Những bài học quý từ cây đại thụ văn học Tô Hoài

10:03 | 07/09/2020

328 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thuở còn là một trò nhỏ, tôi nghe tên Tô Hoài thì háo hức vì chỉ muốn lùng cho bằng được cuốn Dế Mèn, O Chuột, Gã Chuột, Mụ Ngan, Đực… Những cái tên loài vật thật gần gũi với một đứa trẻ thôn quê là tôi thập niên 80, nhưng câu chuyện mà nhà văn Tô Hoài kể, thì dựng lên cả một không gian kỳ thú cho những loài vật tưởng như quá bình thường đó. Trong mắt tôi, thì tác giả viết được những truyện khiến tôi si mê như vậy, quả là một thiên tài.
nhung-bai-hoc-quy-tu-cay-dai-thu-van-hoc-to-hoai
Nhà văn Tô Hoài

Mỗi khi có dịp ra Hà Nội chơi dịp hè, tôi cố ý đi qua cổng tòa soạn báo Văn Nghệ, mong có phép lạ xảy ra, để tôi được thấy tận mắt nhà văn Tô Hoài bước ra từ cổng tòa soạn, và “ông bố Dế Mèn” sẽ mỉm cười vẫy tôi lại, kể cho tôi nghe câu chuyện ông sắp viết.

Khi chính tôi cũng cầm bút viết văn, thì nỗi tò mò của tôi với cây đại thụ văn chương Tô Hoài lại khác. Ông đứng đó, như một cái đích lồng lộng mà tôi muốn chạy nước rút tới. 150 đầu sách mà Tô Hoài đã viết và xuất bản trong suốt cuộc đời mình, số lượng đó ban đầu khiến tôi muốn xỉu! Ông bắt đầu viết văn từ tuổi 17, nhưng tôi còn bắt đầu viết văn sớm hơn ông, tôi viết truyện ngắn thiếu nhi khi mới 12 tuổi. Chỉ có điều, tôi đã bỏ lỡ thời gian, những năm tháng đi học thi chuyển cấp, chuyển trường, chuyển nơi ở mới… những biến chuyển trong cuộc đời đã khiến tôi rời cây bút. Còn Tô Hoài thì không. Đó là một bài học lớn cho tôi. Muốn về đích, ta phải kiên trì chạy một con đường duy nhất, với sức mạnh của sự tập trung, bền bỉ.

Tô Hoài trong cả cuộc đời dài của ông, cũng có những biến cố xảy ra, có nhiều vướng bận ràng ríu, nhưng cái tài của ông, là ông biết biến tất cả những sự việc đó, dù ác hiểm dù khó khăn, hay thách thức tới cỡ nào, thì đều thành chất liệu cho văn chương, ngấm vào máu thịt, thăng hoa thành tinh thần, ý chí, và tuôn chảy thành những câu chuyện ông viết ra, thành tác phẩm dâng tặng cho cuộc đời, cho mọi người.

Tôi yêu nhất tự sự này của nhà văn Tô Hoài “Viết như chạy thi”. Nằm lòng câu nói của ông, tôi chú ý đến tốc độ viết của mình. Không sinh cùng thời với ông, nên tôi không biết rõ ông viết thời điểm nào trong ngày, mỗi ngày ông viết bao nhiêu chữ, hay lúc ốm đau thì ông có giảm tốc độ viết hay không? Nhưng tôi dám chắc, là ông viết nhanh hơn hầu hết các nhà văn cùng thời. Tô Hoài là một tay đua đường dài, ông chạy miệt mài bất kể ngoại cảnh hay vấn đề nội tại. Một cuộc đua tốc độ mà ông đặt ra cho chính mình, để hàng ngày vượt lên chính mình, chiến thắng mình ngày hôm qua, lại là một bài học thứ hai vô cùng quý giá mà tôi nghiệm ra từ đời viết của Tô Hoài.

Không chỉ viết nhanh, viết nhiều, mà còn viết hấp dẫn, sách của Tô Hoài đã thu hút độc giả như nam châm vậy. Một phần vì các nhân vật của ông gần gũi với đời sống, khiến cho độc giả thấy như ông đã nói hộ lòng mình, thúc đẩy mình và truyền năng lượng sống cho mình, để dám ước mơ, dám sống thực sự, dám ra tay đoạt lấy điều mình muốn, dám nói to lên chính kiến của mình, dám yêu, dám ghét, dám hành động và dám phiêu lưu…

Tô Hoài đã quan sát cuộc sống thật tỉ mỉ, chi li và ông viết nhẩn nha kỹ lưỡng, viết đến tận cùng tâm cảm của người với màu sắc, hình ảnh sinh động, tươi mới vô cùng. Ông khiến độc giả phải lòng bởi ngôn ngữ độc đáo, giàu chất sống, ngồn ngộn tình, vừa hóm hỉnh nhẹ nhõm đấy, mà lại thâm thúy sâu cay ngay lập tức, khiến bạn đọc ngạc nhiên, và khéo léo dẫn dắt bạn đọc từ tình huống này sang tình huống khác, biến ảo bất ngờ.

Sách của Tô Hoài, tiêu biểu là tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” hấp dẫn từ đứa trẻ 8 tuổi cho đến cụ già 80 tuổi. Một phần khác, vô cùng quan trọng, khiến cho sách của ông không chỉ vượt biên giới, được bạn đọc hàng chục nước khác nhau trên thế giới yêu thích, mà còn vượt thời gian, qua nửa thế kỷ vẫn tiếp tục được xuất bản và bán chạy, đó là những bài học cuộc sống thiết thực hữu ích, những triết lý đời thường được Tô Hoài mã hóa trong từng câu chuyện kể, từng tình huống xảy ra với nhân vật của ông. Đó chính là những triết lý cho muôn đời, không thể nào, không cách nào cũ được. Càng đọc thì càng thấm thía. Mỗi một sự việc xảy ra, dù tốt dù xấu, đều được Tô Hoài thông qua nhân vật nhận xét với tinh thần tự phê thông minh, chân thành và hóm hỉnh. Cái duyên độc đáo đó của cây viết Tô Hoài, khiến bạn đọc vừa bật cười đấy mà lại gật gù đấy, và thấm sâu bài học cho chính mình.

Tôi còn học được ở nhà văn Tô Hoài, đức tính viết chăm chỉ và trân trọng bất cứ những gì đến với mình, kể cả khi ông đã vô cùng nổi tiếng. Ở tuổi 80, ông vẫn nhận các “đơn đặt hàng” từ nhỏ đến lớn, có thể là một bài báo nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, hay một bộ tiểu thuyết, một kịch bản phim. Ông cũng không kén người đặt hàng, cho dù đó là một phóng viên trẻ mới vào nghề còn lơ ngơ, hay một hãng phim lớn với hợp đồng giá trị cao ngất, ông đều trân trọng cả. Dường như, ông không bao giờ phân biệt việc nhỏ-lớn, quan trọng-ít giá trị, mà ông hân hoan chào đón tất cả, cứ như đó là điều đầu tiên, đến trong ngày đầu tiên của cuộc đời. Đó chính là tinh thần trẻ trung bất tử.

Kiều Bích Hậu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps