Nga đưa vào trực chiến hệ thống cảnh báo tên lửa sát biên giới EU

08:29 | 30/11/2011

370 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 29/11, Nga đã đưa vào trực chiến hệ thống cảnh báo tên lửa "VoronezhDM" đặt tại tỉnh Kaliningrad, sát biên giới Liên minh châu Âu (EU), một động thái đáp trả kế hoạch của phương Tây mở rộng Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ (NMD) sang châu Âu.

Ảnh minh họa

Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang LB Nga, ông Dmitry Medvedev, đang có chuyến làm việc tại tỉnh Kaliningrad, đã trực tiếp ra lệnh đưa trạm rađa "Voronezh-DM” vào trực chiến.

Các hãng tin Nga dẫn lời Tổng thống Nga Medvedev, nói rõ trạm rađa "Voronezh-DM” sẵn sàng trực chiến ngay lập tức. Ông Medvedev bày tỏ hy vọng các đối tác của Nga sẽ coi việc kích hoạt trạm rađa này là tín hiệu cho thấy Moscow sẵn sàng đáp trả thích đáng những mối đe dọa mà lá chắn tên lửa của phương Tây gây ra đối với các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Ông khẳng định nếu tín hiệu này không được lắng nghe, Nga sẽ triển khai các biện pháp phòng vệ khác, bao gồm các biện pháp đáp trả cứng rắn và các lực lượng tấn công.

Tuần trước, Tổng thống Medvedev đã cảnh báo Nga sẵn sàng triển khai tên lửa Iskander có tầm bắn tới 500 km ở Kaliningrad, giáp với 2 nước thành viên EU là Ba Lan và Latvia. Ông Medvedev nhấn mạnh Nga không còn hài lòng với những tuyên bố bằng miệng của phương Tây rằng lá chắn tên lửa của Mỹ không nhằm vào Nga, vì những tuyên bố này không thể đảm bảo cho các lợi ích của Nga. Vì thế, Nga cần nhiều hơn những lời hứa sáo rỗng từ phương Tây để giải quyết tranh cãi này. Tuy nhiên, ông khẳng định Nga sẵn sàng lắng nghe nếu phương Tây áp dụng các biện pháp khác và việc kích hoạt hệ thống "Voronezh-DM” không có nghĩa là Nga đóng cánh cửa đối thoại với Mỹ về phòng thủ tên lửa.

Rumani và Ba Lan đã đồng ý cho phép triển khai bộ phận NMD trên lãnh thổ 2 nước này. Mỹ khẳng định bộ phận phòng thủ này nhằm mục tiêu vào những nước phương Tây coi là "cứng đầu” như Iran, nhưng Moscow cho rằng hệ thống này cũng nhằm vào các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.

Kiến Văn (Theo AFP)