Gìn giữ kho tàng tri thức

20:05 | 11/05/2017

464 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người ta thường háo hức với những thứ mới mẻ, bóng bẩy và thơm tho, nhưng riêng với sách, càng cũ lại càng được nâng niu và trân trọng. Những người ham đọc sách, chơi sách luôn có cái thú đi lang thang trong các phố sách cũ. Xưa cũng vậy, nay cũng vậy và sau này khi thiên hạ phát minh ra những thiết bị bỏ trong túi áo với dung lượng cả ngàn cuốn sách thì cái thú đó chắc cũng khó mà mất được. Nhưng bảo vệ sách cũ như thế nào để chúng bền bỉ với thời gian? Đây lại là một câu hỏi khó.

Thương lắm những cuốn sách bạc màu

Dạo quanh các quầy mua bán sách cũ, không khó để bắt gặp hình ảnh người đọc chìm đắm trong trang sách. Họ có thể là những bạn trẻ đang nhặt nhạnh tri thức hay những người lớn tuổi hoài niệm quá khứ. Tuy nhiên, tất cả họ đều có chung người bạn tâm giao là sách cũ. Những lúc rảnh rỗi, lang thang qua chợ sách cũ là cái thú vừa dân dã vừa thanh tao ở chốn ồn ào phố thị. Đến các tiệm sách cũ là những sinh viên, các viên chức, các nhà giáo, cả những đại gia đi săn sách quý. Không còn điều gì hạnh phúc hơn khi đột ngột nhìn thấy một cuốn sách trong mơ, ta đọc lâu lắm rồi, nay đang nằm lẫn lộn đâu đó trong những chồng sách vô danh.

gin giu kho tang tri thuc
Vấn đề tìm “nhà” cho sách cũ khiến những người yêu sách trăn trở lâu nay

Có lẽ câu chuyện về những người yêu sách đi “cứu” sách cũ vẫn còn được kể lại. Vì chủ tiệm cần thanh lý gấp hàng chục nghìn đầu sách để trả mặt bằng thuê nhà, rất đông người chen chúc đi mua nhằm tránh cảnh sách bị bán đồng nát. Hiệu sách cũ này mang tên Bách Hợp, từng nằm ở số 50, đường Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức (TP HCM) tấp nập người đến tìm mua. Một vị khách ở gần đó cho biết, ngày thường bờ vỉa hè hẹp tại đây chỉ loe hoe vài chiếc xe - chủ yếu của học sinh, sinh viên. Nhưng khi hay chỗ này sắp dẹp tiệm hẳn vì mặt bằng bị giải phóng, lượng người mua đến càng lúc càng đông đúc hơn, từ sáng đến chiều...

Quả thật, đối với những chủ tiệm sách cũ, giữ nghề đã chọn không phải là điều dễ dàng. Khó khăn đầu tiên là việc “săn lùng” sách chất lượng, phong phú để có thể níu chân người mua. Một chủ tiệm sách cũ cho hay: “Hồi đó chỉ mình mình kinh doanh sách cũ nên những người bán ve chai hay ai có nhu cầu bán sách cũ đều tìm đến đây. Còn bây giờ, tiệm mở ra nhiều, mình phải tự tìm đến những người thu mua ve chai, vựa ve chai, thậm chí lên cả kho giấy hay nhà máy giấy để tìm mua sách. Muốn họ để dành sách cho mình, mình phải biết cách lấy lòng họ, tết năm nào cũng phải quà cáp cám ơn. Còn khách hàng đến mua, mình tri ân bằng cách lì xì 3 ngày đầu năm, mua một tặng một”. Bảo đảm được nguồn hàng, những người kinh doanh sách cũ chưa vơi nỗi lo. Họ đau đáu với việc giữ gìn và giữ hồn sách cũ. Sách mua về họ đâu đã bán lại được ngay. Việc đầu tiên là phải phân loại sách theo thể loại. Rồi sách nào rách thì bao lại, sách nào cũ quá thì tỉa bớt, tân trang lại, nhưng vẫn phải bảo đảm càng nguyên gốc càng tốt…

Tìm “nhà” cho sách cũ

Vấn đề tìm nơi định cư cho sách cũ khiến những người yêu sách trăn trở lâu nay. Còn nhớ, chợ phiên sách cũ - được coi là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện văn hóa tổ chức đầu năm 2016 tại Hà Nội từng khiến độc giả vui mừng đến nhường nào. Các gian hàng sách ở đây được mở rộng diện tích và thu hút đông đảo người yêu sách. Theo ghi nhận, dù xế chiều, các gian hàng sách vẫn chật kín người mua sách. Sự đa dạng mở trong việc tổ chức gian hàng tại hội sách cộng với mức giá được các nhà sách giảm đến 50-70% giúp người mua được nhiều sách mà bình thường ra các hiệu sách hiếm có cơ hội mua được.

gin giu kho tang tri thuc
Gìn giữ kho tàng tri thức

Niềm vui này đã được nối dài khi cách đây chưa lâu, Hội chợ sách cũ Hà Nội tiếp tục hành trình đến với các độc giả yêu sách cũ trong ba ngày 23, 24 và 25-2, tại sân Hồ Văn, thuộc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, 58 phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội. Hội chợ sách cũ Hà Nội đã mang đến cho độc giả một triển lãm sách về Văn Miếu cũng như các danh nhân văn hóa liên quan đến Văn Miếu như: Bà Điểm họ Đoàn; Chế độ đào tạo và tuyển dụng quan chức thời Lê Sơ (1428-1527).

Các hội thảo khoa học cũng được tổ chức tại đây như: Hoàng Giáp Nghiêm Ích Khiêm và truyền thống khoa bảng họ Nghiêm xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh; Hội thảo khoa học Hội nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức - con người và sự nghiệp; Hội thảo Khoa học Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì - con người và sự nghiệp; Khiếu Năng Tĩnh (1835-1915) - con người và sự nghiệp; Hội thảo Khoa học Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên và truyền thống khoa bảng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết, Hà Nội; Hội thảo Khoa học Tế tửu Quốc tử giám Nhữ Đình Toản - con người và sự nghiệp; Tế tửu Quốc tử giám Trương Công Giai và truyền thống khoa bảng họ Trương Việt Nam; Tế tửu Quốc tử giám Vũ Miên (1718-1782) - con người và sự nghiệp; Hội thảo Khoa học Tế tửu Quốc tử giám Thăng Long; Văn khắc Hán Nôm Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Văn Miếu Quốc Tử Giám và chế độ khoa cử Nho học Việt Nam; Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hệ thống di tích Nho học ở Việt Nam; Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội; Văn Miếu Quốc Tử Giám và 82 bia tiến sĩ…

Để tri ân khách hàng, Hội chợ sách cũ Hà Nội cũng mang đến cơ hội mua hàng nghìn đầu sách giá rẻ, cơ hội mua sách đồng giá từ 10 đến 20 nghìn đồng. Sách lần này phong phú về thể loại, thuộc đủ mọi lĩnh vực nào là văn học, văn hóa, lịch sử, đời sống, kinh doanh, đông y và cả ngoại văn, giáo trình sinh viên. Ngoài ra, hội chợ sách cũ cũng mang đến nhiều đầu sách quý, hiếm, dành riêng cho quý độc giả chơi sách. Có thể nói, hội chợ sách cũ không chỉ đơn thuần là hoạt động trao đổi sách mà thật sự đã trở thành sân chơi của những người đam mê sách cũ, muốn tìm lại một chút hoài niệm trên những trang sách vương màu thời gian.

Những tưởng, sách giấy sẽ chết mòn tử trong thời đại công nghệ số, thế nhưng, những trang sách vẫn luôn lặng lẽ đồng hành bên người đọc. Trong số những người nặng nợ với sách giấy, có không ít tấm lòng vẫn dành thứ tình cảm đặc biệt cho sách cũ. Có lẽ, ngôi nhà an toàn nhất dành cho sách cũ chính là những hội chợ sách lớn như thế này.

Việt Sơn