"Nhịp thở" của sản xuất công nghiệp vẫn rất chậm
Theo Bộ Công Thương, tình hình sản xuất công nghiệp vẫn có chuyển biến đúng hướng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng còn rất thấp. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,5% (chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2011 là 7%).
Tính đến ngày 1/10, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 20,3% so với cùng kỳ. Chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần qua các tháng nhưng còn ở mức độ cao trong bối cảnh các doanh nghiệp khó khăn về tiêu thụ sảm phẩm.
Hiện nay, lượng tồn kho của một số ngành vẫn còn cao như: chế biến, bảo quản thuỷ sản và sản phẩm từ thuỷ sản tồn kho tăng 23,9%, sản xuất bia tăng 35,2%, sản xuất thuốc lá tăng 33,4%, sản xuất giày, dép tăng 23,1%, sản xuất xi măng tăng 53,1%, sản xuất sắt, thép, gang tăng 38,8%...
Nhiều doanh nghiệp thép gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho tăng cao
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của một số sản phẩm có xu hướng chậm lại. Hiện nay, tiêu thụ các sản phẩm cơ khí, điện, điện tử giảm mạnh dù đã đến mùa tiêu thụ như: xe máy giảm 4,8%, lắp ráp ô tô giảm 5,6%, biến thế điện giảm 14,6%, động cơ điện giảm 10%, điều hoà nhiệt độ giảm 14,1%, tivi giảm 3,4%...
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ vị trí, thị phần sản phẩm của doanh nghiệp mình trên thị trường để có kế hoạch điều hành sản xuất trong thời gian tới; đồng thời đề nghị các cơ quan, ban ngành và các doanh nghiệp nghiêm túc, quyết liệt và đồng bộ thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-BCT về tập trung các giải pháp bình ổn thị trường dịp cuối năm như:
Khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất nhằm giảm tồn kho và thúc đẩy sản xuất; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; triển khai thực hiện tốt thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương; tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, đặc biệt sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần giảm nhập siêu.
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, tập trung kiềm chế lạm phát, theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, bình ổn giá; thực hiện các chính sách kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, an sinh xã hội.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các đơn vị liên quan, tích cực và chủ động đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là xúc tiến thương mại biên giới, hải đảo.
Mai Phương
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025