhưng đều là những người cần và biết về sách”.

Tới đây ông lại kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm kể từ khi mở hiệu sách năm 1983. Khách của cửa hiệu nhiều đối tượng lắm, từ sinh viên, giáo viên, người nghiên cứu đến cả những học giả, nhà ngoại giao, khách du lịch nước ngoài... Họ đến vì mê văn hóa, văn học Việt Nam. Họ đến để đàm đạo, hỏi ông cụ về những kiến thức chưa thông. Bất kể ai ông cụ cũng tận tình giúp đỡ để họ tìm được những cuốn sách mà họ cần.

Những người bạn nước ngoài cũng thường xuyên ghé thăm hiệu sách, đặc biệt là người Nhật Bản. Bởi theo ông Trác thì ông và Giáo sư Việt Nam học Kenji Tomita là bạn tâm giao của nhau từ năm 1983, khi ông mới mở hiệu sách cũ này. Sau đó vị giáo sư người Nhật Bản thường xuyên giới thiệu cho các nghiên cứu sinh Nhật Bản biết địa chỉ hiệu sách cũ của ông.

nhung nguoi luu giu tri thuc cua nhan loai
“Nhà sách cũ” số 5 Bát Đàn

Nếu như học văn là học làm người thì đọc sách là một cách giúp cho con người dần hoàn thiện phần người ấy hơn. Mỗi ngày có đến trăm nghìn cuốn sách mới được phát hành, nhưng những cuốn sách cũ vẫn luôn có một giá trị trường tồn theo năm tháng. Giữa cái ồn ào, nhộn nhạo của phố xá tấp nập, hiệu sách cũ số 5 Bát Đàn giống như một kho tàng cổ vẫn ngự ở đó, vẫn giữ nét tinh hoa như ông từng nói: “Khi người ta nhiều tuổi, thường nghĩ nhiều đến quá khứ, với tôi là sách. Những cuốn sách cũ chữ in rất mờ trên giấy đen sì đọc mãi mới hết một trang...”.

Lão bán sách “hách dịch”

Phố Bà Triệu. Một vị trí mặt tiền đẹp như mơ, nếu cho thuê cũng có thể kiếm được 40-50 triệu đồng mỗi tháng. Lại đem mở cửa hàng bán sách cũ. Khối người đi qua chẹp miệng lắc đầu rồi thở dài.

nhung nguoi luu giu tri thuc cua nhan loai
Ông Lương Ngọc Dư với kho sách cũ của mình

Trước khi đến cửa hàng này tôi đã hỏi thăm một vài người bạn thì được biết ông chủ ở cửa hàng sách cũ 180 phố Bà Triệu là một người rất khó tính và ở đây nổi tiếng là chặt chém khách mua sách một cách không thương tiếc. Thế nên tôi đến với một tâm lý khá thận trọng, e dè.

Mỗi ngày có đến trăm nghìn cuốn sách mới được phát hành, nhưng những cuốn sách cũ vẫn luôn có một giá trị trường tồn theo năm tháng.

Vừa phi xe tới trước số 180 phố Bà Triệu, đập vào mắt tôi là một ông với thân hình bồ tượng, vai vuông như cái tủ lạnh, quần soóc chìa hai cẳng chân to như cột cái, đầu lơ thơ vài sợi tóc gần như đã bạc trắng. Đó là ông chủ hiệu sách cũ khét tiếng khó tính tên là Lương Ngọc Dư, mọi người thường hay gọi là ông Dư già bán sách cũ. Ông Dư ngồi trên một chiếc ghế gỗ bé tí ti (trông chẳng cân xứng gì với thể trọng của ông một tẹo nào, tôi ước chừng ông nặng khoảng gần 90kg) lên nước đen xì bóng loáng như phủ một lớp sơn bóng vậy. Ghế được đặt giữa cửa, ngay lối đi vào hiệu sách.

Tôi dựng xe chưa kịp bước chân xuống thì ông Dư già đã hất cằm từ xa hỏi vọng lại với một giọng nam cao vút: “Tìm sách gì?”. Tôi đần người ra một lúc trong đầu thầm nghĩ, ông già thật khó tính, ông cụ Cảnh trên Bát Đàn nho nhã bao nhiêu thì ông Dư già này hách dịch bấy nhiêu. Mà thường thì đi mua sách cũ hiếm thì ai cũng phải xác định mục tiêu ngay từ đầu, lão hỏi thế chẳng khác nào làm khó khách hàng.

Sau vài giây tôi ú ớ trả lời tỏ ý rằng, cháu muốn vào hiệu sách ngó tí xem có quyển nào hợp gu thì sẽ mua. Tuy nhiên, câu trả lời của ông Dư này thật khiến tôi ức muốn ói cả máu. “Thôi thôi, biến biến! Chừng nào biết cần mua sách gì thì quay lại! Ở đây không cho vào soi mói đâu”. Ông Dư nói như quát.

Đang đuổi tôi thì có một chị khách đi vào. Bỏ mũ bảo hiểm ra, chị hỏi ông Dư rằng ở đây có một bộ sách khoa học gì đó in ở Sài gòn trước năm 1975 không? Ông Dư cắm cảu nói có, nhưng phải tìm lâu. Chị ta bèn liếc xéo ông Dư một cái, rồi bảo: “Này ông, tôi thấy người ta càng già càng nền tính, sao ông càng già càng như hũ mắm tôm hỏng thế nhỉ?”. Thật lạ là lão Dư khó tính này lại cười, miệng chúm chím không trả lời.

nhung nguoi luu giu tri thuc cua nhan loai

Đợi cho ông Dư tìm được sách cho chị kia xong tôi mới lại tiếp tục hỏi chuyện ông. Tôi giới thiệu mình là phóng viên và muốn tìm hiểu hiệu sách của lão để viết bài thì mới được ông lão khó tính có phần hách dịch này tiếp chuyện một cách bình thường, không bị đuổi thẳng cổ ra ngoài nữa.

Qua cuộc trò chuyện tôi mới biết trước kia ông Dư già vốn là dân kỹ sư xây dựng. Một dạo do cuộc sống khó khăn, túng thiếu, ông phải đem bán những cuốn sách quý của mình. Tuy nhiên, là người có đầu óc kinh doanh, sau này ông đã mua lại sách cũ để bán cho những người có nhu cầu. Khác với hiệu sách cũ của ông Cảnh phố Bát Đàn, sách của ông Dư già Bà Triệu có đủ cả đông tây kim cổ. Mỗi khi khách đến cửa hàng, ông già hách dịch thường khinh khỉnh hỏi lĩnh vực mà khách muốn rồi lục tìm đâu đó trong biển sách, phủi bụi và đưa cho khách. Những cuốn sách hay được tìm ông thường bày ngay trước giá dưới, còn có cuốn thiên hạ ít khi nhòm ngó thì ông cho nó tọa lạc, cất giấu tít trên tận mái cao. Mới đầu nhìn vào diện tích nhỏ bé lộn xộn ấy, khách thấy hoa cả mắt, nhưng đối với ông già hơn 40 năm gắn bó với từng cuốn sách thì nó không hề lộn xộn, bởi từng cuốn ở đâu, vị trí nào ông đều nhớ.

Người ta nói, ông có một cái đầu như cuốn bách khoa toàn thư, bởi nhắc đến bất cứ một vấn đề nào từ khoa học, kỹ thuật, chiến tranh, văn học ông đều “đối đáp” hầu chuyện được nếu người mua có muốn hàn huyên. Ông tiết lộ một trong những bí quyết kinh doanh của mình chính là biết khách muốn gì, chính vì vậy ông đọc rất nhiều, nó là niềm đam mê, sự yêu thích muốn được khám phá, khai sáng trí tuệ.

Khách hàng tìm đến ông như tìm đến giá trị xưa cũ… Nổi tiếng là bán sách đắt nhưng mỗi cuốn sách đều có giá trị, khi nó được sở hữu bởi một độc giả có giá trị thì bỗng nhiên bao nhiêu tiền cho cuốn sách đó cũng chẳng quan trọng nữa. Ông cũng chia sẻ, có những cuốn sách trở đi trở lại với ông đến mấy lần. Lúc đó ông thực sự vui vì nó tạo ra một vòng tuần hoàn, chứng tỏ cuốn sách có giá trị nên nó được nhiều người sử dụng.

Khi tôi hỏi ông Dư về nguồn gốc của những cuốn sách cũ thì gương mặt khó tính của ông bỗng trầm xuống. Rồi ông kể một vài kỷ niệm trong những lần nhập sách. Theo ông Dư, nhiều gia đình, khi ông đến thanh lý tủ sách cũ, thì ông bố đang nằm trên giường bệnh. Nhiều nhà, có phụ huynh là trí thức lớn ở Hà Nội, nhưng con cái chẳng ai đọc sách. Ông bố sợ, khi ông mất các con đem bán cho đồng nát, nên vội vàng gọi ông đến thanh lý, may ra những cuốn sách quý còn tìm được người cần nó.

nhung nguoi luu giu tri thuc cua nhan loai

Nhiều người cầm cuốn sách của ông Dư già, tiếc hùi hụi. Vì sách có chữ ký “tươi” của những người nổi tiếng, giá có thể "đội" lên gấp 10 lần nhưng lão lại xé bỏ các trang đó coi như là “tôn trọng người quá cố và những bí mật riêng tư”. Ông Dư kể: “Nhiều tủ sách cũ tôi mua thanh lý, con cái họ giờ cũng nổi tiếng trong xã hội, họ lại muốn tìm những kỷ vật của bố, nằng nặc đến tôi, xin mua lại những cuốn sách mà ngày xưa bố từng bán. Có người tha thiết để lại số điện thoại nhờ tôi tìm cuốn sách của bà mẹ viết về nấu ăn trước năm 1945. Ngày đó, bà là một đầu bếp nổi tiếng ở Hà Nội, giờ phiêu bạt ra nước ngoài sinh sống. Các con trưởng thành, giàu có, mới thấy quý những giá trị tinh thần của mẹ…”.

Qua những quyển sách cũ cũng có thể thấy được phần nào đó những câu chuyện về nhân tình thế thái. Những niềm vui, nỗi buồn của những người đã từng là chủ một cuốn sách. Thế nhưng, liệu rằng khoảng vài mươi năm nữa khi những người như ông Cảnh, ông Dư không còn thì liệu những hiệu sách cũ này có còn giữa cuộc sống ngày càng hối hả?

Số 5 Bát Đàn là một hiệu sách cũ nổi tiếng Hà Nội của ông Phan Trác Cảnh - một “đại gia” sách cũ. Trong gia tài sách của mình, ông có gần 300 cuốn về Hà Nội, cuốn xưa nhất là “Hà Nội chỉ nam” của tác giả Nguyễn Bá Chính, xuất bản năm 1923 và rất nhiều tạp chí đầu thế kỷ trước như: Phong Hóa, Phụ nữ Tân văn, Gia Định báo, Gió mới, Văn mới, Nam Phong… Ngoài ra, ông còn có bộ tài liệu đồ sộ gồm 46 cuốn về dân tộc Chàm, 11 tập chuyên nghiên cứu về người Hoa ở Việt Nam và những cuốn sách quý viết về người Mường, Thái, Mông, Tày...

Tú Cấm