Những giám đốc "không ghế" và vòng tù tội

07:00 | 07/08/2016

358 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phạm Công Danh không phải ngẫu nhiên đã lập ra hàng loạt các công ty “ma” rồi dựng anh bảo vệ, chị lao công, nhân viên rửa xe lên làm “giám đốc”… Tất cả, đều có chủ đích.

Giám đốc kém am hiểu pháp luật

Hai tuần qua, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và các đồng phạm làm thất thoát của Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng thu hút sự chú ý của dư luận. Để thực hiện hành vi “rút ruột” tiền tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Phạm Công Danh khôn khéo trong cách tuyển chọn nhân sự để dễ bề sai khiến. Từ anh bảo vệ, chị lao công, cậu rửa xe được Danh chỉ định làm giám đốc các công ty “ma” đã phải nghẹn ngào trước Hội đồng xét xử (HĐXX) về hành vi “Làm trái quy định của Nhà nước…”. Các bị cáo tự bào chữa và được luật sư bào chữa đều đưa ra quan điểm do… nhận thức thấp.

nhung giam doc khong ghe va vong tu toi
Bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm tại tòa

Bị cáo Nguyễn Tấn Thành, Giám đốc Công ty Thành Trí chỉ là một nhân viên bảo vệ cho Tập đoàn Thiên Thanh. Tháng 5-2012, Thành được Phạm Công Danh gọi lên phòng làm việc để cất nhắc cho Thành đứng tên Giám đốc Công ty Thành Trí. Nghe đề nghị của lãnh đạo, Thành gật đầu ngay mà không cần suy tính.

Đến đầu năm 2014, Thành được một nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh gọi lên trụ sở để ký hồ sơ vay. Thành cũng không nhớ nổi tên của nhân viên này vì sự việc diễn ra đã lâu. Bộ hồ sơ được nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh “dọn sẵn” và chỉ cần Thành đặt bút vào ký. Do ít học, thiếu hiểu biết về hợp đồng các loại, nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh chỉ vào từng trang cho bị cáo ký “xoẹt xoẹt”.

Sau đó, số tiền được giải ngân đi đâu, “chảy” về túi ai, Thành không nắm được, không hề biết. Đứng trước tòa, Thành đã thành khẩn khai việc ký các hồ sơ vay vốn với số tiền 330 tỉ đồng là vi phạm pháp luật và Thành đã nhận thức được hành vi giúp sức Phạm Công Danh cho vay trái pháp luật 330 tỉ đồng của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB hơn 152 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Thanh Quang cũng là trường hợp tương tự. Tùng chỉ là một nhân viên bảo vệ trong Tập đoàn Thiên Thanh. Cùng thời điểm với Thành, Tùng được Phạm Công Danh “ban phát” chức Giám đốc Công ty Thanh Quang. Tháng 2-2014, Tùng đến VNCB Chi nhánh Sài Gòn để ký hồ sơ vay tiền.

Khi đến nơi, Trang đã chuẩn bị sẵn hồ sơ và hướng dẫn Tùng ký vào giấy đề nghị vay, phương án vay và một số giấy tờ khác. Khoảng 1 tuần sau, Nguyễn Thị Quỳnh Trang gọi điện thoại cho Tùng đến VNCB Chi nhánh Sài Gòn để tiếp tục ký hàng loạt các loại giấy tờ như: hợp đồng tín dụng; hợp đồng thế chấp; khế ước nhận nợ và các giấy tờ liên quan khác. Bị cáo Tùng không hề biết đến việc số tiền đó được giải ngân và sử dụng vào mục đích gì (?!). Và hành vi của Tùng đã giúp sức cho Phạm Công Danh vay 450 tỉ của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB hơn 74 tỉ đồng.

Bị cáo Nguyễn Minh Quân làm bảo vệ cho Tập đoàn Thiên Thanh được cất nhắc lên làm Giám đốc Công ty An Phát. Bị cáo Quân cũng được Trang chỉ dẫn ký các giấy tờ vay tiền và hồ sơ đã được lập sẵn. Quân chỉ việc ký theo yêu cầu của Trang để vay số tiền 440 tỉ đồng, gây thiệt hại cho VNCB hơn 298 tỉ đồng.

Bi kịch sau chức danh… “giám đốc”

Bị cáo Nguyễn Hữu Duyên, từ nhân viên rửa xe của Tập đoàn Thiên Thanh được “đẩy” lên làm Giám đốc Công ty Quang Đại. Duyên “hồn nhiên” ký các hợp đồng, giấy tờ cho Phạm Công Danh vay 380 tỉ đồng và gây thiệt hại cho VNCB hơn 11 tỉ đồng.

Bị cáo Hồ Thị Đi được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Xây dựng Hương Việt. Danh trả cho Đi tiền lương mỗi tháng 10 triệu đồng. Đi và chồng là Nguyễn Quốc Thịnh cũng đều hầu tòa với vai trò “nguyên giám đốc” các công ty “ma” của Phạm Công Danh. Đi “vật vờ” ở quê và được người của Tập đoàn Thiên Thanh gọi lên để “phong” cho chức danh giám đốc. Sau đó, chồng của Đi cũng được đưa lên làm giám đốc như Đi. Ngày xảy ra vụ án, cả 2 vợ chồng cùng bị khởi tố, cùng bị tạm giam để điều tra. Đi nói trong nước mắt: “Bị cáo còn hai con nhỏ không ai nuôi dưỡng, mong được HĐXX xem xét các tình tiết để được giảm nhẹ. Bị cáo chỉ được hưởng lương tháng chứ không được lợi gì trong số tiền của Phạm Công Danh rút ra”.

Người đưa Đi vào con đường lao lý là Nguyễn Quốc Thịnh. Thịnh chỉ là nhân viên bảo vệ của Tập đoàn Thiên Thanh. Thịnh nghe được đề nghị làm giám đốc công ty trực thuộc Tập đoàn Thiên Thanh nên đồng ý ngay. Hằng tháng, Thịnh nhận mức lương 5 triệu đồng. Sau này, Thịnh được trả 10 triệu cho chức danh trên. Thịnh vừa làm bảo vệ, vừa kiêm giám đốc công ty để kiếm thêm thu nhập. Nhận tiền từ Tập đoàn Thiên Thanh quá dễ và quá đơn giản nên Thịnh đề xuất cho vợ cùng làm giám đốc của 1 trong 12 công ty “ma”. Đi giữ chức vụ giám đốc cũng không cần lên công ty ngày nào. Tiền lương mỗi tháng được chuyển thẳng vào tài khoản của chồng.

Chức tước dễ ban, tù tội dễ nhận. Bị cáo Đi bị HĐXX gọi lên luôn “sụt sùi” trong sự nuối tiếc. Các bị cáo đứng tên làm giám đốc công ty “ma” cho Phạm Công Danh chỉ suy nghĩ đơn giản: “Có thu nhập thêm vài triệu đồng hằng tháng”. Thời điểm năm 2012, Phạm Công Danh thuê người lập ra 12 công ty để ký vay hàng ngàn tỉ đồng. Những nhân viên rửa xe, tài xế, bảo vệ… lần lượt trượt vào con đường phạm tội của Phạm Công Danh nhưng không hề hay biết. Hiểu biết pháp luật ít, các hợp đồng vay, cho vay, phương án trả nợ “lằng nhằng” làm các bị cáo chẳng thèm quan tâm đến. Bị cáo Nguyễn An Vinh, Nguyễn Văn Cường, Cao Phước Nhàn, Bùi Thị Hà Thu, Vưu Thị Diệu đều được Phạm Công Danh dựng lên làm giám đốc trong “tổ hợp” công ty… ma.

Các bị cáo khai nhận việc làm giám đốc công ty rất… nhàn. Nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh soạn sẵn các bộ hồ sơ xin thành lập công ty. Các “giám đốc” chỉ việc mang lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đăng ký. Vài tháng sau, các bị cáo trở thành giám đốc rồi mang con dấu đến giao cho nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh cất giữ. Đến ngày, đến tháng, các “giám đốc” lại được người của Tập đoàn Thiên Thanh gọi lên để hướng dẫn ký hàng loạt giấy tờ rồi ra về.

Bị cáo Phạm Công Danh được HĐXX chất vấn đã thừa nhận lời khai của các bị cáo “nguyên giám đốc” là đúng sự thật. Phạm Công Danh nói lời xin lỗi các bị cáo vì đã đẩy họ vào con đường lao lý.

Theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và cáo trạng của Viện KSND Tối cao, Phạm Công Danh và đồng phạm đã thực hiện 10 phi vụ rút tiền khỏi VNCB, tổng cộng 18.687 tỉ đồng, trong đó gây thiệt hại cho ngân hàng 15.260 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các hành vi và khoản tiền liên quan đến 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank được tách ra vụ án khác, nên trong đại án lần này chỉ xét xử liên quan đến 7 phi vụ rút tiền tổng cộng hơn 12.000 tỉ đồng và gây thiệt hại cho VNCB 9.133 tỉ đồng.

Họ bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Hưng Long

Năng lượng Mới số 546