Ngành công nghiệp nghìn tỷ USD: Doanh nghiệp Việt chọn cách khai phá “mỏ vàng” thế nào?

11:50 | 06/07/2019

717 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ là vài sải chân trên sàn diễn, thời trang thực sự là một ngành công nghiệp khổng lồ với doanh thu lên tới hàng tỷ USD mỗi năm. Với những bước tiến bài bản, nhiều thương hiệu “thuần Việt” đã dần khẳng định tên tuổi, tạo dấu ấn trong làng thời trang thế giới.

Ngành công nghiệp hàng nghìn tỷ USD

Ngành công nghiệp nghìn tỷ USD: Doanh nghiệp Việt chọn cách khai phá “mỏ vàng” thế nào?
Show diễn Fall 2019 Couture của Chanel

Mark Twain đã viết, “Quần áo làm nên con người”. Và cho đến tận bây giờ, điều này vẫn không hề sai khi thời trang luôn là một trong những thứ ảnh hưởng lớn đến “sự phân tầng” trong xã hội. Nói một cách khác, những gì con người mặc thường mô tả họ là ai và họ làm gì?

Về cơ bản, nhu cầu “mặc” chỉ xếp sau “ăn”. Điều này giúp thời trang trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu với doanh thu khổng lồ lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi năm. Tại đó, những nhà thiết kế thời trang, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ trên khắp thế giới cùng hợp tác để thiết kế, sản xuất và bán quần áo, giày dép, phụ kiện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng và cũng rất “phức tạp” của người tiêu dùng.

Ngành công nghiệp thời trang tạo ra doanh thu 2,5 nghìn tỷ USD/năm, có quy mô rất lớn và tiếp tục phát triển nhanh chóng. Theo dự báo, doanh thu ngành công nghiệp thời trang sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới với 5 nghìn tỷ USD/năm cùng 60 triệu lao động. Ở Mỹ, 4 triệu người làm việc trong ngành thời trang, nhiều hơn ngành công nghiệp tự động, đồ ăn nhanh và video game. Các thương hiệu thời trang có thể là các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Gucci và Chanel, nhưng nhiều khi là những công ty nhỏ với chỉ vài chục nhân viên.

Riêng ngành may mặc, theo thống kê của Statista, nhu cầu hàng may mặc thế giới dự báo đạt khoảng 1.650 tỉ USD vào năm 2020, trong đó thị trường Mỹ đạt khoảng 334,2 tỉ USD (tăng trưởng bình quân năm đạt 2,5%) và nhóm 10 thị trường lớn nhất châu Âu đạt 291,2 tỉ USD (tăng trưởng bình quân năm đạt 0,4%).

Ngành may mặc chiếm 88% giá trị xuất khẩu của Haiti, Bangladesh 79%, Lesotho 59%, Campuchia 52% và Sri Lanka 43%. Hay như Ấn Độ là một trong những nhà sản xuất hàng dệt may lớn, sử dụng khoảng 40 triệu lao động và 60 triệu lao động gián tiếp, đứng thứ hai sau ngành nông nghiệp.

Hiện nay, khoảng 90% sản xuất dệt may của Việt Nam là phục vụ xuất khẩu. Năm 2018 xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 36,2 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2017, nằm trong top 3 nước xuất khẩu dệt may cao nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Bước chân của doanh nghiệp Việt ra thế giới

Với tiềm năng lớn như vậy, ngành công nghiệp thời trang đã tạo nên không ít “đế chế” với mạng lưới phủ rộng trên toàn thế giới. Để xây dựng được các doanh nghiệp có giá trị hàng tỷ USD, mỗi thương hiệu phải luôn sáng tạo, xây dựng được cho mình một hình ảnh xuyên suốt. Khía cạnh xác định của thương hiệu là bản sắc của nó. Nhận diện thương hiệu là thẻ gọi của thương hiệu cho khách hàng. Đó là cách mà nhiều thương hiệu thời trang đã làm và thành công.

Nếu những tên tuổi như H&M, Zara đại diện cho dòng thời trang mang tính ứng dụng cao, giá cả phải chăng thì những thương hiệu cao cấp, xa xỉ còn phải làm được hơn thế nữa, phải kể được câu chuyện, chạm được tới khách hàng. Không phải ngẫu nhiên mà nhắc tới Chanel là nghĩ tới biểu trưng cho nữ quyền, Christina Dior phục vụ nữ sắc, Yves St. Laurent phục vụ nữ tính: thời trang thay đổi thường trực, đồng hồ Rolex bảo chứng về chất lượng sản phẩm còn những cửa hàng của những chiếc túi khó sở hữu nhất hành tinh chính là Hermès….

Ngành công nghiệp nghìn tỷ USD: Doanh nghiệp Việt chọn cách khai phá “mỏ vàng” thế nào?
Show diễn Bridal của PHUONG MY tại New York Fashion Week Bridal

Đây cũng là câu chuyện với những thương hiệu Việt khi đặt chân ra thị trường thế giới. PHUONG MY, một thương hiệu “thuần Việt” thuộc sở hữu của Công ty TNHH PHUONG MY Design, đã khẳng định được mình trong dòng thời trang cao cấp với những sản phẩm cá tính, mang đậm chất Á Đông, không dễ trộn lẫn.

Chia sẻ với báo giới, Giám đốc sáng tạo Trần Phương My, nhà thiết kế và cũng là nhà sáng lập thương hiệu PHUONG MY không giấu tham vọng đưa sản phẩm của thương hiệu mang tên mình ra thế giới, hòa vào dòng chảy của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu.

“Đã đến lúc cho thế giới thấy rằng doanh nghiệp Việt có thể tạo ra những sản phẩm xứng tầm với các thương hiệu thế giới. Từ đường may, chất liệu đến các thiết kế”, doanh nhân trẻ Trần Phương My nói. Tính tới hiện tại, từ một cửa hiệu nằm ngay góc ngã tư Lê Thánh Tôn (Quận 1, TPHCM), sau 6 năm, PHUONG MY có mặt tại 30 cửa hàng ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Pháp, Ý, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Kuwait và UAE…

Dĩ nhiên, khi nói về các thương hiệu thành công có thể thấy, thời trang hoàn toàn không chỉ là vài sải chân trên sàn diễn, phía sau nó còn là bài toán quản trị doanh nghiệp, là chiến lược kinh doanh, dòng tiền, doanh thu hay lợi nhuận. Họ không chỉ là một nhà thiết kế mà còn là những người làm thương hiệu, làm kinh doanh giỏi. Họ không chỉ đi một mình, phía sau họ là cả một đội ngũ tài năng, cùng chung chí hướng.

Là thành viên sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty TNHH PHUONG MY Design, Trần Phương My chia sẻ: “Ngành thời trang luôn có nhịp chuyển động 6 tháng sẽ thay đổi một lần. Đó là thử thách lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành thời trang. Mọi hoạt động điều hành của công ty luôn phải thích nghi với xu hướng thị trường. Thay đổi mỗi ngày và làm cho mọi thứ tốt hơn mỗi ngày là điều tất yếu”.

Ngành công nghiệp nghìn tỷ USD: Doanh nghiệp Việt chọn cách khai phá “mỏ vàng” thế nào?
Hình ảnh hậu trường show diễn PHUONG MY tại New York Fashion Week

Khi được hỏi về “bí quyết” đưa sản phẩm của mình tới tay khách hàng toàn cầu, hơn nữa lại là dòng sản phẩm cao cấp hướng tới 1% đối tượng siêu giàu, Phương My cho hay: “Tôi vẫn luôn nói về việc đặt đúng câu hỏi cho doanh nghiệp và bản thân mình rất quan trọng trong việc phát triển định hướng doanh nghiệp. Khi câu hỏi đúng, mới hi vọng có câu trả lời đúng. Khi phát triển ra nước ngoài cũng vậy, My luôn tự hỏi New York Fashion Week sẽ mang lại gì cho PHUONG MY, hoặc thị trường đó sẽ mang lại gì cho PHUONG MY? Dựa vào điểm mạnh điểm yếu của thương hiệu mà mình xây dựng, thì mới biết thị trường đó sẽ cho mình những cơ hội gì mới”.

Phương My cũng nói tới những cộng sự đi cùng: “Mình chỉ giỏi nhất bằng 5 người đi cạnh mình thôi. Điều này áp dụng cho cả nhân sự trong nước và nhân sự khi mở rộng thị trường. Nếu Phuong My muốn vào thị trường nước ngoài, thì những người sẽ đồng hành cùng mình là ai. Mình sẽ học đươc gì từ họ, và họ sẽ định hình thương hiệu của mình ra sao. Tìm người giỏi kết hợp để cùng đi lên và có định vị đúng vì không ai có thể làm mọi việc một mình”.

Cuối cùng, cô nhấn mạnh tới sự bền bỉ: “Quan trọng phải có mục tiêu rõ ràng, có đội ngũ giỏi đi cùng, và nỗ lực mỗi ngày để đạt được mục tiêu mình đặt ra thôi. Bởi vì không có thành công nào sẽ tới trong đêm và lại bền vững hết”.

Theo Dân trí

Bộ Công Thương: Big C cam kết vẫn phân phối hàng dệt may Việt Nam
Chính phủ yêu cầu kiểm tra việc phân biệt đối xử hàng Việt ở Big C
Vì sao Big C 'đuổi' Thế Giới Di Động
Big C Việt Nam đã nộp hơn 2.000 tỉ tiền thuế chuyển nhượng
Big C Việt Nam vẫn phải kê khai và nộp hơn 1.600 tỉ đồng tiền thuế
“Ông nói gà, bà nói vịt”