Những cuốn sách gây bức xúc của Nhã Nam

07:00 | 25/04/2013

37,041 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Không chỉ có “Những thứ họ mang”, Nhã Nam còn cho ra đời nhiều cuốn sách khác có nội dung gây tranh cãi, bức xúc lớn trong dư luận.

>> Thảm họa dịch thuật trong “Những thứ họ mang”?

Dư luận đang phản ứng gay gắt với cuốn sách “Những thứ họ mang” do Nhã Nam (tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam) phối hợp cùng NXB Văn học ấn hành, cuốn sách được dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ từ tập truyện ngắn nổi tiếng “The Things They Carried” của nhà văn Mỹ Tim O’Brien. Trong cuốn sách này có nhiều câu dịch bị lên án là quá tục tĩu, điển hình như câu: “Con mặt l** ngu đ** bao giờ trả lời.”… Nhiều người kêu gọi Nhã Nam nên thẩm định lại cuốn sách này. 

Tuy nhiên đây không phải là cuốn sách đầu tiên của Nhã Nam bị dư luận phản ứng. Trước đó phải kể đến đó là cuốn sách tập hợp những thành ngữ cải biên được minh họa bằng tranh của họa sĩ Thanh Phong, cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” được ra mắt năm 2011 và không lâu sau đó bị ngưng phát hành và phải thu hồi. Thế nhưng vừa qua, cuốn sách này tiếp tục được Nhã Nam ra mắt với dạng tái bản có sửa chữa, bổ sung với tên gọi là “Phê như con tê tê”.

Một bức tranh nhảm gây bức xúc trong cuốn "Phê như con tê tê"

Vì sao người ta nặng lòng với cuốn sách này đến vậy mặc dù nó đã bị phản ứng, thu hồi một lần? Phải chăng đó chính là vì dù bị dư luận lên án nhưng quyển sách thu hút đọc giả thật sự và như thế khi xuất bản, cuốn sách dễ dàng thành công nếu tính về mặt thương mại? Sự thật thì “Phê như con tê tê” đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là đọc giả trẻ dù số người lên án là không ít.

Nếu xét về mặt nội dung thì quyển sách này có ý nghĩa gì? Nhiều ý kiến cho rằng những câu thành ngữ cải biên như: “Phê như con tê tê”, “chán như con gián”, “đẹp trai có gì sai”, “Lớn phải có lông nách, sống phải có tư cách”... là nhảm nhí, không có giá trị giáo dục đạo đức; đó là chưa kể rất nhiều câu thành ngữ cải biên vô duyên, vô nghĩa.

Thậm chí, khi lần đầu xuất hiện, quyển “Sát thủ đầu mưng mủ” còn bị một tờ báo lớn giật tít là “Sách đại tào lao” để lên tiếng chỉ trích sách là sự độc hại của ngôn ngữ, góp phần làm méo mó tiếng Việt, ảnh hưởng tới nhận thức của giới trẻ.

Nhiều người đồng tình với quyển sách này thì lên tiếng rằng dẫu những thành ngữ cải biên đó không có giá trị giáo dục đạo đức, đôi khi nhảm nhí, vô nghĩa nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là nó đã trở thành một phần của đời sống của giới trẻ hiện tại, dù có muốn hay không thì chúng vẫn cứ tồn tại.

Không ai có thể phủ nhận sự thật đó, nhưng thiết nghĩ ngay cả khi những câu nói này đã được phổ biến trong đời sống giới trẻ, trên đường phố nhưng việc nó được xuất bản thành sách sẽ góp phần gây ngộ nhận cho giới trẻ rằng đây là chuẩn mực… Đó là điều thật sự nguy hiểm!

Không chỉ có “sát thủ” hay “tê tê” bị phản ứng, tháng 3 vừa qua Nhã Nam cũng cho ra mắt một cuốn sách gây bức xúc trong dư luận. Đó là cuốn “Chuyện ở nông trại” hay “Trại súc vật”, tên tiếng Anh trong nguyên bản là “Animal Farm”, đây là một tiểu thuyết trào phúng của nhà văn Anh George Orwell. 

Cuốn "Trại súc vật" bị cấm lưu hành ở các quốc gia theo chủ nghĩa xã hội

 “Chuyện ở nông trại” kể về một cuộc cách mạng ở trang trại của ông chủ Jones, một người hà khắc, cai trị súc vật trong trại như nô lệ, bắt chúng cần mẫn làm nhưng không được ăn uống no đủ.

Một ngày kia, từ giấc mơ của một chú lợn già mang tên Ông Cả, dưới sự lãnh đạo của hai chú lợn trẻ là Tuyết Cầu và Nã Phá Luân, tất cả súc vật trong trang trại đã đứng lên, đuổi hết con người ra khỏi trang trại và lập nên vương quốc của riêng mình, lấy tên “Trại súc vật”. Từ đó, lũ súc vật được làm chủ cuộc sống của chúng, được lao động và hưởng thành quả lao động của mình... Thế nhưng, dần dà, nội bộ các con vật trang trang trị lại nảy sinh mâu thuẩn lớn, xuất phát từ chuyện lợi ích riêng. Thế là những cuộc đấu tranh, thanh trừng nội bộ đã xảy ra.

“Trại súc vật” lại đi đúng vào vết xe đổ trước kia, chỉ có điểm thay thế duy nhất là Nã Phá Luân - 1 trong 2 chú lợn cầm đầu cuộc khởi nghĩa đã làm hại đồng đội của mình và biến thành một ông chủ Jones dưới phiên bản mới - chú lợn có thể đi trên hai chân.

Điều đặc biệt là tiểu thuyết “Trại súc vật” của George Orwell từ nhiều năm nay đã bị đánh giá như một tác phẩm chứa rất nhiều luận điểm sai trái về chủ nghĩa xã hội và nó bị cấm lưu hành ở những quốc gia theo tư tưởng này. Vì thế, mặc dù tiểu thuyết này được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 cuốn sách hay nhất bằng tiếng Anh ở thế kỷ XX nhưng với một đất nước như Việt Nam, việc ấn hành “Trại súc vật” đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận. Đương nhiên trách nhiệm thuộc về công ty Nhã Nam.

Có thể nói hiện nay có rất nhiều cuốn sách đang “đầu độc” văn hóa đọc bằng những nội dung, ngôn từ, hình ảnh không phù hợp; nhiều quyển nếu không mang tính khiêu dâm thì là tục tĩu, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục người Việt. Nhưng, lỗi tại ai?

Lỗi đầu tiên là ở tác giả khi đặt bút viết, dịch ra những trang sách như thế. Song, lỗi lớn hơn ở các NXB, họ là người đã quyết định cho những trang sách ấy được phổ biến đến người đọc, có thể với hai lý do quan trọng nhất. Một là vấn đề lợi nhuận bởi những yếu tố tục tĩu, sex, sốc… là những thứ có thể tạo ra dư luận để dễ bán. Hai là NXB thiếu chuyên nghiệp, không đủ trình độ chuyên môn để biên tập, thẩm định giá trị một cuốn sách trước khi cho ra đời.

Trúc Vân