Nhật Bản tiếp tục thách thức Trung Quốc

07:00 | 11/01/2014

3,092 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhật Bản vừa thông báo sẽ tiếp tục quốc hữu hóa và tuyên bố chủ quyền thêm 280 đảo lân cận, đồng thời trong một động thái khác chính quyền Tokyo đang xem xét việc xây dựng một nơi thờ tự mới thay thế ngôi đền Yasukuni.

Chính phủ Nhật Bản ngày 11/9/2012 đã ký hợp đồng mua 3 trong số 5 đảo chính thuộc quần đảo Senkaku với chủ sở hữu tư nhân, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc và Đài Loan

Hôm qua, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức thuộc Ban thư Ký các vấn đề Lãnh thổ và Chính sách Đại dương của Nhật Bản cho biết Nhật Bản sẽ xác minh và đăng ký là tài sản quốc gia 280 đảo xa thuộc vùng lãnh hải của nước này.

Theo vị quan chức giấu tên này, hiện nay, khoảng 500 hòn đảo đang được Nhật Bản đưa vào tài liệu tham khảo xác định ranh giới lãnh hải. Kể từ tháng 8/2013, nhà chức trách Nhật Bản đã bắt tay nghiên cứu làm rõ quyền sở hữu các vùng đảo. Chúng một phần thuộc về chủ tư nhân là công dân Nhật Bản, một phần do các chính quyền địa phương tự quản trong nước quản lý. Tuy nhiên, qui chế khoảng 280 hòn đảo chưa rõ ràng. Gần 160 đảo trong số này thậm chí không có tên gọi.

Vẫn theo quan chức trên, hoạt động kiểm kê, khảo sát từng được khởi động 5 năm về trước, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tin cho biết từ khi khởi động chương trình cho đến nay đã có 99 đảo xa vô chủ được quốc hữu hóa.

Tokyo hy vọng việc quốc hữu hóa các vùng lãnh thổ sẽ góp phần tăng cường quyền lợi đất nước trên các vùng biển lân cận.

Những động thái trên chắc chắn sẽ tiếp tục tạo sóng gió trong quan hệ giữa Nhật với Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhật Bản hiện nay đang có tranh chấp lãnh thổ với cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Đối với Trung Quốc là tranh chấp chuỗi đảo đá tại Biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku. Với Hàn Quốc là nhóm đảo Dokdo mà Nhật gọi là Takeshima.

Thực tế cho thấy, việc Tokyo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh “nổi đóa” trong suốt gần hai năm qua.

Trong một diễn biến liên quan tới quan hệ Trung-Nhật, ngày 8/1, Lưu Kết Nhất, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc chỉ trích Nhật Bản, cáo buộc Thủ tướng Shinzo Abe đưa nước này vào một “con đường rất nguy hiểm” khi đến thăm một ngôi đền tử sĩ gây tranh cãi.

Ông Lưu Kết Nhất nói với các phóng viên là ông Abe đã thực sự “đứng về phía các tội phạm chiến tranh” khi đến thăm đền Yasukuni tại Tokyo mà ông cho rằng là “tẩy xóa tội lỗi và vinh danh những hành vi xâm lược”.

Đáp lại lời chỉ trích trên, đại sứ Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc Motohide Yoshikawa nói chuyến viếng thăm đền Yasukuni không phải để tưởng nhớ các tội phạm chiến tranh hay ca ngợi chủ nghĩa quân phiệt nhưng là để tỏ lòng tôn kính các tử sĩ. Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi của Thủ tướng Nhật Bản về việc thảo luận trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề đã làm cho Trung Quốc phẫn nộ trong mối quan hệ càng ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc-Nhật Bản. Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị này.

Những chuyến thăm của các giới chức Nhật Bản đến ngôi đền Yasukuni ở Tokyo được xem như thiếu tế nhị đối với nhiều người Trung Quốc đã từng gánh chịu đau khổ vì sự chiếm đóng tàn bạo của Nhật Bản trong những năm 1930. 14 tội phạm chiến tranh nằm trong số 2,5 triệu tử sĩ được thờ tại đền này.

Dường như để tránh lặp lại vấn đề này, mới đây lãnh đạo đảng Komei, đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền Nhật Bản đưa ra đề nghị là nên xem xét xây dựng đền thờ mới, để tránh nảy sinh va chạm khi các nhân vật cao cấp đi lễ đền thờ này. Thủ tướng Abe nói rằng, cần nghiên cứu kỹ việc xây đền thờ quốc gia mới vinh danh những người chết vì chiến tranh, để thay thế đền Yasukuni. Ông Abe nói rằng, một dự án như thế, phải có được sự cảm thông của thân nhân những người chết vì chiến tranh và nên xem xét thật cẩn thận.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc