Người Việt đang tự… hại mình: Rau quả như… lá ngón

07:00 | 01/05/2013

1,124 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Có thể nói chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại “nóng” như bây giờ khi mà từ rau, củ quả đến thịt gia súc, gia cầm… bất kể loại nào nếu không tồn dư thuốc thực vật, kháng sinh thì cũng nhiễm hóa chất (thuốc chống thối), bẩn cao. Và đặc biệt, đối với loại thực phẩm đã được sơ chế hoặc chế biến thì chớ trêu thay: mùi vị càng hấp dẫn, “bắt mắt” thì càng độc hại với con người do tẩm ướp các “hóa chất” thay vì gia vị. Đúng là, như nhiều người nói ngoa, người Việt đang tự “giết” nhau vì những điều như vậy.

Độc từ rau nội

Đã hàng năm nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục đưa tin về các loại rau, củ, quả bẩn được bày bán tràn lan từ chợ cóc cho đến các chợ đầu mối, siêu thị. Các loại rau, củ, quả này đáng buồn không chỉ có nguồn gốc nhập khẩu mà cả trong nước, trong khi nhiều người quan niệm: dẫu không “bì” được với thiên hạ về kích cỡ, cân nặng nhưng những gì gốc gác của ta bao giờ cũng ngon, bảo đảm hơn do không “lai” giống, kích thích, tăng trọng... Quan trọng hơn nữa là “ta thì không thể giết ta” được bởi không gì cũng “người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Vậy mà ngay cả những sản phẩm được gắn mác như rau sạch, quả sạch cũng “bẩn” chẳng kém gì loại nhập “thải” từ nước ngoài. Đấy, những gì vẫn được coi là sạch sẽ, đẹp mắt nhất như rau cần, giá đỗ, bắp cải, rau ngót… lại là độc hại nhất chẳng kém gì so với… lá ngón, chỉ khác là một đằng giết người chết ngay còn một đằng giết… từ từ. Bởi những loại rau đó đẫm… thuốc kích thích, trừ sâu, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… Rau cần chẳng hạn, người viết bài này đã từng thực mục sở thị: trắng nõn trắng nà, lá xanh mơn mởn đến nỗi có cảm giác có thể ăn “ghém” là thế, thế mà tại cánh đồng rau quê ở Ngũ Hiệp, Hà Nội, nơi trên là trời dưới là rau cần, bao nhiêu “bí quyết” được người trồng rau ở đây thực hiện sạch sành sanh với mục tiêu 3 nhất: “Rau mọc nhanh nhất, đỡ vất vả nhất, thu lời nhanh nhất”.

Ruộng rau muống được trồng ở dòng nước ô nhiễm như thế này

Và để hiện thực hóa mục tiêu này, họ chỉ mất chưa đến chục nghìn đồng để mua một viên thuốc kích thích hệt viên C sủi và rặt tiếng Trung Quốc ở ngoài vỏ bao rồi pha với nước tưới cho cả ruộng rau hàng trăm mét vuông. Chỉ sau 3 ngày, rau lên mỡ màng với lá xanh mướt, thân trắng ngần hấp dẫn. Đã vậy, thu hoạch rau xong, sau khi bó gọn từng mớ, họ rửa rau tại đường… cống thoát nước xây ngay cạnh ruộng nhằm gột bỏ hết rác rưởi ở ruộng bám vào để trông “bắt mắt” hơn. Điều đáng nói nữa, trong dòng nước đen ngòm đó có cả nước thải từ một nhà máy bên hông ruộng rau. Khi được hỏi người dân ở đây có ăn loại rau này không thì một thôn nữ vừa cười vừa trả lời hồn nhiên: “Ăn rau này để “chết” à, chỉ để bán cho người ngoài thôi. Còn rau mình ăn phải trồng ruộng riêng đằng kia kìa”. Quả là chẳng có gì quý hơn thân mình. Còn đồng loại như… cỏ rác thôi!

Như rau cần, giá đỗ, một loại thức ăn phổ biến trong bữa ăn của nhiều người với tác dụng ngon, bổ, mát, thậm chí theo y học cổ truyền còn là “Viagra” của cánh mày râu cũng được “đầu độc” rồi mang bán cho người nội trợ. Cách đây không lâu, cơ quan chức năng kiểm tra hàng loạt cơ sở sản xuất giá đỗ thì phần lớn đều phát hiện chủ cơ sở ngâm đậu xanh với… hóa chất để kích thích giá đỗ không những đẹp mắt bởi màu trắng muốt, mập mạp mà còn phát triển nhanh tới mức chỉ sau một đêm có thể mang bán luôn. Hóa chất này oái oăm ở chỗ ngay người sử dụng cũng không biết nguồn gốc ở đâu, tên là gì do viết toàn bằng chữ Trung Quốc, chỉ biết trắng lỏng như nước, được đóng thành từng ống nhựa như ngón tay chỏ. Tùy theo lượng đỗ đến đâu thì dùng hóa chất đến đó và khi dùng phải hết cả ống, không được chừa lại cho lần sử dụng sau.

…Đến các loại quả ngoại

Cùng với các loại rau, các loại quả, đặc biệt là nhập khẩu từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) cũng chất độc hại nhiều hơn chất bổ như nó vốn có. Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, giáp tết dương lịch vừa rồi sau khi kiểm nghiệm các loại quả nho, lựu, lê, mận… xuất xứ từ Trung Quốc đã công bố hàng loạt trái cây này đều có hóa chất gây vô sinh và ung thư.

Đặc biệt đối với táo có “thương hiệu” Fuji, có nguồn gốc từ Yên Đài (Sơn Đông, Trung Quốc) được bày bán rất nhiều ở Việt Nam và được nhiều người dân ưa chuộng vì giòn, đỏ bóng, rất đẹp mắt được cơ quan chức năng của Trung Quốc phát hiện hóa ra được trồng bằng công nghệ… cực độc. Bởi từ lúc ra trái cho đến lúc thu hoạch táo lúc nào cũng được bọc trong một túi nhựa, bên trong chứa chất bột trắng được xác định là thuốc sâu.

Mặc dù, cho sản lượng thu hoạch tới cả triệu tấn mỗi năm nhưng cơ quan chức năng của Trung Quốc vẫn nghiêm cấm sử dụng trồng táo bằng công nghệ “hiện đại” này. Sợ ảnh hưởng đến thương hiệu “Fuji” có nguồn gốc từ New Zealand, Mỹ hay các loại táo khác nói chung, những quốc gia trồng táo ấy đã phải lên tiếng bảo vệ, đồng thời đại diện của Mỹ còn phải đến tận các siêu thị tại Việt Nam giải thích và hướng dẫn cách nhận biết thế nào là táo Mỹ cho người tiêu dùng.

Nói chung rất nhiều loại rau, quả hiện nay đều nhiễm độc dưới mọi hình thức: ủ, phun, ngâm… hóa chất.

Lợi bất cập hại

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, hiện có nhiều loại chất bảo quản kháng nấm, kháng khuẩn được sử dụng đối với rau quả như: propanoate canxi, sodium bisulfite, EDTA… Tuy nhiên, bên cạnh những chất “chính thống” được phép sử dụng này, nhiều chất cấm, “ngoài luồng” vẫn được sử dụng một cách giấu giếm như: carbendazim, tebuconazole, thậm chí cả thuốc diệt cỏ… Tác dụng của thuốc bảo quản là bảo quản rau xanh tốt, kháng với những vi khuẩn theo đúng tên gọi của nó. Nhưng với liều lượng cho phép, nhất là với thuốc “chính thống” thì thuốc sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, xin nhắc lại là không ảnh hưởng nhiều không có nghĩa là không ảnh hưởng tới sức khỏe. Còn đối với hóa chất không cho phép sử dụng thì đương nhiên vì tác hại nghiêm trọng của nó nên cơ quan chức năng mới không cho phép sử dụng.

Theo tài liệu y học, chất propannoate canxi (được phép sử dụng như đã nói trên) dùng để diệt nấm trên hoa quả hiện nay, khi axit propannoic - thành phần trong hóa chất này - truyền trực tiếp vào não động vật gặm nhấm, nó gây ra những hành vi đảo ngược (như hiếu động thái quá, rối loạn trương lực cơ…) và thay đổi ở não bộ (như viêm não bẩm sinh, suy giảm glutathione) có thể xem như bệnh tự kỷ ở chuột. Còn đối với sodium bisulfite, loại hóa chất được bảo quản rau để duy trì sự xanh tốt, nồng độ của nó đôi khi đủ cao để gây ra những phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Thập niên 80 Mỹ đã cấm sử dụng chất này để bảo quản hoa quả, rau xanh do 13 người chết được phát hiện tiêu thụ các sản phẩm được xử lý quá mức bằng sodim bisulfite.

Đối với chất cấm carbendazim cũng được dùng để diệt nấm trên rau và hoa quả vô cùng độc khi nó chính là chất gây tổn thương tinh hoàn và mào tinh ở chuột đồng và chuột thí nghiệm. Nếu ở người sử dụng vượt mức cho phép, nó gây ra vô sinh và rất nguy hại cho sức khỏe. Và thật buồn khi Cục Bảo vệ thực vật đã kiểm nghiệm và phát hiện hoa quả Trung Quốc bày bán tràn lan ngoài thị trường có dư lượng hóa chất này vượt tới 5 lần chỉ số cho phép. Đối với một số loại hóa chất cấm như thuốc diệt cỏ thì làm tổn hại tới cơ quan nội tạng như gan, thận… phá hủy tế bào và gây ung thư…

Tóm lại, con người đang phải đối mặt với nguy cơ “diệt chủng” từ chính những thức ăn vẫn được coi là dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe của mình.

Tú Anh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc