Nga lại khiến Mỹ tức "hộc máu"

10:03 | 17/04/2016

5,500 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỹ lại vừa la làng lên rằng một máy bay trinh sát của họ bị một máy bay Nga bay lộn vòng sát qua trên vùng biển Baltic. Vụ việc diễn ra chỉ vài ngày sau khi Washington cáo buộc Nga cho máy bay SU-24 áp sát tàu chiến của họ cũng ở biển Baltic.
tin nhap 20160417095524

Mỹ tố chiến đấu cơ Su-27 của Nga (phía trên) chặn máy bay do thám RC-135 của nước này trên không phận biển Baltic

Hãng tin CNN trích dẫn lời của Bộ tư lệnh US European Command cho biết hôm 16/4 rằng máy bay Nga lạng qua chỉ cách đầu cánh phi cơ Mỹ trong khoảng hơn 16 mét.

Theo ông Danny Hernandez, phát ngôn viên của European Command, chiếc SU-27 của Nga phóng từ phía trái của chiếc RC-135 của Mỹ lộn vòng lên trên rồi lao qua bên phải.

Ông Hernandez nói, chiếc RC-135 “bị chiếc SU-27 nghênh cản một cách không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” và thêm rằng máy bay Mỹ không hề bay vào không phận của Nga.

“Hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp của phi công Nga là sự leo thang căng thẳng không cần thiết giữa hai nước” và rằng Mỹ đang phản đối vụ này với chính phủ Nga, theo ông Hernandez.

RC-135 là phiên bản quân sự hóa và nâng cấp từ máy bay Boeing 707, có khả năng thu thập thông tin tình báo, bao gồm cả hình ảnh và giám sát hạt nhân cũng như thực hiện các hoạt động gián điệp điện tử.

Vụ tiêm kích Su-27 chặn RC-135 xảy ra chỉ 4 ngày sau vụ việc chiến đấu cơ Su-24 và trực thăng Ka-27 của Nga liên tục bay áp sát tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ ở biển Baltic trong hai ngày 11-12/4. Trong khi đó, Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng động thái này là gây hấn.

Việc chạm trán giữa máy bay quân sự Nga với tàu chiến Mỹ trở nên ngày càng thường xuyên hơn trong thời gian gần đây.

Hồi tháng 10/2015, các phản lực cơ Mỹ nghênh cản hai máy bay Tu-142 của Nga, khi chúng bay gần hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan trên Thái Bình Dương.

Trong một biến cố khác vào tháng 6/2015, một chiếc SU-24 của Nga bay chỉ cách một khu trục hạm Mỹ chừng 500 mét, khi nó đang chạy trên biển Hắc Hải, gần Crimea. 

H.Phan

Theo AFP. AP, Reuters, CNN