Nga xây dựng cơ chế “một cửa” để chống tham nhũng

11:00 | 25/01/2013

951 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chính phủ Nga đang thiết lập hàng nghìn trung tâm dịch vụ nhà nước đa chức năng (MFC) trên toàn quốc. Đây là chương trình thuộc loại “ưu tiên tuyệt đối” của chính phủ không chỉ giúp người dân dễ dàng làm thủ tục giấy tờ hơn mà còn loại bỏ những kẽ hở tham nhũng.

Hiện giờ ở Nga có khoảng 600 trung tâm cung cấp các dịch vụ công cộng theo cơ chế “một cửa”. Có nghĩa là ở những nơi nào có trung tâm kiểu này hoạt động, để làm thủ tục giấy tờ nào đó, người dân Nga sẽ không phải đến chầu cửa của rất nhiều cơ quan thẩm quyền để xin giấy chứng nhận hoặc các giấy trích lục. Tình trạng này làm phát sinh nạn tham nhũng: Vì muốn làm cho nhanh, người dân nhiều khi tuồn phong bì cho các quan chức.

Giờ đây, người dân chỉ cần đến một trung tâm MFC là sẽ được giải quyết vì những nhân viên làm việc ở đây có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu máy tính của các cơ quan khác nhau, sẽ tự thu thập thông tin liên quan và cung cấp tài liệu cần thiết. Rất nhanh chóng vì không có hàng rào cửa quyền nào. Nhờ vậy người dân cũng cảm thấy phấn chấn do không bị hao tổn tinh thần.

Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Medvedev coi dự án thiết lập hàng ngàn trung tâm MFC trên toàn quốc nằm trong danh sách những dự án được “ưu tiên tuyệt đối”

Liên quan tới dự án xây dựng các MFC, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đặc biệt nhấn mạnh: “Nhiều công dân có kinh nghiệm riêng trong tiếp xúc với các cơ quan có thẩm quyền. Kinh nghiệm này không phải lúc nào cũng tích cực. Người dân thường xuyên phải đối mặt với sự lơ là, dửng dưng, đôi khi đơn giản là sự bất nhã lỗ mãng của cán bộ làm giấy tờ. Đôi khi, thật đáng buồn, dân phải đối mặt với những thủ đoạn tống tiền và sự thiếu chuyên nghiệp. Trong lĩnh vực này phải làm mọi việc để trở thành một chính quyền thân thiện hơn, cởi mở và hiệu quả hơn đối với người dân. Và vì những lợi ích đó mà các trung tâm MFC được thành lập. Những xét đoán, nhận định của người dân về nhà nước và chính quyền sẽ phụ thuộc vào chất lượng công việc của trung tâm”.

Ông Dmitry Medvedev cho biết Chính phủ Nga đặt mục tiêu cho các quan chức đến cuối năm 2015, 90% người Nga phải có quyền sử dụng cơ chế “một cửa”. Thủ tướng Nga giao trách nhiệm thực hiện chương trình này cho lãnh đạo các khu vực. Theo ghi nhận, những vùng sâu vùng xa hay vùng nông thôn sẽ là những khu vực mà cơ chế dịch vụ “một cửa” được hoan nghênh nhất, nơi người dân trước giờ cần phải đi đến tận trung tâm huyện để làm sổ hưu hoặc nhận trợ cấp nuôi trẻ.

Mặc dù tồn tại một thực tế là những nơi nào cách đô thị lớn càng xa thì các cơ quan nhà nước được trang bị càng ít máy vi tính và tương tác giữa các hệ thống liên bang và khu vực càng yếu kém, tuy nhiên, hầu hết chính quyền những nơi này theo điều tra lại có vẻ đầy lạc quan. Ở một số vùng, các các trung tâm đa năng thí điểm đã hoạt động thành công. Người dân đã cảm thấy đây là cơ chế thuận tiện và bây giờ chính quyền địa phương không chỉ chịu áp lực “từ trên xuống”, mà cả áp lực từ phía người dân đang yêu cầu mở cửa rộng rãi các trung tâm MFC.

Dự án xây dựng cơ chế “một cửa” nằm trong chương trình tổng thể chống tham nhũng đang được chính quyền Nga quyết tâm thực hiện sau những bê bối gần đây mà đình đám nhất là vụ cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov ngày 6/11/2012 do dính dáng tới một vụ tham nhũng quy mô lớn trong quân đội.

Trong 2 năm qua, công tác điều tra tội phạm tham nhũng ở Nga đã động chạm đến hơn một nghìn nhân vật đang nắm các chức vụ trong các cơ quan chính quyền hoặc quân đội. 150 người trong số đó là các chuyên viên điều tra của Bộ Nội vụ, 42 người là công tố viên, 41 người là thành viên Ủy ban Bầu cử và có 11 vị thẩm phán. Cuộc chiến chống tham nhũng ở Nga đang tăng đà và đã mang lại những kết quả cụ thể.

Mới đây nhất, ngày 9/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất một dự luật để chống lại nạn thỏa thuận tỷ số trận đấu thể thao. Mục đích của dự luật là “ngăn chặn các ảnh hưởng bất hợp pháp đối với kết quả thể thao” ở tất cả các cấp. Trong số các loại tác động bị cấm có việc hối lộ vận động viên, trọng tài, huấn luyện viên, các nhà quản lý đội bóng, những người tham gia hoặc tổ chức của cuộc thi, nhận tiền, chứng khoán, bất động sản và các lợi ích khác.

Dự luật cấm các vận động viên, huấn luyện viên, thẩm phán, đội trưởng các đội thể thao và các đối thủ cạnh tranh khác tham gia cờ bạc và cá cược. Các tổ chức cá cược sẽ phải làm sổ đăng ký dữ liệu hộ chiếu tất cả các tay chơi cá cược trên mỗi lần đặt cược và cung cấp thông tin cho các liên đoàn thể thao.

S.Phương