Cuộc bầu cử tại Cộng hòa tự trị Crimea và khủng hoảng chính trị tại Ukraina:

Nga không tiếc nuối nếu bị loại khỏi G8

05:00 | 20/03/2014

967 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 17/3, Hãng ABC News đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đã cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý ở Cộng hòa tự trị Crimea hôm 16/3 là bất hợp pháp và đang từng bước tăng cường các biện pháp chống lại Nga.

Năng lượng Mới số 305

Cũng trong ngày 17/3, Ngoại trưởng các nước thành viên EU xem xét có áp đặt phong tỏa tài sản và cấm vận visa đối với Nga. Còn theo tờ Tấm gương, trong ngày 17/3, lãnh đạo Cộng hòa tự trị Crimea cử một phái đoàn tới Nga để thương đàm cụ thể việc sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Nga. Thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov cho biết, trước khi các đại diện của Crimea tới Nga, Quốc hội Crimea ở Simferopol sẽ nhóm họp để thảo luận về vấn đề này. Và chính quyền khu vực này chính thức nộp đơn xin sáp nhập vào Liên bang Nga trong ngày 17/3.

Người dân bỏ phiếu ở Bakhchysarai, miền Nam Crimea ngày 16/3

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, đồng rub của Nga có thể được đưa vào lưu thông song song với đồng hryvnia của Ukraina trên bán đảo Crimea trong một giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu từ ngày 18 hoặc 19/3, nếu Cộng hòa tự trị này quyết định gia nhập Nga. Trước đó (16/3), hàng nghìn người dân Crimea đã đổ xuống đường ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý khi đa số cử tri Crimea ủng hộ việc bán đảo này tách khỏi Ukraina và hợp nhất với Nga.

Hãng Itar-Tass dẫn lời ông Mikhail Malyshev, Trưởng ban Tổ chức trưng cầu dân ý Crimea, tính đến 15 giờ ngày 16/3 (theo giờ địa phương), số đơn đăng ký đã đạt khoảng 64% tổng số cử tri và đây là con số cao kỷ lục. Và theo Hãng RIA của Nga, có tới 93% cử tri Crimea ủng hộ khu vực này trở thành một bộ phận của Nga, bất chấp việc giới chức mới lên cầm quyền ở Kiev và một số quốc gia như Mỹ, phương Tây coi sự kiện này là bất hợp pháp. Ngày 16/3, Tổng thống tạm quyền Ukraina Oleksandr Turchynov đã kêu gọi người dân Crimea tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Sự thật Thanh niên (Nga), ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho biết, Tổng thống Putin không hề tiếc nuối việc các đối tác G-8 loại Nga ra khỏi nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới, nếu đây là biện pháp trừng phạt Moskva sáp nhập Cộng hòa tự trị Crimea. Tuyên bố này xuất hiện sau khi tờ Tấm gương của Đức cho rằng, nếu Tổng thống Putin không lùi bước trong cuộc khủng hoảng ở Crimea, Berlin sẽ hủy cuộc tham vấn Đức - Nga dự kiến diễn ra trong tháng 4 ở thành phố Leipzig, Đức và nhóm G8 đã sẵn sàng cho một hội nghị mà không có Nga. Và Anh đã đề xuất chọn London là địa điểm họp thay thế cho Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra tại thành phố Sochi, Nga vào tháng 6 tới và điều này đã được Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada, Italia và Pháp ủng hộ.

Về phần mình, trong cuộc điện đàm hôm 16/3 với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, Washington bác bỏ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea và cảnh cáo, Mỹ đã sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moskva do cuộc khủng khoảng này. Nhưng ông Obama vẫn nói với ông Putin rằng, cuộc khủng hoảng này vẫn có thể được giải quyết một cách hòa bình, nhưng quân đội Nga cần dừng ngay hành động "xâm phạm" Ukraina. Hãng AFP dẫn lời Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain kêu gọi hỗ trợ quân sự quy mô lớn cho Ukraina, đồng thời cảnh báo các hành động của Nga tại quốc gia này có thể khiến Mỹ và đồng minh áp dụng các biện pháp chưa từng có tiền lệ.

Cũng trong ngày 16/3, Ngoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm về cuộc khủng hoảng ở Ukraina và đều đồng ý tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraina phải thông qua cải cách hiến pháp ở nước này. Cũng trong cuộc điện đàm, ông Sergei Lavrov kêu gọi Washington sử dụng ảnh hưởng của mình để tác động tới chính quyền Kiev để có biện pháp chấm dứt các hành động "vô luật pháp tùy tiện" chống lại cộng đồng nói tiếng Nga.

Hãng Reuters đưa tin, Tổng thống Putin đã điện đàm với Thủ tướng Đức Merkel về cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea. Và trong cuộc điện đàm, ông Putin tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh, Moskva sẽ tôn trọng lựa chọn của người dân Crimea. Tổng thống Putin cũng bày tỏ quan ngại về căng thẳng tại các khu vực nói tiếng Nga ở miền Nam và Đông Nam Ukraina. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) sẽ có phản ứng mạnh mẽ với Nga liên quan tới cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea. Theo ông Frank-Walter Steinmeier, tình hình hiện nay ở Crimea "rất nguy hiểm", đồng thời kêu gọi các bên liên quan nỗ lực tránh leo thang thêm căng thẳng. Phát biểu trên tờ Tấm gương ngày 16/3, Bộ trưởng Quốc phòng tạm quyền Ukraina Ihor Tenyukh đã hoài nghi về nguy cơ leo thang quân sự trong cuộc xung đột với Nga xung quanh vấn đề Crimea. Trong khi đó Đài Tiếng nói nước Nga cho biết, Kiev đang tích cực chuyển thiết bị quân sự tới biên giới phía Đông Ukraina và ông Ihor Tenyukh vẫn khẳng định, Ukraina không có ý định rút quân đội khỏi Crimea bất chấp việc Nga tăng cường lực lượng tại bán đảo này lên 22.000 quân.

Chiều 16/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso tuyên bố, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea về việc tách khỏi Ukraina để sáp nhập vào Nga là bất hợp pháp và không chính đáng, đồng thời khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẽ không công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu này. Và trong một tuyên bố chung, ông Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cũng kêu gọi Nga giảm quân tại Crimea xuống mức trước khủng hoảng và rút về những khu vực triển khai thông thường. Cũng trong ngày 16/3, lãnh đạo nhóm cực hữu dân tộc cực đoan, ông Dmitry Yarosh, đã đe dọa phá hủy đường ống dẫn khí đốt của Nga trên lãnh thổ Ukraina nếu giải pháp ngoại giao không đạt được với Moskva; đồng thời kêu gọi những người ủng hộ cầm vũ khí chống lại Nga.

Anh-Trang-Cường