Người đưa hoa ly về bản

07:34 | 04/02/2012

784 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vượt qua bao núi đèo hiểm trở, cuối cùng tôi cũng đặt chân đến khu vực xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Hỏi anh Hờ Chống Nhìa, người dân ở đây ai cũng biết và tỏ ra rất kính trọng. Nhưng để tìm gặp được anh Nhìa, quả là rất khó.

* Hờ Chống Nhìa, sinh năm 1970, trú tại bản Tiền Tiêu, xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Cánh tay đắc lực

Chị Lầu Y Xềnh, vợ anh Nhìa cho biết, mỗi sáng tinh sương anh đã rời khỏi nhà lên nương rẫy để kiểm tra cây trồng và vật nuôi trên đó. Khoảng non 8 giờ là về nhà thay quần áo tới UBND xã Nậm Cắn làm việc.

Tôi lại lọ mọ tìm đến trụ sở UBND xã Nậm Cắn. Vì thời tiết những ngày áp tết ở Kỳ Sơn lạnh thấu xương, thấu thịt, thêm vào đó là sương mù giăng kín, chỉ còn dăm chục mét nữa mà vẫn chưa nhìn thấy trụ sở xã. Trong buốt giá, anh Nhìa vẫn nở nụ cười và vồn vã sai người lấy than củi đốt cho khách sưởi ấm ngay tại trụ sở UBND xã Nậm Cắn rồi mới tiếp chuyện.

Một góc bản làng Nậm Cắn

Sinh ra và lớn lên, rồi trưởng thành nơi đây nên Hờ Chống Nhìa rất hiểu vùng núi rừng này. Nậm Cắn là xã biên giới nghèo, giáp nước bạn Lào, khí hậu quanh năm khắc nghiệt vì có độ cao gần 1.500m so với mực nước biển. Vùng biên cương này có bốn thành phần dân tộc anh em, đó là Kinh, Thái, Mông và Khơ Mú nhưng chủ yếu là đồng bào Mông. Bà con sống bằng nghề nương rẫy và chăn nuôi. Trai gái lớn lên không mấy ai được học hành tử tế. Nhưng Nhìa thì may mắn hơn bao người con của bản làng, đó là có bố mẹ đều làm cán bộ xã nên anh được học hành đầy đủ. Sau khi tốt nghiệp lớp 12 (năm 1987), Nhìa được bầu làm Phó bí thư Chi đoàn xã Nậm Cắn. Mặc dù chỉ mới học xong lớp 12 thôi nhưng đối với bản làng khu vực Nậm Cắn hồi bấy giờ thế là tốt lắm rồi.

Nhờ kiến thức học được ở trường phổ thông, kèm theo chút năng khiếu về thể thao, âm nhạc, chẳng mấy chốc Nhìa đã giúp khắp các bản làng ở Nậm Cắn thành lập chi đoàn để đoàn viên thanh niên sinh hoạt. Nhìa nhớ lại, ngày đó nơi đây còn núi rừng hoang vu, đường đi lại khó khăn, khu vực biên giới lại hết sức phức tạp, ngoài tội phạm ma túy thường xuyên xuất hiện, hơn thế, bà con người Mông còn có tập quán di cư tự do nên gây khó khăn trong công tác quản lý đối với chính quyền địa phương. Trước thực trạng như vậy, Nhìa đã có nhiều sáng kiến tham mưu cho địa phương, đi vận động từng gia đình, từng thanh niên sống tốt, nói chuyện để bà con hiểu cái lý, để từ đó biết chuyện gì sai mà tránh. Ba năm sau, Nhìa được bầu làm Bí thư Chi đoàn xã Nậm Cắn.

Với vai trò trách nhiệm là "thủ lĩnh” đoàn, là một “cánh tay” đắc lực của Đảng, Nhìa luôn đi đầu trong công việc với phương châm “miệng nói, tay làm”. Trong 9 năm làm Bí thư xã đoàn, Nhìa có rất nhiều sáng kiến trong công tác đoàn. Anh tự hào nhớ lại, ngày đó do bà con chưa biết tiếng Kinh nhiều, Nhìa phải dịch lời những bài hát về đoàn, cách mạng… từ tiếng Kinh sang tiếng Mông để cho bà con hiểu ý nghĩa của những bài hát đó. Thông qua mỗi buổi sinh hoạt đoàn, đội, Nhìa còn sáng tác và tập hát cho mọi người nhiều bài hát có ý nghĩa. “Cách tuyên truyền như vậy giúp bà con ta rất dễ hiểu và nhanh chóng tiếp thu nhiều kiến thức của xã hội”, Hờ Chống Nhìa nói.

Sau 12 năm làm công tác đoàn, Nhìa được chuyển sang làm Xã đội trưởng. Thời gian này đồng bào Mông vẫn chưa hết tư tưởng dòng họ cục bộ. Vì thế nhiều lúc chỉ cần nảy sinh mâu thuẫn nhỏ trong bản làng thôi cũng đủ gây ra những rắc rối phức tạp. Nhưng thời gian trôi qua, Nhìa luôn tham mưu cho lãnh đạo địa phương cách giải quyết và vận động bà con nên lâu rồi đồng bào Nậm Cắn vẫn một lòng đoàn kết và hết mực vì Tổ quốc.

Ngô lai xóa đói giảm nghèo

Tháng 6/2004, Nhìa được bầu làm Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, khi mới 34 tuổi. Nhìa trở thành một trong những Chủ tịch xã trẻ nhất xứ Nghệ và là lần đầu tiên đồng bào Mông có Chủ tịch trẻ nhất lúc bấy giờ. Nhìa nói, chức vụ càng cao, trọng trách càng nặng. Ngày đầu lên làm Chủ tịch xã, Nhìa không đêm nào ngủ được, vì thấy đồng bào Mông ai cũng siêng năng, thanh niên Mông ai cũng khỏe mạnh và tháo vát, nhưng không hiểu tại sao vẫn nghèo? Những câu hỏi đó cứ xoáy trong đầu anh mà chưa biết hướng giải quyết ra sao. Thế rồi một lần đọc báo và lên huyện họp, nghe mọi người ở Kỳ Sơn bàn tán xì xào chuyện trồng ngô lai có năng suất cao, Nhìa yên lặng về quyết tâm nghiên cứu và sang tận Xiêng Khoảng (nước bạn Lào) tìm hiểu. Sau đó anh đưa giống ngô lai về trồng thí nghiệm trên nương rẫy của mình.

Hờ Chống Nhìa - Thủ lĩnh của đồng bào Mông ở Nặm Cắn, Kỳ Sơn, Nghệ An

Chỉ riêng vụ đầu tiên của năm 2005, anh mạnh dạn trồng 12ha, không ngờ ngô ở đất Nậm Cắn lại tốt đến thế. Không bao lâu đến ngày thu hoạch vợ chồng anh bán được 140 triệu đồng. Thấy vậy, Nhìa mừng rỡ và mời các bí thư, trưởng bản lên xã họp bàn cách triển khai vận động giúp đồng bào khắp bản làng trồng ngô. Thấy Chủ tịch Nhìa trồng ngô có tiền, từ đó bà con dù người Mông hay Thái hoặc Khơ Mú… bắt đầu thi nhau trồng ngô. Ngoài chức danh là ông Chủ tịch xã, Nhìa còn là kỹ thuật viên, đi đến từng bản làng, từng hộ dân để hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô lai cho bà con.

Khi khắp các nương rẫy, cánh đồng đầy bắp, Chủ tịch Nhìa lại nghĩ đến chuyện chăn nuôi trâu bò để tận dụng hết nguồn nguyên liệu của cây ngô. Nhìa tiếp tục đi đầu trong công việc chăn nuôi, thay số trâu, bò thả rông trước đây, Nhìa đã hướng dẫn bà con làm chuồng để nhốt trâu bò vào những ngày đông giá, mà nguồn lương thực cho gia súc không gì khác ngoài lá, thân cây ngô và các bắp non. Nhờ vậy mà không ít gia đình ở Nậm Cắn có gần cả trăm con bò, điển hình như gia đình anh Lầu Xia Anh, Lầu Giống Ngọc… mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Nhìa còn tiết lộ, anh là người đầu tiên nghiên cứu và đưa giống hoa ly về trồng trên đất Nậm Cắn. “Trước đây, đất Nậm Cắn không ai biết trồng cây gì, tôi may mắn hơn được đi họp hành, đi tham quan các điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi của địa phương, thấy người ta làm hay, tôi cũng học theo cách làm của họ. Vụ đầu tiên năm ngoái, vợ chồng tôi thu hoạch và bán được gần 40 triệu đồng”, anh Nhìa kể. Chủ tịch Nhìa cũng cho biết thêm, quá trình nghiên cứu thấy nhu cầu của bà con miền xuôi ngày nay, khi tết đến xuân về rất ưa chuộng loài hoa này, vì thế năm nay vợ chồng anh trồng nhiều hơn và có khả năng thu nhập cao gần gấp đôi năm ngoái. Được biết, năm tới anh sẽ vận động bà con nhân rộng giống hoa ly trồng nhiều hơn trên khắp các bản làng của Nậm Cắn.

Chữ cần như cơm

Anh Nhìa hướng dẫn bà con làm chuồng chống rét cho trâu bò

Thêm một điều đặc biệt nhất đối với đồng bào các dân tộc vùng miền Tây xứ Nghệ nói chung và đồng bào Mông nói riêng đó là vợ chồng Hờ Chống Nhìa và Lầu Y Xềnh sinh được ba người con thì cả ba đều đi học đại học. Ngoài niềm tự hào cho gia đình thì đây cũng là niềm tự hào cho đồng bào Mông nơi núi rừng heo hút này. Cô con gái đầu của anh, tức Hờ Y Chùa, hiện đang học năm thứ hai, Trường đại học Y khoa Thái Bình, cô thứ hai Hờ Y Sùa, học năm thứ nhất Đại học Lâm Nghiệp và cậu trai út học Đại học Biên phòng. Ngoài ba đứa con hiện đang theo học đại học hệ chính quy, không chịu thua kém con và mong có thêm kiến thức về giúp đỡ bản làng, Hờ Chống Nhìa cho biết, hiện anh cũng đang theo học lớp tại chức nghành Nông – Lâm của Trường ĐH Vinh. Giơ bốn ngón tay Nhìa tự hào “nhà ta có bốn sinh viên viên” nhé.

Dẫu thế, Hờ Chống Nhìa không khỏi tiếc nuối cho nhiều gia đình bản làng nơi đây, con cái thông minh đâu thua kém ai, chỉ tội cha mẹ không có điều kiện cho con cái học hành để mở rộng tương lai. Còn riêng với anh Nhìa, nhờ có chút học vấn trước đây nên anh thấy rất rõ vai trò của cái chữ cũng cần như bát cơm nên dù khó khăn đến mấy anh cũng quyết tâm cho con cái học hành và mong có ngày thành đạt.

Thanh Lê – Phan Sáng