Những câu chuyện cảm động trên quê hương Đại tướng

09:32 | 09/10/2013

3,553 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đến với làng An Xá (Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) những ngày này, mỗi người dân đang có nhiều cách khác nhau bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Dường như từng con đường, hàng cây, ngôi chùa, mái trường… đều có những câu chuyện đậm sâu nghĩa tình của Đại tướng với dân nghèo An Xá.

Bài 1: “Noi gương Đại tướng, chúng em quyết tâm học tốt”

Trên con đường từ thị trấn Lệ Thủy về nhà lưu niệm Đại tướng, ngôi trường THCS Lộc Thủy nằm cạnh dòng Kiến Giang ghi dấu nhiều lần được đón tiếp Đại tướng về thăm, nói chuyện cùng thầy và trò nhà trường. Lần cuối cùng Đại tướng về thăm trường đã cách đây 9 năm rồi. Thế hệ giáo viên trước của nhà trường đã nghỉ hưu cả, giờ chỉ còn những giáo viên mới về công tác chưa được lâu nhưng câu nói của Đại tướng với nhà trường thì còn lưu truyền mãi.

Cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên dạy Văn – Sử của nhà trường cho biết: “Các thầy cô đã về hưu thường dạy chúng tôi, Đại tướng căn dặn là dân Lộc Thủy nghèo lắm, mưa nhiều là úng ngập, không học giỏi thì không thể thoát nghèo”. Thấm thoát đã gần chục năm đi qua, lời căn dặn của Đại tướng vẫn như thúc giục thầy và trò trường Lộc Thủy phấn đấu từng ngày, từng ngày.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng tập thể giáo viên trường THCS Lộc Thủy tháng 11/2004

Sáng thứ Hai vừa qua, sau khi biết Đại tướng qua đời, trong buổi chào cờ đầu tuần, toàn thể giáo viên, học sinh đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng của nhân dân. Thầy hiệu trưởng Trần Viết Hoàng đã có bài nói chuyện ngắn về sự nghiệp cách mạng của Đại tướng và tình cảm đối với thầy và trò nhà trường.

Thầy Hoàng xúc động: “Chúng tôi phải làm gấp đôi những gì Đại tướng căn dặn nhà trường”. Thật vậy, trường THCS tuy chỉ có 220 học sinh với 8 lớp nhưng năm học 2012 – 2013, trường đã đạt 4 giải quốc gia trong lĩnh vực thể dục thể thao; 5 giải thi cấp tỉnh các môn văn hóa, 18 giải cấp huyện. Riêng môn Sử, năm học vừa qua có 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích cấp huyện; năm học 2011 – 2012 có 1 giải Nhì và 2 giải Ba.

Hiệu trưởng và các đồng chí lãnh đạo trong xã Lộc Thủy nghe căn dặn của Đại tướng

Chiều 8/10, chúng tôi qua thăm trường thì thấy các lớp vẫn học. Cô Tuyết đang ôn luyện thi cho 5 học sinh chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi môn Sử cấp huyện sắp tới. Một cô và 5 học sinh, con số không lớn so với các môn tự nhiên nhưng đây là việc làm hết sức khích lệ của thầy trò nhà trường. Bởi môn Sử đang bị xem nhẹ ở nhiều nơi nhưng không khí học tập ở đây rất nghiêm túc, hăng say. Chiều muộn, chúng tôi còn thấy 5 em học sinh này cầm hương hoa đến viếng Đại tướng tại quê nhà.

Trò chuyện với chúng tôi, em Bùi Thùy Linh, học sinh lớp 9A, tâm sự: “3 năm học cấp THCS em luôn đạt hơn 9,0 môn Sử. Em thấy môn Sử rất hay và học dễ vào hơn các môn khác bởi Sử cho em biết những gì xảy ra trong quá khứ ở quê hương và khắp vùng miền khác”.

Cô Nguyễn Thị Tuyết cũng cho biết thêm, chương trình lớp 9 có 3 bài (từ 25 – 27) viết về cuộc kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954 sẽ được dạy trong 5 tiết. Sau khi kết thúc 5 tiết, nhà trường sẽ giảng dạy thêm chương trình lịch sử địa phương và sẽ đưa các em đến thăm nhà lưu niệm Đại tướng.

Không riêng gì môn Sử, những môn học khác như văn, địa cũng thường xuyên lấy nhà lưu niệm Đại tướng làm nơi thực địa để giảng dạy truyền thống yêu nước cho các em học sinh. “Tất cả giáo viên ở vùng quê Lệ Thủy, hoặc các nơi khác về đây giảng dạy đều tự hào khi quê hương có một vị trướng tài nổi danh mà trước kia cũng từng là giáo viên Lịch sử. Bên cạnh dạy cái chữ, chúng tôi luôn tâm niệm dạy các em phải luôn dành tình cảm cho quê hương, để các em trưởng thành về mặt nhân cách trước khi thành công trên đường đời” - cô Nguyễn Thị Tuyết nói.

Cô Nguyễn Thị Tuyết và học sinh đang ôn luyện môn Sử

Chúng tôi cũng có dịp gặp thầy Nguyễn Xuân Huy, giáo viên dạy văn của nhà trường đang ôn luyện thi học sinh giỏi cho học sinh Đỗ Thị Lan Anh. Thật bất ngờ khi chúng tôi được dự chứng kiến một bài thi đặc biệt của em Lan Anh. Bài thi có thời gian 30 phút và có đầu bài như sau: “Cảm nhận của em về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?”. Với một học sinh giỏi văn, chắc hẳn bài thi này sẽ chứa đầy cảm xúc cá nhân về Đại tướng. Nhưng không, nội dung bài viết rất đầy đặn thông tin về Đại tướng. Từ chuyện hồi nhỏ đến khi giác ngộ cách mạng, hoạt động cách mạng của Đại tướng đều được giọng văn mượt mà, sâu lắng của Lan Anh diễn tả rất đạt.

Bài văn có đoạn viết: “Vào những ngày mưa bão số 10 vừa xảy ra vẫn chưa là gì với mỗi người dân Lệ Thủy. Mất mát to lớn nhất đối với chúng tôi là khi nghe tin bác Võ Nguyên Giáp, vị tướng lừng danh của quê hương đã ra đi. Tôi như sững người, cảm giác hụt hẫng xảy đến. Bác ơi! Tuy ra đi nhưng bác vẫn nhớ về quê hương, vẫn muốn được yên nghỉ ở đây. Có lẽ, chúng tôi luôn yêu và nhớ bác và bác cũng vậy, cũng luôn nhớ đến chúng tôi”. Bác ơi, bác đã ra đi nhưng mỗi lời dạy, mỗi tình yêu, nỗi nhớ mà bác để lại nơi quê hương Lệ Thủy anh hùng sẽ là mãi mãi. Bác sẽ là niềm tự hào của chúng con. Tên gọi thân thương “Bác Giáp” sẽ đọng lại trong chúng con suốt đời”.

Em Lan Anh cho biết: “Em là người quê An Xá nên những câu chuyện em viết đã được chứng kiến từ khu nhà lưu niệm của Đại tướng. Đến đó, chúng em được nghe ông Võ Đại Hàm kể về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Trong niềm tiếc thương khi bác mất, chúng em buồn lắm nhưng phải học nữa thôi. Noi gương Đại tướng, chúng em quyết tâm học tốt”.

Bài văn viết về Đại tướng của em Đỗ Thị Lan Anh

Trong lòng mỗi thầy cô và học sinh nơi đây đều in dấu hình ảnh của Đại tướng thật rõ nét. Chúng tôi qua phòng truyền thống của nhà trường thì được xem những bức ảnh chụp Đại tướng và thầy cô nhà trường mà lòng rưng rưng. Trông Đại tướng thật giản dị, như một người cha đang nói chuyện với các con sau một thời gian đi công tác xa.

Trong phòng lưu niệm còn có một bảng thông tin có nội dung “Xã Lộc Thủy: “Địa linh nhân kiệt”, Những người con ưu tú tiêu biểu của quê hương”. Tấm bảng tin ấy lược ghi tiểu sử của Tiến sĩ Dương Văn An, Thượng thư của làng trong thế kỷ 16 và Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong những dòng ấy có câu “Đại tướng đã từng dạy học môn lịch sử”. Bảng thông tin này được treo trang trọng bên trong phòng lưu niệm để thầy cô và học sinh thường xuyên vào xem, ghi chép, học tập. Đây có thể là cách giáo dục truyền thống hay nhất của ngôi trường nơi quê hương Đại tướng.

Đức Chính