Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Nga sẽ đưa vũ khí hạt nhân tới Crưm

10:04 | 12/03/2015

1,422 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để đáp lại những hành động khiêu khích liên tiếp từ phía NATO, Nga tuyên bố xem xét việc bố trí vũ khí hạt nhân tại bán đảo Crưm.

Nga sẽ đưa vũ khí hạt nhân tới Crưm

Nga khẳng định có quyền bố trí vũ khí hạt nhân tại Crưm

Trước khi tái sáp nhập về Nga tháng 3/2014, Crưm không thể là nơi lắp đặt hệ thống vũ khí hạt nhân vì Ukraina là một quốc gia không sở hữu vũ khí nguyên tử theo các cam kết quốc tế. Nay Crưm đã là một phần lãnh thổ của Nga thì chẳng có lý gì Moskva không thể không bố trí hệ thống vũ khí hạt nhân ở đây.

Ngày 11/3/2015, Hãng Interfax của Nga dẫn tuyên bố của một quan chức Bộ Ngoại giao Nga nói rằng chính quyền Moskva có quyền triển khai vũ khí nguyên tử tại Crưm.

Ông Mikhail Oulianov, Giám đốc Bộ phận chuyên kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga nói rằng: “Tôi không biết ở đó hiện có các loại vũ khí nguyên tử hay không. Tôi không hay biết về bất cứ kế hoạch nào, nhưng trên nguyên tắc, nước Nga có thể làm điều đó”.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga tuyên bố có quyền triển khai vũ khí hạt nhân tại Crưm. Tháng 12/2014, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã từng phát biểu tương tự khi trả lời Interfax. Theo ông Lavrov: “Crưm không phải là khu vực phi hạt nhân theo luật quốc tế, nhưng từng là một bộ phận của Ukraina, một quốc gia không sở hữu vũ khí nguyên tử (…) Nay Nga hoàn toàn có lý do để triển khai vũ khí hạt nhân, phù hợp với lợi ích của mình và các nghĩa vụ quốc tế”.

Theo các nhà quan sát, sở dĩ có việc Nga tái khẳng định việc triển khai vũ khí hạt nhân tại Crưm là nhằm đáp trả các hành vi gây hấn của NATO với Nga.

Ngày 10/3/2015, các nước NATO bao gồm Bulgaria, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Canada, Đức và Italia bắt đầu cuộc tập trận hải quân trên khu vực Biển Đen, nơi gần với bán đảo Crưm.

Cuộc tập trận này gồm có tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Vicksburg của Mỹ và các tàu chiến của 6 quốc gia còn lại. Cuộc tập trận trên do Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ, Thiếu tướng Brad Williamson chỉ huy. Mục tiêu cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng của hải quân các nước.

“Thông qua cuộc huấn luyện và các bài tập cùng với các nước đồng minh ở Biển Đen, chúng tôi đã chuẩn bị để đáp ứng bất cứ nhiệm vụ nào mà NATO yêu cầu đối với việc phòng thủ tập thể”, trang web của Bộ Tư lệnh Hải quân MARCOM dẫn lời ông Williamson.

Kể từ sau khi Crưm sáp nhập vào Nga, NATO đã tiến hành hàng loạt các cuộc diễn tập với các nước phía đông châu Âu nhằm trấn an các nước thành viên sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraina.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraina đang tiếp tục gia tăng. Thậm chí, phương Tây còn đang cân nhắc đến việc trừng phạt mạnh tay hơn đối với Nga.

Tất nhiên, Nga không “khoanh tay đứng nhìn” trước các cuộc tập trận rầm rộ này của NATO, nhất là khi việc tập trận lại diễn ra ở vùng biển địa chiến lược.

Hãng tin Nga Sputnik đưa tin, đáp lại cuộc tập trên của NATO, không quân Nga đã điều động các máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-30 tối tân cùng với máy bay ném bom Su- 24 theo sát lực lượng NATO.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã lên tiếng cảnh báo, các cuộc tập trận của NATO trên khu vực Biển Đen là hành động khiêu khích. Thế nhưng, NATO đã bỏ qua những lời cảnh báo này.

Hãng Ria Novosti dẫn lời quan chức Nga cho hay, việc Nga cử chiến đấu cơ theo sát cuộc tập trận của NATO nhằm mục đích huấn luyện một tập trận giả định trong trường hợp bị tấn công trên biển.

Với Nga, Biển Đen như là “mạn sườn” đặc biệt quan trọng. Cuộc sáp nhập Crưm vào Nga đã khiến vị thế chiến lược của Nga ở Biển Đen tăng lên đáng kể.

Vì Biển Đen gần với vùng Kavkaz và nằm ngay dưới các khu vực sản xuất dầu Tatarstan và Bashkorostan của Nga, NATO vẫn luôn có tham vọng muốn kiểm soát được khu vực Biển Đen để từ đó kiểm soát được huyết mạch năng lượng của Nga.

Trên thực tế, Biển Đen cũng cửa ngõ duy nhất vào Nga mà không phải qua Ba Lan và các nước Bắc Âu khác. Còn cảng Sevastopol của Crưm chính là cảng tự nhiên tốt nhất tại Biển Đen, với một vịnh được che chắn, cảng nước sâu, và mặt nước không bao giờ đóng băng. Trong tương lai, Nga còn có thể phát huy hơn nữa tiềm năng địa chính trị của bán đảo Crưm nói riêng và Biển Đen nói chung nhằm gia tăng, củng cố sức mạnh cho đất nước.

Nh.Thạch

tổng hợp