Những chúa sơn lâm trong gầm xe tải

08:17 | 27/04/2012

1,351 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc tìm “đầu vào” và “đầu ra” trong các thương vụ ngầm mua bán hổ thực ra không quá khó, mà khâu vận chuyển hổ mới là “nghìn trùng gian khổ”. Với những mánh lới và thủ đoạn tinh vi, các đối tượng buôn bán hổ trái phép đã gây không ít bất ngờ cho các lực lượng chức năng.

Có lần Cảnh sát Môi trường phát hiện hổ còn sống đang gầm gừ ngồi trong khoang lái của xe tải, còn lái xe đã bỏ chạy. Lần khác lại là cú giật mình khi vừa ngó xuống gầm xe tải để kiểm tra thì thấy một cái đầu hổ đang rã đông, nhe răng như muốn dọa nạt người.

Ngủ mê trong bao tải

Cách đây chưa lâu, Cảnh sát Môi trường Hà Nội triệt phá một đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép lớn, bắt nguồn từ lần phát hiện chiếc bao tải chứa hai con hổ đang ngủ mê mệt bên trong. Ngoài ra, còn có số lượng lớn các loại cao động vật, chân, tay gấu… Đối tượng bán 2 con hổ là Nguyễn Thúy Mùi (SN 1959) còn đối tượng mua hổ là Nguyễn Quốc Trượng đều ở Hà Đông, Hà Nội. Nguyễn Thúy Mùi khai đã mua 2 con hổ con (khoảng 8kg) với giá 117 triệu đồng qua một người không quen biết tại Hà Tây cũ. Hai con hổ này được nuôi tại nhà đến khi mỗi con nặng khoảng 50kg thì Mùi đồng ý bán cho Nguyễn Quốc Trượng với giá 320 triệu đồng. Sau khi bắn thuốc mê, hai con hổ bị nhét vào bao tải đen và đẩy lên chiếc xe Zace BKS 29X-5613. Tuy nhiên, khi chiếc xe vừa rời khỏi nhà thì bị cán bộ chiến sĩ Đội 2, Phòng Cảnh sát Môi trường, CATP Hà Nội ập tới bắt giữ.

Ngay sau đó, lực lượng liên ngành khám xét nhà của Mùi và Trượng thu giữ hai hòm chứa cao trăn, cao khỉ, cao hổ, ngoài ra còn có 4 con gấu nuôi, 6 con nhím và rất nhiều tiêu bản, sừng động vật quý hiếm. Đặc biệt, trong khu vực nhà của Trượng còn có lò chuyên để nấu cao động vật. Lực lượng thi hành công vụ còn thu được 4 con hổ ướp lạnh (khoảng 400kg) tại đây.

Ướp bằng đá khô nitơ

Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an quận Cầu Giấy đã xác lập chuyên án triệt phá một đường dây mua bán, vận chuyển hổ đông lạnh từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ. Phát hiện một đối tượng trong đường dây trên đang vận chuyển hổ trái phép từ Hải Phòng về Hà Nội tiêu thụ trên chiếc xe ôtô 7 chỗ ngồi, BKS 30F-1324, lực lượng nghiệp vụ tìm thấy một cá thể hổ còn nguyên con, kích thước lớn (nặng khoảng 150kg, chiều dài khoảng 1m60) ở phía khoang sau của ôtô. Cá thể hổ này được ướp bằng đá khô nitơ và quấn trong nhiều lớp bao tải dứa, nilon. Tại Cơ quan Công an, đối tượng vận chuyển cá thể hổ trên khai tên là Phạm Hải Nam (SN 1971, trú tại Hà Đông, Hà Nội). Nam khai nhận đã mua con hổ trên với giá 600 triệu đồng của một đối tượng tại Hải Phòng, sau đó mang về Hà Nội tiêu thụ với giá 900 triệu đồng. Nguồn gốc của con hổ trên được xác nhận là hổ hoang dã từ nước ngoài vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ.

Một đường dây buôn bán hổ đông lạnh khác cũng bị triệt phá, Cơ quan CSĐT, CATP Hà Nội đã tạm giữ hình sự 5 trong số 6 đối tượng. Các đối tượng gồm Nguyễn Mậu Duyên (24 tuổi), trú tại Thọ Xuân, Thanh Hóa; Nguyễn Thành Trung (32 tuổi), trú tại Dương Minh Châu, Tây Ninh; Đinh Thanh Huyền (31 tuổi), trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội; Nguyễn Thị Yến (39 tuổi), trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Đặng Văn Dương (29 tuổi), trú tại Tây Ninh để phục vụ công tác điều tra. Lực lượng nghiệp vụ thuộc đội 2.1 Phòng Cảnh sát Môi trường đã phát hiện một chiếc xe taxi dán nhãn Hãng Đông Đô BKS 30P – 6679 chở xác 2 con hổ đông lạnh bọc trong chăn bông và vải bạt. Lái xe taxi là Đinh Thanh Huyền.

Sau khi phát hiện xác hổ trên xe taxi, Cơ quan Công an đã bắt giữ đối tượng cầm đầu đường dây buôn hổ từ miền Nam ra Hà Nội là Nguyễn Mậu Duyên. Tại Cơ quan CSĐT, Duyên khai nhận thông qua 2 đối tượng Đặng Văn Dương và Nguyễn Thành Trung cá thể hổ có trọng lượng khoảng 150kg, được bán với giá 3,4 triệu đồng/kg. Nguyễn Thị Yến đã tìm cách liên hệ với Duyên mua 2 con hổ trên. Duyên thuê Huyền – lái xe taxi vào Thanh Hóa chuyển hổ ra Hà Nội. Trên đường đi giao hàng, Duyên điều 1 xe máy đi trước, 1 xe máy theo sau ôtô để quan sát, cảnh giới. Đến Km12 Quốc lộ 1A (đoạn qua khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội), nhóm đối tượng đã bị lực lượng Công an bắt giữ.

Nuôi có phép, bán trái phép?

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài 12 tháng nhằm tìm hiểu về mối quan hệ giữa các trang trại nuôi hổ với hoạt động buôn bán hổ trái phép ở Việt Nam. Theo thống kê, từ năm 2005 tới nay, Phòng Bảo vệ Động vật hoang dã của ENV đã lưu trữ được thông tin về hơn 100 vụ vi phạm về hổ, trong đó có 16 vụ bắt giữ, tịch thu hổ đông lạnh, bộ phận cơ thể hoặc xương hổ và một vụ buôn bán hổ sống. Cơ quan chức năng tịch thu được 29 con hổ (hoặc các bộ phận của một con hổ, không bao gồm các tiêu bản để trang trí như đầu, móng vuốt, răng và da) từ các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép. Ngoài ra, Phòng Bảo vệ Động vật hoang dã của ENV cũng lưu trữ hồ sơ của 12 trường hợp gây nuôi hổ ở các vườn thú tư nhân hoặc trang trại.

Trong phần lớn các vụ bắt giữ buôn bán vận chuyển hổ trái phép ở Việt Nam, tang vật thu giữ được đều là hổ đông lạnh. Quan sát bàn chân hổ và cách thức hổ được làm đông lạnh cho thấy rất có thể chúng có nguồn gốc từ các trang trại hoặc những cơ sở nuôi nhốt kinh doanh tương tự, không phải từ tự nhiên. Số hổ bị tịch thu chủ yếu là hổ đông lạnh, được gây nuôi từ các trang trại, cơ sở kinh doanh, hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài; không có con hổ nào được xác nhận có nguồn gốc hoang dã ở Việt Nam. Có người mừng vì điều này chứng tỏ hổ tự nhiên vẫn được bảo vệ tốt, nhưng cũng chính điều này lại phản ánh mức độ suy giảm nghiêm trọng quần thể hổ trong tự nhiên của Việt Nam. Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra ở đây là những trang trại, cơ sở kinh doanh hổ – nguồn cung cấp số hổ bị tịch thu của những vụ việc trên có hoạt động trái phép không? Và nếu là hoạt động trái phép thì tại sao sự tồn tại của những trang trại, cơ sở trên lại không bị cơ quan chức năng địa phương phát hiện và xử lý?

Có thể ví dụ về việc nuôi nhốt rồi buôn bán hổ này bằng một vụ cộm cán là doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh ở Bình Dương. Thời gian qua, Bình Dương có ba điểm nuôi hổ – một loài thuộc nhóm IB – nhóm nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Trong đó, 12 cá thể hổ nuôi tại doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh đều không có nguồn gốc hợp pháp nhưng doanh nghiệp này chỉ cần đăng ký với cơ quan chức năng là đã được phép nuôi nhiều cá thể động vật hoang dã mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nguồn gốc và hành vi mua bán số hổ nói trên. Chính vì lẽ đó doanh nghiệp này đã lần lượt bán một số cá thể hổ chết thu về cả tỉ đồng.

Điều đáng nói là trong suốt một thời gian dài, tại doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh đã có hổ chết nhưng lực lượng kiểm lâm tỉnh Bình Dương không hề biết. Trong khi việc kiểm tra các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã là nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng kiểm lâm. Vậy lý do gì khiến các cán bộ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương không phát hiện số hổ nuôi nhốt tại đây bị hao hụt trong suốt một thời gian dài như trên? Dư luận cho rằng, việc phạm pháp của doanh nghiệp này bắt nguồn một phần từ việc cho phép nuôi, gây giống các loài động vật hoang da, đặc biệt là những loài thú quý hiếm như hổ, báo, gấu…

“Hổ ngoại nhập”?

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Môi trường Bộ Công an, cả nước chỉ còn 95 cá thể hổ đang được nuôi nhốt trong trang trại, vườn thú và rạp xiếc. Cá thể hổ sinh sống ngoài tự nhiên, ước còn khoảng 30 con. “Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hổ” – ông Trần Việt Hưng, cán bộ ENV, nhấn mạnh. Về nguyên nhân theo ông Hưng, mặc dù đã có những quy định chống săn bắn hổ từ năm 1963 (Nghị định 39/CP), đưa hổ vào nhóm 1B (Nghị định 18/HĐBT) – nhóm các động vật nguy cấp năm 1992, nhưng quần thể hổ nước ta vẫn suy giảm là do chưa kiểm soát chặt được nạn săn bắn và nhu cầu tiêu dùng của xã hội không hề giảm. Buôn bán hổ trái phép chủ yếu là phục vụ cho các nguồn cung cấp cao hổ. Giá của cao hổ pha với xương của những loài động vật hoang dã khác dao động từ 7-17 triệu đồng/lạng, hầu hết được bán trong nước, không xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo tìm hiểu, mua hổ đông lạnh ở Việt Nam không khó. Chỉ cần một vài cuộc điện thoại và một số địa chỉ tham khảo, với khoảng 350 triệu đồng tiền mặt, hoặc một chuyến đi cửa khẩu biên giới Cầu Treo giữa Lào và Việt Nam có thể sẽ mua được một con hổ trên 100kg. Phần lớn hổ bị tịch thu từ những vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ở Việt Nam có nguồn gốc từ các trang trại gây nuôi hổ lớn ở Lào, Thái Lan, Myamar và cả Malaysia.

Theo Điều 190 Bộ luật Hình sự (tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm), án tù cho tội danh này cao nhất là 7 năm, thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Hầu hết các cơ quan chức năng đều cho rằng, án phạt trên không đủ mức răn đe, thậm chí còn tạo độ “nhờn” luật pháp ở các đối tượng buôn bán hổ trái phép. Tuy nhiên, việc xác lập lộ trình tăng mức răn đe trong những án phạt hình sự dành cho loại tội danh này không đơn giản. Trước thực tế của nạn buôn bán “chúa sơn lâm” ở Việt Nam hiện nay thì việc này ngày càng cần thiết hơn. Nếu cứ để tình trạng như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa, hổ ở Việt Nam sẽ chỉ còn vài con trong sở thú, nguy cơ tuyệt chủng cao đến mức vượt báo động đỏ.

So với hoạt động buôn bán các loài động vật hoang dã khác ở Việt Nam, hoạt động buôn bán hổ có tính chất hoàn toàn khác biệt do số lượng ít và giá trị cao của loài động vật này. Các đối tượng vi phạm dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi bất hợp pháp của mình. Qua các biện pháp điều tra, có thể thấy các đối tượng buôn bán hổ trái phép ở Việt Nam hoạt động rất chuyên nghiệp, có tổ chức. Nhằm tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện, những đối tượng này thường sử dụng số điện thoại trả trước, thiết lập các mối liên lạc qua biên giới quốc gia hoặc lợi dụng các mối quan hệ để đảm bảo hàng được buôn bán, vận chuyển trót lọt tới đối tượng tiêu thụ.

Phú Duy