Những kẻ lừa đảo "siêu phàm" trên thế giới

22:19 | 18/12/2018

2,723 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong lịch sử thời nào cũng vậy, cũng có những vụ lừa đảo mà những mánh khóe, những tiểu xảo của những tay lừa đảo siêu phàm khiến không ít người phải ngỡ ngàng. Sau mỗi vụ, người ta lại cảm thấy bàng hoàng và kinh sợ trước khả năng lừa đảo vô biên của những kẻ phạm tội. Lật lại hồ sơ của những kẻ lừa đảo khét tiếng nhất thế giới trong lịch sử, nhiều người sẽ có một góc nhìn mới trước sự tài ba của những “thiên tài” này.

Người Formosan đầu tiên đến châu Âu

Đầu tiên phải kể đến George Psalmanazar, người Formosan đầu tiên đến châu Âu và được mệnh danh là kẻ nói dối tài năng nhất từ trước đến nay. George Psalmanazar đã dùng tài nói dối của mình để mê hoặc cả nước Anh trong suốt một thời gian dài. Những câu chuyện mà ông ta kể thật sự cuốn hút người nghe mà không hề bị nghi ngờ chúng hoàn toàn là bịa đặt. Trước khi đặt chân đến đất nước Anh, George Psalmanazar đã đến Pháp và cố tình che đậy tất cả những thông tin chi tiết về bản thân mình.

Cho đến tận bây giờ thì không ai có thể biết xuất thân của George Psalmanazar từ đâu mà chỉ biết rằng có lẽ ông ta được sinh ra ở miền Nam nước Pháp. Tại sao lại là có lẽ được sinh ra ở miền Nam nước Pháp thì chỉ dựa vào một chi tiết đó là ông ta nói tiếng Pháp và thông thuộc lịch sử nước Pháp. Đến ngay cả tên khai sinh của ông cũng không ai được biết mà chỉ đến khi cuốn tự truyện của George Psalmanazar ra đời ngay sau khi ông mất, người ta mới được biết đến ông như một thần đồng vậy.

George Psalmanazar có thể nói trôi chảy rất nhiều thứ tiếng cùng một lúc từ khi chỉ mới 7, 8 tuổi. Bên cạnh đó ông ta còn có những kiểu quần áo, thực hành những hình thức nghi lễ chẳng giống ai và nhìn vẻ bên ngoài thì ông chính là một người châu Âu chính hiệu.

Khi đặt chân đến Anh, George Psalmanazar tự nhận mình là một người đến từ một vùng đất bí ẩn đó là một hòn đảo Formosan xa xôi, nơi trước đây ông ta bị một bộ lạc bản địa bắt làm tù binh, và kể lại rất tỉ mỉ về những phong tục tập quán kỳ lạ ở đó. George Psalmanazar mô tả rất chi tiết và kể một cách say sưa về cuộc sống cũng như những điều kỳ thú ở đó khiến những người nghe vừa cảm thấy thú vị và quan trọng là không ai tỏ vẻ nghi ngờ bất cứ một điều gì trong những câu chuyện của George Psalmanazar.

Để có được một chuyến du lịch an toàn và giá cả phải chăng ở Pháp, George Psalmanazarđã quyết định đóng giả mình là một người Ailen đang trên đường hành hương đến Rome. Với bản chất cực kỳ thông minh nên chỉ sau một thời gian ngắn, George Psalmanazar đã nói tiếng Anh rất giỏi và ông ta còn làm một quyển hộ chiếu giả, ăn cắp chiếc áo choàng của một người khách đến cầu nguyện tại nhà thờ.

Ngụy trang kỹ lưỡng nhưng George Psalmanazar vẫn bị người khác phát hiện là kẻ lừa đảo nên George Psalmanazar quyết định thay đổi chiến thuật. Ông ta nói rằng ngụy trang vẻ bề ngoài không thể qua mắt được những người tinh tường, còn ngụy trang cả đầu óc lẫn kiến thức thì chắc chắn khó bị phát hiện. Nói là làm, George Psalmanazar quyết định thu thập và học hỏi những kiến thức để có thể tự tin rằng mình là một người bản địa cho dù đặt chân đến bất kỳ đất nước nào. Mỗi đất nước có một tập tục riêng nhưng George Psalmanazar vẫn cố gắng học kể cả việc ăn thịt sống, ngủ đứng hay ngủ ngồi.

nhung ke lua dao sieu pham tren the gioi

Sau khi đã ngụy trang kỹ lưỡng, George Psalmanazar đã đến London, Anh. Khi đến đất nước này George Psalmanazar đã trở thành một người nổi tiếng và sang trọng bởi sự thông minh, hào hoa và am hiểu thế giới. Những câu chuyện rồi những kinh nghiệm đã được George Psalmanazar truyền tải đến tất cả mọi người dân khiến người dân ở đây ngưỡng mộ cũng như tin tưởng George Psalmanazar hết mực. Họ nói về George Psalmanazar như một đấng bề trên đáng được kính trọng và tự hào.

Dựa vào lòng tin của mọi người dành cho mình, George Psalmanazar còn cho xuất bản một cuốn sách mang tên “Mô tả về lịch sử và địa lý đảo Formosan”. Nội dung của cuốn sách này mô tả rất chi tiết về địa lý, kinh tế chính trị của đảo Formosan nhưng thực tế là hoàn toàn do George Psalmanazar tưởng tượng và bịa đặt ra.

Theo George Psalmanazar thì đảo Formasan là một đất nước thịnh vượng với một thành phố lớn là Xternetsa. Tại đất nước này, đàn ông không mặc quần áo mà dùng vàng bạc để che bộ phận sinh dục của họ. Thức ăn chính của người Formasan là rắn mà họ chỉ ăn những con rắn do chính tay mình săn bắn được. Khi cưới vợ hoặc chồng thì người Formaso không quan tâm đến sự thủy chung. Nếu như có bất cứ một mâu thuẫn gì thì người dân Formaso sẽ bị giết bằng cách treo ngược người lên cây rồi những người khác thi nhau bắn tên vào người có tội cho đến chết.

Hằng năm sẽ phải giết chết một người thanh niên trai tráng khỏe mạnh để lấy quả tim của chàng trai đó dâng lên 18.000 vị thần. Phương tiện người Formosan sử dụng để đi lại là ngựa và lạc đà và họ sinh sống trong ngôi nhà hình tròn dưới lòng đất. Ngoài ra, George Psalmanazar còn đi nhiều nơi để thuyết trình về lịch sử và ngôn ngữ của vùng đất kỳ lạ do chính ông ta bịa ra, thậm chí còn dịch các tác phẩm văn học không hề có thực của vùng đất hư cấu ấy.

Trong cuốn sách George Psalmanazar còn mô tả ngôn ngữ và bảng chữ cái Formasan. Mặc dù là hoàn toàn bịa đặt nhưng George Psalmanazar đã khiến tất cả mọi người đều tin vào những gì ông nói. Cuốn sách của George Psalmanazar đã thành công và nổi tiếng ngoài sức tưởng tượng của cả tác giả lẫn người đọc. Cuốn sách còn được xuất bản bằng hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Đức. Cuốn sách đã đưa George Psalmanazar trở thành một người nổi tiếng hơn nữa. George Psalmanazar được mời đi thuyết trình trước rất nhiều những nhà nghiên cứu học và có nhiều người còn đưa ra lời mời George Psalmanazar giảng dạy tại đại học Oxford.

Nếu như George Psalmanazar không mắc phải chứng nghiện thuốc phiện và đầu tư vào công việc kinh doanh sai lầm thì không biết sự thật về George Psalmanazar còn được giữ kín đến đâu. Cảm thấy mệt mỏi với những gì mà George Psalmanazar phải ngụy trang hằng ngày, ông ta quyết định thú nhận với bạn bè về những gì ông đã nói dối lừa gạt mọi người. Sống một cuộc sống giả dối đã khiến George Psalmanazar quá mệt mỏi mặc dù những trò bịp bợm của ông cũng đã khiến rất nhiều người bị mê hoặc.

Trước khi qua đời ở Anh, George Psalmanazar vẫn nhận được sự hỗ trợ từ một người ngưỡng mộ mặc dù vẫn biết George Psalmanazar là người lừa đảo và nói dối kinh điển nhưng vẫn có người thực sự hâm mộ ông. Trong những năm cuối đời của mình, George Psalmanazar đã viết một cuốn sách gần giống như một cuốn tự truyện về cuộc đời mình. Cuốn sách này cũng đã được xuất bản ngay sau khi George Psalmanazar qua đời. Nhiều người vẫn luôn nói rằng một con người có trí thông minh siêu phàm thì mới có thể lừa được nhiều người đến như vậy.

Viên đại úy vùng Kpenick

Wilhelm Voigt được ghi nhận là một kẻ lừa đảo táo bạo, một tên cướp liều lĩnh, khét tiếng bậc nhất trong lịch sử nước Đức. Voigt đã từng đóng nhiều vai để lừa đảo, nhưng thành công và nổi tiếng nhất phải kể đến vai y đóng giả một viên đại úy vào năm 1906.

Wilhelm Voigt được sinh ra tại nước Phổ và ông đã cùng gia đình sang Đức từ khi còn nhỏ. Năm 1863, ở tuổi 14, Wilhelm Voigt đã bị kết án 14 ngày tù giam vì tội trộm cắp. Vì bị kết án nên Wilhelm Voigt đã bị đuổi học và ngay sau khi ra tù đã vào làm tại xưởng sản xuất giầy dép của cha mình. Không chịu được áp lực trong khi làm việc cùng người cha nghiêm khắc, Wilhelm Voigt đã bỏ trốn và liên tục gây ra các vụ trộm cắp, lừa đảo. Từ năm 1864 đến năm 1891, Wilhelm Voigt đã bị kết án tổng cộng 25 năm tù giam cho các tội danh lừa đảo, trộm cắp và mạo danh.

Phi vụ lớn nhất và thành công nhất mà Wilhelm Voigt đã từng thực hiện bắt đầu vào năm 1906. Voigt mua một một bộ quân phục đại úy đã sử dụng ở Kpenick rồi đến các đơn vị quân đội đóng ở gần đó. Ngày 16/10/1906, trên đường đi, Voigt tình cờ gặp 2 tiểu đội lính cảnh vệ. Y giơ ra một mệnh lệnh khẩn cấp do y tự làm ra, trong đó có viết rằng y có quyền trưng dụng bất kỳ đơn vị quân đội nào để điều động đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Nhóm lính này tin là thật và nghe lệnh chỉ huy của Voigt tiến về thành phố Kpenick bằng đường sắt.

nhung ke lua dao sieu pham tren the gioi

Elizabeth Bigley, George Psalmanazar, Wilhelm Voigt.

Khi đến Kpenick, y cấp cho mỗi người một khoản tiền nho nhỏ để động viên rồi ra lệnh đánh chiếm Tòa thị chính của thành phố (khi đó Kpenick là một thành phố trự trị). Do bất ngờ, Voigt và nhóm lính của mình nhanh chóng giành được quyền kiểm soát cơ quan đầu não của thành phố. Y liền ra lệnh bắt giam thị trưởng thành phố, trưởng phòng thu ngân, phong tỏa các tuyến đường ra vào thành phố và hệ thống thông tin liên lạc với Berlin. Tiếp đó y ra lệnh trưng dụng toàn bộ các khoản tiền của thành phố với tổng giá trị lên đến 4.000 DM.

Sau khi ôm trọn số tiền đã cướp được trong tay, Voigt tiếp trục ra lệnh cho lính của mình giữ nguyên vị trí trong vòng 1 tiếng rưỡi, còn y thì chạy ra ga tàu hỏa rồi trốn mất tăm. Nhưng cuối cùng Voigt cũng bị bắt và bị kết án 4 năm tù giam vì tội tấn công vũ trang và cướp tiền.

Năm 1908, y được thả tự do trước thời hạn theo một chỉ thị đặc biệt của Hoàng đế Đức. Ngay sau khi được trả tự do, Voigt quyết định tận dụng sự nổi tiếng của mình tiếp tục đi lừa đảo và giả danh để lừa đảo. Không chỉ giả danh là một sĩ quan quân đội mà Voigt đã có hình sáp xuất hiện trong bảo tàng Unter den Linden, rồi ông còn cho xuất bản cuốn sách “Làm thế nào tôi đã trở thành thuyền trưởng” bán chạy nhất ở Leizig thời đó.

Mặc dù là một người vào tù ra tội nhưng Voigt thực sự rất thông minh và nhanh nhẹn. Chính vì sự thông minh đó mà ông đã nhận được những đặc ân cho đến cuối đời. Tiền bán sách đã giúp Voigt có một cuộc sống sung túc mặc dù trong cuốn sách đó không phải là sự thật.

‘‘Đứa con” ngoài giá thú của Andrew Carnegie

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Cassie Chadwick được coi là một cái tên đình đám, nổi tiếng với những vụ lừa đảo ngân hàng trị giá lên đến hàng triệu USD.

Người phụ nữ này tên thật là Elizabeth Bigley sinh tại Eastwood, Ontario (Canada). Ngay từ hồi nhỏ Elizabeth đã tham gia vào nhiều hoạt động phạm pháp và bị bắt lần đầu tiên khi mới 22 tuổi vì tội làm giả séc ngân hàng. Nhưng ngay sau đó đã được thả tự do vì bà ta đã tài tình đóng giả người mắc bệnh tâm thần qua mắt được cơ quan cảnh sát điều tra.

Năm 1882, Elizabeth kết hôn với Wallace Springsteen nhưng cuộc hôn nhân chỉ kéo dài vỏn vẹn 11 ngày bởi những dối trá và sai lầm trong quá khứ của bà đã bị người chồng phát hiện. Năm 1886, Elizabeth trở thành thầy bói với cái tên Lydia Scott, nhưng sau đó 1 năm lại chuyển thành Madame Lydia DeVere để thêm phần huyền bí.

Năm 1889, Elizabeth lại tiếp tục làm séc giả, bị bắt và bị tuyên án 9 năm rưỡi tù giam ở nhà tù Toledo, Ohio. Chỉ 4 năm sau bà ta được tha bổng và trở lại Cleveland với tên là "Mrs. Hoover" rồi mở một nhà chứa ở ngoại ô thành phố. Sau khi được ra tù một thời gian, Elizabeth tiếp tục kết hôn với Leroy Chadwick, một người không hay biết chút nào về quá khứ của Elizabeth mà chỉ bị vẻ đẹp cuốn hút làm mờ mắt.

Ngay sau khi kết hôn với Leroy Chadwick, Elizabeth bắt tay vào vụ lừa đảo lớn nhất và thành công nhất của mình bằng cách tự nhận mình là con ngoài giá thú của Andrew Carnegie, một thương nhân nổi tiếng - người có công thành lập nên tập đoàn Carnegie New York, tổ chức Carnegie vì hòa bình, trường đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Elizabeth đã trở thành một tay siêu lừa nổi tiếng đình đám với những vụ lừa đảo ngân hàng trị giá lên đến hàng triệu USD.

Nói tóm lại thì những siêu lừa phải thực sự thông minh và có đầu óc siêu phàm mới thực hiện được những cú lừa đảo ngoạn mục và tinh vi đến vậy. Liệu họ có tự hào hay thấy xấu hổ vì trí thông minh và tài năng của mình đã đặt không đúng chỗ?

Theo CAND

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc