Sắc màu Tết của Người Cơ Tu

08:00 | 01/02/2022

175 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tết của người Cơ Tu và cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy Trường Sơn luôn đặc biệt với không gian văn hóa đa sắc màu và hương vị truyền thống độc đáo.
Sắc màu Tết của Người Cơ Tu
Sắc màu Tết của Người Cơ Tu

Không khí tết ở bản làng vùng cao dường như được mặc định bằng những món ẩm thực truyền thống được chuẩn bị sẵn trên từng gác bếp, với đủ đầy đặc sản từ pa’riêng (thịt xông khói), z’rúa (thịt ủ chua), pân’târ (thịt nấu đông), cho đến avị hoor (cơm lam), acuốt (bánh sừng trâu)...

Quý nhau, mời món pa’riêng

Đồng bào Cơ Tu đón tết bằng đủ đầy câu chuyện trong ngày hội truyền thống. Già làng Alăng Đàn, ở thôn Bh’lô Bền (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam) nói: Đã hơn nửa thế kỷ, kể từ khi người Cơ Tu bắt đầu ăn Tết Nguyên đán, các món ẩm thực truyền thống vẫn luôn được đồng bào gìn giữ. Nay, khi cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng trên mâm tết mời khách, xen giữa các món hiện đại, lúc nào cũng có vài món ẩm thực đặc trưng truyền thống như pa’riêng, pân’târ độc đáo.

Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang - cho hay, khoảng chừng hơn 20 năm trước, nhiều vùng người Cơ Tu thường ăn tết chung vào sáng mồng Một. Họ gọi đó là tất niên, diễn ra vào sáng đầu tiên của năm mới, nên không khí rất nhộn nhịp. Ngày nay, “tất niên chung” được làm sớm hơn, trước tết - xem đó như một dịp báo cáo với thần linh, cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống an lành, no đủ. Bây giờ, khi điều kiện kinh tế đã có nhiều đổi thay, đồng bào Cơ Tu dần sắm sửa được tủ lạnh để trữ thực phẩm. Dù vậy, ở gần khu vực giàn bếp, các món truyền thống như pa’riêng, pân’târ... vẫn xuất hiện.

“Ngày tết, trên mâm đãi khách của người Cơ Tu đều không thể thiếu món pa’riêng. Khi khách được chủ nhà mời món pa’riêng đồng nghĩa với việc người đó được xem như khách quý” - ông Tùng nhấn mạnh.

Sắc màu Tết của Người Cơ Tu Sắc màu Tết của Người Cơ Tu
Ngày tết, trên gác bếp của đồng bào Cơ Tu không thể thiếu món pa’riêng (thịt xông khói)

Gắn kết cộng đồng

Cuộc sống sinh tồn giữa rừng đã gắn kết những người con của núi, tạo nên tính cộng đồng làng. Người Cơ Tu đề cao vai trò chủ thể, bởi đó chính là “hồn cốt” định danh một tộc người. Và, tết cũng trở thành một phần trong câu chuyện văn hóa truyền thống, với đủ đầy giá trị độc đáo, từ không gian sắc màu lễ hội, ẩm thực, cho đến giá trị tinh thần cộng đồng vùng cao.

“Hay nhất trong ngày tết của đồng bào Cơ Tu là tục chia phần. Những xâu thịt được dân làng dành tặng, chia biếu cho nhau, nhất là các hộ khó khăn, đã trở thành trở thành biểu tượng của tinh thần và nghĩa cử cao đẹp trong đời sống cộng đồng, với mong muốn góp thêm cho nhau ngày xuân ý nghĩa” - già Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - nói.

Tôi có dịp đón tết với đồng bào Cơ Tu nên hiểu, tính gắn kết cộng đồng của người Cơ Tu rất cao. Năm ngoái, tôi theo chân một người bạn đến ngôi làng của đồng bào Cơ Tu ở huyện Đông Giang. Vừa bước qua cổng làng, thật ngạc nhiên, từ phía con dốc đầu làng, một người đàn ông trung niên lưng trần, cõng con heo (lợn) sang tận nhà của các hộ dân gần đó để mổ thịt. Họ nói, đó là kiểu “ứng thịt” vốn rất đặc trưng ở vùng này. Khi thịt heo đã được chia đều theo từng xâu, tôi đến gần người đàn ông hỏi chuyện thì mới hay, hóa ra đó là cách mà ông muốn giúp các hộ khó khăn khác trong làng có thêm điều kiện cùng ăn tết. Bằng uy tín của mình, ông tìm cách đứng ra mua heo, rồi hỗ trợ các hộ khó khăn cùng “ứng thịt”, góp thêm vào hương xuân nồng ấm.

Gần đây, tôi ngồi với ông Bh’riu Liếc - nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang. Ông Liếc nói, từ xa xưa, đồng bào Cơ Tu luôn giữ tục chia phần (người Cơ Tu gọi là phưa, ch’niêm hay tr’pêếh) cho thành viên trong làng. Đã trở thành nét văn hóa, việc phân chia phần thịt cho người thân trong gia đình hay cộng đồng làng đều phải theo quy tắc bình đẳng, thường diễn ra tại gươl, do một tổ tự quản lý (gr’mrêy, ca’no).

“Tính nhân văn của văn hóa làng Cơ Tu còn thể hiện trong việc chia thịt cho những đứa trẻ còn trong... bụng mẹ. Đó là sự quan tâm của cộng đồng làng, dù chưa lọt lòng, nhưng đứa bé trong bụng đã được xem như một thành viên của làng. Ngoài tục chia thịt, trước tết, đồng bào Cơ Tu thường có tục tr’záo (thăm hỏi gia đình con gái, em gái). Truyền thống này được gìn giữ từ bao đời nay, trở thành nét văn hóa tốt đẹp, tạo sự gắn bó thân thiết giữa người thân trong gia đình và cộng đồng, làng bản” - ông Liếc nói.

Ngày tết, vọng từ phía gươl làng, những thanh âm của điệu hát lý và nhịp chiêng vui rộn rã. Người Cơ Tu đón năm mới bằng ngày hội chung của làng. Mừng tết, gác lại công việc năm cũ, tất cả dân làng cùng góp mặt trong niềm háo hức. Sân gươl như ôm trọn một màu thổ cẩm rực rỡ, giữa hội xuân non ngàn.

Đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang (Quảng Nam) thường đón tết trong không gian văn hóa truyền thống. Ngày hội xuân, ngoài vui múa cồng chiêng với vũ điệu tân tung - za ză, nhiều hoạt động vui chơi dân gian, dân ca dân vũ...

Khánh Nguyên