Ngân hàng “cầu khấn” cho doanh nghiệp… mau khỏe!

17:05 | 27/05/2013

389 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dòng tiền gửi đổ về các nhà băng vẫn ổn định nhưng đầu ra lại bí bởi hầu hết các ngân hàng đều không dám “đánh bạc” với “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế như hiện nay.

Ngân hàng đang chờ doanh nghiệp "khỏe" để "tiêu"!

Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước đưa ra ngày 26/5 cho thấy, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tính 22/5 chỉ vào khoảng 2,29% và theo dự báo lạc quan của cơ quan này thì đến hết tháng 5, tăng trưởng có thể đạt mức 3%. Nhưng dù lạc quan thì cũng phải thấy rằng, con số tăng trưởng tín dụng 12% mà Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra hồi đầu năm hiện đã hết sức xa vời.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2013 của Chính phủ cho thấy, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Các giải pháp như miễn, giảm, giãn thuế… đã góp phần quan trong tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi…

Tuy nhiên, tại Bản báo cáo trên, Chính phủ cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, lãi suất tuy giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay còn hạn chế, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; thị trường và sức mua chuyển biến chậm… Và đây chính là mấu chốt của câu chuyện tắc vốn, bí đầu ra của dòng vốn vay mà các ngân hàng đang phải đối diện.

Ngân hàng cũng đang sợ tồn kho, sợ ế vốn… nhưng chẳng mấy doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu mà họ đặt ra. Hệ quả tất yếu thì ai cũng thấy rõ, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng là rất thấp so với mục tiêu đề ra trước đó. Và nếu không có đột biến trong thời gian tời thì chắc chắn, mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm 2013 sẽ thất bại!

Như chúng ta đã biết, khép lại năm 2012, “sức khỏe” của nền kinh tế nói chung và bản thân các doanh nghiệp nói riêng là hết sức yếu ớt. Minh chứng cho điều này là con số 58.000/370.000 doanh nghiệp đã phá sản trong năm này và đó thực sự là một con số rất đáng báo động đối với nền kinh tế.

Cùng với đó, nỗi ám ảnh về nợ xấu và xử lý nợ xấu cũng đang đè nặng các ngân hàng. Các ngân hàng rất muốn giải ngân nhưng lại không dám mạo hiểm với những rủi ro do chính sự yếu ớt của doanh nghiệp mang lại. Vì lẽ đó, không chỉ nền kinh tế, cộng đồng các doanh nghiệp mong mỏi các chính sách hỗ trợ kinh tế vĩ sẽ phát huy tác dụng, kinh tế khởi sắc, sản xuất, kinh doanh phục hồi tăng trưởng trở lại mà ngay chính các ngân hàng cũng đang từng ngày “cầu khấn” cho doanh nghiệp mau khỏe.

Theo cán bộ tín dụng của một ngân hàng có cỡ ở Hà Nội cho biết, thay vì chỉ tiêu huy động vốn, giờ nhiều ngân hàng đang “xua” nhân viên đi tìm đối tác đủ “khỏe”, đủ tin cậy để tiếp cận, để mời chào họ vay vốn.

Anh Tuấn Anh - giám đốc một Công ty xây dựng ở Hà Nội cho biết, cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản đóng băng, ế ẩm kéo doanh, tình hình tài chính của của Công ty là hết sức khó khăn. Vừa rồi, vất vả lắm mới ký nhận thi công được một công trình bên Bắc Ninh nhưng ngặt nỗi vì thiếu vốn nên chưa triển khai được. Vác hồ sơ đi vay khắp nơi nhưng chẳng được vì không đủ điều kiện cho vay.

"Họ đòi nào là phải có tài sản thế chấp, đòi bảo lãnh này, bảo lãnh kia... thì chúng tôi biết lấy đâu ra. Để duy trì hoạt động, để "cầm hơi" mà sống, có gì quý giá chúng tôi đã cầm, đã thế chấp cả rồi" - anh Tuấn Anh nói.

Nhìn lại thị trường tài chính, tiền tệ những tháng gần đây, người ta không quá khăn để bắt gặp sự nhiệt tình của các ngân hàng trong việc hưởng ứng các giải pháp hay lời kêu gọi hỗ trợ của Chính phủ giành cho nền kinh tế. Tại sao lại có hiện tượng này? Trong rất nhiều lý do thì câu chuyện sợ tồn kho, ế vốn có thể xem là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.

Như đã nói, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn hết sức khó khăn nên số doanh nghiệp đủ lực, đáp ứng được các tiêu chí cho vay của ngân hàng là rất ít. Vậy nên, ngân hàng nào cũng muốn nhanh chân giành lấy, thậm chí là “cướp” những mối làm ăn béo bở này. Thậm chí, theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước thì, có không ít ngân hàng thương mại đã cho vay với mức lãi suất chỉ 7 – 8%/năm đối với những doanh nghiệp đủ mạnh, có tiềm lực tài chính và dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Nói như vậy để thấy rằng, không chỉ có Chính phủ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tỏ ra sốt ruột với đà phục hồi của nền kinh tế mà ngay cả các ngân hàng cũng như đang “ngồi trên đống lửa”!

Thanh Ngọc