Người Việt đang tự… hại mình: Quản mà buông!

07:00 | 05/05/2013

729 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trước tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà ở hàng loạt bài trước đã nêu, một câu hỏi đặt ra là nguyên nhân từ đâu thực phẩm bẩn lại tràn lan như vậy để rồi dẫn đến đời sống hoang mang của người dân không biết đâu là thực phẩm sạch - bẩn nhằm lựa chọn cho mình?

>> Người Việt đang tự… hại mình: Thức ăn bổ dưỡng hay độc hại?

>> Người Việt đang tự… hại mình: Rau quả như… lá ngón

Lỗi từ lưu thông...

Có lẽ không cần phải nói thì ai cũng hiểu rằng, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chính là khâu lưu thông các mặt hàng này. Và những người kinh doanh ấy không chỉ là những đối tượng mua đi bán lại mà cả những người trực tiếp làm ra sản phẩm như chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt hải sản… Vì lợi nhuận, vì lợi ích cá nhân họ sẵn sàng “hạ độc” đồng loại, đồng bào của mình dưới mọi hình thức từ sử dụng thuốc tăng trọng, tiêm kháng sinh tràn lan cho gia súc, gia cầm đến “tẩm ướp” thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại…

Họ không từ một thủ đoạn nào miễn sao bán được hàng, thu lợi nhuận. Như thịt bò khô, thay vì làm nguyên liệu “đúng chất”, họ lại chế biến từ nguyên liệu rẻ tiền là thịt lợn chết, lòng bò thối… để rồi giá thành hạ xuống, không những làm cho hàng bán “chạy” hơn mà lãi suất còn lớn hơn gấp bộn. Trong khi thịt bò thật nếu chế biến khô, giá thành cao, khó bán. Mà khó bán thì không có lãi, thậm chí “âm” tiền vốn.

Phòng Cảnh sát Môi trường (CA TP Hà Nội) bắt giữ 1 chiếc xe chở nội tạng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại bến xe Nước Ngầm (Hoàng Mai)

Từ trước tới nay, nhiều người vẫn cho rằng, “chỉ có hàng Trung Quốc” mới độc hại, mới đáng sợ. Nhưng không phải vậy. Thậm chí, có không ít lái buôn “đánh” hàng từ bên kia biên giới vốn tẩm sẵn hóa chất để phòng thời gian vận chuyển, tránh dập nát… trong quá trình bán hàng lâu dài… Song về đến đây, nhằm “bảo quản” tốt hơn nữa, người buôn lại “ướp” thêm hóa chất cho trái cây… Cho nên mới có những trái táo, lê tươi đến 4 tháng không hỏng do “đẫm” hóa chất.

…Đến nhà quản lý

Nhưng để làm được như vậy, để có thể tự do tung hoành sử dụng hóa chất từ khâu sản xuất đến chế biến thực phẩm như vậy, phải nói rằng, “người mình đang hại mình” bởi các cơ quan chức năng không thể quản lý được. Vì ngay chính trong các cơ quan chức năng cũng đang tồn tại những bất cập căn bản. Như chuyện chia lĩnh vực để quản lý. Nói như ngàn đời nay: “cha chung không ai khóc” chiếu với câu chuyện này có lẽ rất đúng. Hiện, có tới 3 bộ quản lý ATVSTP dù chỉ một quả táo, hộp kẹo theo chuyên môn của ngành nào ngành ấy quản lý như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý thực phẩm từ ngoài cổng vào đến chợ. Bộ Y tế quản lý thực phẩm trên mâm cơm. Còn Bộ Công Thương quản lý “trung gian” giữa hai bộ này.

Với cách quản lý như vậy rất dễ xảy ra chuyện: Bộ nào quản lý khâu nào thì chỉ quan tâm đúng đến khâu ấy, ngoài ra không lưu tâm, với mục đích vừa là giữ ý theo kiểu “việc ai người ấy làm”, vừa tránh chồng chéo, “giẫm lên chân nhau”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù phân chia riêng biệt từng khâu để quản lý, song giữa các khâu vẫn có mối liên hệ mật thiết với nhau, thậm chí khâu này là quá trình của khâu kia. Cho nên cách quản lý rời rạc từng khâu như hiện nay trong ATVSTP, thực sự khó mà hiệu quả. Và thực tế đã chứng minh điều ấy.

Ngay như ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục ATVSTP cũng nhận định: Cùng một sản phẩm có khi cả hai bộ kiểm tra. Đã thế, đối với những mặt hàng sản xuất trong nước đến khi sản xuất xong đã mang ra thị trường tiêu thụ rồi mới lấy mẫu để kiểm tra, xét nghiệm thì không ổn do nếu trong trường hợp xét nghiệm có kết quả không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì lúc ấy không thu hồi được toàn bộ sản phẩm mà chỉ thu được… mẫu.

Tiếp đến là chế tài xử phạt như chuyện “khó tin nhưng có thật” khi mà hành lang pháp lý, cơ sở chặt chẽ nhất, nghiêm minh nhất để xử lý những đối tượng vi phạm sử dụng chất cấm trong ATVSTP vẫn chưa… hoàn thiện. Hay như danh sách các hóa chất được phép và không được phép sử dụng cũng không có. Đại diện của Cục Cảnh sát Bảo vệ môi trường, Bộ Công an đã từng cho biết: “Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên cơ quan công an rất khó xử lý đối với những vi phạm trong việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, bảo vệ thực vật...”. 

Một lĩnh vực khác không kém phần quan trọng trong công tác quản lý là thanh tra, kiểm tra cũng rơi vào tình trạng tương tự khi lực lượng làm công tác này trên toàn quốc chỉ có 300 người, chỉ bằng 1/2 lực lượng thanh tra riêng trên địa bàn thủ đô Bangkok (Thái Lan). Và chỉ bằng 1/40 lực lượng thanh tra ATVSTP của Nhật Bản.

Cũng cần “tái cơ cấu”

Với cách quản lý cũng những nội dung cơ bản còn thiếu như vậy, có thể hiểu vì sao thực phẩm bẩn lại tràn lan và gây lo lắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP đã chỉ đạo, trước hết cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong công tác quản lý và bổ sung, thiết lập lại ngay những khâu còn thiếu và yếu.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua đường chính thức và không chính thức. Lấy điển hình như đầu năm 2013, từ mô hình xử lý gà nhập lậu mà ít nhiều đã đạt hiệu quả, phải mở rộng sang các sản phẩm khác và tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan đến việc truy tận gốc thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc; thực hiện tốt 3 không trong thực phẩm, trong đó đặc biệt chú trọng đến thực phẩm không có phụ gia, xây dựng mô hình chợ an toàn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì chủ trương: “Hướng tới bữa ăn an toàn” bằng cách đẩy mạnh sản xuất thực phẩm theo chuỗi an toàn và dán tem sản phẩm an toàn trước mắt đối với rau, thịt… Cùng với đó, thành lập Ban Chỉ đạo ATVSTP từ Trung ương đến cấp huyện để sát sao, chặt chẽ trong lĩnh vực này. Ngoài ra, thanh tra, kiểm tra liên tục ATVSTP trên toàn quốc trong năm 2013…

Còn ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục ATVSTP cho rằng: Cần phải thực hiện công tác tiền kiểm, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông tại thị trường thay vì chỉ “hậu kiểm” như hiện nay nhằm tránh tình trạng chỉ thu được mẫu thực phẩm bẩn mà không thu được toàn bộ lô sản phẩm như đã nêu trên đây.

Khuyến cáo từ Bộ Y tế:

Để tự bảo vệ mình trước tình trạng mất ATVSTP hiện nay, người tiêu dùng trước khi sử dụng rau, củ, quả nên rửa sạch thật kỹ ít nhất là 3 lần dưới vòi nước đang chảy, sau đó ngâm vào trong nước thêm 15 phút nhằm làm giảm bớt hóa chất có trong nó. Bởi đối với loại rau, củ, quả có thuốc trừ sâu, kích thích… thì dù có rửa nước sạch, đun sôi, nấu chín cũng không thể loại bỏ hết, do đó phải ngâm để nước hòa tan phần nào lượng hóa chất.

Không nên mua các loại rau bóng mượt vì đó là loại rau có hóa chất kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu…

Nên mua rau, củ, quả ở nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng.

Với thủy hải sản, nên chọn mua loại được bảo quản tốt trong hệ thống cấp đông, hoặc tủ lạnh có nhiệt độ dưới 5oC hoặc bảo quản trong đá mạt phủ kín. Còn cá bảo quản ở chợ bằng mấy đá khay, đá cục chỉ là hình thức bảo quản cho có lệ, không bảo đảm, do đó không nên mua.


Xuân Bách