Nghệ thuật từ những mảnh vụn

18:55 | 09/05/2023

78 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Không một mảnh vải nào thừa, không một "mảnh vụn" nào của cuộc đời lại vô ích, Hợp tác xã Vụn Art đã thực sự trở thành nơi gieo mầm ước mơ và kết nối những người không may mắn lại với nhau.
Nghệ thuật từ những mảnh vụn
“Xưởng sản xuất” của những mảnh đời thiếu may mắn.

Tranh ghép vải là một loại hình nghệ thuật mới, đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn trọng, con mắt nghệ thuật tinh tế và khả năng phối hợp ngẫu hứng với những mảnh lụa nhiều màu sắc. Các tác phẩm được hoàn thành qua tay những người thợ đặc biệt như được thổi hồn vào đó, trở nên sống động và tuyệt đẹp.

“Từ khi bắt tay vào gây dựng nên mô hình này, tôi và các cộng sự của mình vẫn luôn giữ một tôn chỉ rõ ràng, đó là thay đổi nhận thức của người khuyết tật về vấn đề việc làm, thay đổi suy nghĩ của cộng đồng về những người sinh ra đã thiếu may mắn”.

“Bản thân tôi là một người khuyết tật, được bạn bè, mọi người xung quanh, giúp đỡ rất nhiều, và đến khi tôi hoàn toàn đứng vững trên đôi chân của mình, có công việc ổn định, gia đình hạnh phúc, tôi muốn truyền tải lại những kinh nghiệm của mình cho những thế hệ người khuyết tật, giúp mọi người có thêm động lực và lòng quyết tâm để có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc giống như bao người bình thường” - anh Đoàn Cao Cường (47 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Mô hình “Vụn Art” là một hợp tác xã sản xuất tranh, túi xách, quần áo ghép vải thủ công, có địa điểm tại làng Lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), đây là nơi làm việc của hơn 40 người khuyết tật ở nhiều độ tuổi khác nhau tham gia sản xuất. Với nguồn nguyên liệu chính được lấy từ các mảnh vải thừa bị cắt đi, được tái phục chế lại, rồi ghép lại thành các hình trang trí trên áo phông, túi xách hay ghép thành những bức tranh.

Điểm nổi bật ở xưởng sản xuất này là sự kết hợp làm việc giữa những người khuyết tật với những người có sức khỏe và thể chất bình thường, và đặc biệt ở chỗ mỗi người, nhóm người sẽ phụ trách những phần việc riêng, phù hợp với năng lực riêng.

“Tôi chỉ là người kết nối mọi người lại với nhau, từ họa sĩ, thợ may, các bạn marketing, người khuyết tật... mỗi người dựa vào thế mạnh của bản thân, làm những công việc phù hợp và cố gắng để ai cũng có một công việc và thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.

Chúng tôi cố gắng chuyên môn công việc ra rõ ràng, từng công đoạn khác nhau, bởi vì như vậy thì người câm điếc, người không biết đọc, hay chậm phát triển trí tuệ, thậm chí là có bạn người dân tộc không biết nói tiếng Kinh... đều có thể tham gia vào quá trình sản xuất” - anh Cường nói thêm.

Từ khi “Vụn Art” hình thành đến nay, cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, chính quyền phường Vạn Phúc, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp góp phần hỗ trợ như cho mượn đất để làm xưởng sản xuất nhỏ, học bổng từ các doanh nghiệp nước ngoài và các mạnh thường quân cho các bạn khuyết tật có thành tích tốt trong công việc cũng như con em của họ, hay doanh nghiệp tặng bàn làm việc, tặng điều hòa... Qua đó, thấy được mô hình nhận được nhiều sự quan tâm và giúp đỡ từ cộng đồng.

Chia sẻ về việc này, anh Cường nói: “Nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và chính quyền, tôi và mọi người đều rất vui, nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ vững lời hứa với nhau khi cùng đến đây làm việc rằng: Tuyệt đối không xin sự thương hại từ ai khác, mình làm ra sản phẩm từ chính đôi tay và sức lao động của mình, bán sản phẩm với giá thành hợp lý, để khẳng định một điều rằng dù là người thiếu may mắn nhưng chúng tôi luôn cố gắng để trở nên tốt hơn mỗi ngày, nhất là không uổng phí tấm lòng và sự quan tâm mà xã hội dành cho mình, phải thật xứng đáng với những điều đó”.

Sự thành công của “Vụn Art” là tiền đề và nguồn động lực to lớn về những người khuyết tật sống và bước đi vững vàng từ chính sức lao động và trí tuệ của mình.

Người đàn ông khuyết tật thành công với ý tưởng biến rác thành tiềnNgười đàn ông khuyết tật thành công với ý tưởng biến rác thành tiền
Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022: Tôn vinh 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểuTỏa sáng Nghị lực Việt 2022: Tôn vinh 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu

Nhật Dương