Tết Cơ Tu ở vùng cao xứ Quảng: Nét văn hóa độc đáo

07:00 | 18/01/2020

1,611 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Không khí Tết ngập tràn từ đồng bằng, miền chân sóng đến vùng biên viễn. Ở trên vùng cao Quảng Nam, đồng bào Cơ Tu đang dành công sức chuẩn bị những loại đặc sản không đâu có để đãi khách, để tặng nhau. Trong tâm niệm của người Cơ Tu, thứ ngon, vật quý bao giờ cũng để dành đãi khách trong những ngày vui, đặc biệt là dịp Tết.    

Đi rừng tìm đặc sản

Mùa xuân trên vùng cao Quảng Nam lạnh hơn dưới xuôi rất nhiều. Vào những ngày mưa rét, con đường dẫn vào cửa rừng nhầy nhụa trong thứ bùn đất đỏ đặc sệt. Ở phía trong bản, bên bếp lửa ấm là những người chuẩn bị hành trang để ngược rừng, ngược núi. Họ chuẩn bị đồ nghề để đi bẫy chuột rừng mùa xuân, đi bắt ếch núi, bắt cá niên suối... - những sản vật núi rừng không dễ gì kiếm được trong thời buổi này.

net van hoa doc dao
Một bữa tiệc người Cơ Tu chuẩn bị tại nhà gươl để đón khách quý

Trước Tết khoảng hơn 1 tháng, người Cơ Tu bản địa đã mang theo sắn khô lên rừng và chọn những vị trí thuận tiện để vãi xuống mặt đất nhằm mục đích tạo thói quen cho chuột về nơi này kiếm ăn và “vỗ béo” chuột. Đến thời điểm trước Tết khoảng 15 ngày, họ mang bẫy kẹp lên vị trí này để gài bẫy bắt chuột rừng về dự trữ ăn Tết.

Anh Tơngôl Anhêêm (ở thôn Cha’lăng, xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang) cùng những người trong thôn đi vào rừng từ lúc sương còn bảng lảng trên đỉnh đầu, chưa tan hẳn nơi những ngọn cây phía bìa rừng. Người Cơ Tu từng là những người chiến binh thiện chiến nhất của vùng núi rừng Trường Sơn nên kỹ năng đi rừng, săn bắn của họ rất tốt. Với họ, rừng là nhà, nên dù mưa rét, họ vẫn luồn rừng một cách rất nhẹ nhàng và thuần thục. Họ cứ nhìn hướng núi mà đi vì đã quá thông thuộc những cánh rừng già. Rừng già sâu thẳm, có nơi ánh nắng không thể xuyên qua nhiều tầng lá, nhưng họ chưa bao giờ đi lạc.

Với người Cơ Tu, chuột rừng là một trong những đặc sản không thể thiếu trong mùa Tết. Chuột mang về, phụ nữ Cơ Tu đốt lửa để thui làm lông, rửa sạch và đặt trong cái nia nhỏ xông trên giàn bếp cho khô dần. Chuột được hun khói khô dùng để chế biến các món ăn trong ngày Tết hoặc đãi khách quý. Món ngon thịt chuột rừng ngày Tết trong mâm cơm của người Cơ Tu không khác gì bánh chưng ngày Tết của người dưới xuôi. Đó là tục lệ phải có.

“Trong mâm đãi khách ngày Tết, hay gùi quà về thăm nhà vợ bao giờ cũng phải có vài con chuột khô. Đó là truyền thống rồi, ai cũng muốn có món quà này cho trọn vẹn tấm lòng mình. Từ bao đời, chuyện đi săn chuột đã thành tục”, Tơngôl Anhêêm nói về tục đi bắt chuột núi ngày Tết của đồng bào mình.

Ngoài thời gian đặt và thăm bẫy chuột, những người thợ săn có một thú vui khác trong rừng già là soi ếch núi vào ban đêm. Loài ếch núi da đen bóng, hay nấp dọc những khe nước, chân thác. Loài này thịt ngon khó tả. Việc đi bắt ếch thường vào ban đêm, bằng cách dùng đèn soi đi dọc ven bờ đá các con suối để tìm. Khi phát hiện ếch thì một tay vờ làm động tác bắt để ếch nhảy về phía trước, tay còn lại ước lượng khoảng cách để chụp đón. Ếch núi làm được nhiều món ngon, đơn giản nhất là nướng, chấm với muối ớt xiêm và a mót (tiêu rừng). Còn cầu kỳ hơn là ếch núi nướng trong ống lồ ô, ếch núi xào đọt, bẹ cây thiên niên kiện (một loại cây rất tốt cho cơ, xương, khớp)...

Dù chế biến món gì, người Cơ Tu cũng luôn để phần ngon cho khách, bởi đó là nét tính cách hồn hậu như cây cỏ, trong sáng như sương mai buổi sớm của dân tộc hiếu khách này.

Tục tr’záo độc đáo

Mùa đông vùng núi cao lạnh thấu da thịt, cũng là lúc người bản địa sưởi ấm những ân tình bằng cách đi thăm, tặng quà nhau. Chuyện “lấy chồng từ thuở mười ba” trong cộng đồng người Cơ Tu đã không còn nhiều, nhưng trong ý thức hệ của đồng bào Cơ Tu, họ đặc biệt coi trọng mối quan hệ với nhà thông gia.

net van hoa doc dao
Người Cơ Tu làm quà để tặng người thân và ăn trong dịp Tết

Ngày Tết, những gia đình người Cơ Tu đã gả chồng cho con gái đều sẽ đi thăm con gái, hay còn gọi là tục tr’záo. Quan niệm của người Cơ Tu là khi cho con gái đi lấy chồng, số phận của người con gái phụ thuộc vào gia đình nhà chồng, sung sướng hay khổ nhà gái không có quyền can dự. Xuất phát từ tình yêu thương con, nhiều gia đình nhà gái hằng năm lấy cớ đi thăm con để mang những vật phẩm đến tặng nhà trai, một phần thể hiện mối quan hệ thân thiết giữa hai nhà, phần khác là để nhà trai đối xử tốt hơn với con gái mình. Tục tr’záo cũng theo quan niệm đó ra đời và tồn tại cho tới ngày nay.

Những cái hay, cái đẹp trong tập tục đã tự tạo ra sức sống cho những giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Vì thế, vẫn còn những người lặn lội lên rừng săn chuột, ếch núi làm quà, mới có những gia đình vượt qua thăm thẳm đường rừng đi tr’záo. Thế hệ trẻ Cơ Tu ngày nay vẫn đang làm rất tốt việc gìn giữ những phong tục tốt đẹp của đồng bào mình.

Và, trong gùi chứa những món quà tặng cho con gái mình, người Cơ Tu không để thiếu những phần thịt khô đã săn bắn được trong dịp Tết để mang biếu nhau. Các đồ ăn được sắp vào mâm, gùi mang qua nhà trai. Nhà trai cũng sẽ chuẩn bị sẵn một mâm đồ để đón nhà gái, gồm: Thịt heo, thịt trâu, bò hoặc thịt rừng do các chàng trai săn được. Khi đại diện nhà gái mang mâm đồ đến, chỗ nào trong nhà có bếp lửa thì sẽ vào bằng cửa đó. Những đồ ăn mang qua sẽ được chia một phần cho bà con trong thôn.

Không chỉ thăm hỏi với những người có liên quan trong gia đình, người Cơ Tu cũng có tính cộng đồng rất cao. Già làng Alăng Chúc là một bậc cao niên trong cộng đồng người Cơ Tu kể, đi săn bắn vốn là một tập tục lâu đời của người Cơ Tu. Trước đây, thú rừng là nguồn thức ăn đáng kể cho người Cơ Tu, ngoài ra còn để dành dự trữ cho mùa mưa hoặc những ngày giáp hạt. Ngày nay, việc đi săn những con thú lớn đã không còn vì vi phạm pháp luật, nhưng việc phân chia đồ ăn, tặng nhau thịt, sản vật núi rừng là một biểu hiện còn lại của ký ức các cuộc săn trước đây.

Vùng cao không thể nằm ngoài những biến động của thời cuộc, hay những tác động của nhịp sống hiện đại. Nhưng cái hay, cái đẹp trong tập tục đã tự tạo ra sức sống cho những giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Vì thế, vẫn còn những người lặn lội lên rừng săn chuột, ếch núi làm quà, mới có những gia đình vượt qua thăm thẳm đường rừng đi tr’záo. Thế hệ trẻ Cơ Tu ngày nay vẫn đang làm rất tốt việc gìn giữ những phong tục tốt đẹp của đồng bào mình.

Xen giữa những mai vàng, đào thắm miền xuôi, những phong tục tốt đẹp, những nét văn hóa độc đáo của những người đồng bào vùng cao đã tô thắm thêm nhiều sắc màu cho một cái Tết đủ đầy, hạnh phúc trên khắp đất nước.

Thanh Hiếu