Nhà báo: Cống hiến, nhân văn và không vô cảm

13:30 | 21/06/2016

447 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở nước ta hiện có khoảng 40.000 người làm việc trong các cơ quan báo chí, trong đó có gần 20.000 người là phóng viên, biên tập viên. Họ là nhà báo.

Nhà báo Hoàng Hữu Lượng, nguyên Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông: Xã hội tôn vinh nhà báo chân chính

nha bao cong hien nhan van va khong vo cam

Trước đây, các cơ quan báo chí chỉ thực hiện một loại hình báo chí: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Ngay trong cơ quan báo in thì có phóng viên viết, phóng viên ảnh. Người biên tập thì có biên tập nội dung, biên tập kỹ thuật.

Ngày nay, hầu hết các cơ quan báo chí thực hiện ít nhất hai loại hình báo chí (báo in và báo điện tử; phát thanh và truyền hình), thậm chí ở nước ta có cơ quan đã thực hiện 3, 4 loại hình báo chí.

Vì vậy, nhà báo vừa phải viết, biên tập bài cho cả báo in lẫn báo điện tử; vừa viết bài vừa chụp ảnh, quay phim (làm tin hình). Áp lực lên phóng viên, biên tập viên là rất lớn. Họ phải học để làm việc đa năng. Khác với các nghề khác, nhà báo ít nhất phải có hai khối kiến thức cơ bản. Tên gọi của mỗi cơ quan báo chí đã yêu cầu điều đó. Ví dụ, Báo Nông nghiệp thì họ vừa phải có nghiệp vụ báo chí, vừa phải có kiến thức về nông nghiệp. Mỗi tờ báo lại có nhiều chuyên trang, nhà báo có khi không làm ổn định ở chuyên trang nào, cho nên việc học tập nâng cao kiến thức thường xuyên.

Bối cảnh trong nước và thế giới hết sức phức tạp, đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh để phân biệt, nhận biết bản chất của sự kiện, sự việc, để đem đến cho công chúng thông tin chuẩn xác, khen chê rõ ràng.

Công chúng đòi hỏi báo chí phản ánh toàn diện bức tranh tình hình trong nước và thế giới.

Các nhà báo Việt Nam ngày nay không chỉ có mặt ở các nơi trên cả nước mà còn có mặt ở nhiều nơi ở nước ngoài. Đặc biệt ở những điểm nóng, điểm khó khăn, phức tạp, nhà báo còn cần có lòng dũng cảm.

Khi bão lũ, chúng ta ngồi trong phòng kín theo dõi diễn biến của bão lũ, còn nhà báo phải dầm mình trong mưa gió, tính mạng bị đe dọa để có tin bài trên báo, đài.

Khi điều tra về các vụ việc tiêu cực, họ vừa bị đe dọa, vừa bị mua chuộc. Không ít nhà báo đã phải đổ máu vì kiên quyết đấu tranh hoặc vào tù vì bị cám dỗ.

nha bao cong hien nhan van va khong vo cam
Phóng viên Báo Năng lượng Mới tác nghiệp trên giàn CNTT số 2 mỏ Bạch Hổ

Khi chủ quyền biển đảo Tổ quốc bị xâm lấn, các nhà báo có mặt cùng các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư để có những thước phim, bài viết chứng minh cho cả thế giới biết được chính nghĩa và phi nghĩa.

Trong lần tiễn đoàn nhà báo đầu tiên đi ra vùng biển Hoàng Sa phản ánh về giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển của ta, làm tôi nhớ lại các nhà báo cha anh khi xưa hăng hái đi chiến trường dù biết rằng phía trước có thể là cái chết.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhà báo chính là người chuyển tải những thành tựu chính trị, kinh tế - xã hội, đưa văn hóa tốt đẹp của Việt Nam ra thế giới để thế giới hiểu, quý, yêu Việt Nam hơn, đồng thời phản bác những ý kiến xuyên tạc về Việt Nam.

Mỗi ngày báo chí có hàng ngàn tin bài, trong đó cũng có tin bài chưa chuẩn xác, nhưng khác các lĩnh vực khác, cái chưa đúng của báo chí ngay lập tức bị phát hiện và phải sửa chữa ngay. Trong hàng vạn nhà báo cũng còn có người mắc lỗi, thậm chí vi phạm pháp luật nhưng cũng là lẽ thường tình của cuộc sống.

Trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 91 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, những nhà báo, những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí được cả xã hội tôn vinh và chia sẻ.

Chúc các nhà báo Việt Nam vượt lên những khó khăn của cuộc sống, những phức tạp, gian khó của nghề nghiệp với bút sắc, lòng trong.

Nhà báo, nhà thơ Hải Đường, nguyên Ủy viên Bộ biên tập Báo Nhân Dân: Làm báo là để phụng sự nhân dân

nha bao cong hien nhan van va khong vo cam

Tôi cho rằng, nghề văn, nghề báo là nghề đặc biệt, nhưng một thời người ta cho rằng, đó là thứ nghề “vô sư, vô sách”, nghĩa là chả sách nào, thầy nào dạy được. Cuộc sống dạy mình thôi. Người thầy dạy tôi viết báo là chính trị viên tiểu đoàn ở một đơn vị bộ đội công binh, thời chống Mỹ. Ông bảo: “Mày nom dáng thư sinh, ngực lép như mo cau, lại đã học hết mười (lớp 12 bây giờ) thì có thể viết báo được đấy. Tao đọc Báo Quân đội thấy có những bài nhạt hoét. Ở tiểu đoàn này chán vạn chuyện hay. Mày đọc mà thấy người khác viết dở ẹc là mày viết được…”. Bài khai tâm của “người thầy” thật đơn giản. Khi nào thấy người khác dở là mình viết được. Sau này đi học đại học ngành viết lách thì có một nhà báo lớn giảng giải: Người bình thường nhìn hồ nước chỉ thấy nước trong, còn nhà báo thì thấy những giọt sao ở đáy hồ. Nhà thơ Văn Cao thấy “trời xanh rơi vài giọt Tháp Chàm”.

Ở Báo Nhân Dân, thế hệ chúng tôi có may mắn được gặp, được làm việc với các nhà báo lớn, nhà báo hàng đầu của nền báo chí cách mạng nước nhà. Những tên tuổi Hoàng Tùng, Hồng Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh, Quang Đạm, Diệu Bình, Thép Mới, Hà Đăng, Hữu Thọ… rợp cả bầu trời làng báo. Ngày đầu tôi mang bộ quân phục bạc màu từ quân đội chuyển về, đầu quân dưới bóng đa 71, Hàng Trống, gặp Thép Mới, tác giả “Cây tre Việt Nam”, “Hà Nội thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”… Ông bảo, mày về đây chịu khó mà điếu đóm cho các cụ, học được khối thứ đấy. Nhớ là cái gì biết kỹ thì hẵng viết. Đừng có múa rìu qua mắt thợ. Đừng mang cái sở đoản thay cái sở trường. Đừng có đánh võ mồm, viết báo không phải là đánh võ… Khi nói về các đàn anh, đồng nghiệp ở báo, ông Thép Mới bảo: Nhiều ông viết như phù thủy chữ nghĩa, viết nhanh như gió. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh đấy, cứ ngắm kim đồng hồ mà viết, thế mà vẫn chăm từng dấu phẩy. 

Chả có cách nào khác, muốn làm tròn việc viết báo, duyệt bài, quản lý báo, phải biết múa gươm. Phải có nội công đủ mạnh và phải có ngón nghề. Nói rõ ra là phải chuyên nghiệp. Đã làm báo là phải giỏi, giỏi phát hiện vấn đề, phân tích, lý giải sự kiện, dự báo tình hình. Lại phải có bản lĩnh, “ăn cơm chúa múa tối ngày”, nhưng đừng loạng quạng mà hỏng việc lớn. Bởi vì sinh ra báo chí là phải nhìn bắc ngó nam, nhìn đông ngó tây. Ta thường gọi định hướng. Chẳng cứ báo xã hội chủ nghĩa, báo tư bản họ cũng định hướng chứ, nó cũng lắm “ngón”, lắm chiêu trò lắm.

Một vấn đề rất cốt lõi của nghề là tấm lòng người viết; là đạo đức nghề nghiệp. Khen hay chê một vấn đề, một con người, đòi hỏi tấm lòng rộng mở, phải cân nhắc ghê lắm. Báo chí cách mạng không “đánh” ai cả. Có viết bài chống tham nhũng, tiêu cực cũng là để “xây”, để tìm ra bài học, người khác không lặp lại, không mắc  phải. Nhưng một tờ báo mà chỉ khen thôi thì bạn đọc chắc gì đã yêu mến anh. Người ta kính anh, mà chẳng trọng anh. Nếu anh khen đúng thì anh là bạn, chê đúng thì  anh là thầy.

Chữ nghĩa của người làm báo lấp lánh đằng sau là chuyện đời; là tài năng, tri thức, kiến văn… “Múa võ giữa chợ” có phần nào giống với người bán hàng, như “bánh đúc bày sàng”, như người bán rau vậy. Các bác sĩ khuyến cáo, người tiêu dùng hãy là nhà thông thái. Người tiêu dùng thông tin - bạn đọc bây giờ cũng thông thái lắm. Họ là bạn đọc và là bạn, là thầy ta. Một từ dùng sai, một thông số nhầm lẫn, ngay tức khắc mạng xã hội có thể tung lên chi chít những bình luận. Vì vậy, nghề báo càng ngày càng khó, cơ hội cũng lắm, thách thức cũng nhiều. Nhà báo, người sáng tạo những tác phẩm báo chí, theo tôi cần lắm niềm lạc quan. Lạc quan khác với niềm vui bồng bột, nhất thời, niềm vui mong manh. Lạc quan là tin vào tương lai, vào chân lý, lẽ phải. Trong niềm vui biết nghĩ đến khó khăn trước mắt. Trong khó khăn không nản chí,  gục ngã; không vào hùa với những kẻ cơ hội. Vui và buồn là tình cảm tự nhiên, điều quan trọng là ta biết làm chủ niềm vui, nỗi buồn ấy, để mỗi chữ, mỗi dòng ta viết ra là đã được “đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ” (Maxim Gorky).

Làm báo là để phụng sự nhân dân, phụng sự xã hội; là để cắt nghĩa sự đi lên của cuộc sống. Cách mạng có lúc tiến, có lúc thoái, có lúc vui, có lúc buồn. Nhưng làm cách mạng thì phải thắng. Không ai ra trận muốn nhận phần thua. Làm báo là để chứng kiến bước đi cách mạng và can thiệp vào, góp sức vào bánh xe lịch sử bằng vũ khí của mình. Cuộc cách mạng hôm nay của đất nước ta, nhân dân ta là công cuộc đổi mới. Mỗi bài báo phải góp sức vào đổi mới, dù khen, dù chê.  Một ngòi bút ác là ngòi bút vì dụng ý cá nhân mà nói sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm nhân phẩm, danh dự con người.

Nhà báo Nguyễn Như Phong - Tổng biên tập Báo Năng lượng Mới: Đừng viết ác

nha bao cong hien nhan van va khong vo cam

Có thể khẳng định rằng, yếu tố nhân văn là điều sống còn đối với báo chí, bởi một tờ báo nếu không mang tính nhân văn thì sớm muộn cũng trở thành một tờ “lá cải”. Những bài báo không mang tính nhân văn, hoặc thiếu tính nhân văn thì hoặc sẽ bị bạn đọc lên án, hoặc người ta quên ngay bài báo đó.

Trong các khâu của quá trình lao động nhà báo, việc lựa chọn góc nhìn, thái độ tiếp cận sự việc của nhà báo là hết sức quan trọng. Đó là một trong những biểu hiện cụ thể nhất, rõ rệt nhất của đạo đức nhà báo. Phải chăng, những bài báo giật gân câu khách với những chi tiết phản cảm rùng rợn; những bài báo chà đạp lên quyền sống của con người cũng bắt đầu từ chính góc nhìn thiếu nhân văn của tác giả. Thông thường những bài báo đưa những chi tiết rùng rợn bới móc đời tư, kể cả đời tư tội phạm và mang tính giật gân, câu khách đều do người viết và người biên tập thiếu đạo đức nghề nghiệp. Nếu như không muốn nói rằng, người viết cũng rất “ác” thậm chí họ nói về những chi tiết rùng rợn, mô tả hành vi tội ác với một sự khoái cảm… Quy ước đạo đức nghề nghiệp của nhà báo không cho phép viết như vậy. Nhưng thật tiếc, khái niệm “đạo đức” trong một bộ phận không nhỏ nhà báo, có vẻ rất “xa xỉ”.

Bấy lâu nay, nhiều tờ báo thường viết về tội phạm là những kẻ tột đỉnh của xấu xa, phi nhân tính, vô nhân cách… Điều đó thật không công bằng. Người phạm tội xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan, có nguyên nhân khách quan, thậm chí là người ta phạm tội trong những phút suy nghĩ nông cạn hoặc bộc phát về tình cảm. Nhưng nếu phóng viên cứ viết theo kiểu vơ đũa cả nắm, coi những người phạm tội đều là đồ bỏ đi thì hoàn toàn không mang tính nhân văn. Vấn đề là người viết phải phát hiện ra được chất “Người” trong mỗi kẻ phạm tội, hay nói một cách khác là phải tìm ra được những chi tiết mang tính nhân văn trong con người đó. Viết như “chan tương đổ mẻ” vào mặt tội phạm tội thì rõ ràng là không nhân văn chút nào.

Trong mỗi tòa soạn hiện nay, số lượng phóng viên viết về vụ án khá đông và có vẻ rất dễ - đó là nếu viết theo kiểu sao chép, tường thuật vụ án một cách trần trụi hoặc đưa thông tin về vụ án theo kiểu “nghe hơi nồi chõ”, suy diễn, bịa đặt một cách vô lối. Để xảy ra lỗi này trách nhiệm đầu tiên thuộc về tổng biên tập và đội ngũ biên tập. Đó là đã không đặt ra cho phóng viên những tiêu chí, những yêu cầu mang tính nhân văn khi viết về vụ án. Cần thẳng tay gạt bỏ những bài về vụ án mang tính giật gân, câu khách rẻ tiền. Tôi thấy rằng, trước những bài báo phản ảnh một cách trần trụi vụ án, thiếu tính nhân văn thì các lãnh đạo của các tờ báo thường đổ lỗi cho phóng viên. Đây là cách trốn tránh trách nhiệm rất không hay. Nếu như không nói rằng lỗi này thuộc về chính Tổng biên tập, bởi anh không hướng dẫn được cho phóng viên, không có những quy định biện pháp ràng buộc phóng viên.

Nhà báo Trần Anh Tú - Trưởng ban Điện tử Báo Đại đoàn kết: Những bài báo thiếu tính nhân văn đã thất bại ngay cả trong vai trò thông tin đơn thuần

nha bao cong hien nhan van va khong vo cam

Những bài báo giật gân, câu khách với những chi tiết phản cảm, rùng rợn thường xuất hiện khi người viết vốn sống còn mỏng chưa có nhiều trải nghiệm. Tuy nhiên sự dễ dãi của người viết, người biên tập, duyệt bài có thể dẫn đến những tác phẩm báo chí không mang lại những tình cảm, nhận thức lành mạnh trong công chúng, mà thậm chí tạo ra những cái nhìn méo mó, chà đạp lên quyền sống của con người (ở đây là những nhân vật trong bài báo). Báo chí, lúc đó trở thành người kể chuyện một cách thô bạo và có thể gây tác dụng ngược: Công chúng không tiếp nhận những bài học phía sau tội ác, mà lại nghi ngờ động cơ của người viết, nghi ngờ tính xác thực trong các tình tiết. Như vậy, không những không đem lại những điều tốt đẹp cho công chúng, những bài báo thiếu tính nhân văn còn thất bại ngay cả trong vai trò thông tin đơn thuần.

Tôi cho rằng, thông tin báo chí có nhiều tầng lớp nghĩa. Tầng đầu tiên là thông tin. Bạn là người chứng kiến vụ án hoặc nghe kể lại và tiếp tục “kể lại” câu chuyện này với bạn đọc. Thế nhưng nếu chỉ có vậy thì dường như báo chí mới chỉ dừng lại ở vai trò “người kể chuyện” với việc kích thích tính tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận công chúng, khơi dậy những thói quen bản năng, nhục dục.

Nhưng báo chí với vai trò là hoạt động tư duy có định hướng thì cần xây dựng cho độc giả những tình cảm tích cực, lành mạnh. Và hiệu ứng tích cực này chỉ đến khi báo chí nêu được nguyên nhân gây án, giúp những bài học ứng xử, bài học đạo đức. Từ một vụ án tưởng như xa lạ, mỗi người tiếp nhận lại rút ra cho mình một bài học để chủ động tránh đi những sai lầm có thể mắc phải, hoặc biết được hậu quả của hành vi, từ đó cân nhắc kỹ trước khi hành động.

Nhà báo Nguyễn Tuấn - Trưởng ban Cảnh sát Toàn cầu Báo Công an Nhân dân: Cần một góc nhìn rộng hơn, ấm áp hơn

nha bao cong hien nhan van va khong vo cam

Người phạm tội dù là lần đầu hay tái phạm đều có lý do của nó. Tất nhiên, hành vi phạm tội là đáng bị lên án vì đã xâm hại tới đối tượng cần bảo vệ. Nhưng không ít bài báo chỉ nặng về lên án mà không cho họ cơ hội được nói thì cũng không công bằng và dưới góc độ báo chí thì hoàn toàn xa rời tính nhân văn. Không ít người phạm tội vì hoản cảnh xô đẩy, bị rủ rê, lôi kéo, bế tắc hoặc bị lợi dụng. Bởi vì bản chất họ trước khi phạm tội là người tốt, thậm chí có người từng giữ những chức vụ nhất định. Khi chúng ta cho họ được giãi bày, được kể về hành trình đi tới cái ác thì sẽ có một góc nhìn khác rộng hơn, ấm áp hơn về họ. Và tất nhiên, chúng ta cũng có thêm tài liệu sống để viết về những bài học rút ra từ những vụ án đó.

Tính hấp dẫn của tác phẩm báo chí là một phạm trù rất rộng. Có thể là vụ án có nhiều nút thắt được cởi bỏ; có khi là con đường dẫn tới việc người đó phạm tội; cũng có thể là quá trình điều tra khám phá, xử lý của các cơ quan chức năng… Nhưng theo tôi, bài viết về vụ án chỉ thật sự hấp dẫn khi người viết có tâm, có tài dẫn dụ người đọc. Tác giả bình tĩnh, tỉnh táo ghi lại sự việc một cách trung thực nhất cùng những nhận định chính xác, khách quan là tạo được sự hấp dẫn cho bạn đọc mà không cần phải đi sâu khai thác các chi tiết giật gân. Để làm được điều này, phải thật sự am hiểu lĩnh vực mình viết, có kiến thức về pháp luật, có vốn tích lũy nhiều năm làm báo cùng khả năng văn chương. Tất cả sẽ hòa quyện để tác phẩm báo chí thăng hoa.

Nhóm PV

Năng lượng Mới 533