Nhà báo, đừng "quên" lẽ phải của chính mình!

07:00 | 08/03/2013

1,245 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Báo chí vẫn thường kêu gọi công chúng hướng tới cuộc sống ngày càng tốt đẹp, nhân văn hơn. Báo chí thường dám đương đầu với những thói hư tật xấu, bênh vực cho lẽ phải, nhưng đôi khi lại “quên” đi lẽ phải của chính mình. Để rồi những người làm báo phải nhắc nhở nhau làm một cuộc “cách mạng” bằng việc gạt bỏ những vật “ký sinh” đang ăn bám trên lao động báo chí, từ đó, mài sắc ngòi bút, làm tốt hơn sứ mệnh phục vụ độc giả của mình.

Những ngày này, một loạt các trang mạng chuyên tổng hợp tin bài từ các báo điện tử khác đã được nêu đích danh như những kẻ chuyên “ăn cắp” thông tin vốn là công sức lao động của những người làm báo: tinmoi.vn, tin247.com, tindantri.com…

Ai đã từng chứng kiến hoặc tham gia tác nghiệp đưa tin, viết bài sẽ hiểu lao động báo chí thực sự là một loại hình lao động nặng nhọc, vừa đòi hỏi công sức, vừa đòi hỏi đầu tư chất xám rất cao. Làng báo Việt Nam có hàng ngàn phóng viên rải khắp các vùng miền trong cả nước, từ biên cương hiểm trở đến hải đảo xa xôi, thậm chí là ra cả nước ngoài. Có những bài viết thực hiện nhanh để đáp ứng yêu cầu thời sự, nhưng cũng có những bài phóng sự, điều tra công phu có khi phải thực hiện cả tháng trời.

Các tòa soạn báo, đặc biệt là báo điện tử luôn phải duy trì một hệ thống máy móc, cơ sở vật chất, duy trì một đội ngũ phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên khá lớn. Công sức lao động của tập thể những người làm báo qua mỗi tác phẩm báo chí, mỗi tin bài quả thực không nhỏ chút nào.

Vậy nhưng, chỉ vài năm gần đây, thị trường thông tin truyền thông trở nên khá “nhộm nhoạm” với việc các trang mạng về thông tin xuất hiện nhiều như nấm sau mưa. Sự “lạm phát” này đã phá hỏng kết cấu của các tờ báo chính thống được xây dựng công phu. Hiện tượng làm báo kiểu máy lạnh, tổng hợp, copy - paste bắt đầu xuất hiện. Tệ hơn nữa, các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã chủ động sản xuất những phần mềm tổng hợp tin, chỉ cần lập trình sẵn, báo nào bị đưa vào tầm ngắm thì chỉ vài phút sau khi nguồn tin gốc xuất bản, các cỗ máy tự động đã có ngay một bài viết y hệt.

Các cỗ máy ăn cắp thông tin đương nhiên sẽ tổng hợp tin tức và bày biện đủ các loại tin lên trang web phục vụ độc giả. Những bài viết hay, độc quyền, mới, nóng nhất của các tờ báo đều bị copy lại. Những trang web tổng hợp tin trở thành một “siêu thị thông tin” có đầy đủ các thể loại tin bài, mà lại toàn là những tin hay, chọn lọc. Vậy nên, không khó hiểu rằng độc giả sẽ quen đọc những tờ tổng hợp tin này mỗi buổi sáng thay vì tìm đến các trang web gốc.

Với báo điện tử, mất độc giả có nghĩa là mất nguồn lợi quảng cáo, cũng đồng nghĩa với việc đời sống của những người lao động báo chí chân chính - tức là những người trực tiếp viết tin bài ngày càng bị ảnh hưởng. Lao động báo chí bỗng trở thành nguyên liệu cho các trang web tổng hợp tin ăn cắp được.

Các trang web tổng hợp tin như tinmoi.vn, tin247… càng ngày càng giàu lên còn các cơ quan báo chí thì ngày càng nghèo xuống. Đơn giản là trên lưng những người làm báo đã xuất hiện những vật ký sinh, ngang nhiên chiếm đoạt công sức.

Theo thông tin từ Cục Quản lý Phát thanh - Truyền hình và Internet (Bộ Thông tin & Truyền thông) thì các trang tổng hợp tin chỉ được quyền thu thập tin tức từ các báo khác khi có sự cho phép hoặc hợp tác từ chủ của nguồn tin.

Đã rất nhiều lần, các báo điện tử lớn ở Việt Nam như Dân trí, VnExpress, VietNamNet… yêu cầu các trang tổng hợp tin phải dừng ngay việc ăn cắp thông tin, nhưng cũng chỉ được vài ngày là “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”, sự việc lại tái diễn.

Thực trạng này đã diễn ra từ rất nhiều năm qua và chưa có cơ quan báo chí nào lên tiếng một cách quyết liệt, phần vì một số cơ quan báo chí đang có rất nhiều ngộ nhận và lầm tưởng quanh sự việc này.

Nhiều báo, trang tin điện tử hiểu nhầm rằng, các trang tổng hợp tin sẽ chia sẻ lại lượng page view hoặc giúp phát triển thương hiệu tờ báo nhưng kỳ thực không phải vậy.

Số lượng view mỗi bài viết trên các trang tổng hợp có thể lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn, trong khi trang web gốc, trực tiếp sản xuất tin bài chỉ được hưởng một lượng rất nhỏ. Việc chia sẻ lượt truy cập là không đáng kể.

Hay như một số trang mạng khác có hình thức ăn cắp “kín đáo” hơn, tức là có bộ máy tự động quét tin nhưng việc sắp xếp các tin tức lại do con người thực hiện: ví dụ như tinmoi.vn.

Nhiều tờ báo đã lầm tưởng về việc này và hy vọng các trang trung gian này sẽ chia sẻ page view, nhưng việc này là không có. Kể cả ở tình huống Báo Mới chấp nhận chia sẻ view thì cũng không thể có chuyện một người thò tay vào túi người khác trộm một xấp tiền rồi “bo” lại cho gia chủ vài tờ bạc vụn như một cách gột rửa tội ăn cắp. Có chăng, hàng động “bo” lại này chỉ là để cho người bị đánh cắp “nguôi giận” và bớt chú ý hơn.

Ban đầu, nhiều báo điện tử cũng hy vọng việc các trang web khác lấy lại sẽ nâng cao giá trị thương hiệu bài báo của mình hoặc đơn giản chỉ là “oai”. Suy nghĩ này dần lạc hậu khi mà độc giả thường chỉ quan tâm đến nội dung thông tin mà không quan tâm đến dẫn nguồn hay tên người viết.

Đấy là chưa kể việc các trang web tổng hợp tin dùng “tiểu xảo”: Dẫn nguồn thì ghi là “Theo Petrotimes” “Theo Dân trí”… nhưng lại đặt ở một góc mà độc giả phải thật chú ý mới thấy được. Tệ hơn, nhiều trang web còn làm nhạt màu chữ.

Một điều nữa mà lâu nay độc giả lầm tưởng rằng, tinmoi.com hay tin247… cũng là báo mạng. Kỳ thực thì những trang này không phải là cơ quan báo chí, không được phép hoạt động báo chí, không có Tổng biên tập, không có đội ngũ phóng viên, biên tập viên mà chỉ đơn thuần đi “chôm chỉa”.

Với việc lấy tin bài của các báo điện tử khác, các trang tổng hợp tin cũng ngang nhiên đưa tin như một tờ báo chính thống, lại không phải chịu trách nhiệm về thông tin trước các cơ quan chức năng.

Chưa hết, từ lượng tin nhờ ăn cắp mà có, các trang này còn thực hiện việc kinh doanh quảng cáo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi nhuận quảng cáo của các báo điện tử. Những người lầm lỗi có thể chỉ vì ăn cắp một chiếc xe đạp mà phải đi tù, đằng này, đi đánh cắp hàng chục, hàng trăm nghìn sản phẩm trí tuệ một cách trắng trợn lại nhởn nhơ cho mình đặc quyền như là “đại diện” cho các tờ báo điện tử Việt Nam.

Thông qua vụ việc này, có một điều mà chúng ta - những người làm báo cũng phải nhìn lại mình, tự thấy mình “hèn” vì lâu nay đã không lên tiếng hoặc lên tiếng một cách không quyết liệt, không đến nơi đến chốn. Ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình, mình còn không lên tiếng thì ai sẽ là người làm thay? Báo chí vẫn thường đương đầu với tiêu cực, với thói hư tật xấu của xã hội, bênh vực cho lẽ phải nhưng nay lại “quên” mất lẽ phải của chính mình.

Những trang web tự động tổng hợp tin từ lâu đã được ví như một thứ “ký sinh trùng” trong làng báo Việt Nam, ngang nhiên chiếm đoạt công sức của những nhà báo chân chính. Chính vì sự chiếm đoạt công nhiên và dễ dàng như vậy, đã kéo theo một trào lưu khá nguy hiểm trong thông tin truyền thông hiện nay, đó là hiện tượng “copy - paste, xào xáo thông tin”. Ngồi một chỗ, vừa nhàn hạ, vừa đỡ tốn kém lại kiếm được nhiều tiền, tội gì mà không làm.

Báo chí lại ngày càng vắng đi những cây bút sắc sảo chịu đi, chịu viết, chịu tìm tòi để mang đến cho độc giả những thông tin mới lạ, sâu sắc và trung thực.

Đây có lẽ là lúc mà cả làng báo phải dũng cảm để loại bỏ những loài ký sinh, cũng là để chấn chỉnh lại mình, làm tốt hơn nữa sứ mệnh là những người đưa tin phục vụ độc giả.

Hoàng Thắng

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc