Đêm Sài Gòn (Kỳ 1)

07:00 | 17/03/2014

3,022 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lúc về khuya, trên các con đường vắng tiếng còi xe, có bao nhiêu người lấy đêm làm ngày. Đô thị lớn nhất nước có một diện mạo khác hẳn. Bên cạnh những cuộc vui suốt sáng, những trận cười thâu đêm có mấy ai nghĩ đến những mảnh đời trôi dạt.

Góc khuất giữa ngàn sao

23 giờ, chúng tôi có mặt trên đường An Bình (Q5). Dọc theo bờ tường Bệnh viện An Bình, khoảng gần 10 người ngồi bệt dưới đất dựa lưng vào tường. Bên cạnh họ, những chiếc xe đạp trên đó có những bao tải căng phồng, hàng hóa lỉnh kỉnh. Một người đàn ông lấy từ trong giỏ một sợi xích ngắn choàng vào bánh xe khóa lại. Sau đó, ông trải một tấm bạt cũ cạnh chiếc xe của mình ngả lưng ngủ. Đảo qua một vòng rồi quay trở lại, đã có nhiều người nằm xuống. Dường như đây là nơi trú chân của họ sau một đêm dài vất vả. 

Một chị còn thức. Bên cạnh chị, đứa con nhỏ đã vùi say. Chị kéo vội tấm chăn đắp cho đứa bé. Trời về khuya trở lạnh. Những ngọn gió từ dưới kênh Tàu Hủ thổi lên cộng với sương đêm làm chị rùng mình. Chúng tôi ghé vào và hỏi: “Sao chị không về nhà mà ngủ ở đây?”. Đôi mắt chị chợt buồn: “Có nhà đâu mà về hở anh? Tui từ Phú Yên vào đây sau trận bão thổi bay mất căn nhà. Ruộng đất không có, chỉ làm công buổi mai ăn buổi chiều lấy tiền đâu dựng lại. Thế là vợ chồng đùm túm vào đây”. 
 


Ga Sài Gòn rạng sáng 

Chị kể tiếp: “Ban ngày tui đi bán vé số. Lê lết khắp các nẻo đường giỏi lắm cũng kiếm được 100 nghìn đồng. Chồng tui cưỡi xe đạp đi rong khắp phố phường bới tìm phế liệu. Hôm nào gặp may kiếm cũng được vài trăm, không thì vài chục. Thương nhất là thằng con tui. Tui đi đâu nó theo đó. Sáu tuổi rồi nhưng nó vẫn chưa đến trường được. Ngủ đầu đường ăn xó chợ, trường nào nhận cháu?”. Người phụ nữ chưa đến tuổi 40 nhưng gương mặt nhuộm nhiều nắng gió. Thằng bé đang ngủ, nét mặt nó ngây thơ chưa vướng chút bụi trần. Cả hai mẹ con suốt ngày lang thang khắp các nẻo đường để mưu sinh nhưng phía trước chỉ là một tương lai mù mịt.

Một tiếng kêu với: “Em ơi ngủ đi, mai còn đi bán nữa”. Người đàn ông nằm gần đó chợt thức giấc nhìn chị. Chị ngả lưng xuống tấm bạt và chúng tôi chia tay chị.

Dọc vách tường của Bệnh viện An Bình ngoài hai vợ chồng này còn có biết bao nhiêu mảnh đời cơ nhỡ khác. Mái hiên này là nơi trú chân, nơi ôm ấp những con người kém may mắn. 

Đã hơn 24 giờ nhưng ở một bãi rác cạnh bồn hoa ở chỗ giao nhau của hai con đường Trần Phú và An Bình, một gia đình gồm hai vợ chồng và hai đứa con trai vẫn miệt mài. Ngồi trên lề bồn hoa, cả bốn người đang phân loại những thứ đã nhặt được từ bãi rác. Vỏ lon bia, một chai nhựa móp méo, vài cọng sắt cong queo. Những thứ ấy từ trong những gia đình ấm êm không còn hữu dụng thải ra nhưng lại góp phần nuôi sống những con người lam lũ.

Những chiếc bao đầy ắp phế liệu được dựng một bên. Hết bao này đến bao khác. Nhìn họ làm việc không ngơi nghỉ dưới màn đêm, chúng tôi thấy xót xa cho thân phận con người. Người đàn ông cho biết, họ phải hoàn tất công việc của mình trước 1 giờ sáng vì sau đó bãi rác được dọn sạch.   
 


Nhóm xích lô trên lề đường 3 Tháng 2

Tìm hiểu sơ về gia đình này, chúng tôi được biết họ đến từ miền Tây. Trước đây, cả nhà theo ghe thương hồ đi khắp các vùng sông nước bán buôn. Một tai nạn ập đến. Người cha không còn khả năng lao động. Cuộc sống lâm vào ngõ cụt. Cả gia đình kéo lên thành phố, về đây mưu sinh từ những thứ mọi người bỏ đi. Hai cậu con trai, một đứa 13, một đứa 15 tuổi, đã cùng mẹ cha hàng ngày lầm lũi kiếm ăn. Cả hai đã bỏ học khi vừa hết tiểu học. Sau buổi làm việc xuyên đêm này, những sản phẩm thu được họ dồn về một chỗ chờ đến sáng chở đến vựa phế liệu. Những đồng tiền kiếm được liệu có phục hồi được sức khỏe sau một đêm thức trắng? Nhưng dẫu sao, những đồng tiền “sạch” này cũng giúp họ qua được cơn bĩ cực. 

Rời khỏi nơi đây đã 1 giờ sáng. Phía bên kia đường là một quán nhậu, nhiều thực khách đang nghiêng ngả. Những chiếc ly đầy ắp bia, những chai, lon bia nằm lăn lóc dưới bàn và những con người mặt đỏ gay tiếp tục uống. Những đĩa thức ăn nguội lạnh dửng dưng. Một sự tương phản đến tận cùng. 

Chúng tôi vòng qua chợ An Đông. Dưới trạm xe buýt trên đường Hùng Vương đối diện chợ, nhiều người đang ngủ say. Họ là công nhân bốc xếp, là bạn hàng chờ hàng đêm khuya. Những tấm chăn mỏng không ôm hết hình hài. Gió lộng từ xa thổi về xua đi dàn muỗi đang chích vào thịt da. Một chị bán thuốc lá gần đó cho biết, những người này đã làm việc đến 24 giờ và ngủ đến 4 giờ sáng làm việc lại. Công việc nặng nhọc nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. 

Trở về đường 3 Tháng 2, cạnh một công trình đang xây dựng gần đường Hàn Hải Nguyên, một dãy xích lô đang đậu trên lề. Trên mỗi chiếc xe là một người đang ngủ. Giấc ngủ của họ xem ra vô cùng nặng nhọc. Chợt nhìn thấy đóm lửa lóe lên. Điếu thuốc trên môi người đàn ông từ trong xích lô tỏa ra làn khói mong manh. “Sao bác không ngủ nữa đi?” - chúng tôi hỏi. Rít thật sâu, ông già gần bảy mươi tuổi nhả ra luồng khói thuốc ập vào làm mắt tôi cay xè, nói: “Già rồi không ngủ nhiều được anh ơi. Sớm hay muộn gì cũng 3 giờ sáng là thức”.

Ông cho biết quê ông ở Long An, có nhà cửa nhưng không ruộng vườn. Vợ ông bị bệnh nằm một chỗ từ nhiều năm nay. Nguồn sống của gia đình bây giờ chỉ trông vào ông. Hôm nào có mối nhiều thì còn đỡ. Lại thêm vào nghề xích lô bây giờ là một nghề bất hợp pháp. Xích lô bị cấm chạy trong thành phố nhưng nếu không chạy thì lấy tiền đâu mua thuốc cho vợ, đong gạo cho con? 

Giọng nói ông như chùng lại: “Thôi thì đến đâu hay đến đó”. Cạnh ông, mỗi người mỗi cảnh không ai giống ai. Tất cả chỉ giống nhau ở một điểm: ai cũng nghèo. Họ đều là dân tứ xứ quy tụ về đây tìm kế sinh nhai. Những chiếc xích lô dưới trời đêm u buồn như chính thân phận họ...

Đường 3 Tháng 2 là con đường khá dài. Trên vỉa hè vào đêm khuya có nhiều buồn vui lẫn lộn. Chị bán cà phê khuya rộn rã tiếng cười khi khách ghé vào. Anh xe ôm tiu nghỉu khi bị một khách quỵt tiền trong đêm vắng. Những đứa bé lang thang không nhà, không mẹ cha lăn lóc trên vỉa hè... Tất cả tạo thành bức tranh chấm phá cho một góc khuất của thành phố về đêm.  
 


Những đứa trẻ mót cá ở chợ Bình Điền

Trụ vững trong sương gió

Thành phố có hai chợ đầu mối vào loại lớn nhất chuyên “trị” bóng đêm. 11 giờ đêm trở đi, chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Bình Điền (tọa lạc tại P7Q8) rộng 65ha mới tấp nập. Tổng lượng hàng hóa nhập về chợ bình quân 2.150 tấn/ngày đêm, giá trị giao dịch từ 82 - 87 tỉ đồng/đêm. Số nhân công làm việc cho 1.500 vựa ước tính khoảng 7.500 người. Những chiếc xe tải ra vào làm huyên náo cái vùng ven vốn yên tĩnh này. Hàng là tôm, cua, cá từ các tỉnh miền Tây được đưa về đây, xé lẻ xuống cho người mua đi xe máy đã túc trực sẵn để mang về chợ nội thành bán hoặc đưa vào trong sạp. Tiếng hò nhau khiêng hàng kéo dài tới tận sáng sớm. 

Chị Nga - một tiểu thương trong nhà lồng chợ - cho biết nhiều năm qua không chỉ người lớn mà đám nhỏ, thất học chuyên bán cà phê dạo, bánh mì nguội... cho ai có nhu cầu. Chúng hay giành mối, đánh nhau vì thức trắng đêm. Nhìn chúng, chị Nga nói: “Người lớn thức đêm cũng mệt mỏi lắm, huống hồ gì tụi nó”. 

Bên ly cà phê đá lạnh ngắt, anh Trần Thanh Tùng (35 tuổi, tài xế xe tải chở cá từ Tiền Giang) tâm sự: “Thức đêm hôm rồi cũng quen anh à. Tụi tui ăn lương theo chuyến do ông bà chủ quy định. Biết là cực nhưng không làm nghề này thì cũng không biết làm gì vì tụi tui đều bỏ học từ nhỏ”. Mồ hôi anh ướt sũng lưng áo, đầm đìa trên khuôn mặt giữa mùi tanh của tôm cá, cua, ghẹ. 
 


Nữ “pháo thủ” ở chợ Thủ Đức

Trong tranh tối tranh sáng nhập nhòe, chúng tôi thấy những người cửu vạn phong phanh chiếc áo thun. Anh Sơn (quê Trà Vinh) cho biết: “Trừ tiền thuê xe kéo 20 nghìn đồng, mỗi đêm tôi kiếm được 100 - 200 nghìn vì có mối quen, chứ người mới làm thì ít có người thuê lắm. Số tiền này cũng khá hơn công nhân mà chỉ làm buổi tối tới sáng, không phải làm cả ngày”. Trong chợ có 1.300 tiểu thương là các chủ vựa. Những ông chủ, bà chủ giỏi thức đêm. Một chủ vựa nói: “Thuyền to, sóng lớn. Có vựa mỗi tháng tốn 45 triệu đồng tiền nước. Tiền điện cũng gần bằng thế. Làm có lãi không dễ đâu. Vựa chúng tôi nhỏ, mỗi tháng chỉ tốn chục triệu tiền điện, chục triệu tiền nước”. Nhân công thuê chừng 200 nghìn đồng một đêm, có vựa cần tới 90 người, có vựa thuê 55 người. 

Rời chợ Bình Điền, chúng tôi về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Tại đây có rất nhiều phụ nữ vác hàng thuê mà mọi người hay gọi đùa là “phận pháo thủ”. Chị Nguyễn Thị Thủy (quê Tiền Giang) cho biết làm nghề khi mới 18 tuổi, chồng cũng là dân bốc xếp. Anh chị có hai con, đứa lớn 18 tuổi, đứa nhỏ 15 tuổi. Cả hai đều đang đi học. Nhiều hôm mệt mỏi muốn nghỉ nhưng trước áp lực tiền học, tiền ăn, tiền ở của gia đình nên chị phải cố sức làm. “Chúng tôi xa quê, làm công việc này chỉ với mong muốn dành dụm được những đồng tiền ít ỏi gửi về cho bố mẹ già ở quê", chị Nguyễn Thị Lý (quê Nghệ An) chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Dậu (quê Tiền Giang), đã hơn 40 năm gắn bó với nghề, kể lúc nhỏ theo cha từ dưới quê lên Sài Gòn mưu sinh. Hơn 10 tuổi, bà đã làm quen với nghề khuân vác ở chợ Cầu Muối (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1), mới đó mà đã sống với nghề gần trọn đời người. 

Kim đồng hồ chỉ 12 giờ đêm, chúng tôi trực chỉ Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh). Cứ vài chục phút lại có một chiếc xe từ các tỉnh miền Trung hay miền Đông về tới. Cánh xe ôm lại nhao nhao lên mời chào. Anh Tú, 42 tuổi, phân trần: “Từ giờ đến sáng sẽ có nhiều xe khách vào lắm, bọn tôi phải ra đây từ 1 giờ để chờ đến lượt, rồi lại chờ đến sáng mới có khách thuê vì giờ này không ai dám đi về nhà. Ngày trước ít taxi, rạng sáng là kiếm nhiều lượt đưa khách. Càng ngày, xe ôm trong và ngoài bến nhiều nên khách có nhiều sự lựa chọn hơn. Thu nhập của tui cũng giảm dần”. Nhấp một ngụm cà phê đắng, anh Tú mỏng manh một chiếc áo đồng phục và mong chờ cho những tia sáng dần lên.

Tại khu vực ga Sài Gòn (P9Q3), rất nhiều người không ngủ đêm vì thói quen công việc ở đây. Thấy một anh lái taxi vật vờ bên quán cóc, chúng tôi tấp xe vào. Sau một hồi hàn huyên, anh Thành - tên người tài xế taxi - tâm sự: “Tui nhận xe từ 10 giờ đêm cho tới 10 giờ đêm hôm sau thì trả xe cho người khác. Mỗi đêm cũng chạy hai, ba cuốc”. Khi mới vào nghề, có lần kẻ gian đóng vai khách lở đường gọi anh chở xuống tận TX.Dĩ An (Bình Dương). Khi tới nơi, chúng nhanh chân tung cửa thoát chạy. Anh Thành chạy theo nhưng không đuổi kịp, chỉ biết lẳng lặng lấy xe quay về. Gặp khách say xỉn, anh càng mệt hơn khi chúng giở trò chỉ qua chỉ lại rồi nôn thốc nôn tháo trên xe và ngày hôm đó, anh cầm chắc phần đói trong tay. Anh trở về nhà thất thểu sau một ngày đi làm đêm mệt mỏi. Khi tới nhà thì hai đứa nhỏ đã đi học. Rút kinh nghiệm những lần đó, khi trông thấy những vị khách khả nghi, bây giờ anh lại tìm cách thoái thác. 

Rời ga Sài Gòn, dọc các con đường trung tâm, nhiều bác xe ôm leo lên yên xe nằm ngủ. Họ khép tay trước ngực cho khỏi lạnh. Khi nghe thấy tiếng gọi là họ ngồi bật dậy, nổ máy, lao nhanh đến nơi.

 

Theo Báo Công an TPHCM