Nguồn vốn nào cho năng lượng xanh?

07:00 | 27/01/2021

597 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Làm thế nào thu hút nhiều nguồn vốn để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo (NLTT) đang là vấn đề được quan tâm. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia tại Hội thảo “Giải pháp thu hút nguồn vốn cho các dự án năng lượng xanh” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Nguồn vốn nào cho năng lượng xanh?
Nguồn vốn nào cho năng lượng xanh?

Ông Đỗ Đức Quân - Phó cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương): Tập trung xây dựng chính sách

Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập như: Giá bán điện cố định không bám sát giá thiết bị chính trên thị trường; việc phát triển lưới điện truyền tải không đồng bộ với sự phát triển các nguồn NLTT dẫn đến quá tải lưới truyền tải và giảm công suất phát...

Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực NLTT, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào chính sách, chuyển sang đấu thầu cạnh tranh tạo công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư; tăng cường hạ tầng truyền tải, hệ thống lưu trữ, điều độ vận hành hệ thống điện.

Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương xây dựng có xem xét nhiều phương án phát triển nguồn điện, trong đó, các nguồn NLTT sẽ được phân kỳ phù hợp để bảo đảm giá điện hợp lý.

Nguồn vốn nào cho năng lượng xanh?
Nguồn vốn nào cho năng lượng xanh?

Ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam: Xây dựng cơ chế cho tín dụng xanh

Lĩnh vực năng lượng xanh ở Việt Nam còn mới mẻ, hầu hết các doanh nghiệp đều mới khởi đầu được 5-6 năm, nguồn vốn hạn chế, chi phí đầu tư lớn.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) cho phép các chủ đầu tư được giảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu còn 20-25%, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay dưới 8%/năm, ưu tiên các nguồn vốn dành riêng cho năng lượng xanh.

Đồng thời, NHNN hoàn thiện hướng dẫn và xây dựng cơ chế cho tín dụng xanh và có chương trình hỗ trợ, kết nối với các định chế tài chính nước ngoài để có chương trình tái cấp vốn, phát hành trái phiếu xanh ưu đãi cho các NHTM, doanh nghiệp tham gia vào chương trình tín dụng xanh.

Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần xem lại hợp đồng PPA mẫu, không đẩy rủi ro về doanh nghiệp. Các chủ đầu tư nên bắt tay với đối tác nước ngoài; có dự án khả thi, hiệu quả đầu tư cao để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn, dự án điện gió có hiệu suất sinh lợi tối thiểu 15% mới hấp dẫn nhà đầu tư ngoại...

Nguồn vốn nào cho năng lượng xanh?

Bà Nguyễn Thùy Dương - Trung tâm Giải pháp tài chính VietinBank: Khơi thông nguồn vốn tín dụng

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có quy hoạch đồng bộ phù hợp với định hướng phát triển ngành điện từ khâu phát triển dự án, truyền tải, tiêu thụ để nâng cao hiệu quả tất cả các nguồn lực; hoàn thiện cơ chế giá cạnh tranh đối với NLTT để các nhà đầu tư có định hướng đầu tư dài hạn và NHTM có cơ sở thẩm định phương án tài chính khi xem xét, quyết định tài trợ; có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp và NHTM trong quá trình triển khai và tài trợ dự án NLTT; có cơ chế ưu đãi hỗ trợ thuế, phí cho các cổ đông, nhà đầu tư của các dự án NLTT.

NHNN cần có cơ chế đặc thù để khơi thông nguồn vốn tín dụng từ NHTM như: Cho phép NHTM được sử dụng trái phiếu, khoản cấp tín dụng cho NLTT làm tài sản bảo đảm để tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi từ NHNN; giảm tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro đối với dư tín dụng tài trợ dự án NLTT; áp dụng hệ số rủi ro với dự án NLTT thấp hơn các lĩnh vực thông thường khác; có cơ chế phù hợp để thu hút nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ các tổ chức tín dụng quốc tế.

Nguồn vốn nào cho năng lượng xanh?

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN): Cần có tiêu chí xác định dự án xanh

NHNN đã ban hành các văn bản quy định về ngân hàng xanh, tín dụng xanh, đồng thời tiến hành rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Đến nay, có 31 tổ chức tín dụng có phát sinh dư nợ đối với các dự án xanh với dư nợ trên 285.000 tỉ đồng, tăng hơn 8% so với 2017, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp sạch và NLTT.

Để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành hướng dẫn về danh mục và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng về nguồn vốn dài hạn, vốn ưu đãi cho ngành/lĩnh vực xanh.

Bộ Công Thương kiểm soát quy mô công suất phát triển nguồn NLTT đúng quy hoạch, phù hợp khu vực phụ tải, bảo đảm khả năng giải tỏa công suất. Bộ Tài chính xây dựng các quy định chi tiết về trái phiếu xanh. Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án xử lý tấm pin năng lượng mặt trời khi hết hạn sử dụng để bảo đảm môi trường.

Bảo đảm được các yếu tố đó là cơ sở để các NHTM cấp vốn cho các dự án năng lượng xanh.

Đến quý III/2020, dư nợ tín dụng xanh tại VietinBank là 22.700 tỉ đồng cho 278 dự án, chủ yếu là dư nợ thuộc lĩnh vực năng lượng sạch, NLTT (chiếm 71% dư nợ tín dụng xanh), quản lý nước bền vững (14%) và tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên (13%).

Xuân Hinh