Tranh chấp giữa siêu thị Big C Đà Nẵng và Công ty Đức Mạnh:

“Ông nói gà, bà nói vịt”

13:38 | 11/07/2016

437 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một vụ gây náo loạn do tranh chấp giữa siêu thị Big C Đà Nẵng và Công ty Đức Mạnh xảy ra vào chiều ngày 7/7 vừa qua, không chỉ gây tắc nghẽn giao thông, mà còn làm “vẩn đục” môi trường kinh doanh tại thành phố này. Vụ việc chỉ được vãn hồi khi đích thân Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh trực tiếp đến giải quyết.  

Bên Big C nói gì?

Tại cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chủ trì ngay sau đó, bà Nguyễn Nữ Tố Nga (người quản lý vận hành Trung tâm thương mại) “tố” Công ty Đức Mạnh lâu nay luôn gây khó cho Big C.

Theo bà Nga, trong nhiều ngày qua Công ty Đức Mạnh đã liên tục phong tỏa bãi đỗ xe, khóa van đường ống bể phốt tại tầng hầm, ngừng cung cấp nước sạch cho hệ thống của Big C đang kinh doanh… Việc gây khó của “Đức Mạnh” cho Big C chỉ nhằm một mục đích duy nhất là “đòi” lại mặt bằng, khi Big C mới chỉ kinh doanh được 9 năm khi hợp đồng được ký là 40 năm!

ong noi ga ba noi vit

Nhân viên Big C Đà nẵng căng băng rôn phản đối Công ty Đức Mạnh vào ngày 7/7 vừa qua.

Theo bà Nga, Big C có hợp đồng thuê mặt bằng từ tầng hầm tới tầng 4 của tòa nhà Vĩnh Trung, thuê từ năm 2006 với thời hạn 40 năm được sửa đổi bổ sung theo từng thời điểm. Tuy nhiên, ngay từ tháng 11/2015 chủ tòa nhà đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng cho thuê, yêu cầu Big C trả lại mặt bằng vào cuối năm. Và thực hiện chủ trương đó, ngay từ đầu năm 2016 “Đức Mạnh” đã tự ý thông báo thu hồi với các cửa hàng nhỏ lẻ do Big C quản lý.

Bà Nga khẳng định, “Đức Mạnh” đã vi phạm hợp đồng, nên đã khởi kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh để giải quyết. Vẫn theo bà Nga, trong khi chờ Trung tâm trọng tài quốc tế phán quyết, thì “Đức Mạnh” liên tục có các hành động cản trở kinh doanh của Big C và Big C đã nộp đơn lên Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị Tòa áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của Big C.

Và tháng 3-2016, TAND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong đó nêu rõ “buộc Công ty CP Đức Mạnh chấm dứt việc thực hiện bất kỳ hành vi nào có thể cản trở hoặc gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh ở khu vực thuê và siêu thị Big C tại trung tâm thương mại Vĩnh Trung bao gồm rào chắn ở lối ra vào cũng như phong tỏa bãi đậu xe”.

Phán quyết của tòa là như vậy, nhưng “Đức Mạnh” vẫn tiếp tục “gây khó” và đỉnh điểm là vào lúc 9 giờ ngày 7/7, khi bị phong tỏa lối ra vào tầng hầm khu nhà, khiến nhân viên Big C bức xúc, dẫn đến hành động căng băng rôn phản đối…

Và “lý luận” của “Đức Mạnh”

Giải thích việc không chấp hành phán quyết của TAND thành phố Đà Nẵng, về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bà Nguyễn Thị Chi - Tổng Giám đốc Công ty Đức Mạnh cho rằng, việc “cháy nổ” là vô cùng nguy hiểm mà Big C đã nhiều lần vi phạm, Cảnh sát PCCC thành phố cũng đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng Big C không khắc phục, nên buộc chúng tôi phải xử lý.

Theo bà Chi, hàng ngày tòa nhà có từ 3.000-5.000 người ra vào, cạnh đó còn có các căn hộ, các công ty khác đang hoạt động, nếu không đảm bảo sự an toàn cháy nổ là rất nguy hiểm. Việc kéo rào diễn ra vào ngày 7/7 là việc chẳng đành, vì trước đó “Đức Mạnh” đã thông báo cho Big C phải di dời khẩn cấp số bình gas mà big C đang sử dụng nằm ngoài khu vực được ký kết trong hợp đồng. Cạnh đó, Big C đã và đang sử dụng nhiều khu vực nấu nướng dẫn gây ra cháy nổ. Vì an toàn là trên hết và người chịu trách nhiệm chính khi có sự cố xẩy ra là “Đức Mạnh”, nên không có cách nào khác là Đức Mạnh phải “giải quyết” để bảo đảm an toàn.

Những phản ánh cho rằng “Đức Mạnh” khóa bể phốt, khóa nước sinh hoạt, cắt điện thang máy, đóng cửa thang bộ… theo bà Chi đấy là cái cớ Big C nêu ra để “gây rối”. Bà Chi lý giải: cả tòa nhà chỉ có 1 hệ thống bể phốt, nếu khóa lại chẳng khác gì mình tự “trói” mình. Thang máy phải dừng là “bất khả kháng”; thang bộ thì không bao giờ đóng vì nếu đóng thì ngay chúng tôi chúng tôi cũng không có đường đi, hơn nữa đây cũng là đường thoát hiểm khi xẩy ra cháy, nổ. Thiếu nước sạch là do “súc bể”… tóm lại đều là lý do chính đáng cả.

Cùng với ý kiến của bà Chi, ông Đàm Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Đức Mạnh cho rằng: việc Big C nói “Đức Mạnh” kiên quyết đòi lại mặt bằng vì “Đức Mạnh” đã bán lại mặt bằng này cho đối khác là bịa đặt. Theo ông Tuấn, Big C đã lợi dụng hợp đồng giữa “Đức Mạnh” và và Công ty Vindemia (Pháp) để chuyển nhượng cho cho chủ mới là trái phép. Bởi “Đức Mạnh” ký hợp đồng với Vindemia, chứ không phải ký với Big C! Hợp đồng quy định thời gian là 40 năm, nhưng sau 10 năm cùng thảo luận để bổ sung, nếu 2 bên không có “tiếng nói chung” thì chấm dứt.

Ông Tuấn khẳng định, thời điểm này Big C đã “thay chủ”, thì quan hệ pháp lý giữa "Đức Mạnh” và Vindemia không còn lý do để tồn tại. Ông Tuấn còn thông tin có sự “gian lận” trong bản phụ lục hợp đồng kế thừa cho Big C là giả, chủ hợp đồng là Vindemia không ký vào phụ lục nên không có giá trị pháp lý.

Nói thêm về việc “Đức Mạnh” chấp hành phán quyết của tòa án, ông Tuấn cho rằng việc “Đức Mạnh” không cử người tham gia cuộc họp của Cục thi hành án dân sự Đà Nẵng là vì cuộc họp tổ chức tại Big C. Ông Tuấn lý giải rằng, hai bên đang tracnh chấp tại sao lại không tổ chức cuộc họp tại cơ quan thi hành án cho khách quan, mà lại tổ chức ở Big C. Mặt khác, cuộc họp cũng không thỏa mãn yêu cầu chính đáng của “Đức Mạnh” đấy là mời đại diện của Vindemia (người ký hợp đồng với Đức Mạnh), bởi “Đức Mạnh” không ký với Big C thì họp chẳng giải quyết được gì!

Ông Tuấn còn khẳng định, Big C hiện nay như “rắn mất đầu” vì chủ cũ là công ty của Pháp thì đã ra đi, chủ mới là công y của Thái Lan thì chưa tới, Big C hoàn toàn không có tư cách gì để giải quyết những vấn đề “Đức Mạnh” đặt ra, thì họp làm gì!

Nghe những “lý luận” của hai bên đặt ra, quả là chẳng khác gì “ông nói gà, bà nói vịt”. Sự việc này sẽ còn âm ỉ và kéo dài, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng để làm sáng tỏ.

Ý kiến của chúng tôi

Có ý kiến cho rằng, vụ việc tranh chấp đang được Trọng tài quốc tế phân xử, do vậy Hợp đồng thuê mặt bằng vẫn còn nguyên giá trị và hai bên phải tôn trọng những cam kết đã ký.

Nói thì như vậy, nhưng mọi việc phải lấy luật làm gốc, bởi mọi hoạt động trong xã hội đang được quản lý bằng luật pháp, mọi ý kiến không có cơ sở pháp lý đều không có giá trị.

Trước hết, Big C Đà Nẵng đúng, nếu như mọi hoạt động đã và đang diễn ra được sự ủy quyền hợp pháp của Vindemia. Tất nhiên, ủy quyền đó phải được thể hiện bằng văn bản, giấy tờ đúng với quy định của pháp luật và Big C Đà Nẵng phải “chứng minh” được mình là người được ủy quyền hợp pháp.

Việc “Đức Mạnh” nêu, hợp đồng ủy quyền và phụ lục hợp đồng mà Big C Đà Nẵng đang “sử dụng” không có chữ ký của Vindemia và có sự “giả mạo” trong đó. Nếu đây là sự thật, thì hợp đồng đó không những là vô giá trị, mà còn có biểu hiện vi phạm pháp luật. Đương nhiên, “chứng cứ” này không phải bằng lời nói, mà phải có dẫn chứng bằng văn bản thì mới có giá trị.

Vấn đề tranh chấp giữa Big C Đà Nẵng và công ty Đức Mạnh như chúng tôi phản ảnh trên đây, hoàn toàn không khó giải quyết. Cái cần là các cơ quan chức năng sớm có kết luận, để kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh và trật tự an toàn xã hội của Đà Nẵng.

Trung Hội