Nhìn lại bức tranh tổng thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài

19:00 | 30/03/2013

1,338 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sau 25 năm, bênh cạnh những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, cần thiết phải có sự thay đổi mạnh mẽ từ cơ chế, chính sách để bức tranh FDI sẽ chỉ là những gam màu sáng.

Bài 1: Những gam màu sáng - tối!

Với việc thu hút được 206,8 tỉ USD vào 14.095 dự án, đầu tư nước ngoài (FDI) chính là 1 trong những điểm sáng nổi bật nhất của đất nước trong những năm đổi mới.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển.

Theo đánh giá chung của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu thì, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Điểm lại những kết quả đã đạt được của khu vực đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Đào Quang Thu nhấn mạnh: Việc thu hút, sử dụng đầu tư nước ngoài thời gian qua cơ bản đã đáp ứng những mục tiêu đề ra về thu hút vốn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại. Điều này khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế.

Cũng theo Thứ trưởng Đào Quang Thu thì, đầu tư nước ngoài được đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng nhất góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư trong nước.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến tháng 8 năm 2012, cả nước có 14.095 dự án ĐTNN còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 206,8 tỉ USD, trong đó vốn thực hiện đã giải ngân được 97,4 tỉ USD (chiếm 47% vốn đăng ký).

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng được đánh giá là yếu tố vô cùng quan trọng làm thay đổi cán cân xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu của khu vực này cũng tăng mạnh qua các năm và đến năm 2012 đã chiếm tới 64% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đặc biệt, theo đánh giá tổng kết chung, khu vực đầu tư nước ngoài chính là cầu nối quan trọng đưa hàng hoá Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, xâm nhập những thị trường lớn, khó tính như Hoa Kỳ, EU,..

Ngoài ra, cũng theo Thứ trưởng Đào Quang Thu thì, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài cũng đang đóng góp tới 11,9% tổng thu ngân sách (18,7% tổng thu nội địa, trừ dầu thô). Bên cạnh đó, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài còn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá với 58,4% vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng với trình độ công nghệ cao hơn mặt bằng chung của cả nước.

Sự phát triển của khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài cũng góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động ở nước ta; là kênh chuyển giao công nghệ quan trọng, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, tạo thêm áp lực đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài những sau 25 hoạt động ở Việt Nam cũng được đánh giá là đã góp phần quan trọng đưa nước ta hội nhập quốc tế, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại,..

Tại Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Trong giai đoạn đầu mở cửa, đầu tư nước là giải pháp hữu hiệu góp phần đưa Việt Nam ra khỏi tình thế khó khăn của tình trạng bị bao vây, cấm vận; khẳng định xu thế mở cửa và quan điểm “Việt Nam muốn là bạn của các nước trong cộng đồng thế giới”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Mặc dù đầu tư nước ngoài đã đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, song việc thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu như kỳ vọng. Đó là tỷ lệ dự án sử dụng công nghệ cao còn thấp, chưa thu hút được công nghệ nguồn, tỷ lệ việc làm mới chưa cao. Tình trạng cấp Giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp với quy hoạch; chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề an ninh quốc gia; chưa chú ý đến hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản... còn diễn ra ở nhiều địa phương.

Những bất cập trên cũng được Thứ trưởng Đào Quang Thu phân tích khi cho rằng: Mục tiêu thu hút công nghệ (công nghệ cao và công nghệ nguồn), chuyển giao công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng khi có trên 80% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5 - 6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu; số lượng việc làm chưa tương xứng, đời sống người lao động chưa cao; hiệu ứng lan toả sang khu vực khác còn hạn chế; chưa đảm bảo tính bền vững, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, tài nguyên;...

Thanh Ngọc