Ngành Dệt may, Da giày: Thắng lớn nhưng vẫn lo

17:58 | 09/01/2012

1,375 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong số 23 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD thì hàng dệt may và da giày đứng ở tốp đầu. Thậm chí, ngành Dệt may Việt Nam còn xuất siêu 6,5 tỉ USD. Bên cạnh những con số ấn tượng về xuất khẩu, câu chuyện khó nói của hai ngành chủ lực này vẫn là nguyên liệu và sức cạnh tranh.

99% nguyên liệu dệt may phải nhập khẩu

Năm 2011, ngành Dệt may xuất khẩu đạt 15,6 tỉ USD; xuất siêu 6,5 tỉ USD. Các thị trường chính của hàng dệt may Việt Nam vẫn là Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ…

Xuất khẩu tăng mạnh nhưng một số nguyên liệu vải gần đây có xu hướng giảm dần, vải dệt từ sợi bông ước đạt 197,3 triệu m2, giảm 1,5% so với cùng kỳ.

Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguyên liệu dệt may.

Do không chủ động được nguồn nguyên liệu nên một số biến động như giá nhân công, chi phí đầu vào đều tăng. Mặt khác, xuất khẩu chịu tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ sau khi gỡ bỏ trần nợ công và kinh tế nước này chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nhật Bản cũng đang trong giai đoạn tiết kiệm tiêu dùng, khủng hoảng nợ công lan tràn ở châu Âu cũng ảnh hưởng phần nào đến ngành Dệt may Việt Nam. Hậu quả là một số doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất áo sơ mi, quần âu đã bị hủy hợp đồng, thậm chí không ký được đơn hàng cho quý I/2012.

Trong năm, giá bông cũng biến động với biên độ dao động lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty dệt trong nước. Trong quý I/2011, cùng với hiện tượng khan hiếm nguồn hàng, giá bông tăng liên tục và đạt mức kỷ lục, khoảng 5 USD/kg. Sang quý II/2011, giá bông lại giảm mạnh, nhưng do lãi suất ngân hàng cao nên các doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận vay vốn để mua bông dự trữ cho năm 2012.

Ngành bông sợi Việt Nam vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đã gây ra hàng loạt bất lợi về giá mua, chi phí vận chuyển…

Hiện tại, diện tích trồng bông đang được phục hồi ở các tỉnh Tây Nguyên nhưng sản lượng chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu trong nước, nhập khẩu 99%.

Tại Hội nghị Tham tán Thương mại 2011, ông Lê Minh Tiến – Tham tán tại Uzbekistan bày tỏ sự thông cảm với ngành Dệt may trong nước ở khâu nguyên liệu bông. Ông Tiến cho rằng chúng ta nên tổ chức một đoàn cán bộ sang Uzbekistan tìm hiểu và đặt hàng mua nguyên liệu bông từ nước vùng Trung Á này. Ông Tiến nhấn mạnh: vấn đề là chúng ta có sang đàm phán và mua hay không thôi, họ (Uzebekistan) sẵn sang bán bông cho Việt Nam.

Vẫn là đối thủ mạnh: Trung Quốc

Năm 2012, dự kiến kim ngạch xuất khẩu giày dép khoảng 7 tỉ USD.

Ngành Da giày cũng có bước tiến vượt bậc trong xuất khẩu với 6,5 tỉ USD, tăng 27,3% so với năm 2010. Tín hiệu vui nữa từ Hiệp hội Da giày Việt Nam, trong quý I/2012, khoảng 50% doanh nghiệp đã có hợp đồng, khoảng 25% có hợp đồng trong quý II.

Ngay từ đầu năm 2011, Ủy ban châu ÂU (EC) ra thông báo về việc chấm dứt áp dụng biện pháp chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da nhập khẩu của Việt Nam. Do đó hoạt động xuất khẩu của ngành Da giày Việt Nam đã được “mở then” vào thị trường khó tính này. Mỹ, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Pháp là 5 quốc gia nhập khẩu chính giày dép Việt Nam. Hiện nay, các nước khác như Bồ Đào Nha, Philippines, Thái Lan cũng có xu hướng nhập khẩu giày dép Việt Nam với số lượng ổn định.

Cũng giống như ngành Dệt may, ngành Da giày cũng phải nhập khẩu nguyên liệu với số lượng lớn, khoảng 80%. Nhưng khác với Dệt may, nguyên liệu có thể nhập từ các nước Trung Á, Nam Á; ngành Da giày Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc – một người khổng lồ của ngành Da giày thế giới. Chính vì vậy, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại các nước không cao bằng da giày Trung Quốc.

Khâu cung ứng liên thông của ngành Da giày chưa được thông suốt; sự kết nối sản xuất chưa rõ ràng, khâu thiết kế còn yếu, mẫu mã chậm đổi mới… là những khó khăn tiếp theo của ngành Da giày Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Da – Giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. 4 vùng phát triển ngành Da giày chính, là: vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự kiến xuất khẩu da giày đến năm 2015 là 9,1 tỉ USD, năm 2020 là 14,5 tỉ USD và năm 2025 đạt 21 tỉ USD. Trong đó, tỉ lệ nội địa hoá đạt 60-65% vào năm 2015, năm 2020 đạt 75-80 % và năm 2025 đạt 80-85%.

Đức Chính