Nhậu - không phải là văn hóa

18:30 | 09/12/2012

1,654 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bất kể khoảng thời gian nào trong năm, cảnh tượng dân nhậu túm năm tụm ba nâng ly, cạn chén đông nghịt các quán xá đã trở thành nét “đặc trưng” của người Việt. Chuyện ăn nhậu luôn là chủ đề bàn luận dài dài, khi nhậu được xem là thú vui nhưng nếu quá sa đà vào chuyện nhậu thì bạn sẽ đánh mất rất nhiều thứ.

Cớ lạ đời để… nhậu

Trong cuộc sống hiện nay, cái cớ của dân nhậu, nhất là cánh mày râu luôn ca ngợi thói quen nhậu nhẹt cũng là nét… văn hóa, vừa hưởng thụ, vừa giao lưu, đời có bao lâu mà sầu muộn... Trong nghìn lẻ một tỉ lý do ấy, nhậu thậm chí còn được đề cao bằng mỹ từ “văn hóa nhậu”, có phần nào đó đánh giá về một người. Đã ngồi vào bàn là phải uống, mà đã uống là phải hết mình, phải cạn ly, phải ôm chai...

Đã là dân nhậu, người ta có thể nhậu từ đầu tuần đến cuối tuần, thậm chí từ sáng đến chiều và cuộc nhậu nào cũng có cái lý, cái cớ của nó: lâu ngày không gặp, nhậu; bàn công chuyện, nhậu; buồn, nhậu; vui, nhậu; được khen thưởng, nhậu; bị kỷ luật, hôm nay sinh nhật sếp, nhậu; đá một trận bóng dù đôi bên đã mệt lừ, cũng phải nhậu. Ôi thôi thì đủ lý do để có kèo nhậu, không có lý do thì ta đẻ ra lý do, rửa xe mới, rửa nhà mới, ăn số đề cho đến nâng lương... miễn có lý do để ta kéo ra quán nhậu để mà dzô... dzô là được.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)

Tuy nhiên, thói quen ăn nhậu ngày một biến tướng trở thành sự lãng phí thái quá. Người ta đã dành quá nhiều tiền bạc và thời gian để đổi lấy những câu chuyện tào lao, vô bổ, có phần giải trí thái quá theo cái lý sự của Chí Phèo thời hiện đại. Đi nhậu có khi chỉ là dịp để được nghe một bể văn chương, một bầu thơ chữ. Bàn nhậu là nơi cảm hứng tuôn trào, đã sản sinh ra không biết bao nhiêu câu ca dao tục ngữ mới, xứng đáng để lại cho các bợm đàn em, đàn cháu: “Bia cũng giống như vợ, đã yêu thì phải nhiệt tình, mà đã uống thì phải hết mình!”, rồi thì: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh dài cha nhậu đủ năm canh!”, v.v...

Người ta có thể đem vợ mình ra làm nguồn cảm hứng để làm trò cười cho bạn bè. Dân nhậu luôn có rất nhiều lý do để phản bác lại chuyện phải về với gia đình sau lúc tan ca, đề cao việc lai rai của đàn ông giống như đàn bà nghiện mua sắm vậy. Có người còn so sánh: “Tao đi nhậu kiểu góp vốn mỗi bữa chỉ hết năm chục, một trăm, mà về nhà vợ nhiếc móc lên xuống, trong khi vợ ở nhà làm móng tay, giũa móng chân, thuê một chồng phim bộ về vừa coi vừa bình luận với mấy mẹ hàng xóm, thấy mấy em Hàn Quốc để tóc nhìn hay hay thế là “xách đầu” đi làm cho giống! Tới chiều lại lê la ra chợ ăn vặt! Rồi khi thì giày guốc, phấn son, khi thì đầm này váy nọ, lúc thì kem trị mụn, lúc lại khử mùi tắm trắng da… và hàng trăm thứ khác… Mày nghĩ xem ai tiêu tiền nhiều hơn?”. Thế cho nên cũng không thể đổ hết lên đầu mấy tay nhậu được!?

Có khá nhiều dân nhậu thuộc loại rủng rỉnh hầu bao, thậm chí có những người còn có học vấn cao, địa vị lớn trong xã hội là khách hàng ruột của những quán nhậu. Lý do đơn giản là họ thích thoải mái, kiếm tiền phải biết hưởng thụ, chẳng việc gì phải khổ. Có khi trên người chỉ có chiếc áo thun, chiếc quần soóc người ta cũng có thể tự nhiên ngồi nhậu trong quán. Đã thế, trong lúc nhậu, “thượng đế” có thể nói lung tung đủ thứ chuyện, trái phải gì đó cũng được, bạn bè chẳng ai trách móc.

Tôi đã từng chứng kiến một anh bạn đi liên hoan cùng cơ quan, đến bữa ăn, mọi người dùng bia, anh không uống được bia rượu, xin dùng nước ngọt. Ngay lập tức một đồng nghiệp lớn tuổi trong bàn phán một câu không nể nang gì: “Đàn ông gì mà hèn, vào quán nhậu uống nước ngọt thì mặc váy đi”. Anh bạn tôi, nghe xong ngượng chín mặt, vừa bị “bắt lỗi” khi trót xin rượu bất khả ép. Theo “luật nhậu”, anh phải uống hết 3 chén đầy trong tiếng reo hò cổ súy của mọi người. Sau cái lần ấy, anh dần dà đâm sợ cái chữ nhậu, sợ mang tiếng “kém”, mỗi lần ai đó mời đi nhậu, anh lại như nhím xù lông sợ cái cảm giác vật vã khi đến chữ nhậu.

Dân nhậu có nhiều đức tính cũng chẳng giống ai. Trước hết là sự nhiệt tình, phàm dân bợm đã gọi là đi nhậu thì phải nhậu cho tới bến, cho tới nơi tới chốn, cho ra ngô ra khoai. Dân nhậu cũng rất ư là có tinh thần hòa đồng, dễ làm quen, khi đã ngà ngà rồi thì coi như ai ngồi cùng bàn cũng là bằng hữu, hảo huynh đệ! Song, hầu hết ăn nhậu nhiều ắt kéo theo hệ lụy. Rượu vào lời ra. Lúc này mà có người tỉnh e chẳng sao, nhưng tất cả đều say thì cái gì sẽ xảy ra, nhẹ thì ở góc độ bi hài, nặng thì đau thương. Chuyện đó không còn là hiếm.

Không ai dám chắc rằng bữa nhậu khi cạn ly có bao nhiêu người không kiểm soát được chính mình, không kiểm soát được hành động, lời nói, hàng xóm láng giềng hết tình hết nghĩa, bạn bè, anh em không nhìn mặt nhau, vợ chồng lục đục, bạo hành gia đình, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội... báo đài vẫn đăng liên tục. Và những người phản đối kịch liệt nhất cũng chẳng ai khác chính là cánh chị em phụ nữ, đã tức ứa gan khi chồng bỏ bê việc gia đình lại phải nghe những câu triết lý đến vô lý, đại loại như: “Đàn bà thì biết cái gì, có những việc chỉ có trên bàn nhậu mới giải quyết được”.

Đến cả chuyện “cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa”, mấy ông nhậu cũng có cách “lách luật”, cấm uống giờ nghỉ trưa họ lại nhè giờ đi công việc mà tới quán nhậu thì cũng bằng không. Ngoài ra cũng xin cấm luôn “ăn sáng trong giờ hành chính”, ai đời đi ăn sáng xong lại kèm cà phê, trà đá toàn đến 9 giờ 30 phút - 10 giờ mới mò về cơ quan thì hết buổi rồi còn làm được gì. Không nói đến chuyện tai nạn giao thông, chỉ nói hiệu quả công việc thôi cũng thấy đáng cấm quá đi chứ. Nói đến “cái cớ” của dân nhậu thì không ai bì nổi.

Hệ lụy khó lường

Vợ chồng chị Ngân (30 tuổi, Hà Nội) đều là viên chức Nhà nước, thu nhập ổn định. Gia đình chị hiếm khi xích mích về tiền bạc hay phân bì sự nghiệp, nhưng lại hay cãi vã về việc chồng thường xuyên đi nhậu bỏ bê việc nhà, con cái. “Hồi còn tìm hiểu, anh cũng có vẻ đảm đang, thấy tôi làm việc thì cũng tay năm tay mười, nên không thì cũng đứng bên trò chuyện. Lấy về rồi mới biết anh lười làm việc nhà, sáng ngủ dậy chỉ biết cắp đít đi làm, rồi nhậu nhẹt đâu đó xong mới về. Cả năm họa hoằn lắm anh làm được đúng một việc là thỉnh thoảng chơi với con lúc tôi nấu cơm, dọn nhà. Lần nào tôi đi công tác là bị giục về rối rít như trái đất sập đến nơi. Mà đúng là về nhà sập thật, đồ đạc trong nhà lộn xộn, rác rưởi, mùi hôi hám, còn 3 bố con thì nheo nhóc. Hỏi con thì mách bố dẫn cả bạn bè về ăn nhậu lúc mẹ đi vắng”, chị Ngân kể.

Chuyên gia tư vấn Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm Tư vấn Tâm lý - Tình yêu - Hôn nhân thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, sở dĩ đàn ông thích nhậu nhẹt vì rượu bia đem lại cho họ khoái cảm, vuốt ve sĩ diện để họ thấy mình bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn mà khi bình thường họ không có được. Chỉ một số ít người lấy lý do vì công việc. “Nếu đàn ông thường xuyên nhậu nhẹt thì không chỉ sức khỏe mà gia đình cũng có nguy cơ tan vỡ, nếp sống gia đình bị phá hoại, sự hình thành nhân cách của con cái bị ảnh hưởng...”, bà Hà nhấn mạnh.

Theo Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) thì việc đàn ông nhậu nhẹt sau giờ tan tầm là một thói quen xấu. Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ việc anh ta không phải chịu trách nhiệm làm việc nhà. Anh ta tự cho mình cái quyền được tán phét, ăn nhậu sau giờ làm. Và thêm nữa là nếp sống, nếp nghĩ giải quyết công việc trên bàn nhậu. “Vào cái giờ đáng lẽ phải dành cho việc chăm sóc gia đình, quan tâm vợ, dạy dỗ con thì đàn ông Việt lại la cà quán xá. Nếu việc này xảy ra thường xuyên, lâu dài thì sẽ gây nên sự thiếu hụt về tình cảm trong gia đình mà chính người đàn ông không nhận ra”, chuyên gia tâm lý phân tích.

Bà Vân Anh cũng cho biết, hiện nay bắt đầu xuất hiện làn sóng chê trai Việt và nó vấp phải sự phản đối của một bộ phận không nhỏ các “quý ông”, tuy nhiên phái mạnh nên nhìn lại thực tế tại sao lại như vậy? “Tôi nhận được rất nhiều lời phàn nàn của các bà vợ về chuyện chồng nhậu nhẹt. Người phụ nữ đang cảm thấy mệt mỏi vì họ không được chia sẻ gánh nặng gia đình, không được quan tâm về cảm xúc. Trong khi những người làm chồng, làm cha chỉ thấy các mối quan hệ bên ngoài mà không củng cố mối quan hệ bên trong, có khi chỉ đến lúc nào hôn nhân đổ vỡ họ mới nhận ra”, chuyên gia này nhận định.

Coi thường sức khỏe

Mới đây, đọc bài viết “Tay nâng ly rượu độc” được đăng trên Báo Lao động tôi mới thực sự ngỡ ngàng khi sức khỏe con người ngày càng bị coi thường một cách rẻ mạt. Đáng tiếc thay, cái thứ rượu độc hại ấy lại phục vụ chủ yếu cho dân nhậu trong bối cảnh quán nhậu mọc lên như nấm, người người ăn nhậu một cách vô tội vạ. Có nói riết về tác hại của rượu với bia thì dân chúng vẫn cụng ly mỗi buổi chiều.

Có nhiều người chết hoặc bị suy sụp thần kinh phải nằm góc nhà vì nhậu. Nhưng thôi, cái lý của dân nhậu thì có chết cũng được, thà chết còn hơn... không đi nhậu, vì “ai trong đời mà không nhậu, không nhậu rượu thì nhậu bia”. Hậu quả của bia rượu thì quá nhiều và dễ thấy, người ta đều biết nhưng không nghĩ đến tác dụng lâu dài của nó. Đến khi bản thân thật sự trải qua cảm giác thống khổ thì mới hiểu được bài học sâu sắc, tuy nhiên khi nhận ra bài học đó thường thì đã muộn.

Nhậu không còn là thú vui nếu quá sa đà

Theo một nghiên cứu đánh giá tình hình sử dụng và lạm dụng bia rượu tại Việt Nam do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành, 63% người sử dụng rượu bia là nam giới, trong đó trí thức lại là nhóm có tỷ lệ sử dụng cao nhất. Người Việt tiêu thụ 1,3 tỉ lít bia và hơn 300 triệu lít rượu hằng năm, tức là bỏ ra hàng trăm nghìn tỉ đồng. Đó là chưa kể phí tổn điều trị các bệnh và tai nạn giao thông do lạm dụng rượu bia gây ra. Bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng - Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương Hà Nội không ngần ngại khẳng định: “Rượu bia là một loại ma túy hợp pháp vì nó gây nghiện, được bán công khai mà không bị giới hạn”. Từ góc độ y học, bác sĩ Dũng phân tích việc sử dụng rượu bia với nồng độ lớn, thường xuyên sẽ gây ra các bệnh nội khoa như tăng huyết áp, suy tim, loét dạ dày, viêm gan, xơ gan, đái tháo đường, ung thư vòm họng, thực quản, thanh quản...

Ông cũng cho biết, hiện tại bệnh viện tiếp nhận tư vấn và điều trị cho khoảng 50-60 trường hợp liên quan đến rượu, bia mỗi năm. Nếu tính cả những bệnh nhân điều trị ngoại trú lâu dài thì con số còn lớn hơn. Theo số liệu điều tra năm 2009 của Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, trước kia trong hàng trăm bệnh nhân rối loạn thần kinh phải nhập viện điều trị hằng tuần thì chỉ có một vài bệnh nhân do uống rượu bia, nhưng hiện nay có ngày bệnh viện tiếp nhận 4-5 ca loạn thần do rượu bia. Cũng như vậy, tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, số trường hợp bị loạn thần do lạm dụng rượu bia đang có chiều hướng gia tăng, chiếm tới 14% bệnh nhân nam vào điều trị tại viện.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, trong năm năm 2007-2012 có 36 vụ ngộ độc rượu lớn với 249 người mắc và 66 người trong số đó đã tử vong. TP HCM và Gia Lai dẫn đầu về số ngộ độc rượu với năm vụ/địa phương, tiếp theo là các tỉnh Đồng Nai, Hà Giang, Sóc Trăng, Thừa Thiên - Huế có hai vụ ngộ độc/địa phương. Trên 86% người đi viện do ngộ độc rượu từ 15-49 tuổi, với các biểu hiện hay gặp nhất là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, khó thở, co giật, rối loạn ý thức, đau bụng, tím tái, mờ mắt, thậm chí có trường hợp liệt, giảm cảm giác, hôn mê.


Mạnh Kiên