Ngành than lo “an cư” cho người lao động

08:00 | 25/05/2013

741 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nếu để ý và theo dõi thời sự ngành than, có thể thấy gần như tháng nào cũng có đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khánh thành khu nhà ở mới cho người lao động. Đó là “tham vọng” rất nhân văn mà nhiều thế hệ lãnh đạo ngành đang theo đuổi một cách nghiêm túc…

Độc thân là phải vui vẻ!

Trên thực tế, sắp xếp nhà ở - nơi an cư cho thợ lò lạc nghiệp chỉ là một trong nhiều phương án ngành than dùng để giữ chân người lao động. Từ năm 2011 đến nay, nhà ở của thợ lò bỗng trở thành việc lớn và đang gây ra cho Vinacomin những khó khăn trong thu xếp vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Than Hồng Thái Nguyễn Văn Thưởng cho rằng, nếu không lo được 2 điều cơ bản nhất “nơi ăn, chốn ở” cho người lao động thì thật khó mà nói chuyện giữ chân họ. “Thuận mua vừa bán”, quy luật trên cũng không khác công tác tổ chức thời buổi kinh tế thị trường là mấy. Dù trong nội bộ ngành than có một quy ước bất thành văn, là mỏ này không “đi đêm” để lấy những thợ lò tốt nhất của mỏ kia nếu cùng một hình thức khai thác. Tuy nhiên, mỗi đơn vị giờ đã hạch toán độc lập, chẳng ai dám chắc người lao động có thể gắn bó mãi nếu đơn vị đó không cho họ tâm lý thoải mái cùng một mức sống tương xứng với công sức mình bỏ ra”, ông Thưởng phân tích dựa trên thực tế. “Mục tiêu lo nhà cho từng người lao động quả hết sức tham vọng, thậm chí bất khả thi, nhưng Than Hồng Thái xác định làm được gì cho anh em là toàn hệ thống trên dưới phải làm”.

Các khu nhà cho người lao động triển khai xây dựng đồng bộ ở các đơn vị thuộc Vinacomin

Trong chuyến thực tế mới đây, chúng tôi được biết, đa số anh em thợ lò đều trẻ, trên dưới 20 tuổi và còn độc thân. Trước đây, khu vực Quảng Ninh khá phức tạp bởi dân cờ bạc, vay nặng lãi, buôn bán ma túy thường xuyên “rình rập, lôi kéo” thợ lò. Hay nói cách khác, chúng bắt được tâm lý xa nhà, trẻ lại độc thân nên tìm cách lôi kéo họ.

Anh Nhữ Xuân Hinh, Phó chánh văn phòng Công ty Than Mạo Khê thừa nhận, nếu công nhân ở rải rác và dần hình thành những “xóm trọ” thì khả năng bị kẻ xấu đưa vào tầm ngắm là có thật. Tuy nhiên, nhờ công tác vận động thường xuyên và đặc biệt là sau khi các công ty tăng tốc dự án xây nhà tập thể thì thợ lò đã sinh hoạt lành mạnh, chất lượng hơn. Theo thiết kế “khung” ngoài khu vực luyện tập thể thao, sinh hoạt cộng đồng, những khu nhà mới đã có thư viện, phòng Internet cùng khu sinh thái rộng rãi không chỉ phục vụ thợ lò mà cả người nhà khi cần thiết.

Vinacomin hiện có khoảng 140 nghìn cán bộ, công nhân viên (CBCNV), trong đó chủ yếu là thợ mỏ tại vùng Đông Triều, Hòn Gai, Uông Bí, Cẩm Phả… với số lượng khoảng trên 100.000 người. Từ thập niên 60-70 của thế kỷ XX, CBCNV mỏ đã có nhà tập thể. Đó là điều rất đáng tự hào của ngành than thời... bao cấp. Hồi đó, những khu tập thể 5 tầng ở khu vực Mạo Khê, Uông Bí, Cẩm Phả đẹp không thua kém thành phố. Tuy nhiên, theo thời gian, các khu nhà đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Những năm gần đây Vinacomin cũng đã quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trong ngành đầu tư xây dựng một số khu nhà ở cho công nhân lao động mỏ bằng nguồn vốn tự có để cải thiện nơi ở. Tuy nhiên, do có nhiều hạn chế về vốn đầu tư nên mới chỉ giải quyết chỗ ở cho khoảng 10% số lượng công nhân lao động có nhu cầu.

Gỡ nút thắt cho ngành than

Trong nhiều hội thảo bàn về phát triển bền vững cho ngành than, có một vấn đề lớn lãnh đạo Vinacomin khá trăn trở. Đó là lượng công nhân hầm lò đang có dấu hiệu giảm nhanh, trong khi số lao động tuyển mới chưa thể lấp đầy chỗ trống đó. Theo dự kiến đến năm 2015, số lượng CBCNV của Vinacomin lên đến 160 nghìn người, trong đó có 130 nghìn lao động trực tiếp. Điều kiện sản xuất ngành than gặp nhiều khó khăn, nhu cầu thợ hầm lò ngày càng tăng nhưng huy động lực lượng rất khó. Việc giải quyết về nhà ở chính là động lực để người lao động gắn bó, yên tâm với nghề.

Theo kế hoạch, từ nay đến 2015 Vinacomin sẽ thực hiện gần 40 dự án nhà ở cho lao động, xây dựng khoảng gần 5 nghìn căn hộ giải quyết chỗ ở cho trên 2 vạn lao động, cần vốn đầu tư khoảng 4 nghìn tỉ đồng. Dự báo nhu cầu lao động của ngành đến 2030 sẽ tăng thêm khoảng 100 nghìn người, trong đó công nhân hầm lò độc thân khoảng 30 nghìn, đối tượng này cần phải giải quyết về chỗ ở, Vinacomin cần một nguồn vốn rất lớn để thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam - Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản cho rằng, những vấn đề đặt ra đối với giải quyết nhà ở cho công nhân vùng than cần phải giải quyết đồng bộ và quyết liệt hơn. Vinacomin đã đưa ra kế hoạch cụ thể về các dự án nhưng cần xác định mục tiêu phù hợp với các nguồn lực để bảo đảm tính khả thi thực hiện. Cần phải làm rõ cơ chế huy động nguồn lực, các dự án, tiến độ cụ thể”.

Theo quy định của Chính phủ, đối với các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, chủ đầu tư dự án được hưởng khá nhiều ưu đãi như: Miễn tiền sử dụng đất, thuê đất trong phạm vi dự án; được áp dụng thuế suất ưu đãi, thuế GTGT ở mức ưu đãi nhất (0%); được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động. Ngoài ra, chủ đầu tư còn được hỗ trợ tín dụng đầu tư từ các nguồn, được cung cấp miễn phí các mẫu thiết kế về nhà ở cũng như các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thi công, xây lắp công trình… Giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân không thể là chuyện một sớm một chiều. Việc các đơn vị thành viên Vinacomin ưu tiên vốn (kể cả phải đi vay thương mại), “mạnh tay” cho các dự án nhà ở tập thể sẽ tác động mạnh vào tâm lý người lao động, từ đó giúp họ yên tâm hơn với cái nghiệp.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, các bên liên quan cũng cần tiếp tục xem xét quy hoạch quỹ đất dành cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư xây nhà ở cho công nhân gắn với khai trường. Khi quy hoạch các khu nhà ở công nhân phải đồng bộ với quy hoạch các thiết kế văn hóa và các công trình phụ trợ cho khu nhà ở như sân chơi, bãi tập, nhà văn hóa, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, trường học, trạm y tế, chợ... Chính phủ vừa đưa ra gói tín dụng 30 nghìn tỉ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản. Chắc không ít giám đốc mỏ cảm thấy bùi ngùi, ước ao nếu chỉ một vài phần trong đó “chảy” được tới chân mình!

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, bà Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định vai trò đặc biệt của ngành than đối với an ninh năng lượng quốc gia và với kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh là không thể phủ nhận. “Ngành than đang tạo công ăn việc làm cho trên 140 nghìn cán bộ, công nhân, hằng năm nộp ngân sách của tỉnh Quảng Ninh trên 7.000 tỉ đồng. Đó là còn chưa kể những bất cập có thể tác động xấu đến gần nửa triệu người, chiếm phân nửa dân số Quảng Ninh”.

Bà Đỗ Thị Hoàng nêu rõ, từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt cho 137 dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng đô thị trên địa bàn với diện tích trên 3.502ha đất. Riêng nhà ở của công nhân ngành than là 69 khu nhà, tổng diện tích các khu đất xây dựng 27,8ha, với tổng số 3.121 căn hộ. Trong đó, số hộ gia đình: 1.604 căn hộ, số hộ độc thân: 1.517 căn hộ.

Có thể thấy, những năm gần đây Vinacomin đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trong ngành đầu tư xây dựng một số khu nhà ở cho công nhân lao động mỏ bằng nguồn vốn tự có để cải thiện nơi ở. Việc phát triển nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân ngành than nói riêng đã được coi là nhiệm vụ quan trọng cần giải quyết trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện an sinh xã hội của tỉnh. Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động không chỉ là sự quan tâm đầu tư của tỉnh, ngành than mà rất cần sự tham gia của cả cộng đồng.

Tùng Lê