Người Cơ Tu thời đổi mới

08:00 | 08/12/2018

565 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Người Cơ Tu chủ yếu sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Họ được coi là dân tộc thiện chiến nhất, có phương thức bí truyền để làm cung nỏ và cả những mũi tên độc... Nhưng tất cả đã là chuyện của quá khứ. Nhiều hủ tục đang dần được xóa bỏ để xây dựng bản làng tươi mới, sạch đẹp, văn minh.

“Số hóa” nhà dân

Tây Giang là huyện vùng cao xa xôi của tỉnh Quảng Nam, 8/10 xã giáp biên giới Lào. Gần chục năm trước, du khách lên Tây Giang không khỏi ngạc nhiên vì những biển chỉ đường ghi bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Cơ Tu.

nguoi co tu thoi doi moi
Già làng Bríu Pố

Nay lên Tây Giang, nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì nhà dân nay đã có số. Những ngôi làng được dân làng ví von là “phố” bởi đơn giản nhà đã có số, không khác gì ở dưới xuôi. Chỉ riêng nhà Gươl - nơi sinh hoạt chung của làng - là không có số, còn lại nhà dân đều gắn số, phía dưới đề tên chủ hộ... Đó là sáng kiến xây dựng nông thôn mới ở Tây Giang.

Ông Bríu Quân, Bí thư xã A Tiêng, cho biết: Việc “số hóa” nhà mang lại rất nhiều tiện ích trong quản lý hành chính. Cán bộ chỉ cần rà soát một lần, rồi đưa thông tin hộ gia đình vào sổ. Người dân đến trụ sở ủy ban làm việc, chỉ cần đọc số nhà, cán bộ xã giở sổ ra là có hết từ tên chủ hộ đến tên tuổi từng thành viên, cũng như ngày tháng năm sinh. Chẳng may dân lỡ quên giấy tờ cũng đỡ mất công chạy về nhà lấy. Có việc cần, cán bộ xã cũng khỏi mất công, tốn thời gian chạy về thôn làng. Riêng việc quản lý về nhân khẩu, biến đổi số hộ rất dễ dàng và thuận tiện vô cùng.

nguoi co tu thoi doi moi
Bản làng ở Tây Giang được đánh số nhà

Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, là người đưa ra sáng kiến đánh số nhà. Ông Blúi kể, năm 2013, trong một lần đi họp ở Hà Nội về, ngồi trên ôtô cùng Bí thư huyện Bríu Liếc, ông đưa ra ý kiến về việc đánh số nhà dân như ở phố để giúp việc quản lý, sắp xếp dân cư dễ dàng. Ông Bí thư huyện đồng tình, sau đó huyện ủy có hẳn một nghị quyết về việc này.

Xóa bỏ nhiều hủ tục

Già làng Bríu Pố ở thôn A Rớt, xã Lăng, không chỉ nổi tiếng với danh hiệu “vua trồng sâm” khi di thực cây sâm ba kích về trồng, mà còn biết đến bởi là người Cơ Tu đầu tiên có bằng đại học và dám bước qua những hủ tục xa xưa, giúp dân làng mở mang nhận thức.

Người Cơ Tu tin rằng, thần linh, ma quỷ trú ngụ ở những cây cổ thụ nên không ai dám đụng vào, nhưng giữa nhà già Pố là tấm phản to, vừa mới làm chưa hết mùi dầu sơn, dùng để tiếp khách. Già Pố bảo: “Đó là gỗ của cây cổ thụ trong vườn vừa đốn. Dân làng không ai lấy, mình lấy về làm”. Hỏi kỹ mới hay, khu vườn ngay sau nhà già, từ mấy chục năm nay có cây cổ thụ lớn, mấy người ôm không xuể.

Huyện, xã triển khai xây dựng nông thôn mới, mở đường, già Pố hiến đất. Thế nhưng, phần đất hiến có cây cổ thụ này. Cùng với nỗi lo vào mùa mưa bão cây đỗ gãy đè nhà, già quyết định chặt hạ. Họp dân, cả thôn ARớt không đồng ý, vì đó là nơi trú ngụ của thần linh. Ngay cả vợ của già Pố cũng kiên quyết phản đối. Già phải thuyết phục mãi dân làng và vợ mới đồng ý.

Ngày già Pố và con trai mang rìu ra đốn hạ cây thiêng, dân lo và sợ hãi. Có người còn ra đây cúng, vái lạy. Cây hạ xuống, già Pố nói dân làng ai cần làm nhà cửa thì đến lấy. Song dù xẻ ra từng phách ngon lành, tuyệt nhiên chẳng ai dám động đến. Không ai lấy, già Pố và con trai gánh về nhà kêu thợ đến làm phản.

“Dân làng sợ vì đó là cây của thần linh. Mình không tin. Ma quỷ đâu không thấy, chỉ thấy có phản nằm nghỉ sướng thân. Nằm trên phản mơ toàn thấy giấc mơ đẹp. Mình kể cho dân làng nghe để dân làng không còn sợ sệt nữa” - già Pố nói - “Chuyện thần linh ma quỷ đã ám ảnh và ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Mình là người có học, phải làm sao cho dân tỏ. Tỏ rồi người dân mới dám bỏ những hủ tục, thay đổi nết nghĩ, khi đó mới hy vọng phát triển, mới biết làm ăn được chứ”.

“Tiết gà, tiết dê, tiết trâu là ba thứ mà dân làng bảo thần linh thích nhất, nên giết trâu, gà để cúng tế thần linh. Mình nói với dân làng, cúng tế rồi thì ước điều gì nhỏ nhất, xin xem thần linh có cho không. Tay cầm hai hạt gạo, khấn xin thần linh thêm một hạt mà thần linh đâu có cho. Mở tay ra vẫn là hai hạt gạo. Thấy đúng, dân làng gật đầu, tin lời cán bộ, tin lời mình ngay, từ đó không tin chuyện ma quỷ nữa”, già Pố kể về một cách mà già thuyết phục dân làng. Rồi già chốt một câu đúc kết: “Làm cán bộ, nhất là cán bộ vùng cao phải có nghề thì dân mới tin và nghe theo. Bằng không thì đừng làm”.

nguoi co tu thoi doi moi
Bản làng Cơ Tu sạch đẹp giữa núi rừng Trường Sơn

Tại huyện Tây Giang, cảnh đâm trâu máu me, rùng rợn đã không còn. Ông Bríu Liếc, Bí thư huyện Tây Giang cho hay, bỏ lễ đâm trâu là một quyết định rất khó khăn và đầy trăn trở. Nếu các già làng, trưởng bản không ủng hộ và thuyết phục người dân tin theo thì chắc chắn không bao giờ xóa bỏ được hủ tục này.

Ông Liếc kể rằng, từ xa xưa, người dân tộc Cơ Tu tin vào thần linh. Thần linh thương thì cho mùa màng, cây trái bội thu, dân ấm no hạnh phúc. Ngược lại, thần linh ghét bỏ thì gieo ốm đau, bệnh tật, mất mùa, chết chóc. Nghi lễ đâm trâu cúng tế thần linh cũng không nằm ngoài tín ngưỡng đó.

Để bỏ nghi lễ đâm trâu, chính quyền phải đến từng làng vận động. Ban đầu các già làng, cũng như dân làng chưa đồng tình vì đây là nghi lễ truyền thống có từ bao đời, còn liên quan đến nghi lễ cưới hỏi của người Cơ Tu. Nhưng rồi bằng những phân tích, lý giải, người dân và nhất là các già làng đã đồng thuận. Nếu gia đình nào tổ chức đâm trâu sẽ bị kiểm điểm trước dân làng.

Xã vùng cao không khói thuốc

Sau gần 3 năm xã A Tiêng xây dựng mô hình “tổ ấm không khói thuốc”, đến nay mô hình này đã được nhân rộng ra thành “công sở không khói thuốc”, “bản làng không khói thuốc”.

Thôn Agrồng, xã A Tiêng gần như người dân đã bỏ được thuốc lá, đây được xem là điển hình của A Tiêng trong việc xây dựng mô hình “tổ ấm không khói thuốc”, “bản làng không khói thuốc”. Ông Bríu Quân, Bí thư xã A Tiêng cho hay, cán bộ xã vận động không chỉ người nghiện thuốc mà còn vận động ngay chính người thân trong gia đình, nhất là vận động các bà vợ lấy “uy quyền” của mình ra để bắt chồng bỏ thuốc. Riêng các bà vợ nghiện thuốc lào thì nhờ chị em trong Hội Phụ nữ kèm cặp, già làng theo dõi. Đến nay, người dân đã tự giác bỏ thuốc lá, thuốc lào.

Cán bộ xã A Tiêng nay đã bỏ thuốc lá và xây dựng mô hình “công sở không khói thuốc”. Chủ tịch xã ATiêng Lê Trung Thủy, Phó chủ tịch xã Blúp Ấm Lòng là những người từng nghiện thuốc lá nhưng nay đã tiên phong bỏ được thuốc để làm gương vận động cán bộ, người thân và dân làng cùng bỏ thuốc lá.

Ông Bríu Liếc - Bí thư huyện Tây Giang - cho hay, bỏ lễ đâm trâu là một quyết định rất khó khăn và đầy trăn trở. Nếu các già làng, trưởng bản không ủng hộ và thuyết phục người dân tin theo thì chắc chắn không bao giờ xóa bỏ được hủ tục này.

Thanh Nguyễn