Ngày mai bầu Kiên còn bị cùm chân trước vành móng ngựa hay không?

08:04 | 19/05/2014

2,608 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đứng trước vành móng ngựa vào ngày 16/4/2014, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB) đề nghị luật sư kiến nghị Hội đồng xét xử không áp dụng biện pháp cùm chân đối với bản thân.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “Kinh doanh trái phép”; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”. Như vậy, bị cáo này phạm tội trong lĩnh vực quản lý kinh tế, không phải là tội phạm đặc biệt nguy hiểm và có tính chất côn đồ, hung hãn. Thế nhưng, trong quá trình dẫn giải và tại phiên tòa, bị cáo này lại bị lực lượng cảnh sát cùm chân. 

Hình ảnh bầu Kiên bước ra vành móng ngựa với sợi xích ràng chân đã gây nhiều tranh cãi. Dư luận cho rằng, bị cáo này không phải là tội phạm nguy hiểm, manh động, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho những người tham gia tố tụng mà bị cùm cả chân lẫn tay là quá đáng. Bầu Kiên là một doanh nhân, người có trí thức thì việc cùm chân có nên hay không...(?)

Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại phiên xử ngày 16/4/2014.

Dư luận là như vậy. Thế nhưng, luật pháp quy định như thế nào về việc này. Luật sư Hoàng Đôn Hùng (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên) cho biết, biện pháp xích chân bị cáo trong quá trình dẫn giải được áp dụng khi cần thiết và đối với các bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ hung hãn, manh động. Trường hợp của bầu Kiên là không cần thiết.

Còn theo nhiều chuyên gia, bất kể một bị cáo nào trong quá trình dẫn giải từ Nhà tạm giam đến hội trường xét xử đều phải sử dụng công cụ hỗ trợ dẫn giải (còng số 8) để còng tay hoặc cùm chân khi vận chuyển bằng xe chuyên dụng. Còng tay hay cùm chân bị cáo trong quá trình dẫn giải hay trước tòa không phải là hình phạt mà chỉ là biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình xét xử.  Đồng thời ngăn chặn và răn đe hành vi chống đối, quá khích, bảo vệ những người tiến hành tố tụng và những người tham gia phiên tòa.

Thực tế đã xảy ra các trường hợp bị cáo rượt đánh hội đồng xét xử, luật sư hoặc nhân chứng... gây náo loạn phiên tòa. Nếu không có biện pháp bảo vệ và ngăn chặn bị cáo như vậy, lỡ bị cáo liều mình tự vẫn, bỏ chạy, tấn công những người trong phiên tòa thì rất khó lường trước được hậu quả sẽ ra sao.

Trên đường dẫn giải từ Nhà tạm giam đến Hội trường xét xử, cảnh sát dẫn giải cùm chân hoặc còng tay bị cáo là việc làm cần thiết. Việc làm này nhằm đảm bảo an toàn và đưa phạm nhân đến nơi xét xử thuận lợi, tránh gặp sự cố trong suốt hành trình. Tuy nhiên, khi bước vào phiên xét xử, chủ tọa phiên tòa có quyền yêu cầu lực lượng cảnh sát tháo khóa tay, cùm chân nếu cần thiết. Bởi lẽ, khi tòa chưa tuyên án, thì người bị xét xử chưa thể coi là có tội. Tất nhiên, đối với những bị cáo có hành vi hung hãn, không chấp hành nội quy phiên tòa thì chủ tọa sẽ có những quyết định cần thiết, đảm bảo phiên xử được ổn định, nghiêm minh.

Thực tế cho thấy, tại một số phiên tại tòa hình sự của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội trước đây cũng đã xuất hiện hình ảnh cùm chân bị cáo trong suốt quá trình xét xử. Lý giải, một số cảnh sát dẫn giải cho biết, nhằm đảm bảo an toàn và luật cũng không cấm nên với một số trường hợp đặc biệt.

Thiết nghĩ, việc cùm chân hoặc còng tay bị cáo trong quá trình dẫn giải hoặc tại phiên tòa không chỉ do nhân thân xấu mà còn xuất phát từ hành vi nguy hiểm của bị cáo. Cần thiết phải cưỡng chế tại phiên tòa để đảm bảo an toàn cho những người tham gia tố tụng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để tránh lạm dụng, thiếu công bằng khi nơi này bị cáo ra tòa không bị còng tay cùm chân, nơi khác thì lại bị áp dụng, các cơ quan có thẩm quyền nên luật hóa vấn đề.

Thiên Minh