Nghèo nhưng không muốn thoát nghèo
Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước luôn luôn chăm lo đến công tác xóa đói giảm nghèo. Và việc xóa đói giảm nghèo những năm gần đây của nước ta được quốc tế khâm phục, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, xếp vào top đầu các quốc gia trên thế giới. Song, một thực tế đáng lo ngại là tỷ lệ hộ nghèo vừa thoát nghèo lại tái nghèo do nhiều nguyên nhân.
Hiện tại, hộ nghèo cả nước chiếm gần 6% dân số nhưng với chuẩn nghèo mới, nguy cơ tỷ lệ nghèo và cận nghèo sẽ tăng lên đến 18%. Do đó mà công cuộc xóa đói giảm nghèo vẫn còn đầy gian nan, thách thức.
Mấy năm nay, chuẩn nghèo ở nước ta quy định, hộ dân nông thôn có thu nhập 400 nghìn đồng/tháng; hộ dân thành thị thu nhập 500 nghìn đồng/tháng. Vì vậy, từ 7-8% hộ nghèo năm 2013, đến nay nước ta chỉ còn dưới 6%. Nhưng, theo cách tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thì với thu nhập ấy, làm sao người dân bảo đảm được mức sống tối thiểu. Thế là chuẩn nghèo phải nới rộng ra, mức thu nhập tối thiểu của người nghèo nông thôn tới đây là 700 nghìn/ tháng; người nghèo thành thị là 900 nghìn đồng/tháng.
Mà đây cũng mới là mức chuẩn tạm tính chứ thực ra, theo Bộ LĐ-TB&XH thì để bảo đảm được mức sống tối thiểu, người nghèo nông thôn phải có mức thu nhập 1 triệu đồng/tháng; còn người nghèo thành thị là 1,3 triệu/tháng. Ấy vậy mà chỉ lấy mức 700 và 900 nghìn tháng thôi, tự nhiên tỷ lệ hộ nghèo đã nhảy vọt từ 6% lên 18% rồi. Khó khăn lại ở ngay trước mắt.
Trở lại chuyện dân nghèo không muốn thoát nghèo, đây là câu chuyện có thật từ nhiều năm nay. Đối với vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, Đảng và Nhà nước có những chính sách hỗ trợ từ đồng tiền, bát gạo đến trợ giá, trợ cước cho các mặt hàng thiết yếu; cộng vào đó là chính sách vay vốn ưu đãi của ngân hàng, giao đất, giao rừng để phát triển sản xuất. Nhiều hộ nông dân đã nhờ đó mà cải thiện được đời sống, có của ăn, của để và nhanh chóng thoát nghèo. Song cũng có không ít hộ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không chịu làm ăn, chỉ quen ngửa tay đi xin và mãi mãi lâm vào cảnh thiếu đói, thậm chí đứt bữa.
Nhà nước chỉ hỗ trợ ban đầu, cho họ cái “cần câu” để họ tự “đi câu” chứ không thể cho mãi “xâu cá”. Vậy mà những hộ dân lười biếng, chỉ chờ xin “xâu cá” chứ không chịu “đi câu”. Bởi thói quen “Đại lãn chờ sung” ấy nên những hộ này không muốn thoát khỏi danh sách hộ nghèo để ăn bám lâu dài vào “cái bánh ngân sách” của Nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo lại tăng lên là bởi những hộ lười như thế.
Có phải họ ấu trĩ đến mức không hiểu rằng, phải làm mới có ăn và phải lao động thực sự trên mảnh đất của mình mới thoát được nghèo? Không, họ biết cả. Cán bộ khuyến nông, khuyến lâm; cán bộ ngân hàng chính sách xã hội đã động viên, hướng dẫn, thậm chí cầm tay chỉ việc nhưng họ vẫn không chịu làm. Không hiếm những trường hợp đầu năm được ngân hàng cho vay vốn sản xuất, họ đem về ăn nhậu hoặc mua sắm đồ dùng, còn bao nhiêu cứ để đó, cuối năm mang trả lại ngân hàng. Và đã nghèo thì lại nghèo thêm vì họ phải gánh thêm phần lãi suất.
Có những hộ nghèo do hoàn cảnh neo đơn, già yếu, bệnh tật, không còn khả năng lao động. Nhưng số này rất ít. Còn những hộ nghèo “sức dài vai rộng”, kể cả ở nông thôn, miền núi và thành thị, khi được sự hỗ trợ và vay vốn ngân hàng hoặc quỹ xóa đói giảm nghèo, họ không chịu suy nghĩ và tìm cách phải làm gì để có thu nhập bảo đảm đời sống. Thậm chí, có hộ vay được tiền đã nướng vào cờ bạc, rượu chè bê tha, gặm dần vào vốn. Đó là những đối tượng đáng trách!
Hằng năm, các loại quỹ hỗ trợ người nghèo của Đảng, Nhà nước và các tổ chức từ thiện dành cho xóa đói giảm nghèo đến hàng nghìn tỉ đồng. Nhưng việc xóa đói giảm nghèo vẫn chưa bền vững một phần do những hộ không muốn thoát nghèo.
Ở những địa phương có rừng núi, chính sách giao đất, giao rừng cho bà con chăm sóc và trồng rừng là một hướng đi giải quyết được cơ bản nạn đói. Đó là những công việc rất phù hợp với cư dân sinh sống ở địa bàn quen thuộc rừng núi. Chính phủ vừa phê duyệt và điều chỉnh việc hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm, hưởng lợi từ rừng và với hạn mức diện tích rừng nhận khoán được hỗ trợ tối đa là 30ha một hộ gia đình; hỗ trợ trồng rừng bổ sung, mức 1.600.000 đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 600.000 đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo.
Hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng được trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực.
Ngoài ra, hộ gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho vay không có tài sản bảo đảm để chăn nuôi trâu, bò, gia súc khác với hạn mức vay tối đa 50 triệu đồng, thời hạn cho vay tối đa 10 năm, lãi suất là 1,2%/năm.
Nhìn vào chính sách ưu đãi này của Chính phủ thì thấy rằng, một hộ nghèo mỗi năm chăm sóc 30ha rừng đã có 12 triệu đồng, đó là chưa kể họ được hưởng lợi từ rừng như cắt tỉa cây lấy củi, khai thác nguồn thực phẩm và rau xanh trong đó… Đồng thời, được vay 50 triệu đồng trong 10 năm không cần tài sản thế chấp, họ có thể nuôi gia súc, gia cầm, mỗi năm cũng thu về vài chục triệu đồng nữa. Với hai nguồn thu chính ấy, làm sao họ còn phải rơi vào cảnh đói nghèo. Với những hộ trồng rừng, được trợ cấp 15kg lương thực/khẩu/tháng thì làm sao còn đói. Vậy mà những hộ nào không chịu làm thì chẳng còn gì để nói nữa!
“Đói thì đầu gối phải bò”. Nếu các chính sách hỗ trợ bị cắt dần, thử hỏi những hộ quen ăn bám có còn ngồi chờ xin ăn mãi được không?
Chuẩn nghèo mới còn liên quan đến tiêu chí xây dựng nông thôn mới hiện nay. Theo dự kiến, cuối năm nay cả nước sẽ có 1.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 16,8% tổng số xã trên toàn quốc). Các xã này đều đạt tiêu chí về hộ nghèo theo chuẩn nghèo cũ (2011-2015) nhưng bây giờ áp dụng chuẩn mới thì nhiều xã sẽ bị loại khỏi danh sách này.
Gần đây, vấn đề năng suất và hiệu quả lao động của nước ta bị xếp vào loại thấp nhất trong khu vực chứ chưa nói so với nhiều nước trên thế giới. Bởi năng suất và hiệu quả lao động thấp nên đời sống người lao động không thể nâng cao và rơi vào cảnh nghèo đói là chuyện đương nhiên. Ấy vậy mà có một bộ phận người lao động còn lười lao động, không chịu làm gì, chỉ bám vào “bầu sữa” bao cấp thì làm sao giảm được tỷ lệ hộ nghèo.
Chính vì lẽ đó, các cấp, các ngành tiếp tục kiên trì vận động, thuyết phục những hộ nghèo đang “cố thủ” bám vào lối sống bao cấp chuyển biến về suy nghĩ và thật sự bắt tay vào lao động để tự mình cân đối được đời sống tối thiểu. Phải có những biện pháp kiên quyết cắt dần tiêu chuẩn trợ cấp, buộc họ phải hòa nhập với cộng đồng xã hội thông qua lao động sản xuất, tạo ra nguồn thu chính đáng. Đất nước còn nghèo, người dân còn phải thắt lưng buộc bụng để duy trì cuộc sống tối thiểu, không thể để tồn tại những người ngồi chơi xơi nước và hưởng thụ theo chính sách đối với hộ nghèo mãi được!
Đức Toàn
Năng lượng Mới 471
-
Màu xanh phủ trên đất cằn và giấc mơ tỷ phú với người nông dân
-
Ứng dụng công nghệ kết nối vào hoạt động nhân đạo
-
Vinamilk – Doanh nghiệp hướng đến sự phát triển bền vững
-
Ngành Ngân hàng góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững
-
Thu nhập bình quân hộ gia đình nông thôn đạt gần 130 triệu đồng/năm
-
Chủ trương, hướng xử lý cán bộ sau tinh gọn bộ máy thế nào?
-
Vinh danh các tác phẩm đạt giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí” năm 2024
-
Toàn văn Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn cung cấp, đăng tải thông tin lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu
-
Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng công trình nhà đa năng cho Trường Mẫu giáo Phước Dinh (Ninh Thuận)
-
Tổng Bí thư Tô Lâm: Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi động lại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận