Nghệ nhân 35 tuổi làm rạng danh làng nghề điêu khắc Ngọc Than

08:08 | 11/02/2012

3,350 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi nghe đến từ “nghệ nhân”, hẳn nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới những ông lão râu tóc bạc phơ, một cụ bà lưng còng, móm mém… hay chí ít là những người đã luống tuổi. Ấy thế nhưng nghệ nhân mà chúng tôi tìm đến mới 35 tuổi đời mà đã có đến 25 năm làm nghề điêu khắc gỗ, đá.

Đó chính là nghệ nhân Đỗ Đình Yên, chàng trai trẻ duy nhất vinh dự được góp mặt cùng hàng trăm vị bô lão, tiến sĩ trong cuốn “Ngọc Than đăng khoa lục” – cuốn sách ghi lại tình hình khoa cử, đỗ đạt và thành danh của người làng Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội (xuất bản năm 2011) – một làng khoa bảng nổi tiếng xứ Đoài xưa nay. Làng nghề đục chạm gỗ cao cấp và mộc dân dụng đặc biệt này đã chính thức được công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội” vào cuối năm 2011. Và anh cũng chính là chủ nhân của 6 tác phẩm điêu khắc được bán đấu giá từ thiện hàng tỷ đồng hơn ba năm trước tại Ukraina.

Anh Đỗ Đình Yên đang “đục đẽo” bộ phận cho một ngôi nhà cổ của khách hàng

Vào Sài Gòn lập nghiệp với vẻn vẹn… hơn 100.000 đồng

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có ba đời làm nghề mộc truyền thống, anh Yên được bố và các bác, các chú dạy "đục đẽo”, giúp đỡ gia đình từ khi chưa tròn 10 tuổi, bắt đầu từ những việc đơn giản như bào nhẵn, đánh bóng gỗ cho đến những việc đòi hỏi kỹ thuật và sự khéo léo hơn như tách gỗ, chạm trổ hoa văn… Cậu bé Đỗ Đình Yên ngày ấy nhanh chóng bộc lộ năng khiếu được truyền đời của mình.

Thời đó, đồ gỗ điêu khắc ở miền Bắc chưa được thịnh hành nên người dân trong làng vẫn sống nhờ vào mấy sào ruộng và dăm ba con gà, con lợn. Vì thế, năm 18 tuổi, cái tuổi bừng bừng sức trẻ “bẻ gãy sừng trâu”, với suy nghĩ nam nhi đại trượng phu “đầu đội trời chân đạp đất”, cứ ru rú sau lũy tre làng thì không phất lên được, anh Yên quyết định một mình khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp.

Trước quyết định này, bố anh phản đối dữ dội còn mẹ anh thì ốm mất mấy tháng vì lo lắng và xót xa. Tuy nhiên, bù lại, anh đã nhận được cái vỗ vai đặt niềm tin của bác ruột – “người thầy lớn” dạy anh từng nét chạm, gọt với lời răn dạy mà suốt đời anh nhớ mãi: “Không ra ngoài tự lập thì không thể khôn lên được con ạ!”.

Hoài bão của tuổi trẻ đã cho chàng thanh niên thuở ấy một cái đầu thật liều lĩnh. Ngày “dứt áo” lên đường, hành trang trên vai anh chỉ vẻn vẹn là một chiếc ba lô đựng quần áo, đôi bàn tay khéo léo và chưa đầy 140.000 đồng trong khi để đón ô tô vào Sài Gòn cũng mất đến 130.000. Thậm chí, khi xuống xe, anh còn chưa biết đích đến của mình sẽ là đâu, đánh liều bảo ông xe ôm: “Chú cứ chở cháu đến chỗ nào có nhiều thợ mộc nhất là được”.

Chăm chút, cẩn thận từng chi tiết hoa văn

Tháng làm việc đầu tiên, anh bị tên quản lý xấu tính xù lương rồi trốn biệt nên phải bắt đầu xin việc và làm lại từ đầu. Suốt cuộc trò chuyện, anh không hề kể lể về những khó nhọc khi “đơn thương độc mã” vào Sài Gòn lập nghiệp mà chỉ luôn tâm niệm: “Thời gian đầu ở một nơi xa lạ thì ai cũng gặp khó khăn và vất vả cả thôi. Tôi luôn tự nhủ với bản thân rằng mình có nghề trong tay, mình tự tin có thể nuôi sống bản thân được”.

Chính bởi sự tự tin với nghề “gia truyền” trong tay ấy mà sau gần chục năm, từ hai bà tay trắng, anh Yên đã có trong tay số vốn kha khá để trở về với “bút Ngọc nghiên Than”, để gây dựng sự nghiệp và tìm cho mình… một bến đỗ bình yên.

Chuyến đi bất ngờ và đầy ý nghĩa

Năm 2006, anh Yên lấy một người con gái ở cùng làng, kém mình một tuổi và sinh được một bé trai rất kháu khỉnh. Cho đến tháng 10/2007, với “bàn tay vàng” nức tiếng gần xa của một nghệ nhân trẻ, anh lọt vào “tầm ngắm” của Tập đoàn Technocom.

Anh là nghệ nhân điêu khắc duy nhất của làng Ngọc Than nằm trong Top 6 nghệ nhân được Tập đoàn tin tưởng mời sang tỉnh Kharkov (trung tâm công nghiệp, văn hóa, giáo dục của Ukraina – nơi có khoảng 7.000 người Việt định cư) để an vị tượng, lắp đặt hoành phi, câu đối và chạm trổ một số hoa văn cho chùa Trúc Lâm. Trong số 6 nghệ nhân đến từ khắp nơi, anh là người trẻ tuổi nhất, chỉ đầy 30, mới lấy vợ và có một con trai 4 tháng tuổi.

Nhận được cơ hội tốt “từ trên trời rơi xuống” để khẳng định tay nghề nhưng anh đã phải “vắt tay lên trán”, đắn đo rất nhiều. Bởi vợ mới sinh nở còn yếu, con trai thì quá non nớt, cái gia đình nhỏ bé ấy đang cần đến bàn tay chăm lo của người đàn ông trụ cột là anh hơn bao giờ hết. Nhưng rồi “chí làm trai” sùng sục đã thúc đẩy anh dằn lòng… “khăn gói lần thứ hai”.

Nói về chuyến đi cũng là cơ hội bất ngờ này, anh Yên chia sẻ: “Tuy vợ mới sinh con trai được 4 tháng, đắn đo lắm nhưng tôi vẫn quyết định đi Ukraina vì mình còn trẻ, có điều kiện để học hỏi thêm thì phải nắm bắt lấy”.

Tác phẩm điêu khắc gỗ “Sáng suốt, anh minh” của anh Yên đấu giá từ thiện được hàng trăm triệu đồng

Sau bốn tháng ở Ukraina, anh lại là một trong vài người hiếm hoi được công ty giữ lại làm việc thêm gần hai năm nữa. Ngoài việc tiếp tục lo tu bổ chùa Trúc Lâm vì khí hậu khô hanh khiến đồ gỗ bị nứt nẻ thì anh còn được giao làm những bức tranh điêu khắc về các công trình, danh thắng nổi tiếng của Ukraina trên chất liệu gỗ.

Ban đầu, anh chỉ nghĩ: “Chắc các sếp đem chúng đi làm tặng phẩm gì đó” nhưng thật bất ngờ, vào tháng 6/2008, 5 bức tranh gỗ nổi cùng tượng đài Taras Shevchenko của anh được công ty đem bán đấu giá để lấy tiền giúp đỡ những trẻ em mồ côi ở Kharkov. Bất ngờ hơn khi chúng được các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đấu giá với số tiền lên tới hàng tỉ đồng.

“Đó là chuyến đi đầy ý nghĩa trong cuộc đời của tôi. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng những tác phẩm điêu khắc mình tạo ra thường ngày lại có thể mang lại nhiều điều tốt đẹp cho những trẻ em mồ côi ở một đất nước lạnh giá và xa xôi đến thế. Giây phút ấy, tôi thật sự xúc động. Những người tổ chức, những nhà hảo tâm – Họ đã làm điều thật tuyệt vời!”, anh Yên bồi hồi nhớ lại.

Giờ đây, sau 2 năm trở về từ Ukraina, gia đình anh đã có thêm một bé gái hơn 1 tuổi, một xưởng mộc riêng và vừa cất được ngôi ngôi nhà cao tầng, rộng hơn 100m2 trên mảnh đất mới mua. Vợ chồng anh chủ yếu nhận gia công những đồ sơn son thếp vàng, bàn ghế, sập, gụ, làm các đồ thủ công mỹ nghệ, tranh gỗ… cho khách hàng ở thủ đô và các tỉnh lân cận.

Với từng tác phẩm mình làm ra, anh Yên luôn say mê và chuyên tâm hết mình dù mục đích của nó là để bán hay để tặng… Anh đã góp phần làm rạng danh thêm cho làng nghề Ngọc Than tươi đẹp của mình. Và với phương châm trọng chữ tín hàng đầu nên khách hàng quanh vùng cứ rỉ tai nhau đến đặt hàng đồ gỗ nhà “cậu Yên điêu khắc ở làng Ngọc Than”.

Nguyễn Nga