Nga lại “xoay” châu Âu bằng khí đốt?

07:00 | 28/06/2015

4,343 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Moskva đang phát tín hiệu cho thấy họ sẽ xúc tiến cả hai dự án hệ thống đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và mở rộng đường ống “Dòng chảy phương Bắc”, nhằm “dứt tình” với đường ống dẫn khí qua Ukraina vào năm 2019 - thời điểm hợp đồng hiện thời giữa Tập đoàn Khí đốt Gazprom (Nga) và Naftogaz (Ukraina) kết thúc. Một lần nữa, châu Âu lại “rối” lên vì các động thái của Nga.  

Năng lượng Mới số 434

6 tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến cả thế giới năng lượng ngạc nhiên khi tuyên bố ngừng thực hiện Dự án xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Nam” (South Stream) dẫn khí đốt từ Nga sang Trung và Nam Âu qua Biển Đen đã được Moskva ấp ủ, hao tâm tốn kém cả một thời gian dài, để đặt hyvọng vào một dự án mới: “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (Turkish Stream).

Giống như “Dòng chảy phương Nam”, “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” được định hướng sẽ vận chuyển 63 tỉ m3 khí đốt mỗi năm qua Biển Đen, tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu ở điểm kết nối Hy Lạp, mà hoàn toàn không qua hệ thống đường ống dẫn nằm trên lãnh thổ Ukraina.

Nga lại “xoay” châu Âu bằng khí đốt?

Các tuyến dẫn khí đốt hiện tại từ Nga sang châu Âu

Cụ thể, phần chạy qua Biển Đen của “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ được xây dựng thành 4 chuỗi, mỗi chuỗi có công suất vận chuyển 15,75 tỉ m3 khí/năm. Phần đường ống chạy dọc theo hàng lang cũ của “Dòng chảy phương Nam” dự kiến dài 660km. Tiếp theo đó là phần đường ống dài 250km theo hướng phần châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ (hàng lang mới). Khí đốt cung cấp qua chuỗi đầu tiên của hệ thống được thiết kế để đáp ứng hoàn toàn cho nhu cầu đang tăng của thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện Ankara đã cho phép Gazprom tiến hành công việc khảo sát kỹ thuật trong hải phận của mình để thực thi dự án. Ngoài ra, Hy Lạp và Nga hôm 24/6 cũng đã ký một biên bản ghi nhớ về việc cho phép đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” dẫn khí đốt của Nga chạy qua lãnh thổ Hy Lạp tới châu Âu.

Tuy nhiên, “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” không phải nỗ lực duy nhất của Moskva nhằm loại bỏ Ukraina ra khỏi lộ trình dẫn khí đốt của mình sang châu Âu.

Tại Diễn đàn kinh tế St. Petersburg 2015 vừa diễn ra mới đây, Gazprom đã bất ngờ ký một loạt biên bản ghi nhớ về hợp tác với các công ty khí đốt của phương Tây, gồm E.ON (Đức), Shell (Anh - Hà Lan) và OMV (Áo) xây dựng 2 đường ống dẫn khí bổ sung dọc theo hệ thống đường ống “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream), đưa khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic. Dự án này cho phép nâng gấp đôi công suất dẫn khí của “Dòng chảy phương Bắc” từ 55 tỉ m3 khí/năm lên 110 tỉ m3/năm.

Nói việc Gazprom tỏ ý định xúc tiến mở rộng Dự án “Dòng chảy phương Bắc” là bất ngờ, bởi từ trước, đã có nhiều nguồn tin khẳng định rằng “gã khổng lồ” khí đốt của Nga đã hủy bỏ kế hoạch này do tình hình chính trị phức tạp giữa Moskva và EU. Mặt khác, việc các công ty của châu Âu ký kết các thỏa thuận hợp tác mới với Gazprom không chỉ cho thấy họ đã “phớt lờ” lệnh cấm vận mà EU áp đặt chống Nga, mà còn đi ngược lại với những nỗ lực “cai” năng lượng của Nga và tạo ra một liên minh năng lượng mạnh mẽ dựa trên sự hợp tác chặt chẽ hơn và chia sẻ vật tư sẵn có giữa 28 thành viên của EU. Hôm 23/6, EU cho biết sẽ xem xét thận trọng về việc này, đồng thời khẳng định họ sẽ tiếp tục làm việc với Ukraina như là “một quốc gia quá cảnh đáng tin cậy lớn”.

Việc Nga phát tín hiệu xúc tiến cả hai dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và “Dòng chảy phương Bắc” mở rộng cho thấy Moskva rõ ràng không có ý định từ bỏ vị thế của mình tại thị trường châu Âu, cho dù vẫn đang chuyển hướng và thúc đẩy mở rộng thị trường sang châu Á.

Thương mại khí đốt Nga - EU hiện nay là dựa trên 3 trục chính: hệ thống đường ống “Dòng chảy phương Bắc”, các đường ống dẫn nối bán đảo Yamal- châu Âu thông qua Belarus và hệ thống đường ống chạy qua lãnh thổ Ukraina. Trong 3 tuyến đường đó, chỉ có hệ thống vận chuyển khí đốt ở Ukraina là Gazprom không kiểm soát được.

Gazprom đã khẳng định nhiều lần rằng, họ sẽ chấm dứt việc vận chuyển khí đốt quá cảnh qua Ukraina vào cuối thập niên này. Tuy nhiên, các tuyến đường thay thế hiện tại (Dòng chảy phương Bắc và Yamal - châu Âu) chỉ đảm đương được khối lượng vận chuyển là 86,5 tỉ m3 khí mỗi năm. Trong khi đó, để duy trì kim ngạch xuất khẩu khí đốt hiện tại của Nga (khoảng 119 tỉ m3 khí vào năm 2014) thì cần bổ sung ít nhất là 35 tỉ m3 công suất đường ống nữa.

Mặt khác, thực tế, năng lực hiện tại của các đường ống “Dòng chảy phương Bắc” và Yamal - châu Âu đang không được khai thác triệt để do tranh chấp về chế độ kiểm soát đường ống dẫn OPAL ở Đức (phần đường ống chạy trên mặt đất kết nối “Dòng chảy phương Bắc” với các thị trường châu Âu). Gazprom kỳ vọng tận dụng tối đa 100% công suất đường ống, nhưng điều này lại xung đột với một đạo luật của EU nhằm ngăn chặn các nhà cung cấp năng lượng kiểm soát độc quyền cả cơ sở hạ tầng.

Do đó, “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (với công suất vận chuyển 49 tỉ m3 khí/năm chỉ riêng cho thị trường châu Âu, không tính Thổ Nhĩ Kỳ) và “Dòng chảy phương Bắc” mở rộng sẽ cho phép Nga loại bỏ hoàn toàn Ukraina ra khỏi bản đồ khí đốt của mình. Nhưng Moskva sẽ phải cân nhắc thế nào giữa “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và “Dòng chảy phương Bắc” mở rộng?

Có 3 kịch bản có thể xảy ra:

Kịch bản thứ nhất: “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” chỉ cho Thổ Nhĩ Kỳ và “Dòng chảy phương Bắc” cho EU. Trong kịch bản này, Nga sẽ nhắm mục tiêu xây dựng chuỗi đầu tiên của “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” để vận chuyển 14 tỉ m3 khí mỗi năm cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hệ thống đường ống Trans-Balkan (qua Ukraina, Moldova, Romania và Bulgaria) vào năm 2016, như đã đồng ý ở Ankara gần đây. Điều này sẽ cho phép Nga vốn hóa những khoản đầu tư đã được thực hiện trong “Hành lang phía nam nước Nga” và tận dụng các đường ống dang dở của hệ thống “Dòng chảy phương Nam” đã lắp đặt ở cảng Varna, cũng như các tàu rải đường ống đã được triển khai ở Biển Đen. Nhưng nếu tính đến các rào cản pháp lý và tài chính đối với việc vận chuyển khí đốt qua “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đến các thị trường đích ở châu Âu, Nga có thể sẽ từ bỏ kế hoạch cung cấp khí đốt cho châu Âu qua hệ thống đường ống này và thay vào đó, sẽ đầu tư nhiều hơn cho việc mở rộng “Dòng chảy phương Bắc” để bán được nhiều khí đốt hơn cho châu Âu.

Kịch bản thứ hai: “Dòng chảy phương Bắc” mở rộng sẽ là một con bài mặc cả để thúc đẩy “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Trong kịch bản này, Nga sẽ đề nghị mở rộng “Dòng chảy phương Bắc” để có một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp nhằm nhanh chóng thúc đẩy phát triển dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đầy đủ và đảm bảo các điều kiện thương mại tốt hơn cho phía Moskva. Điều này sẽ cho phép Gazprom tránh bị “lún” vào các cuộc tranh cãi về chế độ kiểm soát đường ống OPAL và có thể vận chuyển khí đốt trực tiếp đến các thị trường ở Nam Âu. Bằng cách này, Gazprom sẽ có khả năng bán khí đốt cho Nam Âu mà không bị phụ thuộc và phần đường ống bắc - nam mở rộng theo quy định của EU, cũng như một số khác biệt về giá khí đốt Gazprom bán cho thị trường phía bắc và Nam châu Âu có thể vẫn được duy trì.

Kịch bản cuối cùng: Đường ống dẫn khí chỉ là chiêu bài chính trị và không có thực. Trong kịch bản này, Nga không có ý định phát triển Dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đầy đủ (mà chỉ xây dựng chuỗi đầu tiên cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ) hay mở rộng “Dòng chảy phương Bắc”. Đây là động tác giả của Moskva nhằm chia rẽ các nước trong EU trong thời điểm khối này đang kiên trì lập trường cứng rắn chống lại Nga do những bất đồng giữa hai phía trong cuộc khủng hoảng Ukraina.

Bằng cách này, Moskva sẽ tạo sự chia rẽ giữa các nước phía bắc và phía nam EU (Đức ưa chuộng “Dòng chảy phương Bắc”, Ý và Hy Lạp hứng thú với “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”); giữa EU và các nước thành viên (những nước bị ảnh hưởng lợi ích do việc Brussels vì cố gắng đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, giảm dần, thậm chí triệt tiêu sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, mà ép họ không được hợp tác với Moskva, chẳng hạn như Bulgaria) và giữa chính phủ với các công ty năng lượng ngay trong các nước EU.

Linh Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc