Những ký ức về Nhà máy Đèn Huế

13:29 | 19/07/2018

394 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trải qua hai cuộc kháng chiến giữ nước, công nhân Nhà máy Đèn Huế luôn thể hiện được vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc.

Sau “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”

Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và chính thức áp đặt chế độ thuộc địa. Năm 1920, Pháp tiến hành xây dựng Nhà máy Đèn Huế, cấp điện chủ yếu cho bộ máy chính quyền cai trị và khai thác thuộc địa ở Huế. Năm 1927, cuộc sống cơ cực của người thợ điện dưới chế độ thực dân hà khắc là nguyên nhân để công nhân Nhà máy Đèn Huế tìm đến với tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Đến tháng 4/1930 Chi bộ đảng đầu tiên của Nhà máy Đèn Huế thuộc Thành ủy Huế được thành lập. Từ đây, công nhân Nhà máy Đèn Huế có một chính Đảng lãnh đạo, kiên trì, bền bỉ đấu tranh chống lại kẻ thù của giai cấp và dân tộc.

Những ký ức về Nhà máy Đèn Huế
Công nhân vận hành nhà máy Đèn Huế sau giải phóng.

Trong căn phòng nhỏ với nhiều kỷ vật thu được trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Trung tướng Hoàng Ngọc Diêu, nguyên Đội trưởng Đội cảm tử quân Nhà máy Đèn Huế năm 1946 vẫn nhớ như in: “Đầu năm 1945 công nhân Nhà máy Đèn Huế đã tham gia phá kho thóc của Nhật, chia cho dân nghèo. Thời gian này, do sức mạnh đấu tranh của công nhân và ảnh hưởng của Việt Minh, phong trào đấu tranh kháng Nhật cứu nước tại Nhà máy sôi nổi, mạnh mẽ”.

“Đặc biệt, trận đánh ở Nhà máy Đèn Huế diễn ra năm 1946 vô cùng ác liệt. Sau khi Bác Hồ ra Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” vào ngày 19/12, đúng 1 giờ sáng ngày 20/12, Pháp bắt đầu tấn công Nhà máy Đèn Huế. Đội tự vệ và Đội cảm tử kiên quyết chiến đấu bảo vệ cho đến khi có lệnh phá hủy Nhà máy. Trước khi địch tấn công, chúng tôi bàn bạc kế hoạch đánh địch rất chi tiết” – ông Diêu hồi tưởng lại và cho biết thêm: “Nhà máy khi ấy có 5 máy gazozen chạy bằng than đá, một máy diezen chạy bằng dầu ma dút. Muốn 5 máy gazozen hoạt động thì máy diezen phải hoạt động trước. Trong lúc bàn bạc, có người đưa ra phương án, bí mật tháo con thoi dầu trong máy diezen, 5 máy còn lại không thể hoạt động được. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với phương án này vì địch có thể thay bằng 1 con thoi dầu khác bất cứ lúc nào. Vì thế, chúng tôi quyết định đặt bom phá hủy tất cả các máy”.

Cùng với tiếng mìn phá hủy hai nhịp cầu Trường Tiền, tiếng mìn phá hủy Nhà máy Đèn Huế của Đội cảm tử báo hiệu cuộc tấn công giặc Pháp đầu tiên trên mặt trận Huế. Cả TP. Huế chìm trong bóng tối… quân ta và công nhân Nhà máy cũng bị tổn thất khá nặng, đội cảm tử hy sinh nhiều, chỉ còn lại 15 người. Trên nóc nhà thông tin, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới báo hiệu cuộc đời mới đang mở ra trước vận hội của tộc.

Quyết tâm bám trụ, chờ ngày giải phóng

Nhìn lại hàng chục năm trời dưới chế độ Mỹ - Diệm, công nhân Nhà máy Đèn Huế liên tục đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ và tham gia các phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn của nhân dân thành phố Huế như, phong trào chống Diệm năm 1963, phong trào chống Mỹ -Thiệu năm 1966.

Ông Phạm Thế, làm việc tại Nhà máy từ năm 1950 bồi hồi nhớ lại, năm 1954 với chiến dịch Đông Xuân quyết thắng, Thành uỷ Huế đã đẩy mạnh công cuộc vận động nhân dân thành thị, nhất là công nhân. Khi ấy, mỗi giờ tan ca, công nhân Nhà máy lại qua cầu Tràng Tiền tham gia cuộc biểu tình, tuần hành cùng người dân Huế tại cửa chợ Đông Ba.

Đặc biệt, ngày 1/5/1955, cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ nhất ở Huế do Thành uỷ Huế phát động, đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, trong đó, công nhân Nhà máy đèn Huế đã tham gia bãi công, đòi tăng lương. Dựa vào tính hợp pháp của Tổ chức Nghiệp đoàn Nhà máy Đèn, công nhân đòi giới chủ phải cho nghỉ phép 15 ngày một năm. Được sự vận động, giác ngộ của lực lượng công chức kháng chiến, công nhân Nhà máy còn tự nguyện trích 10% lương tháng ủng hộ kháng chiến.

Trận mở đầu cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 ở Huế qua lời kể của ông Hoàng Miên, công nhân sửa chữa – vận hành Nhà máy Đèn Huế càng cho thấy sức mạnh công nông liên minh. Ông Miên cho biết: “Khi lực lượng vũ trang nhân dân đã đánh thẳng vào các vị trí trong nội thành và vùng nông thôn quanh thành phố khiến bộ máy chính quyền địch ở cấp tỉnh hoảng loạn, hệ thống chỉ huy quân sự địch tê liệt. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để công nhân Nhà máy vùng lên khởi nghĩa giành lấy nhà máy. Khi ấy, khắp nơi quanh nhà máy, công nhân phát đi lời kêu gọi khởi nghĩa:“Chúng ta không thể ngồi yên nhìn nước mất trong tay giặc, không thể chịu đựng mãi cảnh sống nô lệ, bóc lột và đói rách, cùng khổ chỉ nhằm phục vụ quyền lợi bất chính của chúng. Chúng ta muốn: Độc lập, chủ quyền; Tự do, dân chủ; Hoà bình, trung lập; Cơm áo, ruộng đất” và trong ký ức của ông Miên, phong trào nổi dậy ở Huế ngày ấy như một bản hùng ca: “Công nhân, thanh niên, phụ nữ, sinh viên, học sinh cùng nhau xuống đường ngày càng đông, ngày đầu hàng trăm, ngày sau lên hàng ngàn người.

Chúng tôi tuyên truyền tin chiến thắng, mở quán cơm ở chợ Đông Ba tiếp tế cho cán bộ và bộ đội, từ Nhà máy công nhân tham gia đi cáng thương binh, đưa bàn ghế xuống đường làm chướng ngại vật để ngăn quân địch đánh chiếm lại các vị trí quan trọng trong nội thành. Nhiều tự vệ nhà máy cầm súng chiến đấu bên cạnh quân giải phóng và giữ máy chạy đều suốt 25 ngày quân ta chiếm giữ thành phố Huế, bảo vệ nhà máy không cho địch phá hoại. Sau chiến dịch Mậu Thân, địch phản kích rất mạnh, cơ sở Đảng trong nhà máy hầu như mất liên lạc với bên ngoài. Năm 1975, khi quân ta tràn vào giải phóng thành phố Huế, vẫn còn 12 công nhân kiên cường bán trụ, bảo vệ Nhà máy, bàn giao cho Chính quyền Quân quản và tiếp tục vận hành các tổ máy, cấp điện phục vụ ngay sau ngày giải phóng Huế”.

Trong những năm tháng lịch sử hào hùng ấy, hàng trăm tấn bom đạn của kẻ thù đã trút xuống Nhà máy Đèn Huế, nhưng những người thợ điện Cố đô đã kiên cường bám lò, bám máy, phát huy cao độ tinh thần lao động quên mình, sáng tạo, duy trì hoạt động liên tục các tổ máy, phục vụ sản xuất và chiến đấu.

Bản hùng ca trên dòng sông Chảy
Chuyện cắt lũ ở Thủy điện Hòa Bình
Nhớ thời xây dựng Thủy điện Thác Bà
Bí mật lá thư gửi thế hệ năm 2100 ở Thủy điện Hòa Bình

Thanh Huyền