Người Cơ Tu sống bằng du lịch

07:00 | 25/03/2020

555 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Những bạn trẻ Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam đã tự mình đánh thức giấc mơ làm du lịch trên chính mảnh đất quê hương. Tuổi trẻ, niềm tin, khao khát sáng tạo và chinh phục cùng niềm tự hào về vốn quý văn hóa truyền thống như một nguồn động lực giúp họ thêm tự tin trên hành trình mới.

Homestay của “cô Nấm”

Clâu Lanh, cô gái Cơ Tu ở làng Pà Zíh (xã A Ting, huyện Đông Giang, Quảng Nam) - một cô gái nhỏ bé với nước da bánh mật đặc trưng của người vùng cao bắt đầu hiện thực hóa những điều mà mình đã ấp ủ bao năm ngay trên mảnh đất quê hương ở tuổi 30. Những ngày cuối tuần, với cô, giờ đây dày đặc lịch đón đưa khách về với “Nấm homestay”, một dự án khởi nghiệp hoàn toàn mới mẻ của cô gái trẻ Cơ Tu.

nguoi co tu song bang du lich
Homestay Nấm được thiết kế theo phong cách truyền thống của người Cơ Tu

Không gian lưu trú đậm đặc sắc màu truyền thống của vùng cao, với nhà sàn, mái lá, vách lồ ô và những đoạn đường đất nhỏ xinh dẫn lên sườn đồi, thời gian gần đây trở thành một điểm du lịch mới mẻ và thú vị cho nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Bên không gian nhà lá, cô chủ Lanh say sưa giới thiệu với những vị khách về làng mình, về tộc người Cơ Tu, về sắc thổ cẩm độc đáo và vũ điệu tâng tung, da dá đắm say của dân làng. Dự án này đã được Lanh ấp ủ từ nhiều năm. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành báo chí Trường Đại học Khoa học Huế, Lanh về “đầu quân” cho huyện, làm cán bộ văn phòng Huyện ủy.

Năm 2016, ở tuổi 27, cô là đại biểu trẻ tuổi nhất trúng cử vào HĐND huyện. Nhưng không dừng lại ở công việc của một công chức mẫn cán, trong cô gái nhỏ luôn cháy bỏng khát khao làm du lịch, đánh thức một tiềm năng từ chính vốn quý văn hóa của đồng bào Cơ Tu.

nguoi co tu song bang du lich

“Đó vừa là cách để quảng bá về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, quê hương mình, vừa biến giá trị truyền thống thành một hướng khởi nghiệp mới, hiệu quả và bền vững. Mình phải bắt tay vào làm, thì sau đó, mới có nhiều hơn những điểm như thế này, câu chuyện làm du lịch mới trở thành hiện thực. Mình vay vốn, nhờ gia đình giúp thêm sức, rồi dân làng cũng sẵn sàng chung tay hỗ trợ”, Lanh chia sẻ.

“Nấm Homestay” được đặt tên theo biệt danh của cô. 4 căn phòng lưu trú nằm trên ngọn đồi nhỏ có tên Ra Ê được thiết kế khá đẹp mắt, dù hoàn toàn bằng những vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường. Lanh đã tính toán từng chút một để vừa giữ kiến trúc truyền thống, vừa bố trí không gian hợp lý phục vụ cho việc lưu trú, xung quanh là những khóm cây ăn trái và mây rừng được trồng theo hàng từ khi dự án mới đưa vào hoạt động, trông khá độc đáo và ấn tượng. Lanh cho hay, bây giờ, khi khách đã biết đến nhiều hơn, ghé chân nhiều hơn, cô đã và đang tính đến việc đầu tư thêm một số hạng mục mới.

nguoi co tu song bang du lich
Người Cơ Tu làm du lịch

Đồng thời, cô gái cũng đã tự kết nối theo tour khép kín, từ không gian vui chơi giải trí, cho đến khu dã ngoại thác nước, lòng hồ thủy điện và vườn cây ăn trái. “Khách đến với “Nấm homestay”, ngoài việc lưu trú tại không gian nhà sàn truyền thống và tham quan, trải nghiệm theo các tour sinh thái, còn có cơ hội thưởng thức các món ẩm thực đặc sản của đồng bào Cơ Tu mang hương vị núi rừng, như cơm lam, thịt khô gác bếp, gà tre, ếch núi nướng ống. Đặc biệt, trong những đêm lửa trại, du khách thỏa thích đắm mình trong điệu múa truyền thống của người vùng cao đầy quyến rũ, mê hoặc” - Lanh nói.

Tình yêu với núi

Người trẻ ở vùng cao có muôn vàn cách riêng để yêu và trân quý văn hóa của dân tộc mình. Với Pơloong Plênh - cán bộ Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Tây Giang (Quảng Nam), niềm tự hào về miền quê núi và bản sắc văn hóa truyền thống giúp anh trở thành người kết nối cho những du khách tìm về với vùng cao. Sau thời gian học tập ở TP Hồ Chí Minh, anh đã kết nối du khách đến với quê mình, giúp đồng bào địa phương hình thành các điểm du lịch văn hóa cộng đồng, phục vụ du khách thăm quan, khám phá và trải nghiệm.

Từ nhu cầu thực tế của du khách, Pơloong Plênh nảy ra ý tưởng tận dụng không gian nhà sàn truyền thống của dân làng để nâng cấp thành các khu lưu trú homestay, vừa có nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho du khách, vừa góp thêm thu nhập cho đồng bào địa phương. Nhờ bạn trẻ này, sau gần 1 năm hoạt động, mô hình du lịch cộng đồng ở làng Pơr’ning (xã Lăng, huyện Tây Giang) đã đón hàng nghìn lượt du khách ghé thăm, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu trên dãy Đông Trường Sơn huyền thoại. Du khách đặt chân đến nơi này sẽ bước vào Gươl làng truyền thống, được gặp, sống cùng chính đời sống của đồng bào Cơ Tu. Không chỉ trải nghiệm ẩm thực độc đáo của xứ núi, du khách đến với ngôi làng này còn được sống cùng những tập tục độc đáo với đêm trống chiêng, những điệu múa truyền thống, các nhạc cụ, làn điệu dân ca của người Cơ Tu bản địa.

“Làm du lịch, bên cạnh giao lưu, phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách, chúng tôi cũng mong muốn góp thêm công sức để giới thiệu và quảng bá hình ảnh Cơ Tu, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đến với du khách gần xa. Đây cũng là cơ hội để bà con Cơ Tu có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”, Plênh chia sẻ.

Từ ban đầu là những người bạn quen biết qua mạng xã hội, Plênh thực hiện nhiều chuyến khám phá, trải nghiệm kết hợp công tác thiện nguyện tại các bản làng khó khăn của Tây Giang. Sau những chuyến đi này, Plênh mở rộng các mối quan hệ và kết nối nhiều đoàn lữ hành tìm đến mảnh đất quê hương mình, cùng góp sức hiện thực các dự án du lịch vùng cao. Anh nảy ra nhiều sáng kiến hơn, đưa các mô hình du lịch trải nghiệm đến du khách thông qua các hoạt động văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu như đi cà kheo, ném vòng mây, bắn ná, bắt cá, giã gạo... Anh nói, khi đến với làng Cơ Tu, du khách sẽ có thêm cơ hội cùng các nghệ nhân học cách dệt thổ cẩm, làm bánh sừng trâu, nấu cơm lam và các món ẩm thực nướng ống, thọc nhuyễn (za ră)... rất độc đáo.

Những trải nghiệm vừa thú vị, vừa mới mẻ, cộng hưởng với không gian núi rừng xanh mát, hùng vĩ và đầy lạ lẫm đã kích thích sự hứng khởi trong lòng nhiều du khách. Họ hẹn ngày trở lại với vùng cao và cũng chính họ đã lan tỏa thêm cho nhiều người khác nữa về một địa điểm du lịch hoàn toàn khác biệt nhưng thật sự hấp dẫn ở xứ núi Quảng Nam.

Giấc mơ làm du lịch như bừng thức, bằng tuổi trẻ, bằng sáng tạo và tình yêu với quê hương của hai bạn trẻ người Cơ Tu, sẽ có nhiều hơn những cái tên, những địa điểm, để người Cơ Tu ở đất Quảng Nam hiện thực hóa câu chuyện “sống bằng du lịch” của mình.

Hà Anh